Lý giải hàng loạt sai phạm ở “lò sản xuất tiến sĩ”
Thanh tra Bộ GD ĐT vừa công bố kết luận trong đó chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Học viện Khoa học xã hội trong việc đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Có thời điểm tháng 12.2016, “lò” này đã “ấp” tới 3.595 tiến sĩ và thạc sĩ; có giảng viên được giao hướng dẫn 44 người tại 1 thời điểm…
Trước kết luận này, lãnh đạo học viện đã có văn bản giải trình số 254/HVKHXH đưa ra nhiều lý do dẫn đến sai phạm.
Theo đó, đối với vi phạm về việc phân công người hướng dẫn các nghiên cứu sinh không cùng chuyên ngành với nguyên cứu sinh; số lượng nghiên cứu sinh đang hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định tại điều 25 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, lãnh đạo đơn vị này giải thích là do: “Hiện có những chuyên ngành lần đầu tiên đào tạo ở Việt Nam nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhưng số lượng nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực đó không nhiều nên trong một số trường hợp người hướng dẫn khoa học đã vượt quá số lượng nghiên cứu sinh, học viên cao học được phép hướng dẫn”.
Phát hiện nhiều sai phạm trong đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viên Khoa học xã hội (ảnh minh họa: IT)
Cũng theo giải trình này, ngay từ tháng 9.2016, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đã phát hiện vấn đề trên và kịp thời chấn chỉnh. Kể từ đợt 2 năm 2016 đến nay, Học viện đã thực hiện nghiêm túc các quy định về cử người hướng dẫn khoa học trong tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ theo đúng quy định trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD ĐT.
Về vi phạm trong việc tổ chức thi tuyển ngoài trụ sở chính (tại TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng) khi chưa được phép của Bộ GD ĐT, lãnh đạo Học viện giải thích rằng: Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 35/QĐ – TTg, Học viện đã tiếp nhận công tác đào tạo sau đại học của 17 viện nghiên cứu đã được giao đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ từ trước đây ở các địa điểm tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, TP.Buôn Mê Thuột và quản lý thống nhất về công tác đào tạo của các cơ sở này.
Cũng theo giải thích của lãnh đạo Học viện, sau khi Luật Giáo dục ĐH 2012 được ban hành, Học viện đã báo cáo với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc thành lập phân hiệu của học viện tại các địa điểm đã và đang tổ chức đào tạo sau ĐH. Đồng tời Học viện đã báo cáo Bộ GD ĐT.
Video đang HOT
Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện cũng thừa nhận “Sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót trong hoạt động đào tạo tại Học viện trong thời gian tới”.
Kết luận thanh tra về những sai phạm của “lò đào tạo tiến sĩ” (Ảnh chụp văn bản)
Trước đó, trong kết luận thanh tra về những sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD ĐT đã đưa ra hàng loạt các sai phạm của đơn vị này như: Xác định chỉ tiêu không đúng, tổ chức tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ sai quy chế, chương trình đào tạo tiến sĩ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu…
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Bộ GD ĐT, năm 2017, Học viện tự kê khai có 21 giáo sư, 184 phó giáo sư, 249 tiến sĩ và đăng ký chỉ tiêu trình độ tiến sĩ là 450, trình độ thạc sĩ là 1.740. Nhưng qua kiểm tra số chỉ tiêu tự xác định của Học viện cho thấy đều vượt năng lực.
Về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, Thanh tra Bộ GD ĐT kết luận nội dung thông báo tuyển sinh của Học viện thiếu thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định. Có nhiều trường hợp đã được Học viện xác định là ngành gần và được phép học bổ sung kiến thức để dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ, không thuộc khối ngành quản trị, quản lý theo đúng quy định.
Kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá số lượng quy định. Tại một thời điểm có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên gồm 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội. Có người được giao hướng dẫn 18, 11, 10 hoặc 9 người.
Ngoài trụ sở chính, hiện Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ tại các cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh; cơ sở tại TP.Đà Nẵng; cơ sở tại Đắk Lắk vi phạm quy định… Dù nhiều thiếu sót như vậy nhưng mỗi năm Học viện cho ra lò hàng ngàn thạc sĩ. Đơn vị này được mệnh danh là “lò đào tạo, lò ấp tiến sĩ siêu khủng” ở Việt Nam.
Theo Danviet
Quảng Trị: 4 năm "trải thảm", nhân tài vẫn ngoảnh mặt
4 năm trước Quảng Trị đã ra nghị quyết, đưa ra những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút nhân tài nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được bất kì vị giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ nào.
Tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 (ngày 23.5) ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2013 Quảng Trị đã ra nghị quyết với những chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực chất lượng cao nhưng cho đến thời điểm này chưa thu hút được bất kì vị giáo sư, phó giáo hay tiến sĩ nào.
Tỉnh Quảng Trị chưa thu hút được bất kì giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nào. Ảnh: Ngọc Vũ
Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này Quảng Trị cần phải nhắc lại, sửa đổi, bổ sung để nếu có một vị giáo sư nào đó có nhu cầu về tỉnh làm việc thì sẽ không bị lúng túng.
"Chúng ta vẫn hi vọng có một số trường hợp như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học về công tác tại các sở cần chuyên môn sâu như sở khoa học công nghệ nhằm giúp cho ngành đó phát triển" - ông Chính nói.
Ông Chính cũng cho biết, thực hiện chính sách thu hút nhân lực năm 2013, Quảng Trị đã tuyển được 58 đối tượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ, đại học loại giỏi ở trong và ngoài nước ngoài nhưng rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng như trong nghị quyết.
Quảng Trị đang khao khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Chính thông tin thêm, trước đây tỉnh có nghị quyết từ năm 2013-2020 thực hiện chính sách tạo nguồn nhân lực thông qua việc hợp đồng khoảng 500 - 550 sinh viên tốt nghiệp sau đại học và tốt nghiệp đại học loại giỏi của các trường đại học có chất lượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp lần này UBND tỉnh đề nghị bỏ mục tiêu này vì thấy không hợp lý.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị HĐND tỉnh này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12/2013/NQ - HĐND ngày 31.5.2013 của HĐND tỉnh.
Tại tờ trình, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được thu hút từ nơi khác đến công tác tại tỉnh.
Cụ thể hỗ trợ một lần sau khi tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị đối với từng trường hợp cụ thể: Giáo sư; giáo sư - tiến sĩ hỗ trợ 200 lần hệ số 1 mức lương cơ sở; phó giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ hỗ trợ 150 lần; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II 80 lần; thạc sĩ có chuyên ngành đào tạo cùng với chuyên ngành tốt nghiệp đại học, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú 60 lần; bác sĩ 30 lần...
Các trường hợp tuyển dụng đặc biệt, đặc cách như tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài hỗ trợ 50 lần hệ số 1 mức lương cơ sở; hỗ trợ 40 lần mức lương cơ sở với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II tốt nghiệp ở trong nước... Với đối tượng tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài được hỗ trợ 30 lần; tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học công lập trong nước có điểm thi vào đại học đạt từ 20 điểm trở lên được hỗ trợ 20 lần...
Các đối tượng được thu hút, hỗ trợ phải có đơn cam kết công tác tại tỉnh Quảng Trị tối thiểu 10 năm. Nếu trong thời gian cam kết tự ý bỏ việc, xin chuyển công tác đến cơ quan đơn vị khác ngoài tỉnh,... thì phải bồi hoàn lại kinh phí tỉnh đã hỗ trợ.
Theo Danviet
Người chuyên hiến kế giúp nông dân vựa lúa Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) là người có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ trước Quốc hội cũng như trả lời phỏng vấn báo chí. Qua những lần tâm sự cùng ông, tôi còn khám phá ra nhiều câu chuyện thú vị về...