Lưu ý với 2 thay đổi trong kiểm tra đánh giá Ngữ văn
Cô Nguyễn Ngọc Thúy, Trường THCS Phan Chu Trinh ( TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ lưu ý về 2 thay đổi trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.
Cô Nguyễn Ngọc Thúy trong giờ dạy Ngữ văn trên truyền hình.
Sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa
Sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá kĩ năng viết của học sinh, theo cô Nguyễn Ngọc Thúy, là đòi hỏi khó khăn nhưng không thể không thực hiện vì mục tiêu chống văn mẫu, hướng đến phát triển năng lực sáng tạo của học sinh. Sáng tạo được hiểu theo nghĩa là học sinh diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình, như cách mình hiểu – dù cách cách hiểu có thể còn ngô nghê, cách diễn đạt còn vụng về.
Khi áp dụng yêu cầu trên vào bài kiểm tra, trong điều kiện trước mắt, khi xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm, cô Thúy cho biết mình đã hạ thấp yêu cầu so với đáp án dành cho kĩ năng viết đối với ngữ liệu có trong sách giáo khoa. Điều này vừa để học sinh không bị “sốc”; đồng thời cũng để giáo viên vừa làm vừa rút kinh nghiệm (về cách lựa chọn văn bản, xử lí văn bản và cách đặt câu hỏi).
Những kết quả bước đầu, đúng như dự đoán, chưa được như ý. Tuy nhiên, cô Nguyễn Ngọc Thúy cho biết, trong sự ngô nghê về cách hiểu và diễn đạt của học sinh vẫn ẩn giấu những ý tưởng rất đáng quý. Qua đó, giáo viên phát hiện ra những suy nghĩ chân thực nhất của học sinh và có không ít vấn đề khiến người lớn phải suy nghĩ. Chẳng hạn có học sinh đã lật lại vấn đề ở câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” rằng: Nếu cứ đúng truyền thống như vậy liệu có khiến người được giúp đỡ ỷ lại, trông chờ?…
Dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (nói đúng hơn là ngữ liệu mà học sinh chưa từng được học qua) sẽ buộc giáo viên phải dạy học sinh cách để đọc văn bản. Có thể hiện nay giáo viên sẽ lúng túng, nhưng về lâu dài, những hiện tượng đọc chép, hiện tượng văn mẫu dần không có chỗ đứng trong các giờ học văn. Bởi chẳng một người thầy khôn ngoan nào lại đọc cho học sinh chép những điều không có tác dụng gì với các bài kiểm tra hay bài thi.
Video đang HOT
Về lâu dài, những yêu cầu dạy cách đọc hiểu văn bản, dù ít hay nhiều sẽ buộc cả người dạy lẫn người học phải có thói quen đọc và đó cũng là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy văn hóa đọc.
Ảnh minh họa/ITN
Có thêm câu hỏi trắc nghiệm
Bên cạnh việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, cô Thúy cũng lưu ý điểm mới đáng chú ý là việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đánh giá định kì.
Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 định hướng hình thức kiểm tra “có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan và hình thức tự luận”, nghĩa là không bắt buộc phải có câu hỏi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, để bảo đảm độ phủ rộng của kiến thức, đồng thời hạn chế cảm tính của người chấm, cô Thúy cho biết nhà trường vẫn mạnh dạn xây dựng các đề kiểm tra có sự kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận.
Việc xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm còn khó khăn với đa số giáo viên Ngữ văn vì lâu nay môn học này chủ yếu được đánh giá bằng hình thức tự luận. Bù lại, khi có thêm câu trắc nghiệm, đề kiểm tra sẽ có tính phân hóa cao hơn, sâu hơn.
Việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong đánh giá định kì, theo cô Nguyễn Ngọc Thúy, không chỉ tạo ra độ phủ rộng về kiến thức mà còn làm thay đổi quan niệm của nhiều giáo viên Ngữ văn về ý nghĩa của loại câu hỏi này.
“Sẽ là sai lầm rất lớn nếu coi trắc nghiệm chỉ là lựa chọn dựa vào sự may mắn, vấn đề là kĩ thuật viết câu hỏi và các phương án lựa chọn.
Không ít người vẫn hoang mang cho rằng kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm sẽ làm mất “chất văn” của môn học mà quên rằng, đề kiểm tra định kì vẫn có những câu trả lời ngắn và có bài viết để học sinh được bộc lộ “chất văn”.
Nhưng điều thay đổi tạo nên biến động lớn hơn là việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra kĩ năng viết.” – cô Nguyễn Ngọc Thúy chia sẻ.
Hà Tĩnh tập huấn 'Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn cấp THPT'
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa tổ chức Tập huấn 'Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn cấp THPT' cho giáo viên lớp 10 THPT.
Đợt tập huấn diễn ra trong 2 ngày từ 25-26/10, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Chủ trì đợt tập huấn do cán bộ phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cùng các báo cáo viên là giáo viên cốt cán của ngành thực hiện.
Ông Đậu Quang Hồng - Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chủ trì buổi tập huấn.
Tham dự lớp tập huấn có 138 học viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp dạy Chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ở các trường THPT, Trường THPT có nhiều cấp học trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Trung tâm GDTX tỉnh năm học 2022 - 2023.
Tại buổi tập huấn, GV đã được hướng dẫn, làm quen các phương pháp đổi mới trong dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Giáo viên tham gia đợt tập huấn tiến hành tìm hiểu quy trình Xây dựng ma trận, đặc tả ma trận Đề kiểm tra định kì Ngữ văn 10; nắm yêu cầu về chọn Ngữ liệu trong đề kiểm tra định kì Ngữ văn 10; thực hành xây dựng Đề và Đáp án Đề tham khảo định kì Ngữ văn 10...
Tham dự lớp tập huấn có 138 học viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp dạy Chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10.
Ngoài ra, giáo viên cũng được tìm hiểu các kỹ năng đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn theo Chương trình Phổ thông 2018 cần đảm bảo các nguyên tắc như: phát huy được tất cả các mặt năng lực tích cực; đa dạng câu hỏi và bài tập kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe...
Trong đánh giá kết quả học tập, GV cần lưu ý tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học sao chép nội dung tài liệu có sẵn. GV cần xây dựng và sử dụng các đề mở; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm...
Qua đợt tập huấn, đội ngũ giáo viên lớp 10 có được tâm thế tích cực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018 nói chung và việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn nói riêng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Lấy học liệu ngoài SGK chưa đủ, GV phải thay đổi tư duy khi kiểm tra, đánh giá Đề kiểm tra Ngữ văn được ra theo hướng cho học sinh bộc lộ hết năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, khuyến khích sáng tạo, đồng thời loại bỏ kiểu văn mẫu. Chỉ còn vài tuần nữa là học sinh lớp 10 bậc trung học phổ thông ở Đà Nẵng bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học...