Lý do ‘Squid Game’ bị đem ra so sánh với ‘Alice in Borderland’
“Squid Game” và “ Alice in Borderland” là những TV series thể loại trò chơi sinh tồn ăn khách trên nền tảng trực tuyến một năm qua.
Squid Game là TV series gồm 9 tập đến từ Hàn Quốc. Ra mắt trên nền tảng xem video trực tuyến Netflix hồi trung tuần tháng 9, tới nay, tác phẩm đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Phim xoay quanh nhóm người dưới đáy xã hội được chiêu mộ cho một trò chơi sinh tồn tàn bạo và quái đản. Kẻ sống sót sau cùng sẽ được nhận một khoản tiền thưởng khổng lồ đủ giúp họ đổi đời.
Một nhóm người không quen biết mắc kẹt trong không gian xa lạ, đầy rẫy hiểm nguy với cơ chế vận hành không ai biết trước, buộc phải liên minh hoặc tiêu diệt lẫn nhau để thoát ra là dàn bài kinh điển của dòng phim sinh tồn. Squid Game cũng tuân theo luật chơi thể loại này. Phim không tránh khỏi bị mổ xẻ, bóc tách khi đặt cạnh Alice in Borderland – tác phẩm khác cùng thể loại.
Bài toán của Netflix
Alice in Borderland là phép thử từ Netflix với nhu cầu của khán giả thị trường châu Á về đề tài giải đố, sinh tồn. Trước Alice in Borderland , Nhật Bản đã nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm dạng này như Battle Royale (2000), TV series Liar Game (2007), As the Gods Will (2014)… Và ông lớn của ngành dịch vụ xem video trực tuyến đã “tra chìa đúng ổ”.
TV series Alice in Borderland chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Haro Aso.
Alice in Borderland được Netflix tung lên hệ thống vào tháng 12/2020, với độ dài 8 tập. Phim gây tiếng vang tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Dữ liệu người dùng do Netflix công bố chỉ ra trong vòng 28 ngày sau khi Alice in Borderland phát hành, đã có 18 triệu thuê bao Netflix chọn xem tác phẩm. Theo FlixPatrol, phim được đón nhận rộng rãi tại Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Nhật và Hong Kong.
Năm 2021, trên đà danh tiếng của Alice in Borderland , Netflix tung Squid Game , khuấy động tinh thần khán giả hâm mộ dòng phim giải đố, sinh tồn. Đây có thể coi như một mũi tên trúng hai đích. Squid Game dễ dàng được đón nhận trên Netflix nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư (giá cổ phiếu tăng vọt) và danh tiếng cho những bên liên quan.
Cụm từ “bên liên quan” không chỉ nhắm đến Netflix mà còn cả Alice in Borderland đã ra mắt chín tháng trước đó. The Independent dẫn một kết quả thống kê trên Twitter chỉ ra cứ 20 bài đăng của người dùng mạng xã hội này về Squid Game thì có một bài nhắc đến Alice in Borderland . Trên các diễn đàn và mạng xã hội, Squid Game hay Alice in Borderland cũng là đề tài được thảo luận thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
Cuối tháng 12/2020, tức khoảng hai tuần sau khi tung Alice in Borderland lên hệ thống, Netflix thông báo bật đèn xanh sản xuất mùa hai cho series. Hồi tháng 7, Alice in Borderland 2 chính thức bấm máy. Không loại trừ khả năng mùa phim mới sẽ tung ra vào cuối năm nay, tức khoảng một năm sau phần đầu tiên.
Việc tên tuổi Alice in Borderland đã được hâm nóng từ tháng 9 trong những tranh luận liên quan đến Squid Game chắc chắn mang lại cho phim lợi thế. Sức ảnh hưởng của Squid Game thu hút một lượng khán giả không nhỏ tìm xem lại Alice in Borderland và bắt đầu mong chờ phần phim tiếp theo.
Công thức sinh tồn
Về mặt nội dung, dễ hiểu khi khán giả gọi tên Alice in Borderland khi thảo luận về Squid Game . Hai bộ phim đều do Netflix phát hành, ra mắt cách nhau 9 tháng, có độ dài tương đồng, cùng thể loại và quan trọng nhất, đều được yêu thích rộng rãi.
Trong Alice in Borderland , chàng mọt game Ryohei Arisu ( Kento Yamazaki) cùng hai chiến hữu đã bị bắt cóc và đưa tới một phiên bản Tokyo tịnh không bóng người. Tại đây, họ và những người được chọn buộc phải tham gia các thử thách sinh tồn ngặt nghèo. Chiến thắng một màn chơi, họ sẽ có thêm thời gian để sống.
Đây là lối triển khai kinh điển của dòng phim giải đố, sinh tồn. Nó phản chiếu mâu thuẫn quyền lực phổ biến. Trong các bộ phim, sức mạnh không thuộc về đa số mà nằm trong tay kẻ có quyền. Muốn thoát ra trót lọt, nạn nhân chỉ có hai cách, hoặc sống sót qua thử thách – tức hoàn thành vai trò thú tiêu khiển/công cụ cho trùm cuối – hoặc tiêu diệt quản trò và gián tiếp thiết lập một thứ bậc quyền lực mới.
Squid Game nối tiếp chuỗi tác phẩm đề tài đấu trí, sinh tồn do Netflix sản xuất.
Chính phủ trong Battle Royale sử dụng trò chơi sinh tồn như một biện pháp hạn chế tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên. Ở As the Gods Will , trò chơi là màn trả thù tàn bạo của kẻ mang nhân cách phản xã hội. Trong Gantz , loài người được “đào tạo” để chống lại thế lực ngoại xâm từ vũ trụ thông qua trò chơi… Tới Alice in Borderland và Squid Game , trò chơi là màn giải trí của những kẻ vô nhân tính.
Cuối mùa 1 Alice in Borderland , các nhân vật tìm thấy trung tâm chỉ huy của trò chơi. Nhưng thay vì đối mặt trùm cuối, họ nhận ra đội quản trò cũng chỉ là quân cờ trong tay một thế lực to lớn hơn chưa lộ diện. Nói cách khác, thế lực phản diện đã lộ mặt cũng chỉ là nạn nhân cho âm mưu lớn hơn. Điều này tương tự diễn biến trong tập 9 của Squid Game , khi quản trò máu lạnh lộ mặt là gã đàn ông thất bại, nghèo kiết xác tương tự những nạn nhân của mình.
Trên Twitter, người hâm mộ chỉ ra điểm tương đồng giữa Alice in Borderland và Squid Game trong cách loại bỏ nhân vật. Trong Alice in Borderland , Arisu và hai chiến hữu làm thành bộ ba “ngự lâm pháo thủ”, luôn sát cánh bên nhau từ đời thực đến khi bị bắt vào trò chơi. Tuy nhiên, ở tập 3, nhóm bạn đột ngột âm dương cách biệt, khiến người xem không khỏi bàng hoàng.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở những tập cuối Squid Game khi loạt nhân vật được khán giả yêu mến, gắn bó từ đầu phim đột ngột bị khai tử. Dù vẫn biết các trò chơi trong Squid Game không khác gì thảm sát, liên tiếp mất đi 3/5 nhân vật chính vẫn là điều khiến người xem không khỏi tiếc nuối.
Khác biệt trong hai tác phẩm
Khác biệt lớn nhất giữa Alice in Borderland và Squid Game , ngoài “quốc tịch”, chính là hướng triển khai của mỗi câu chuyện. Dù cùng lấy đề tài đấu trí, sinh tồn, mỗi bộ phim lựa chọn hướng phát triển khác nhau, phản ánh những đặc trưng riêng có.
Alice in Borderland nhấn mạnh vào yếu tố khoa học, giả tưởng. Hai trong các bí ẩn chưa có lời giải đáp của phim chính là thứ công nghệ kỳ bí dịch chuyển nhân vật qua các chiều không gian và nguồn gốc tia sáng bắn xuống từ trên trời, tiêu diệt nhanh gọn và chính xác con mồi đã bị đánh dấu.
Nhân vật tham gia cuộc chơi đều là những nam thanh nữ tú gặp khúc mắc trong đời sống. Theo cách này hay cách khác, họ bị đẩy ra rìa xã hội vì không thể bắt kịp những người xung quanh. Họ chưa đến mức nghèo hèn mạt rệp, nhưng mỗi ngày sống trên đời đều là một ngày tinh thần bị hành hạ, tra tấn. Chắc hẳn không ít người từng mơ đến một ngày kia bứt mình khỏi vũng lầy mang tên hiện thực.
Squid Game có thể mô tả là một ” Parasite phiên bản sinh tồn” thay vì tác phẩm giải trí giật gân đơn thuần.
Ngược lại, Squid Game tập trung vào thể loại chính kịch, châm biếm. Ngay từ đầu, khán giả đã được biết về một thế lực người trần mắt thịt với siêu năng lực… giàu. Chúng vung tiền xây dựng khu căn cứ trên hòn đảo biệt lập, hẹn gặp từng người chơi, đánh thuốc mê trước khi đưa họ lên phà tới đảo.
Trên phim, những màn tranh đấu sống còn giữa 456 người chơi là phương tiện để đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong Hyuk thể hiện góc nhìn hiện thực phê phán về xã hội Hàn Quốc đương đại. Nhóm người sống khốn cùng dưới đáy xã hội tham gia vào một trò chơi với ảo vọng đổi đời. Nhưng thực chất, họ đang bị những kẻ giàu có cướp mất điều đáng giá sau cùng – mạng sống.
Lối cải biên các trò chơi dân gian trong Squid Game cũng thường được đem ra mổ xẻ. Mặt tích cực, những trò chơi như hoa dâm bụt nở, kéo co hay bắn bi được đưa vào bộ phim đều đã quen thuộc với khán giả nhiều nước châu Á, giúp họ dễ dàng nắm được luật chơi và nhanh chóng theo kịp câu chuyện.
Nhưng mặt tiêu cực, loạt trò chơi tỏ ra quá đơn giản, chỉ nhắm đến mục tiêu loại người trên quy mô rộng thay vì cho họ cơ hội thể hiện khả năng suy đoán hay sự nhạy bén của mình. Đây là điều dễ khiến người hâm mộ dòng phim giải đố, sinh tồn – vốn đã quen với lối xây dựng cường điệu nhân vật chính có IQ cao hay kỹ năng đặc biệt – cảm thấy phim “chưa tới”.
Tuy nhiên, lý do tổ chức bí ẩn lựa chọn các trò chơi này đã được giải thích hợp lý ở cuối phim. Việc thiết kế các màn chơi mang màu sắc dân gian cũng không yêu cầu ở người chơi quá nhiều kiến thức khoa học hay suy luận logic phức tạp. Xét cho cùng, đây là trò chơi “vừa sức” với nhóm thí sinh xuất thân lao động.
Việc Alice in Borderland khép lại ở cái kết lửng lơ – nhân vật vẫn chưa hoàn thành trò chơi còn bí ẩn cần giải đáp lại ngày một chất chồng – đặt khán giả trong tâm thế háo hức, chờ đợi mùa tiếp theo bởi câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết. Có thể nói, cao trào trong cuộc hành trình của Arisu và cô bạn đồng hành Usagi (Tao Tsuchiya) lúc này mới thực sự bắt đầu.
Điều này ngược lại với Squid Game . Dù tác phẩm Hàn Quốc vẫn để ngỏ một vài đường dây câu chuyện, về cơ bản, khán giả đã có thể hài lòng với cách giải quyết ở cuối tập 9. Người sống sót sau cùng chứng minh mình xứng đáng nhận số tiền thưởng khi không hề quên trăn trở của những người đã bỏ mạng. Anh ta cũng xác định cho mình một mục tiêu mới và quyết tâm theo đuổi nó, làm thành cái kết mở khá trọn vẹn trong trường hợp phim không có tiếp phần 2 – một khả năng khá khó xảy ra.
Trailer Squid Game
10 phim truyền hình Nhật đáng xem
Các bộ phim Nhật Bản như "Alice in Borderland", "Kotaro Lives Alone", "Million Yen Women"... được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo, độc đáo trong nội dung.
Thế giới không lối thoát (Alice in Borderland) : Thế giới không lối thoát được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên. Bối cảnh phim đặt tại thành phố Tokyo trong thời kỳ loạn lạc. Nhân vật chính Ryohei Arisu là game thủ không có định hướng. Anh vô tình tìm thấy thành phố bị bỏ hoang sau khi gặp mặt bạn bè tại ga Shibuya. Ryoihei Arisu cùng những người bạn của mình buộc tham gia một trò chơi nguy hiểm để giành lấy cơ hội sống sót. Điều kiện sinh tồn nghiệt ngã trong phim cùng các phân cảnh hồi hộp đến nghẹt thở khiến người xem không thể rời mắt khỏi Thế giới không lối thoát .
Giri/Haji : Giri/Haji do ê-kíp đến từ Anh sản xuất có một phần bối cảnh phim đặt tại Tokyo và một nửa dàn diễn viên trong phim là người Nhật. Bộ phim theo chân Kenzo Mori, một thám tử người Nhật, tới London để tìm kiếm tung tích Yuto, người anh trai mà anh cho là đã chết. Yuto lúc ấy đang trên đường chạy trốn sau khi bị buộc tội sát hại cháu trai một băng đảng yakuza, tên gọi các băng đảng xã hội đen tại Nhật. Sự kết hợp thú vị giữa các yếu tố trinh thám, tội phạm, hài hước cùng sự đan xen giữa hai nền văn hóa giúp Giri/Haji nhận nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên gia.
Erased : Erased được chuyển thể từ bộ truyện tranh ly kỳ giả tưởng cùng tên. Phim kể về Satoru Fujinuma, người có khả năng du hành thời gian để cứu người khác. Anh đã quay trở về thời điểm 18 năm về trước và được trao cho cơ hội cứu mẹ mình. Ngoài ra, anh cũng giúp ngăn chặn vụ bắt cóc một cô gái trẻ sống ở gần đó. Trong quá trình diễn tả cuộc hành trình của Satoru, người giờ đây đã có khả năng nắm giữ mạng sống người khác, Erased mạnh dạn đề cập tới các vấn đề nặng nề trong xã hội như lạm dụng trẻ em.
Million Yen Women : Million Yen Women nằm trong danh sách các phim chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản. Bộ phim có sự góp mặt của nhóm trưởng ban nhạc Radwimps, Yoji Noda. Trong phim, Yoji Noda vào vai Shin Michima, một tiểu thuyết gia đang gặp khó khăn trong quá trình sống cùng năm người phụ nữ bí ẩn khác trong nhà. Mỗi người phụ nữ trả cho Shin một triệu yên/tháng để thuê nhà, đổi lại anh phải tuân theo một số quy tắc và không được thắc mắc về cuộc sống của năm người phụ nữ. Tuy nhiên, Shin sớm phát hiện ra năm người phụ nữ không giống như vẻ bề ngoài của họ.
Switched : Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên, câu chuyện của Switched xoay quanh Zenko Umine, một học sinh trung học được cho là đã tự sát. Sau khi chứng kiến cảnh tượng này, người bạn cùng lớp của cô - Ayumi - ngất đi vì sốc. Tuy nhiên, khi Ayumi tỉnh dậy, cô phát hiện ra linh hồn mình đang ở trong cơ thể của Umine. Mọi chuyện từ đó bắt đầu trở nên sáng tỏ, bao gồm cả lý do vì sao Umine "tự sát" và vì sao cơ thể hai người bị hoán đổi cho nhau. Switched không chỉ khai thác đề tài về trầm cảm và hội chứng sợ xã hội mà còn đặt ra một bối cảnh giả tưởng thực sự thú vị.
Midnight Diner: Tokyo Stories : Midnight Diner: Tokyo Stories kể về Meshiya, một quán ăn đêm nằm ở khu Shinjuku. Chủ quán ăn là một vị đầu bếp bí ẩn thường được biết đến với cái tên "Master". Mỗi tập Midnight Diner: Tokyo Stories lại tập trung vào câu chuyện cuộc đời của một khách hàng. Sau khi lắng nghe, "Master" sẽ đưa ra lời khuyên dành cho họ. Các món ăn xuất hiện trong phim thường là món ăn yêu thích của khách hàng và có liên quan tới câu chuyện của riêng từng người.
Good Morning Call : Good Morning Call là được đánh giá là lựa chọn phù hợp dành cho những khán giả đang tìm kiếm một bộ phim tình cảm hài hước. Bộ phim chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên này kể về Nao Yoshikawa, người vừa chuyển tới một căn hộ riêng trong thành phố. Một tình huống bất ngờ xảy đến với Nao khi Hisashi Uehara, một người bạn cùng lớp của cô cũng chuyển đến căn hộ này. Hai người bèn đồng ý sống chung một căn hộ để có thể trả tiền thuê nhà. Sau một thời gian chung sống, giữa hai người bắt đầu nảy sinh tình cảm.
The Many Faces of Ito : The Many Faces of Ito là phim hài lãng mạn xoay quanh biên kịch Rio Yazaki. Để có ý tưởng viết kịch bản một chương trình truyền hình mới, anh đã lừa bốn người phụ nữ kể cho anh nghe những trắc trở trong câu chuyện tình cảm của mình dưới danh nghĩa đưa ra lời khuyên cho họ. Tuy Rio là người đưa ra lời khuyên, thế nhưng chính bản thân anh cũng học hỏi được nhiều điều từ họ. Cốt truyện của The Many Faces of Ito được đánh giá là một sự sáng tạo mới mẻ, độc đáo trong dòng phim lãng mạn.
Followers : Lấy bối cảnh thành phố Tokyo hoa lệ ngập tràn ánh sáng, Followers kể về Limi Nara, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với nhiều tác phẩm ấn tượng. Trái ngược hoàn toàn với cô là Natsume Hyakuta, một nữ diễn viên trẻ đang tìm hướng đi riêng cho mình trong cuộc sống. Khi Limi đăng ảnh của Natsume lên nền tảng mạng xã hội, cả hai buộc đối mặt với nhiều thay đổi trong cuộc sống khi Natsume trở nên cực kì nổi tiếng. Những phân cảnh tuyệt đẹp cùng các bài học xoay quanh mặt tối của mạng xã hội trong Followers sẽ để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
Kotaro Lives Alone : Chuyển thể từ bộ truyện tranh Kotaro wa Hitorigurashi của Mami Tsumura, Kotaro Lives Alone kể về Shin Karino, một tác giả truyện tranh không mấy nổi tiếng. Anh sống độc thân và thuê nhà tại một khu chung cư cấm trẻ em. Một hôm, anh trông thấy Kotaro Sato, một đứa trẻ 5 tuổi, đang ở trước cửa căn hộ mình. Trước sự ngạc nhiên của Shin, Kotaro chuyển tới sống tại khu chung cư của anh bất chấp lệnh cấm trẻ con. Ngạc nhiên hơn nữa là Kotaro cũng sống một mình. Ban đầu, Shin tỏ ra khó chịu trước sự hiện diện của Kotaro nhưng không lâu sau đó, người dân của khu chung cư - bao gồm cả Shin - đều trở nên gắn bó với Kotaro.
Hành trình "thoát đơ" của "hoàng tử shoujo" Kento Yamazaki: Đâu phải cứ đẹp là được bao che và tha thứ! Kento Yamazaki đã rất nỗ lực để thoát mác "bình hoa di động" dù sở hữu visual khuynh đảo thị trường Nhật Bản. Kento Yamazaki từ lâu đã là tên tuổi nhẵn mặt với khán giả với tên gọi "hoàng tử shoujo" khi anh luôn góp mặt vào các vai nam thần học đường trong các tác phẩm live action tình cảm -...