Lý do đồ Apple luôn đắt đỏ
Người dùng thường sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các thiết bị của Apple để sở hữu hệ sinh thái độc quyền, chính sách bảo mật tốt và chất lượng sản phẩm vượt trội.
Đối với những tín đồ trung thành của Apple, việc chi tiêu cho những thiết bị của hãng luôn tốn kém và đắt đỏ. Điều dễ nhận thấy là giá thành các sản phẩm của Táo khuyết luôn cao hơn so với đối thủ.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào khiến thiết bị của Apple dù đắt nhưng vẫn luôn được săn đón. Ngoài lợi thế về thương hiệu cao cấp và uy tín, các yếu tố khác như hệ sinh thái độc quyền, chính sách bảo mật, bình ổn giá… cũng là những yếu tố mang lại thành công cho gã khổng lồ công nghệ này.
Hệ sinh thái độc quyền
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ sinh thái của Táo khuyết với các hãng khác là những thiết bị của hãng phối hợp rất ăn ý. Lấy ví dụ iPhone và MacBook vốn là 2 thiết bị riêng lẻ, nhưng khi sử dụng cùng nhau, tính tiện dụng và trải nghiệm sẽ được nâng cấp và trôi chảy khi công việc có thể tiếp diễn dễ dàng giữa hai máy.
Mua thêm nhiều sản phẩm cộp mác Táo khuyết đồng nghĩa với việc người dùng đang tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái này và Apple lại càng được lợi. Do đó, có thể nói tính độc quyền trong hệ sinh thái chính là một yếu tố quan trọng giúp nâng giá thành sản phẩm của Apple. Người dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để nâng cấp trải nghiệm công nghệ và trang bị cho mình những thiết bị có khả năng đồng bộ tốt với nhau.
Mặt khác, điều này cũng sẽ giúp Apple giữ chân người dùng, qua đó sở hữu một lượng người dùng trung thành. Họ sẽ không ngại chi một số tiền lớn để được sử dụng những sản phẩm tân tiến nhất của Táo khuyết.
Càng lún sâu vào hệ sinh thái của Apple, người dùng sẽ càng chi nhiều tiền cho các sản phẩm của hãng.
Bền bỉ theo thời gian
Các sản phẩm của Apple có tuổi đời lâu hơn các đối thủ vì sở hữu phần cứng và phần mềm cao cấp. Những thiết bị này thường được thiết kế và gia công bằng những vật liệu cứng cáp như nhôm. Bên cạnh đó, hệ điều hành và các phần mềm bên trong máy cũng được tùy biến riêng để tận dụng toàn bộ sức mạnh phần cứng.
Nhờ đó, các sản phẩm đến từ Táo khuyết không chỉ đẹp mà còn bền bỉ và cho ra hiệu năng cao. Có thể thấy, cả phần mềm và phần cứng của hãng đã kết hợp với nhau nhằm mang đến trải nghiệm vượt trội cho người dùng.
Tiên phong trong đổi mới công nghệ
Một nguyên nhân khác khiến thiết bị Apple luôn có giá thành cao chính là bởi hãng liên tục đổi mới công nghệ. Bằng chứng chính là con chip M1 mới nhất được trang bị trên nhiều dòng sản phẩm. Thay cho CPU đến từ nhà Intel, Táo khuyết quyết định tự phát triển con chip “cây nhà lá vườn” của mình. Điều này không chỉ mang lại hiệu năng ấn tượng cho iPad và máy tính Mac mà còn trở thành cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Mặt khác, Steve Jobs từng cho rằng iPod sẽ là dòng sản phẩm khiến Apple thành công, có thể đi xa trong tương lai. Thực tế đã chứng minh suy tính của vị CEO lúc bấy giờ là hoàn toàn chính xác. Là sản phẩm mang tính mạo hiểm, iPod đã đưa Apple lên vị trí tiên phong về đổi mới trong Thung lũng Silicon.
Apple luôn tiên phong trong việc đổi mới công nghệ.
Video đang HOT
Do đó, ngày nay, để giữ vững ngôi vị của mình, gã khổng lồ công nghệ liên tục chi mạnh tay vào mảng nghiên cứu và phát triển công nghệ. Theo Statista, nguồn vốn đổ cho lĩnh vực R&D của Táo khuyết đã chạm mốc 20 tỷ USD.
Ưu tiên quyền riêng tư, bảo mật người dùng
Mặt khác, Apple không bán dữ liệu khách hàng để thu lợi nhuận như nhiều công ty khác. Tập đoàn công nghệ này thậm chí còn không cài đặt sẵn phần mềm theo dõi người dùng. Thay vì bán thông tin, Apple quyết định tính phí lên người dùng bằng những sản phẩm khác vì hãng cho rằng quyền riêng tư là vô giá, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà quảng cáo ngày càng tìm cách theo dõi người dùng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Apple hoàn toàn không theo dõi người dùng bởi hãng vẫn phải dùng những dữ liệu này để nâng cấp trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm.
Tất cả đều miễn phí trên iOS và macOS
Apple luôn cập nhật hệ điều hành của mình mỗi năm một lần, đồng thời ra mắt các bản vá lỗi xuyên suốt cả năm. Điều này khác với Windows khi Microsoft luôn mất đến hàng năm trời để cập nhật và thường thu phí trong các ứng dụng có sẵn trong máy.
Với laptop Windows, người dùng buộc phải mua bộ Office Suite để sử dụng những công cụ dành cho công việc văn phòng hoặc thậm chí phải trả phí để nâng cấp lên bản mới nhất. Trong khi đó, nếu dùng macOS, người dùng sẽ được miễn phí cài đặt và cập nhật các ứng dụng Pages, Numbers và Keynote. Do đó, để duy trì các app miễn phí cho khách hàng, Apple buộc phải tính phí ở những khoản khác.
Phí quảng cáo và hỗ trợ người dùng
Thông thường, ngoài phụ thuộc vào các yếu tố như giá thành vật liệu, chi phí nhân công và phí sản xuất, giá sản phẩm bán ra còn bị ảnh hưởng bởi một khoản tiền dành cho quảng cáo và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Gã khổng lồ công nghệ luôn được biết đến với dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.
Trong đó, cửa hàng Apple Stores là một trong những cách Apple tiếp thị sản phẩm của mình với kiến trúc ấn tượng, đội ngũ chuyên viên đầy kinh nghiệm và trải nghiệm tương tác sản phẩm tuyệt vời. Mặt khác, bộ phận hỗ trợ của Apple cũng giúp người dùng liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật để sửa lỗi trên thiết bị và giải đáp các thắc mắc.
Bên cạnh đó, Apple vốn nổi tiếng với nhiều hoạt động quảng cáo ấn tượng. Điều này ảnh hưởng không ít đến giá thành sản phẩm của hãng.
Giữ giá tốt, bán lại dễ
Cuối cùng, một trong những điểm làm nên đặc trưng của Apple chính là giá bán lại các sản phẩm của hãng luôn giữ vững ở mức ổn định. Dù giá mua vào cao hơn nhưng các thiết bị Táo khuyết luôn giữ được giá trị và có thể bán lại với giá tốt khi người dùng không còn nhu cầu.
Bằng chứng là Samsung Galaxy S9 và iPhone X tuy cùng ra mắt vào năm 2018 với giá bán lần lượt là 700 USD và 1000 USD nhưng hiện S9 chỉ có giá 50-150 USD (14% giá trị ban đầu), trong khi một chiếc iPhone X đã qua sử dụng có thể trị giá 150-400 USD (27% giá trị ban đầu).
iPod: Chết như một người hùng hoặc sống đủ lâu để trở thành kẻ xấu
Ngay cả Apple cũng đã bỏ rơi iPod.
Apple iPod đã có "tuổi đời" hơn hai thập kỷ. Phiên bản đầu tiên được bán vào năm 2001, là một thiết bị hướng đến những người đam mê âm nhạc, những người muốn thưởng thức giai điệu yêu thích của họ một cách thuận tiện khi đang di chuyển.
Với 5GB dung lượng lưu trữ, người dùng có thể lưu tới 1.000 file MP3 trong kiệt tác nhỏ gọn trị giá 399 USD này. Vào thời điểm đó, iPod là giải pháp giúp cuộc sống của mọi người trở nên thú vị hơn. Nó đáp ứng nhu cầu tiếp cận âm nhạc một cách dễ dàng và linh động.
Tuy nhiên, nhu cầu thay đổi theo thời gian và kết quả là những sản phẩm từng rất quan trọng đôi khi lại trở nên thừa thãi. Chúng vẫn hoạt động theo cùng một cách như cũ và đó là vấn đề. Khi nhu cầu của người dùng thay đổi, một sản phẩm phải phát triển theo, hoặc không còn tính hữu dụng nữa. iPod không thuộc về hiện tại, nó là một món đồ của quá khứ bị Apple bỏ rơi và Apple nên thật sự đặt dấu chấm hết cho dòng sản phẩm này.
Nút Home cũ kỹ
Năm 2019, Apple ra mắt chiếc iPod touch mới nhất và vẫn còn giữ lại nút Home. Kể từ năm 2013, tất cả iPhone có nút Home đều tích hợp Touch ID, nhưng iPod touch 2019 thì không. Vào thời điểm đó, Touch ID chỉ còn là một trang bị ở mức tối thiểu, việc công ty sử dụng nút Home cũ kỹ trên một sản phẩm năm 2019 chứng tỏ rằng Apple hầu như không chú ý đến iPod nữa.
Chiếc iPod touch mới nhất tính cho đến hiện tại chỉ là một nổ lực nửa vời nhằm mục đích làm mới dòng sản phẩm, về cơ bản, đó chỉ là món đồ để Apple kiếm thêm tiền, không có ý nghĩa sáng tạo.
Cấu hình nhạt nhòa
Đối với thiết bị chủ yếu hoạt động như một bộ lưu trữ nội dung giải trí, bạn có thể nghĩ rằng Apple sẽ trang bị một lượng lớn dung lượng cho iPod. Chiếc iPod touch gen 7 chỉ có dung lượng lưu trữ bắt đầu từ 32GB, và đừng quên, 32GB chỉ là dung lượng tổng, dung lượng thực sự thấp hơn nhiều, vì các file hệ thống của iOS đã chiếm một vài gigabyte.
Tiếp theo là bộ xử lý, iPod touch 7 chỉ được trang bị chip... A10 Fusion. Apple lần đầu ra mắt A10 Fusion vào năm 2016, họ trang bị nó cho chiếc iPod 2019 và đến 2022 vẫn còn bán. Khó có thể tin được là hãng đang còn bán một sản phẩm có bộ vi xử lý sáu năm tuổi.
Thông số kỹ thuật đáng thất vọng so với năm 2019 của iPod touch cũng có thể kể đến Bluetooth 4.1, màn hình 4 inch độ phân giải 1136x640 pixel, viền rất dày, camera trước 1.2MP.
Bị bỏ rơi bởi chính Apple
Có lẽ chính Apple cũng nhận thức được rằng iPod đang là một sự xấu hổ đối với thương hiệu của họ. Nếu bạn truy cập cửa hàng trực tuyến của Apple, bạn sẽ nhận thấy rằng iPod đã bị xóa khỏi thanh sản phẩm trên cùng.
Để tìm trang iPod touch 7, bạn sẽ phải truy cập apple.com/ipod. Công ty không hiển thị nó như một sản phẩm đáng "trưng bày" nữa, nhưng cũng không gỡ xuống và ngừng sản xuất.
Ngoài việc "giấu" iPod khỏi cửa hàng trực tuyến, Apple thậm chí còn không bận tâm cập nhật trang sản phẩm của mình với thông tin chính xác. Trang Thông số kỹ thuật của iPod touch 7 vẫn đề cập máy hỗ trợ đến iOS 14, mặc dù iPod touch đã hỗ trợ iOS 15.
"Chú vịt con xấu xí" giữa của các thiết bị thông minh
Ngày xưa, điện thoại chỉ đơn giản là điện thoại với tính năng nghe gọi, nhắn tin. Ngày nay, điện thoại không chỉ là điện thoại - chúng là smartphone. Chúng được sử dụng để lướt web, dùng mạng xã hội, chơi game, nghe nhạc, xem TV và đôi khi là gọi điện thoại. iPod touch về cơ bản là một chiếc iPhone 4 inch cấp thấp, thiếu khả năng sử dụng mạng di động. Vậy... tại sao lại mua iPod touch khi bạn có thể mua iPhone SE và sử dụng nó như iPod khi không gắn SIM?
Tất nhiên, iPod mới nhất có giá chỉ 199 USD ở Mỹ và iPhone SE 3 có giá gấp đôi. Tuy nhiên, đối với công nghệ mà iPod sở hữu, 199 USD lại là một mức giá quá cao. Nếu người dùng có ngân sách quá eo hẹp, mua một chiếc iPhone đã qua sử dụng hoặc tân trang sẽ là quyết định đúng đắn hơn iPod. Đó là lý do tại sao Apple nên khai tử iPod và tập trung hoàn toàn vào iPhone.
"iPod" thời đại mới
Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng bạn có thấy iPad cũng là đối thủ của iPod hiện nay không? Chiếc iPad cấp thấp chỉ đắt hơn 120 USD và có:
Màn hình lớn hơn với độ phân giải cao hơn, phù hợp để làm thiết bị giải trí hơn iPod.Nút Home với Touch ID.iPadOS và các tính năng bổ sung thay vì iOS.Chip A13 Bionic thay vì A10 Fusion đã quá lỗi thời.Dòng đời dài hơn khi nói đến hỗ trợ phần mềm và phần cứng.Tùy chọn phiên bản có thể kết nối mạng di động
Cân nhắc tất cả những điểm này, sẽ không hợp lý nếu bạn mua iPod để chơi game, nghe nhạc và xem video khi iPad đắt hơn một chút và thực hiện tất cả các tác vụ đã đề cập tốt hơn đáng kể. Điểm yếu của iPad so với iPod chỉ là kích thước lớn hơn, nhưng ngày nay Apple đã có các thiết bị di động nhỏ gọn dư sức thực hiện tính năng của iPod, ngoài iPhone, thì còn có thể kể đến... Apple Watch.
Bạn có còn nhớ chiếc iPod Shuffle nhỏ bé không? Nó nhỏ gọn, tiện dụng và hữu ích khi vừa di chuyển, vừa tập thể thao vừa nghe nhạc. Apple đã có một sản phẩm để thay thế nó, chính là Apple Watch.
Chiếc smartwatch nằm ngay trên cổ tay bạn, có thể lưu nhạc để phát offline hoặc phát nhạc trực truyến. Chỉ cần kết nối AirPods hoặc bất kỳ tai nghe Bluetooth nào khác và bạn đã sẵn sàng để nghe nhạc. Bạn cũng có thể theo dõi hoạt động thể thao của mình và làm được nhiều việc hơn nữa thông qua "iPod Shuffle" này.
Thời lượng pin vẫn là một vấn đề đáng lo ngại vì vậy đây không phải là một sự thay thế hoàn hảo, nhưng nó là một sự thay thế linh hoạt hơn nhiều, vượt xa khả năng của iPod Shuffle.
Ngày nay, nghe nhạc trực tuyến đang là xu hướng. iPod không chỉ là một thiết bị nghe nhạc - theo một cách nào đó, nó còn là một ổ cứng để lưu trữ âm nhạc. Xu hướng trực tuyến làm cho nó không còn cần thiết trong thời đại này.
Apple đã không làm cho thiết bị này theo kịp nhu cầu sử dụng của chúng ta. Không có điểm nhấn nào ngoài giá rẻ và thậm chí xem xét các thông số kỹ thuật lỗi thời của nó thì mức giá vẫn cao.
Có thể nói iPod là thiết bị phù hợp với câu "Hoặc chết như một người hùng, hoặc sống đủ lâu để thấy mình trở thành kẻ xấu". iPod thực sự là "anh hùng" của một giai đoạn nhất định trong lịch sử công nghệ. Tuy nhiên, nó đã trở thành (hoặc đang trở thành) nhân vật phản diện của ngày nay.
Apple chỉ cảnh báo được 1/3 trường hợp bị theo dõi bởi AirTag "Điểm mù mà Apple gặp phải chính là những người dùng ngoài hệ sinh thái của họ." Vào cuối tháng 4 năm ngoái, Apple ra mắt AirTag như một phụ kiện giúp người dùng theo dõi đồ đạc của mình, nhưng không lâu sau đó, nó nhanh chóng trở thành tâm điểm của những tranh cãi về quyền riêng tư và cả sự...