Lý giải thú vị: Vì sao người Việt tò mò?
Từ tâm lý về những cái chết “ không bình thường” như ngã cây, đuối nước, đột tử… khiến người Việt tò mò hơn khi gặp hoàn cảnh cụ thể.
Ra đường, thấy vụ tai nạn thì xúm đông xúm đỏ vào xem, thậm chí “quên” cả việc đưa người bị nạn đi cấp cứu. Trong một tập thể, có khi “bằng mặt nhưng không bằng lòng” song chỉ cần một người đứng lên nói xấu người khác thì ngay lập tức sẽ có người hùa theo… Đó là những biểu hiện sinh động của thói tò mò, tâm lý đám đông khiến người Việt “không lẫn vào đâu được”, theo cách nói của ThS Trần Văn Phương, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy văn hóa.
Tâm lý đám đông vì sợ mang tiếng không biết gì
Đề cập đến thói tính cách làm người Việt trở nên xấu xí, ThS Trần Văn Phương cho rằng, những tính cách tạm gọi là không tốt thì ở quốc gia, dân tộc nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam, đáng lo ngại là nó trở thành nếp sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn, từ già đến trẻ, từ dân thường đến quan chức… Điểm mặt chuỗi tính cách “xấu xí” ấy, ThS Trần Văn Phương đã gọi tên đầu tiên là tính tò mò, hiếu kỳ, tâm lý đám đông.
Kể ra những biểu hiện của tính này, ông Phương xua tay: “Nhiều lắm!”. Đến nỗi, “ở đâu cũng bắt gặp”. Một vụ tai nạn ngoài đường đủ sức kéo hàng chục người dừng lại… xem. Một vụ cãi nhau ngoài chợ khiến già trẻ xúm lại. Thậm chí, chỉ một nhóm người tụ tập, dù chưa biết là chuyện gì cũng đủ sức níu chân bao người qua lại tiến đến mục sở thị cho kỳ được, với tâm lý biết đâu lại có gì hay…
“Bây giờ, vào quán cà phê, hàng ăn nào cũng dễ dàng nghe được câu chuyện bóng đá, nhất là khi đêm qua có một trận cầu kinh điển hay đang diễn ra giải đấu lớn nào đó. Vẫn biết, bóng đá là môn thể thao vua, được nhiều người yêu thích. Nhưng chắc chắn trong số những người bàn luận bóng đá ấy sẽ có những người chẳng thiết tha với nó lắm, nhưng vẫn nói hùa theo. Bởi tâm lý không nói thì sẽ bị mang tiếng là không biết gì, đàn ông nam nhi ai lại không xem, không thích bóng đá. Đấy cũng là một trong vô vàn biểu hiện của tâm lý đám đông”, ông Phương nói.
Ảnh minh họa.
Vì sao người Việt tò mò?
Trả lời cho câu hỏi này, ThS Trần Văn Phương cho rằng, tò mò là một trong những bản tính của con người. Thế nhưng, ở mỗi dân tộc, quốc gia và tự thân mỗi người thì cấp độ tò mò lại có sự khác nhau.
“Trước kia, khi chưa mở cửa hội nhập thì có thể coi đây là một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt và cảm thấy bình thường, nhưng giờ hội nhập thì có sự so sánh văn hóa giữa các quốc gia. Mà đã là văn hóa thì chỉ nói khác nhau chứ không có chuyện hơn kém, song cũng có thể biết được mình đang ở vị trí nào. Rõ ràng, tò mò, tâm lý đám đông so với các nước khác thì thấy nó không đẹp”, ông nói.
Phân tích về sự “không đẹp” này, ông Phương dẫn giải: Biểu hiện là anh không có chính kiến, không có lập trường, “té nước theo mưa”, “nước nổi bèo nổi”. Điều này có thể lý giải là do cơ cấu xã hội, tổ chức xã hội của ta thì đơn vị làng là cơ sở. Tâm lý chung của làng đã được tổng kết rồi, đó là tâm lý a dua, bản vị, cục bộ, “hòa cả làng”. Dĩ nhiên, nó cũng có mặt tốt là “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng lại sinh ra thói hay để ý, thích soi vào chuyện của người khác, sinh ra tò mò. Sau này, dù có ra đô thị sống thì gốc gác nông thôn khiến người ta khó mà bỏ được tâm lý ngàn đời ấy.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tính tò mò của người Việt được ông Phương chỉ ra là do xã hội chậm phát triển. “Ở phương Tây hay các nước phát triển thì cái gì cũng có, cái gì cũng xảy ra và họ có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn. Vì thế, khi họ bắt gặp hiện tượng, sự việc nào đó, chẳng hạn như vụ tai nạn giao thông thì họ không lấy gì làm ngạc nhiên như Việt Nam. Còn ở ta thì ngược lại. Do đi lên từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, phương tiện giao thông ngày xưa thì chỉ có đi bộ, đi xe ngựa nên làm gì có những vụ tai nạn lớn. Sau này, chúng ta dần có xe đạp, rồi xe máy, ô tô, vụ tai nạn cũng tăng lên nên khiến người ta tò mò. Hay chuyện ở nước ngoài, xe ô tô cả chục tỷ đồng là chuyện bình thường, nhưng ở Việt Nam thì đó là điều lạ vì ít người có được”, ông Phương lý giải.
Ngoài ra, chính yếu tố văn hóa cũng làm tăng tính tò mò của người Việt. Ông Phương chỉ ra rằng, xưa, người ta quan niệm những cái chết trận, chết vì bệnh mới là bình thường, còn chết vì bất cứ lý do nào như ngã cây, đuối nước, đột tử… là cái chết không bình thường. Họ lo sợ có một thế lực siêu nhiên nào đó đã “bắt” người ta đi nên lo thờ cúng chu đáo. Từ tâm lý về những cái chết “không bình thường” ấy cũng khiến người Việt tò mò hơn khi gặp hoàn cảnh cụ thể.
Video đang HOT
Một nguyên nhân quan trọng khác cũng làm cho tính tò mò của người Việt được đẩy lên cao, ấy là do quản lý xã hội vẫn thiếu sự công khai, minh bạch, gây mập mờ. Chẳng hạn, một vụ án tham nhũng vừa được phanh phui, người ta sẽ đặt câu hỏi: Vì sao kẻ tham nhũng ấy có thể dễ dàng qua mặt pháp luật đến thế? Có ai “chống lưng” cho nó không? Đồng phạm của nó là những ai?… Hay khi có một quyết định được cho là gây bất lợi cho người dân như việc đẩy giá xăng tăng, người ta cũng sẽ tò mò rằng tập đoàn xăng dầu sẽ lãi được bao nhiêu tiền, tiền đó vào đâu…
ThS Trần Văn Phương: Tính tò mò, tâm lý đám đông kéo lùi sự phát triển của người Việt.
Kéo lùi sự phát triển
Ông Phương chỉ ra, chính vì tính tò mò, tâm lý đám đông, không có chính kiến riêng, sống theo kiểu “hòa cả làng”, “nước nổi bèo nổi”, “chết cả đống còn hơn sống một mình” đã kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của người Việt.
“Người Việt không muốn ai hơn mình, nhưng cũng không muốn phải sống khác tập thể, chẳng hạn cả làng nói ngọng, mình nhận thấy làng bên cạnh nói chuẩn và học theo thì lập tức sẽ bị dị nghị, tẩy chay, thôi thì “hòa cả làng” cho êm chuyện. Thành thử, nói ngọng thì vẫn mãi nói ngọng. Rõ ràng như thế là chậm phát triển đấy chứ”, ông Phương nói.
Tâm lý đám đông khiến người Việt không có chính kiến riêng mà tôn trọng tập thể, đề cao tập thể. Vậy nên, rất dễ hiểu khi làm sai việc gì thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả, vì đó là… trách nhiệm của tập thể. Như vậy bản sắc, dấu ấn của mỗi cá nhân cũng nhạt nhòa, kìm hãm sức sáng tạo.
Muốn xóa bỏ tính tò mò, tâm lý đám đông, theo ông Phương phải làm nhiều việc, từ tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi. “Trong đó, quản lý xã hội phải đảm bảo công khai, minh bạch thì cũng hạn chế được phần nào đặc tính này”, ông Phương nhấn mạnh.
“Do chúng ta tiếp cận văn minh đô thị không đầy đủ, không có hệ thống, không toàn diện nên đã có những cách ứng xử thái quá, thậm chí là cực đoan. Người ta nhận ra rằng, thói tò mò, soi xét của nhau là xấu, mang đặc trưng của nông dân. Vậy nên khi sống ở đô thị, mong muốn thoát khỏi cái bóng nông dân để trở thành người đô thị khiến người ta chuyển sang thái cực: có khi sống với hàng xóm cả đời mà không biết tên nhau, không thèm quan tâm tới nhau”. ThS Trần Văn Phương
Theo Kiến thức
Chờ 'tiền lệ', bao giờ mới có ô tô, điện thoại
Khoa học phát triển là nhờ những thứ "không có tiền lệ". Nếu chờ "tiền lệ," liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?
Vào một ngày đầy gió, có hai anh em làm nghề bán xe đạp đem chiếc máy bay tự chế đi thử nghiệm. Giữa đám đông đang phấn khích chờ đợi, chợt một quan chức đến thông báo cấm bay, lập biên bản, và yêu cầu tháo gỡ tất cả bộ phận máy móc. Lý do là bởi hoạt động này quá mới, chưa có tiền lệ, và cơ quan chức năng không biết quản lý ra sao.
Nếu họ ở Việt Nam?
Nếu điều đó là sự thật, thì có lẽ đến bây giờ thế giới vẫn bị chia cắt bởi địa lý xa xôi, Neil Amstrong vẫn chưa đặt chân lên mặt trăng, và trên tất cả giấc mơ bay lượn của loài người vẫn chưa là sự thật.
May mắn thay, không có lệnh cấm nào cả. Thay vào đó, anh em nhà Wright được cấp một nơi bay thử riêng, được quyền tự do chế tác máy bay, và cuối cùng là ký hợp đồng sáng chế với quân đội Hoa Kỳ. Phần còn lại là lịch sử.
Nhưng nếu họ ở Việt Nam đúng 100 năm sau, 2014, thì số phận của chiếc máy bay đầu tiên có lẽ không khác nhiều so với chiếc trực thăng tự chế của anh Nguyễn Văn Thắng, một người thợ cơ khí ở Long Biên, Hà Nội.
Sau thông tin anh Thắng tự chế máy bay được biết tới rộng rãi, bộ nọ đã liên hệ và yêu cầu anh không nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm trực thăng, đồng thời cấm bay và phải giữ nguyên hiện vật. Công an phường Long Biên sau đó lập biên bản, bắt anh tháo gỡ toàn bộ máy móc.
Chuyện tương tự cũng diễn ra với ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, người vừa mới chế tạo chiếc tàu ngầm dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Thử nghiệm ban đầu cho thấy chiếc tàu hoạt động tốt, nhưng mong muốn đưa ra biển chạy thử đang vấp phải nhiều rào cản, do cơ quan chức năng không biết xử lý thế nào vì "chưa có tiền lệ".
Một vài mẩu chuyện về "vượt rào" sáng tạo của người dân cho thấy có một ý tưởng lạ lùng và quyết tâm thực hiện đến cùng ở Việt Nam không phải là điều đơn giản.
Tàu ngầm Trường Sa 1 của ông Nguyễn Quốc Hòa. Ảnh: TTO Ai được quyền sáng tạo?
Về lý thuyết, Việt Nam có đầy đủ khuôn khổ hỗ trợ sáng tạo.
Chúng ta có Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC), được thành lập dựa trên vốn nhà nước. Có Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền sáng chế. Lại có rất nhiều các cuộc thi, giải thưởng hàng năm, để tôn vinh "sáng tạo." Nhà nước mong muốn các cơ chế đó thúc đẩy sự phát triển công nghệkỹ thuật ở Việt Nam.
Vậy nhưng kết quả vẫn không được như ý muốn: Từ trước đến nay, nhiều người thấy phiền lòng vì Việt Nam chưa hề có những phát minh, cải tiến nào thực sự lớn. Xét về mặt kinh tế, các ngành công nghệ cao chưa phát triển. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là nông nghiệp hoặc gia công. Năm vừa rồi xuất khẩu điện thoại có giá trị cao nhất, nhưng đó là sản phẩm của Samsung lắp ráp tại... Việt Nam.
Xét về đường lối, chúng ta đang đi đúng hướng, bởi sáng tạo luôn là động lực chính cho sự phát triển. Đế chế Anh từng thống trị được cả thế giới nhờ động cơ hơi nước, phát minh của James Watt. Hoa Kỳ, từ một quốc gia non trẻ trở thành cường quốc kinh tế, bắt đầu từ những sáng chế của Edison hay Samuel Morse.
Đến gần đây, "Thần kỳ Đông Á" với sự phát triển kinh tế vượt bậc của Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan cuối thế kỷ XX cũng xuất phát từ quyết tâm học tập và cải tiến công nghệ.
Là nước đi sau, yêu cầu sáng tạo của Việt Nam lại càng lớn hơn các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang bị lẫn lộn vai trò của nhà nước trong quá trình đó. Thay vì chỉ giữ chức năng bảo hộ, ở Việt Nam, nhà nước đảm nhiệm luôn vai trò "chỉ đạo," quyết định cái gì nên chế tác, cái gì không. Điều đó sẽ làm cản trở sự sáng tạo, thay vì thúc đẩy nó như mong muốn.
Bởi sáng tạo trước hết vẫn khởi nguồn từ cá nhân, trong đó niềm đam mê đóng vai trò quyết định.
Nhà nước có thể thành lập một hội đồng khoa học, một trung tâm nghiên cứu với đầy đủ vật chất, nhưng không thể ban hành nghị định yêu cầu ai đó phải đam mê tìm tòi. Nhiệm vụ của Nhà nước, vì thế, chỉ nên giới hạn ở việc tạo ra môi trường tích cực, khuyến khích tất cả các cá nhân tự do suy nghĩ và khám phá. Sáng tạo là quá trình từ dưới lên chứ rất khó để thực hiện từ trên xuống.
Chiếu theo quá trình đó, thì chúng ta đang đi lộn ngược. Rất nhiều các đề án khoa học được đề ra, thực hiện, bổ sung ngân sách, rồi lại xếp gọn trong ngăn kéo. Việt Nam có đến hơn 24 nghìn tiến sĩ, nhiều nhất về số lượng ở ASEAN, nhưng lại có số kết quả nghiên cứu thấp nhất. Trong khi đó những cải tiến, phát minh mang tính thực tiễn từ "cơ sở" lại không được đầu tư, coi trọng bởi vì không phải "trọng điểm."
Những ý tưởng bị coi là "quái gở," hoặc không có "tiền lệ" như làm máy bay hay tàu ngầm thì bị cấm đoán, không khuyến khích.
Có chỉ đạo được sáng tạo?
Nhưng khoa học phát triển là nhờ những thứ "không có tiền lệ". Nếu chờ "tiền lệ," liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?
Và liệu có ai đủ khả năng để nhận định một ý tưởng là "gàn dở" hay là bước đột phá quan trọng?
Cùng thời gian máy bay và tàu ngầm tự chế của Việt Nam bị cơ quan chức năng xử lý, ở nước Anh, một cậu bé 13 tuổi đã thử nghiệm thành công phản ứng hạt nhân. Cậu được hỗ trợ tài chính, và cho phép tạo ra một lò phản ứng tự chế trong trường. Dễ tưởng tượng ý tưởng của cậu sẽ có số phận như thế nào ở nước ta.
Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy sáng tạo. Thực tế cho thấy nhiều phát minh quan trọng của nhân loại ít nhiều có đóng góp của Nhà nước hay quân đội, ví dụ gần đây nhất là sự ra đời của máy tính và mạng internet.
Chính sách đúng đắn của các chính phủ ở các quốc gia cũng là nhân tố quyết định để chuyển hóa nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghệ cao chỉ trong vài thập kỷ. Có thể thấy như ở Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên, các nước nói trên nhìn chung chỉ nỗ lực tạo ra môi trường phù hợp để sáng tạo từ đó nảy mầm, thay vì cưỡng ép, thúc đẩy bằng mệnh lệnh hành chính. Và không quốc gia nào cấm đoán người dân nghiên cứu chế tạo sản phẩm không gây hại cho xã hội. Ngay cả Trung Quốc, nước nổi tiếng về tính kỷ luật, gần đây cũng cho phép một người nông dân thử nghiệm chiếc máy bay tự chế ở Sâm Châu, Hồ Nam, với điều kiện nó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nhiều ý kiến cho rằng sự can thiệp của Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động sáng tạo phát triển có định hướng và phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng ranh giới can thiệp để "hỗ trợ" hay "hạn chế" là rất mong manh. Và nhiều khi sự nhiệt tình thái quá cộng với thiếu hiểu biết dễ trở thành phá hoại.
Sự can thiệp quá mức dễ làm mất đi thành tố quan trọng nhất của sáng tạo: Sự tự do. Người phát minh, sáng chế có thể không cần hỗ trợ tài chính, nhưng tự do là điều kiện tiên quyết. Muốn loài chim bay lên, phải cho nó bầu trời.
Khắc Giang
Bài cùng tác giả: Thờ ơ nhìn người bị nạn, xúm vào xem đánh nhau Sự bàng quan, "sống tạm" gây nên thói vô cảm, thấy người gặp nạn thì thờ ơ, nhưng thấy đám đánh nhau thì xúm vào... xem. Nếu Kennedy còn sống, chiến tranh Việt Nam sẽ khác? Nửa thế kỉ sau ngày vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều giả thuyết cho rằng John F. Kennedy đã có ý định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Di sản Mandela: Hòa bình không chỉ xây bằng xương máu Di sản đáng quý nhất để của Nelson Mandela là bài học về sự khoan dung để thống nhất một dân tộc bị chia rẽ.
Theo_VietNamNet
Hi vọng mới cho những gia đình sinh con bất thường Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) làm giảm nỗi lo sinh ra những em bé không bình thường bằng cách loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ mang lại niềm hi vọng cho những gia đình có tiền sử sinh...