Ly kỳ tận thấy rừng giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi cực quý hiếm ở Gia Lai
Ở xã Krong ( huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có một rừng giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sự tồn tại của quần thể giáng hương lớn nhất tỉnh Gia Lai này chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao. Dù vậy, việc canh giữ khu rừng còn nhiều nỗi gian truân.
Báu vật vô giá
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân lực lượng bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa mục sở thị rừng giáng hương cổ thụ ở xã Krong.
Phó Giám đốc phụ trách Công ty Nguyễn Thành Vinh thông tin: “Theo số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong lâm phần chúng tôi quản lý có 410 cây giáng hương. Tất cả cây gỗ hương ở đây đều mọc tự nhiên, trong đó rất nhiều cây có đường kính gốc hơn 1 m với tuổi thọ vài trăm năm…”.
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, số cây giáng hương này phân bố rải rác trên một dãy núi thuộc địa phận xã Krong, gồm 9 tiểu khu: 82, 83, 87, 89, 90, 92, 93, 94, 100. Nơi giáng hương tập trung nhiều nhất (150 cây) ở gần làng Vir, thuộc 3 tiểu khu 87, 89 và 90. Khu vực núi gần làng Hro có 40 cây, là quần thể giáng hương lớn thứ 2.
Một cây giáng hương cổ thụ. Ảnh: H.S
Vượt qua 3 km đường rừng, chúng tôi gặp cây giáng hương đầu tiên cao khoảng 30 m, thân thẳng, đường kính gốc khoảng 1 m. Mùa này, giáng hương rụng hết lá nên dễ nhận biết. Tiếp tục đi ngược lên núi, hai bên đường mòn, giáng hương nối nhau hiện ra.
Cây giáng hương nào cũng rụng hết lá, còn trơ thân, đường kính rất lớn, cao vài chục mét. Có cây to khoảng 4 người ôm, mọc chênh vênh bên vách núi tạo dáng bon sai đẹp mắt. Cũng có cây giáng hương bị rỗng một phần dưới gốc. Lại có cây bị các loại dây leo sống tầm gửi bám chằng chịt.
Nói về giá trị kinh tế của gỗ giáng hương, anh Đạt chia sẻ: “Gỗ giáng hương thuộc nhóm I, rất bền, ít nứt, vân gỗ đẹp, có mùi thơm. Tính theo giá thị trường, một cây gỗ hương cổ thụ như thế này phải mua bằng tiền tỷ. Tỉnh ta chỉ còn rừng giáng hương cổ thụ này thôi. Báu vật vô giá đấy”.
Tất cả những cây hương ở khu vực này đều mọc xen với các loại cây rừng khác. Chúng bám rễ sâu vào từng thớ đất Krong rồi đua nhau vươn lên không trung. Cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên biến mất khi đứng dưới những gốc giáng hương cổ thụ này.
Sau khi nghe ông Vinh giới thiệu sơ bộ về rừng giáng hương cổ thụ độc nhất ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi lựa chọn đến tham quan ở khu vực gần làng Vir và làng Hro. Làng Vir cách trung tâm xã Krong khoảng 8 km. Phương tiện lên núi là xe máy độ chế. Anh Lê Minh Nhật-Đội trưởng Đội bảo vệ rừng và anh Đỗ Khắc Đạt-thành viên của đội chở chúng tôi men theo con đường mòn lên núi.
“Đường khó đi lắm. Mùa nắng còn chạy xe máy được chứ mùa mưa thì chỉ đi bộ thôi. Mà chỉ có xe máy độ chế mới đi được”-anh Nhật cho hay.
Tại khu vực rừng ở gần làng Hro, hàng chục cây giáng hương cổ thụ như những mũi tên chĩa vào giữa trời xanh. Tất cả những cây gỗ hương này đều có thân thẳng tắp, gốc to khoảng 3-4 người ôm. Từ điểm cao nhìn xuống, giáng hương đang mùa thay lá, xen kẽ với màu lá xanh, vàng, đỏ của các loại cây rừng khác tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Video đang HOT
Chốt bảo vệ rừng Tơ Nang. M Ảnh: H.S
Trong cuộc mưu sinh của con người, biết bao cây rừng đã ngã xuống, giáng hương cũng không ngoại lệ. Một rừng giáng hương cổ thụ với 410 cây còn hiện hữu ở xã Krong chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao. Bởi ngoài việc góp phần điều hòa không khí, bảo tồn nguồn gen thì còn lưu giữ những giá trị lịch sử.
Krong từng là căn cứ địa của tỉnh trong thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Các thế hệ đi trước đã dựa vào rừng để chiến đấu giải phóng đất nước. Dù vô tri nhưng những cây giáng hương hàng trăm năm tuổi này vẫn là chứng nhân lịch sử. Rừng giáng hương này còn có tiềm năng về du lịch sinh thái.
Đổ máu giữ rừng
Giáng hương là loại gỗ quý được nhiều người săn lùng để xây dựng nhà cửa, gia công đồ nội thất. Bởi vậy, những năm gần đây, số lượng cây giáng hương trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng. Việc một rừng giáng hương trăm năm tuổi ở xã Krong còn tồn tại có công không nhỏ của lực lượng bảo vệ rừng dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Tại chốt Tơ Nang, 2 nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa và 16 hộ dân làng Vir nhận khoán thay nhau ăn ở để tuần tra bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, trong đó có 150 cây giáng hương cổ thụ. Ban ngày, họ thay phiên nhau tuần tra dưới tán rừng để xua đuổi kẻ gian có ý đồ cưa trộm cây.
Tối đến, họ qua đêm trong căn nhà tạm thưng tôn trên một ngọn núi. Võng là người bạn của lực lượng bảo vệ rừng trong những đêm như thế.
“Được như thế này là đỡ hơn nhiều rồi. Thời trước, anh em gác rừng phải ngủ trong lều bạt dựng tạm bợ. Dân nhận khoán thay nhau trực, chứ chúng tôi phải ở cả tuần trên này. Chúng tôi thường thay phiên nhau về nhà mang gạo lên nấu cơm, còn thức ăn thì ở rừng như: rau rừng, ếch, ốc…”-anh Nguyễn Văn Vũ-Chốt trưởng chốt Tơ Nang nói.
Một cây gỗ hương bị chết. Ảnh: H.S
Xách hai can nước từ suối Tăng Ko lên chốt, ông Đinh Klơ-một người dân nhận khoán ở làng Vir-bộc bạch: “Ở trên này thiếu thốn nhiều thứ. Tắm rửa, giặt giũ đều là nước suối. Đi gác rừng có thêm tiền nhưng lo lắm, chả đêm nào ngủ yên giấc. Kẻ xấu xâm hại một cây hương là muôn phần rắc rối”.
Cùng cảnh ngộ là những người gác rừng tại chốt số 4. Chốt này có 18 người đảm nhiệm việc canh giữ rừng và 40 cây giáng hương.
Chốt trưởng Võ Tiến Thành chia sẻ: “Anh em gác rừng vất vả lắm. Mùa mưa, chúng tôi toàn đi bộ canh rừng. Điện đóm không có, toàn phải đốt lửa. Ở trên núi cao, lạnh lắm, đêm nào cũng phải trở mình dậy đốt thêm lửa sưởi ấm. Ăn uống thì tạm bợ cho qua ngày”.
Một bữa cơm trưa ở chốt cùng lực lượng giữ rừng giúp chúng tôi hiểu hơn những khó khăn của họ. Nấu nướng bằng bếp củi, cơm nửa chín nửa sống do gió thổi mạnh khiến lửa không đều. Một nồi canh lõng bõng bằng lá bứa rừng. Thức ăn là nhái xào với hành khô. “Người ở phố thấy rau rừng, ếch nhái là đặc sản, chứ chúng tôi ăn miết, ngán lắm”-anh Nguyễn Hoàng Anh nói.
Lực lượng gác rừng trên chốt Tơ Nang gặp nhiều thiếu thốn. Ảnh: H.S
Máu đã đổ trên hành trình giữ rừng của lực lượng đảm trách nhiệm vụ trông coi báu vật của đại ngàn.
Vòng tay phải xoa xoa vai trái, anh Đạt trầm giọng: “Nghề này nguy hiểm mà vật dụng phòng thân chỉ là con dao hoặc một bình xịt hơi cay nhỏ xíu. Bản thân tôi mang thương tật trong lần tuần tra vào ngày 24-10-2017. Hôm đó, tôi đang đi tuần thì thấy Trần Văn Hải (trú tại thị trấn Kbang) chở 2 phiến gỗ giáng hương nên chặn bắt. Xin không được, Hải liền rút dao chém liên tiếp khiến tôi phải khâu gần 10 mũi. Hải sắp ra tù còn tôi mang thương tật suốt đời”.
Có giá trị kinh tế cao, rừng giáng hương cổ thụ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai luôn trong tầm ngắm của kẻ gian. Gần đây, 2 cây giáng hương cổ thụ có đường kính khoảng 1,2 m bị chết đứng. Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc và nhận định, 2 cây giáng hương này bị “bức tử”. Cụ thể, dưới gốc 2 cây giáng hương có dấu khoan, bị đốt gốc, tiêm thuốc.
Công an huyện Kbang đang thụ lý vụ án này và truy tìm các đối tượng liên quan. Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa cho biết thêm: “Lâm phần Công ty quản lý trải dài trên 4 xã với 7.800 ha, trong đó có rừng giáng hương. Ngoài thành lập 6 chốt giữ rừng với 9 địa điểm canh giữ cùng 1 đội cơ động, chúng tôi đã giao khoán gần 2.000 ha cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, gỗ hương có giá trị kinh tế cao và ở gần khu vực làm rẫy của dân, lâm phần rộng, trên địa bàn lại tập trung nhiều đối tượng bất hảo nên việc bảo vệ rất nan giải…”.
“Sơ sểnh một chút là cây giáng hương bị xâm hại ngay. Ngoài ra, gác rừng vất vả nhưng lương ít, sinh hoạt ở rừng thiếu thốn, lại thường bị lâm tặc đe dọa nên chả mấy người muốn làm công việc này. Chúng tôi mong UBND tỉnh phê duyệt phương án đã trình để triển khai các hoạt động và tuyển thêm nhân lực phục vụ công việc bảo vệ lâm phần nói chung, 410 cây giáng hương quý nói riêng”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa
Nắng, hạn tiếp tục gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hôm nay 8-5, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn cho nên ở phía tây Bắc Bộ .
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 36 đến 39oC, vùng núi Bắc Bộ có nơi hơn 39oC, vùng núi bắc và trung Trung Bộ có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày từ 40 đến 42oC; ở phía đông Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất từ 34 đến 37oC.
Nông dân xã Glar (Đăk Đoa, Gia Lai) nạo vét kênh mương để phòng, chống hạn cho cây lúa và cà-phê. Ảnh: ĐINH YẾN
Từ ngày 10-5, nắng nóng ở các khu vực trên dịu dần. Còn tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 37oC. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
Ngày 7-5, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn. Gần sáu tháng qua, Bình Thuận hầu như không có mưa. Nắng nóng kéo dài đã khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh giảm gần 15 nghìn héc-ta, hơn 25 nghìn hộ dân với gần 93 nghìn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Nắng nóng kéo dài khiến 30 hồ chứa nước của tỉnh Khánh Hòa chỉ còn tổng dung tích khoảng 96 triệu mét khối (bằng 39% dung tích thiết kế). Theo ngành nông nghiệp, các tháng tới, nếu không xuất hiện mưa thì tỉnh sẽ có gần 26 nghìn hộ dân với hơn 100 nghìn người bị thiếu nước sinh hoạt, do hệ thống hồ chứa nước giảm xuống còn 30% và lượng dòng chảy trên các sông suối cũng thiếu hụt từ 40 đến 60% so với cùng kỳ năm trước.
Nắng hạn kéo dài thời gian qua đã khiến hơn 1.902 ha cây trồng tại tỉnh Gia Lai bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, nắng hạn còn khiến 1.323 hộ tại huyện Đắk Pơ và Kbang thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra khoảng 40,656 tỷ đồng. Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương hỗ trợ bà con giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra...
Từ đầu mùa khô năm 2020 tới nay, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) có khoảng 1.200 ha cây trồng các loại như: lúa, ngô, hồ tiêu... bị khô hạn; trong đó, gần 300 ha bị mất trắng. Khoảng 1.100 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngành chức năng đã chi 300 triệu đồng để xây dựng sáu công trình nước sạch; đồng thời, yêu cầu người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Trưa 7-5, tại xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 3 ha keo lai của sáu hộ dân. Sau một giờ, đám cháy rừng đã được dập tắt hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do người dân đốt thực bì cháy lan ra các rẫy keo chung quanh.
Tổng cục Thủy sản cho biết, khoảng 10 nghìn tàu cá dài 15 đến 24 m chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, có nguy cơ phải nằm bờ. Hiện các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... đạt tỷ lệ lắp đặt 90% trở lên. Trong khi đó, các địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Trà Vinh, Bạc Liêu... mới đạt tỷ lệ 20 đến 30%.
Hiện, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hơn 1.100 tàu cá trong tổng số 3.175 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Phần lớn các tàu đều đạt loại B, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm.
Khoảng 7 giờ ngày 7-5, tuyến đường giao thông Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc qua khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã bị sụt lún nghiêm trọng. Vị trí sụt lún có chiều dài khoảng 50 m, rộng khoảng 10 m và sâu từ 1,5 đến 2,2 m. Ngay sau khi sụt lún xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tiến hành rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và điều tiết bảo đảm an toàn giao thông.
Chiều 5-5, cũng xảy ra một vụ sụt lún khác trên tuyến ô-tô về xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), dài gần 60 m, rộng khoảng 5 m và sâu khoảng 2 m.
Cùng ngày 7-5, tỉnh Cà Mau đã thống nhất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 hỗ trợ ngân sách huyện Trần Văn Thời 15 tỷ đồng để khắc phục sụt lún, sạt lở đất. Trước đó, Cà Mau đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục khẩn cấp với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 1.690 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các dự án cấp bách khắc phục thiệt hại do hạn hán, mùa khô 2020 là 300 tỷ đồng.
Những ngày qua, người nuôi nghêu trên sông Trường Giang ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) vô cùng lo lắng khi nghêu bất ngờ chết hàng loạt. Đến nay, có hàng chục tấn nghêu bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngành chức năng đã lấy mẫu kiểm tra, bước đầu nguyên nhân được cho là do vi-rút và môi trường ô nhiễm.
Chiều 7-5, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết, đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra vụ lâm tặc mở đường vào chặt phá rừng phòng hộ giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa. Khu vực rừng này là rừng có chức năng phòng hộ phía thượng nguồn hồ thủy điện Sông Hinh. Vụ việc được phát hiện cách đây hơn một tháng, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số người đã tự mở đường đi sâu vào bên khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy điện Sông Hinh, làm lán trại ăn ở tại chỗ để chặt phá, vận chuyển một khối lượng gỗ lớn đưa ra ngoài. Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30 cm đến 40 cm; cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50 cm đến 60 cm. Khu vực rừng này do Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa và Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh phối hợp Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Hòa và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý, bảo vệ. Khi lực lượng bảo vệ rừng tuần tra thì phát hiện rừng đã bị lâm tặc đốn hạ. Hiện khối lượng gỗ bị thiệt hại chưa kiểm đếm được.
Ngày 7-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận 200 thiết bị lọc, xử lý nước LifeStraw (do Thụy Sĩ sản xuất) từ Chương trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và các nhà tài trợ, nhà hảo tâm gồm: Tập đoàn Masan, Tập đoàn Doji, Công ty cổ phần Na No Phạm Gia và một gia đình tại Hà Nội trao tặng người dân tại tỉnh Sóc Trăng. Các thiết bị lọc, xử lý nước sẽ được bàn giao tặng hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng hạn mặn tại hai huyện Long Phú và Cù Lao Dung, nơi hứng chịu nặng nề do hạn mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hiện, tỉnh Sóc Trăng có hơn 26 nghìn hộ dân nông thôn thiếu nước ngọt sinh hoạt và là một trong tám tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt hạn, mặn năm nay.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 1523/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tham gia Hợp phần 1- dự án do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thực hiện năm 2020-2021 tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, có 573 hộ ở các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa được hỗ trợ mỗi hộ 1.700 USD từ nguồn vốn ODA để xây dựng 500 ngôi nhà ở phòng, tránh bão, lụt trong năm 2020 và 73 ngôi nhà ở trong năm sau đó.
Thêm một vụ khai thác trái phép rừng pơ-mu lớn ở Đắk Lắk
Ngày 7-5, Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho biết, đơn vị vừa nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về vụ việc khai thác trái phép gỗ pơ-mu (thuộc nhóm IIA) xảy ra tại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông nằm tại huyện Krông Bông.
Theo đó, từ ngày 9 đến 12-4, trong quá trình tuần tra, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, tiểu khu 1219 có một số đối tượng đang khai thác gỗ trái phép, khi bị phát hiện các đối tượng đã chạy trốn vào rừng cho nên không bắt giữ được. Lực lượng tuần tra đã mở rộng kiểm tra tại các lô 8, 9, 11, 13 khoảnh 4 tiểu khu 1219 thì phát hiện có 19 cây gỗ pơ-mu bị cưa hạ. Qua kiểm tra ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219 m3. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông đã ban hành quyết định trưng cầu giám định các nội dung về khối lượng, chủng loại gỗ, vị trí khai thác, loại rừng... để hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Làm homestay ở bản làng Chuyện anh Đinh A Ngưi (37 tuổi) ở xã Kông Lơng Khơng, H.Kbang (Gia Lai) đi tiên phong ở Gia Lai làm homestay đang là một điển hình về mô hình khởi nghiệp thành công từ những vùng bản địa xa xôi, khốn khó. A Ngưi biểu diễn đàn tơ rưng phục vụ du khách - T.H Đang trong dịch Covid-19 nên homestay...