Lưu ý quan trọng đối với thí sinh khi đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018
Thời điểm này, học sinh khối 12 của cả nước đang thực hiện thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018. Theo quy định, sau ngày 20/4/2018, thí sinh sẽ không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có những lưu ý với thí sinh để không bị sai sót trong quá trình đăng ký dự thi và tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ.
Cân nhắc kỹ để tăng cơ hội
Hiện nay, các em đang làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các em để tránh những sai sót không đáng có và tăng cơ hội trúng tuyển cho các em?
Ông Trần Văn Nghĩa
Năm 2018 việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng cơ bản ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, có một số điểm các em cần lưu ý để tránh những sai sót.
Thứ nhất, khi đăng ký dự thi, các em cần lưu ý việc sử dụng giấy chứng minh nhân dân. Hiện nay, nhiều em có cả giấy Chứng minh nhân dân và Thẻ căn cước công dân. Nguyên tắc là các em chỉ sử dụng một trong hai giấy tờ trên. Đặc biệt là những em có sơ tuyển hoặc thi năng khiếu thì số chứng minh nhân dân càng cần phải được nhất quán.
Thứ hai, thí sinh cũng cần lưu ý kê khai về chế độ ưu tiên, đặc biệt là chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Các em tự kê khai và phần mềm sẽ kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm 2017, rất nhiều em khai không chính xác dẫn đến việc khi trường đại học kiểm tra hồ sơ thì các em không thuộc đối tượng được cộng điểm ưu tiên nên trượt đại học và không còn cơ hội để được vào học ngành tốt. Nguyên tắc là, nếu chắc chắn được ưu tiên thì các em khai vào, nếu chưa rõ thì có thể hỏi giáo viên hoặc hỏi Sở GD&ĐT. Sau khi xác định chính xác thì các em mới kê khai.
Thứ ba, năm nay việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng được đăng ký khi các em làm thủ tục đăng ký dự thi. Để các em có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học và đạt được mục đích, nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình thì các em tận dụng các quy định của Bộ GD&ĐT đã đưa ra. Cụ thể: Các em không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thông thường các em nên chọn từ 6 – 8 nguyện vọng là tốt nhất.
Mặt khác, các em cũng cần hiểu nguyên tắc rằng, các nguyện vọng được xét bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Về nguyên tắc thì các em nên ưu tiên những ngành mình yêu thích hơn lên trên rồi lần lượt xếp theo thứ tự.
Niềm vui sau giờ thi
Video đang HOT
Cần tìm đến những nguồn thông tin chính thống
Hiện nay, rất nhiều thí sinh đang làm hồ sơ và căn cứ vào cuốn “Những điều cần biết” của Nhà Xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, cuốn này có in thiếu thông tin của một số trường. Vậy việc này liệu có ảnh hưởng đến các thí sinh và các trường hay không?
Mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT không in cuốn “Những điều cần biết” và việc in đó là hoàn toàn do các nhà xuất bản làm. Tuy nhiên, Bộ vẫn cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến công tác đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng ở trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang sthituyensinh.vn.
Nếu vào trang này thì các em hoàn toàn có thông tin về các ngành, các trường cũng như quy định xét tuyển của từng trường, thậm chí có cả các thông tin về mã ngành, mã trường, mã quận, xã đặc biệt khó khăn… Tất cả đều có đầy đủ trên trang web này. Ngoài ra, các em cũng lưu ý, các thông tin chính thống là ở trang web của các trường. Song song với việc gửi Đề án tuyển sinh lên Bộ GD&ĐT, Bộ cũng yêu cầu các trường phải công bố công khai đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của nhà trường để mọi người được biết.
Một thực tế chúng ta có thể thấy là bấy lâu nay, các em vẫn thường hay sử dụng cuốn “Những điều cần biết” và coi đó là cẩm nang cho mình. Lý do là vì cuốn đó là do Nhà Xuất bản Giáo dục của Bộ GD&ĐT sản xuất. Vậy trước những thông tin chưa đầy đủ của cuốn “Những điều cần biết”, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Bản thân cuốn “Những điều cần biết” có những thiếu sót, chẳng hạn như năm ngoái sau khi nhiều thí sinh dùng thông tin đó để đăng ký dự thi nên không nhập được vào phần mềm. Bộ GD&ĐT đã cảnh báo về việc này; ngay trong các đợt tư vấn chúng tôi cũng đã nói rất rõ ràng là nguồn chính thống chỉ là của Bộ và của các trường để các em biết được.
Trên thực tế, một số tỉnh vùng khó khăn có thể sẽ hạn chế tiếp cận thông tin. Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, qua triển khai phần mềm xét tuyển, chúng tôi đã đưa phần mềm đến các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Kết quả phần mềm đáp ứng được ở những vùng khó khăn.
Còn nhớ, năm ngoái, việc xét tuyển trực tuyến chúng ta đã làm được với gần 80% số học sinh đăng ký trực tuyến, trong đó có rất nhiều em ở vùng khó khăn. Đây là cơ sở để chúng tôi tin tưởng rằng, với nguồn thông tin của Bộ và của các trường trên trang điện tử thì các em hoàn toàn có thể tiếp cận được. Còn với thói quen của học sinh là xem cuốn cẩm nang “Những điều cần biết”, thì các trường phổ thông phải hướng dẫn cụ thể để các em không phải mắc phải những lỗi không đáng có.
Xin cảm ơn ông!
“Chúng tôi lưu ý các em chỉ dựa hoàn toàn vào 2 nguồn thông tin chính thống đó là: Trang web của Bộ và trang web của trường để có thông tin đăng ký dự thi. Nếu các em sử dụng nguồn sai thì sau khi đưa vào phần mềm thì phần mềm sẽ trả lại và không chấp nhận phiếu đó”.
Ông Trần Văn Nghĩa
Minh Phong (thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
Đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018: Nhận hồ sơ cả ngày nghỉ, tổ chức ôn tập có trọng tâm
Hiện nay, các Sở GD&ĐT trên cả nước đều đã lên kế hoạch, chuẩn bị phương án tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 trên địa bàn. Trong đó, hai việc được tập trung triển khai trong thời điểm này là tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi và tiến hành công tác ôn tập.
Thu nhận hồ sơ: Làm việc cả thứ 7, Chủ nhật
Theo lịch của Bộ GD&ĐT, từ 1 - 20/4/2018 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); các điểm tiếp nhận hồ sơ ĐKDT nhận hồ sơ, phiếu ĐKDT và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi. Công việc triển khai yêu cầu thí sinh và các đơn vị ĐKDT tổ chức khẩn trương và khoa học để thực hiện đúng kế hoạch và đảm bảo tránh sai sót, giúp cho việc tổ chức tốt kỳ thi.
Hầu hết, các Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo cụ thể với thí sinh và các nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh tổ chức nhập phiếu ĐKDT của thí sinh để tránh sai sót; tập huấn kỹ nội dung liên quan cho tất cả các thành viên của tổ trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn thí sinh ghi phiếu vào các mục trên phiếu ĐKDT đúng quy định.
Các đơn vị thành lập bộ phận thu nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn thí sinh thông tin liên quan đến hoàn thiện phiếu ĐKDT; chuẩn bị các hồ sơ liên quan, đặc biệt giấy tờ của thí sinh được hưởng ưu tiên, khuyến khích; phân công giáo viên chủ nhiệm, nhân viên vừa thu nhận hồ sơ, vừa đối chiếu với giấy tờ (đối chiếu giữa bản gốc với các thông tin; giữa phiếu ĐKDT số 1, số 2 đảm bảo thống nhất).
Tại Phú Thọ, thủ trưởng đơn vị dự thi trực tiếp chỉ đạo Bộ phận hồ sơ và có sự phân công để thường trực và xây dựng lịch làm việc, kể cả thứ 7 và Chủ nhật; bố trí phòng tiếp đón thí sinh ĐKDT và rà soát kỹ thông tin trước khi nhập vào phần mềm quản lý thi. Việc nhập dữ liệu đảm bảo mỗi máy nhập có 3 người (1 người nhập, 1 người đọc, 1 người soát).
Sau khi tiến hành nhập dữ liệu của mỗi lớp, in danh sách yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức cùng HS và người quản lý hồ sơ (văn thư) soát kỹ thông tin của từng thí sinh (đối chiếu lại với phiếu ĐKDT và các hồ sơ gốc) và yêu cầu thí sinh ký vào dòng thông tin của mình; giáo viên chủ nhiệm và người quản lý hồ sơ ký xác nhận vào cuối danh sách của lớp.
Tổ chức kiểm tra, kiểm tra chéo thông tin thí sinh ĐKDT, đăng ký xét côngnhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt lưu ý các thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Dự kiến, việc đăng ký và nhập dữ liệu của tỉnh này về cơ bản sẽ hoàn thành trước ngày 16/4/2018; sẽ rà soát hoàn thành trước ngày 20/4/2018 đảm bảo chính xác về dữ liệu và đảm bảo đúng quyền lợi thí sinh dự thi.
Tại Gia Lai, ông Lê Duy Định - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - đã ký ban hành kế hoạch tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2018. Theo đó, tỉnh tổ chức 1 cụm thi cho tất cả thí sinh của địa phương. Các điểm thi tại trường THPT, THCS ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Để phục vụ kịp thời trong trao đổi thông tin 2 chiều giữa Sở GD&ĐT, các nhà trường, Sở GD&ĐT Gia Lai yêu cầu ĐKDT phải sử dụng email đã đăng ký với Sở, kiểm tra thư hàng ngày để kịp thời trao đổi thông tin.
Trong thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp, Sở này yêu cầu trường THPT, trung tâm mở phòng máy tính để thí sinh sử dụng điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến.
Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm 2018, dự kiến toàn tỉnh có 59 đơn vị có thí sinh dự thi (44 trường THPT, 15 cơ sở GD thường xuyên) với khoảng trên 13.000 thí sinh dự thi (số lượng thí sinh tăng dự tính khoảng 1.000 thí sinh và tăng 1 điểm thi).
"Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường chuẩn bị và huy động tối đa cơ sở vật chất, các điều kiện tổ chức thi và phục vụ tổ chức kỳ thi tại đơn vị; phối hợp với các sở, ngành, trường ĐH, CĐ, trung cấp và các cơ quan trên địa bàn trong bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên, giáo viên các trường đại học và các trường THPT tham gia tổ chức kỳ thi" - ông Nguyễn Minh Tường cho hay.
Chỉ đạo ôn tập từ đầu năm học
Ngay từ đầu năm học, nhiều Sở GD&ĐT đã chỉ đạo để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các nhà trường nắm bắt cũng như thực hiện tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức ôn tập cho HS; triển khai bám sát nội dung chương trình học. Đặc biệt, chú ý năm 2018, có nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2018, các địa phương đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ ôn tập theo bộ đề cho giáo viên; ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường trong công tác dạy - học, ôn tập cho HS lớp 12 định hướng theo đề thi tham khảo.
Nhiều Sở trên cơ sở đề thi tham khảo đã tiến hành xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức các kỳ khảo sát HS lớp 12. Đặc biệt, tại Phú Thọ, 2 đợt khảo sát tất cả các bài thi, môn thi đều do Sở GD&ĐT chi trả toàn bộ kinh phí.
Qua khảo sát, tiến hành phân tích, đánh giá chỉ ra kiến thức HS còn hạn chế để có biện pháp tăng cường ôn tập cho thí sinh, đồng thời chỉ ra tồn tại của cán bộ, giáo viên rút kinh nghiệm cho việc tổ chức coi thi và tồn tại của thí sinh khi làm bài.
Các cơ sở GD có thí sinh dự thi THPT quốc gia đều tiến hành rà soát phân loại năng lực học tập của HS lớp 12, xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng của từng bộ môn phù hợp với từng đối tượng HS; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức của HS. Có địa phương đã thành lập tổ giáo viên cốt cán để ôn luyện miễn phí cho các em HS lớp 12 trên trang Trường học kết nối.
Việc kiểm tra công tác tổ chức ôn thi THPT quốc gia và thực hiện đánh giá học viên cuối năm cũng bắt đầu được tiến hành tại các địa phương. Như Ninh Bình, hoạt động này sẽ được bắt đầu từ ngày 23/4 - 27/4/2018.
Trong các ngày trên, Sở GD&ĐT sẽ đến kiểm tra đột xuất về công tác quản lý, chỉ đạo việc tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia; thực hiện đánh giá và quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học viên; hồ sơ chuyên môn của đơn vị và giáo viên và dự một số giờ dạy trên lớp của giáo viên (kể cả tiết dạy ôn tập buổi chiều).
"Sở GD&ĐT đã rà soát về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện để xây dựng phương án trình UBND tỉnh; đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành trong việc đảm bảo an toàn, an ninh, giao thông đi lại, an toàn thực phẩm... đặc biệt là phương án cung cấp nguồn điện, đường truyền viễn thông phục vụ cho kỳ thi; chuẩn bị phương án phối hợp với các trường đại học (khi có phân công của Bộ GD&ĐT) để phối hợp tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, thuận lợi và đạt kết quả cao nhất".
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Nóng trước giờ G Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2018, các trường THPT trên địa bàn TPHCM đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch ôn tập. Song song với việc đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh, các đơn vị cũng chú ý tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, nhằm giúp học sinh có chọn...