Lý do không cần tra từ điển khi xem phim, đọc sách tiếng Anh
Nếu nhìn thấy một từ xuất hiện nhiều lần trong nhiều bối cảnh, bạn sẽ tự vỡ lẽ về nghĩa và cách dùng của nó.
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ về cách học từ vựng tiếng Anh.
Hàng ngày, khi xem phim, mình bắt gặp rất nhiều từ mới. Tuy nhiên, mình không tra từ nào cả, chủ yếu dựa vào bối cảnh để hiểu nghĩa thôi. Từ nào mình gặp nhiều quá, dựa vào các bối cảnh khác nhau của từ đó, tự nhiên sẽ hiểu nghĩa.
Trong giao tiếp, đôi khi gặp những từ mới không hiểu, thường thì mình sẽ hỏi lại ngay. Có lần mình nói chuyện với bạn, bạn nhắc đến con “chipmunk” hay đào cây, ăn quả ở vườn. Mình cũng ngờ ngợ nó là con sóc chuột, nhưng hỏi lại cho chắc: Nó có phải giống con “squirrel”, nhưng nhỏ hơn không? Nói chung, học từ mới trong giao tiếp là hay nhất, vì nó không ảnh hưởng nhiều đến câu chuyện, mà còn giúp mình khám phá nhiều hơn.
Còn khi đọc sách, giống như xem phim, mình thường không tra từ điển, chỉ đoán nghĩa. Nếu từ khóa đó quan trọng, nó sẽ lặp lại ở các bối cảnh và kiểu gì mình cũng hiểu. Còn nếu từ khóa không quan trọng thì cũng không nhất thiết phải nhớ. Sau có thời gian quay lại thì mình tra từ điển, còn không thì bỏ.
Nhớ hồi đọc sách “ethics” có cụm từ “moral desert”, mình không hiểu nghĩa là gì. Nóng ruột quá, mình tra từ điển, đọc định nghĩa một hồi vẫn không hiểu. Sau này đọc thêm nữa, mình mới hiểu là những người “đạo đức” (moral) thì được các “phần thưởng” (desert) xứng đáng. Chẳng hạn, nếu một học sinh học giỏi, thi đại học đạt điểm cao, vào trường top thì đó là “moral desert”, còn nếu gian lận mà đạt điểm cao thì không xứng đáng. Do đó, đọc sách để hiểu từ theo bối cảnh là tốt nhất.
Video đang HOT
Nhìn thấy con trai nghịch vỉ đập ruồi, thầy Quang Nguyen nhớ từ “fly swatter”. Ảnh: Quang Nguyen
Một dạng nữa là nhu cầu cuộc sống phải nhớ. Con trai thay răng cửa, mình nhớ từ “wiggle the tooth” là lay răng. Con bị mẩn ngứa, phải nhớ từ “rash”. Đi tìm kem cho nó bôi, biết thêm từ “diaper rash” – là kem hăm tã. Nó mọc cái mụn cơm, đi gặp bác sĩ, học thêm được từ “wart”. Mùa hè, người ta dùng cái “sprinkler” tưới cỏ, thằng bé vác cái “fly swatter” (vỉ đập ruồi) ra nghịch – mình nhớ được thêm một từ nữa.
Đôi khi mình cũng học từ qua tính tò mò. Có hôm trời mưa, trên đường có vũng nước, mình tự nghĩ “vũng nước là gì nhỉ”. Về nhà, tuy quên tra từ điển, câu hỏi cứ vẳng trong đầu. Hôm qua, đi chơi với mấy đứa trẻ, có đứa giẫm phải vũng nước nói: “I stepped in the puddle”, vậy là mình biết từ “puddle”.
Nói chung, chuyện học từ mới tiếng Anh cũng giống như học nhiều thứ khác. Nếu mình có nhu cầu dùng thực sự hoặc tò mò thì học rất nhanh. Mục đích của tiếng Anh theo mình là để nghe và đọc sách là nhiều, nên người học tiếng Anh nên học cách đọc sách, nghe phim. Dùng càng nhiều, tiếng Anh sẽ càng khá, từ vựng càng nhiều hơn.
Từ mới có nhiều cách học, mỗi người thiên về một kiểu riêng. Nhưng theo mình, học từ mới thế nào cho nó có ý nghĩa, thiết thực là sẽ nhanh và hiệu quả nhất.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Học từ mới như thế nào để nhớ lâu?
Nếu cố nhồi thật nhiều từ mới vào đầu mà không gắn với bối cảnh hoặc không sử dụng chúng, bạn sẽ phí thời gian và công sức.
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ về cách học từ vựng thông qua việc xem phim.
Để dễ tưởng tượng, bạn có thể bảo một đứa trẻ 1.000 lần là qua đường phải nhìn trái phải, nhưng nó không nghe. Nhưng chỉ một lần qua đường không quan sát và bị xe đạp đâm, đứa trẻ đó sẽ nhớ suốt đời. Mỗi lần qua đường, nó sẽ nhớ tới cái xe đạp đã đâm vào nó.
Não của chúng ta vận hành theo cách như vậy. Những thứ càng có ý nghĩa, càng gây ấn tượng, chúng ta càng nhớ lâu. Và mọi kiến thức mới nên được gắn vào bối cảnh cụ thể.
Liên hệ với việc học tiếng Anh, những cuốn vở ghi đầy từ mới, hay những tấm flash-card chỉ có mỗi mặt chữ... sẽ chẳng dẫn chúng ta đi đến đâu. Não chúng ta sẽ không ghi nhớ gì về những thứ đó, kể cả khi bạn cố "nhồi" từ vào.
Ảnh: Cambridge English
Học từ mới nên gắn liền với thực tiễn, một câu chuyện cụ thể, một bộ phim cụ thể. Hôm vừa rồi, khi xem phim "Flash" bằng tiếng Anh, thấy Flash bị Devoe (vai phản diện) "gài" để đổ tội sát nhân, mình học được từ "frame" - có nghĩa là "gài". Ví dụ, "I'm innocent, he frames me up".
Nhờ vào bối cảnh cụ thể đó, mỗi khi nghĩ đến từ "frame sb up", mình nghĩ tới phim "Flash". Sau này, khi sử dụng trong giao tiếp, mình có sẵn một bối cảnh để biết chính xác lúc nào nên sử dụng.
Khi dạy học, mình cũng yêu cầu học viên xem phim (hoạt hình, tình cảm, dài tập...) để học từ mới và cách diễn đạt trong giao tiếp. Học viên được yêu cầu ghi ra các từ mới học được từ phim. Sau đó, vào lớp học, mình thường hỏi ngẫu nhiên học viên rằng một cụm từ nào đó xuất phát từ bối cảnh thế nào trong phim. Ví dụ, hôm trước một bạn học viên ghi ra "he backs me up", mình hỏi lại là nghĩa là gì, trong bối cảnh nào... bạn ấy không trả lời được, thế là phải chịu phạt.
Ngôn ngữ được sử dụng trong bối cảnh. Ví dụ, "take off" trong "the plane takes off" hay "take off the clothes" có thể coi là hai từ hoàn toàn khác. Hiểu được thêm các lớp nghĩa của từ mình đã biết, do đó cũng giống như đã học thêm được một từ mới rồi.
Để việc học từ vựng thêm ý nghĩa, bạn cần biết mình có thể sử dụng từ mà mình vừa học được. Những từ bạn nghĩ không bao giờ cần sử dụng, hoặc hiếm khi cần dùng, cách tốt nhất là bỏ qua nó. Hãy học một từ mới chỉ khi bạn gặp nó lặp đi lặp lại trên dưới chục lần, nếu bạn là người thường xuyên xem phim hoặc đọc sách. Bạn học tiếng Anh là để dùng, chứ không phải chỉ để biết.
Tóm lại, khi học từ mới, bạn hãy luôn nghĩ tới bối cảnh giúp bạn biết đến từ đó. Và bạn tiến thêm một bước nữa, tưởng tượng ra bối cảnh mà mình có thể dùng từ đó để diễn đạt ý tưởng.
Quang Nguyen
Theo vnexpress.net
Kinh nghiệm không bỏ cuộc khi đọc sách tiếng Anh Khi mới bắt đầu, bạn nên chọn cuốn sách mỗi trang có không quá 20 từ mới và không nên liên tục tra từ điển. Hãy gạch chân từ mới thay vì dò từ điển ngay. Ảnh: Quang Nguyen Với những người học tiếng Anh, đọc sách là cuộc hành trình vừa thú vị, vừa gian nan. Lợi ích của đọc sách không...