Lưu ý khi chọn mỹ phẩm cho da nhạy cảm
Da nhạy cảm dễ bị phản ứng dẫn đến kích ứng, đỏ, ngứa, khô và viêm. Da nhạy cảm cũng trầm trọng hơn khi khí hậu lạnh hoặc khô.
Vậy làm thế nào để lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc da phù hợp?
1. Thế nào là da nhạy cảm?
Da nhạy cảm xảy ra khi chức năng rào cản tự nhiên của da bị suy yếu và bị phá vỡ do các tác nhân kích thích. Việc nhận biết làn da nhạy cảm có thể khó khăn do các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm đỏ, ngứa, châm chích, rát hoặc khô sau khi sử dụng mỹ phẩm, một số sản phẩm chăm sóc da hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố môi trường như gió, nắng hoặc nhiệt độ lạnh.
Tuổi tác, sự thay đổi nội tiết tố và căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến độ nhạy cảm của da. Da nhạy cảm cũng có thể là triệu chứng của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Vì vậy, việc theo dõi phản ứng của da với các kích thích khác nhau là rất quan trọng để xác định xem da có nhạy cảm hay không. Nếu nghi ngờ mình có làn da nhạy cảm, hãy liên hệ với bác sĩ da liễu để xác định nguyên nhân chính xác và xây dựng kế hoạch chăm sóc cũng như điều trị phù hợp.
Da nhạy cảm dễ bị phản ứng dẫn đến kích ứng, đỏ, ngứa, khô và viêm.
2. Chọn mỹ phẩm thế nào cho da nhạy cảm?
Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa da nhạy cảm là chọn lọc các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da, dành riêng cho da nhạy cảm. Các sản phẩm này cần mang lại sự cân bằng giữa việc tăng cường sức khỏe làn da và giảm kích ứng.
Nên tránh các sản phẩm có chứa paraben, phthalates, axit lactic, sulfate, cồn, tinh dầu… Không dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa hương liệu và có mùi thơm nồng vì thường chứa các hóa chất mạnh có thể gây kích ứng thêm cho da.
Ngoài ra, về lâu dài, những hóa chất này có thể làm mất đi lượng dầu trên da, khiến da khô và làm tăng nguy cơ mẩn đỏ, kích ứng và viêm nhiễm. Quy tắc này áp dụng cho tất cả các sản phẩm chăm sóc da bao gồm mỹ phẩm, dầu gội, xà phòng, sữa rửa mặt…
Hàng năm, các chuyên gia về dị ứng của Hiệp hội Da liễu Mỹ cũng lựa chọn “Chất gây dị ứng của năm” để nêu bật các chất gây dị ứng tiềm ẩn. Ngoài hương liệu, danh sách này còn bao gồm chất bảo quản (như methylisothiazolinone), kim loại (như niken) và thuốc nhuộm tóc (như paraphenylenediamine). Hạn chế sử dụng các sản phẩm có thành phần này có thể giảm thiểu nguy cơ da bị kích ứng.
Những mỹ phẩm chăm sóc da nên chọn là những sản phẩm có chứa các thành phần làm dịu làn da như lô hội, bơ hạt mỡ, dầu dừa, axit hyaluronic, hoa cúc, dầu hạt hướng dương và vitamin E.
Video đang HOT
Kem chống nắng là một phần không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày. Tuy nhiên, nếu da nhạy cảm bạn nên tránh các loại kem chống nắng hóa học có thể chứa các thành phần như avobenzone, octinoxate và oxybenzone, thay vào đó nên chọn kem chống nắng vật lý có sử dụng các thành phần như titan dioxide.
Cần lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho da nhạy cảm.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn cẩn thận với những gì mình bôi lên mặt và cơ thể, vẫn có nguy cơ bị kích ứng. Một số phản ứng có thể nhẹ, trong khi những phản ứng khác có thể nghiêm trọng hơn. Nếu có phản ứng bất thường cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng và/hoặc bác sĩ da liễu.
Chăm sóc làn da nhạy cảm không chỉ liên quan đến những gì bạn bôi tại chỗ mà còn liên quan đến những lựa chọn lối sống mà bạn thực hiện. Ví dụ, căng thẳng có thể gây ra các cơn bùng phát. Chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như rau lá xanh, có thể giúp chống viêm, trong khi thực phẩm cay, rượu và caffeine có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về da.
Giấc ngủ cũng là một yếu tố thường bị bỏ qua. Thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng hormone gây căng thẳng, từ đó có thể làm da nhạy cảm hơn. Hãy đặt mục tiêu ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm để có làn da khỏe mạnh tối ưu. Tắm nước nóng và tắm lâu có thể giúp bạn thư giãn nhưng sẽ làm tổn thương làn da nhạy cảm. Tốt nhất nên giới hạn thời gian tắm bằng nước ấm trong 10 phút để ngăn ngừa lượng dầu tự nhiên của da mất đi.
Khi nói đến việc chăm sóc làn da nhạy cảm, điều quan trọng không kém là chọn quần áo phù hợp và che chắn đúng cách. Hãy chọn quần áo cotton vì chúng nhẹ, mềm và giúp da dễ thở. Không chọn quần áo len hoặc thô cứng vì có thể gây kích ứng, ngứa ngáy và làm tăng nguy cơ dị ứng.
Tại sao da thường bị nổi mẩn ngứa khi gặp gió? 10 biện pháp giúp giảm triệu chứng nhanh chóng
Tiếp xúc với giá, đặc biệt là gió lạnh có thể gây kích ứng da với các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa rát da - đặc biệt là da mặt.
Vào những ngày tháng mùa hè, dưới tác động của ánh nắng mặt trời da bạn dễ bị đen sạm hoặc cháy nắng. Ngược lại, vào mùa đông, dưới sự tác động của gió làn da của bạn thường bị nổi mẩn, ngứa rát. Nguyên nhân là do gió khiến làn da của bạn mất đi độ ẩm, từ đó khiến da dễ bị kích ứng. Tình trạng này còn được gọi là "bỏng gió".
1. Chứng bỏng gió là gì?
Bỏng gió là một loại kích ứng da, xảy ra khi nhiệt độ thấp, thiếu độ ẩm và sự tác động của gió làm mất đi lớp dầu tự nhiên khỏi lớp trên cùng của da. Điều này phá vỡ hàng rào bảo vệ da của bạn và để lộ lớp da thứ hai nhạy cảm, làm giảm khả năng giữ ẩm của da, tăng tương tác với các chất gây kích ứng có thể xảy ra và dẫn đến da đỏ, khô và bong vảy, cảm thấy ngứa, rát,... Qua đây cũng có thể lý giải cho việc: " Tại sao da thường bị nổi mẩn ngứa khi gặp gió?".
Những người mắc bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm thường có làn da dễ bị kích ứng. Vì vậy, những người này dễ bị bỏng gió hơn khi ra ngoài trong thời tiết lạnh.
Chứng bỏng gió cũng có thể xảy ra song song với cháy nắng. Theo Tổ chức Ung thư Da, gió tăng cường tác động của tia cực tím (UV) , làm bong lớp da bên ngoài, khiến các lớp bên trong lộ ra, dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác hại của ánh nắng mặt trời. Do vậy, kể cả vào những tháng ngày mùa đông, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước cả hai tình trạng trên.
Hầu hết các trường hợp bị bỏng gió sẽ cải thiện sau vài ngày, nhưng những trường hợp nặng hơn có thể mất nhiều thời gian hơn để khắc phục.
Bỏng gió là tình trạng da bị mất đi lớp dầu tự nhiên do gió và dễ bị kích ứng (Ảnh: Internet)
2. 10 biện pháp giúp giảm triệu chứng khi bị bỏng gió
Để giảm triệu chứng bỏng gió và giúp da nhanh hồi phục, mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Sử dụng kem dưỡng ẩm. Khi da bị bỏng gió, lớp dầu tự nhiên trên da bị loại bỏ khiến cho da bị khô, thiếu nước và độ ẩm. Vì vậy, lúc này bạn nên sử dụng kem dưỡng để bổ sung lại độ ẩm cho da.
2. Chườm ấm để giảm mẩn đỏ và làm dịu vùng bị ảnh hưởng. Tránh sử dụng nước nóng trong khi bạn đang bị bỏng gió. Điều này sẽ lấy đi nhiều độ ẩm hơn từ da và kéo dài thời gian phục hồi của bạn.
3. Sử dụng gel lô hội vì lô hội có đặc tính làm dịu, giúp giảm chứng bỏng gió.
4. Tắm bằng bột yến mạch, biện pháp này có thể giảm viêm và ngứa.
5. Đắp mặt nạ mật ong để dưỡng ẩm và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
6. Sử dụng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm trong nhà và ngăn ngừa tình trạng khô da quá mức.
7. Bổ sung những thực phẩm giàu axit béo omega-3. Omega-3 có tác dụng dưỡng ẩm cho da và chống lại tình trạng da đỏ, khô hoặc ngứa do rối loạn da như viêm da dị ứng.
8. Tránh các sản phẩm chăm sóc da có tác dụng tẩy rửa mạnh. Không nên lựa chọn những sản phẩm có chứa cồn, đặc tính tẩy tế bào chết hoặc nhiều hương thơm. Lựa chọn tốt nhất cho bạn là những loại sữa rửa mặt dịu nhẹ và ít hương thơm, điều này sẽ ngăn ngừa da bị kích ứng thêm.
9. Bổ sung nước cho cơ thể, như vậy làn da sẽ nhanh chóng được cung cấp nước và tránh tình trạng khô da.
10. Thoa kem hydrocortisone không kê đơn
Đối với những người bị bỏng gió nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất hiện mụn nước lan rộng, cảm thấy đau dữ dội hoặc đỏ rát nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị thêm bằng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm đường uống để giảm bớt triệu chứng bỏng gió.
Thoa kem dưỡng ẩm sẽ giúp da bị bỏng gió nhanh phục hồi (Ảnh: Internet)
3. Cách phòng ngừa chứng bỏng gió
Vào mùa đông, da bạn không chỉ phải đối mặt với chứng bỏng gió mà còn chịu nhiều ảnh hưởng như da nứt nẻ, tăng sắc tố,... Để bảo vệ làn da trong những tháng ngày mùa đông, bạn nên thực hiện một số điều sau:
- Bảo hộ đầy đủ trước khi ra ngoài: Trước khi ra khỏi nhà, nhất là mùa đông lạnh giá bạn nên mặc nhiều lớp quần áo ấm như áo len, áo khoác, găng tay, tất và đặc biệt là đeo khẩu trang để giảm sự tác động của gió đến da mặt.
Lưu ý, bạn không nên mặc quần áo thô ráp vì ma sát có thể gây kích ứng da, dẫn đến mẩn đỏ và khó chịu.
- Thoa kem chống nắng đầy đủ: Nhiều người thường lầm tưởng rằng không cần thoa kem chống nắng vào mùa đông vì ít có ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, tia UV vẫn xuất hiện ngay cả khi trời không có nắng. Do vậy, bạn nên thoa kem chống nắng trong tất cả các mùa trong năm. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Lý do gió gây kích ứng tới da là do gió làm tăng tốc độ bốc hơi ẩm từ da, dẫn đến mất nước và khiến da bị khô. Do vậy, để giảm sự tác động của gió tới làn da, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm cả ban ngày và ban đêm.
- Uống nước đầy đủ: Có vẻ uống nhiều nước vào mùa đông sẽ khó khăn hơn mùa hè nhưng bạn nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài uống nước, mọi người có thể bổ sung thêm các món canh, nước ép,... để giúp da được giữ ẩm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giảm thiểu tình trạng mất độ ẩm của da
- Hạn chế tiếp xúc: Dành thời gian dài ở ngoài trời trong điều kiện lạnh và nhiều gió sẽ làm tăng tác động của chứng bỏng gió. Thời gian tiếp xúc càng lâu thì khả năng mất độ ẩm và kích ứng da càng lớn. Vì vậy, bạn nên giảm thiểu việc tiếp xúc kéo dài với điều kiện lạnh và gió bằng cách nghỉ giải lao và ở trong nhà.
Kết luận lại, da thường bị nổi mẩn ngứa khi gặp gió là do da bị mất đi độ ẩm do sự tác động của gió, nói cách khác đây là chứng bỏng gió. Mặc dù tình trạng này không ảnh hưởng nghiêm trọng tới da nhưng có thể gây kích ứng và khó chịu. Vì vậy, trong những tháng ngày mùa đông, mọi người nên có chế độ chăm sóc da phù hợp, đặc biệt nên thoa kem dưỡng ẩm và chống nắng đầy đủ.
Các thành phần bị cấm và hạn chế trong mỹ phẩm Trên thị trường xuất hiện nhiều loại hóa mỹ phẩm chứa các chất cấm gây hại tới làn da, sức khỏe người sử dụng. Độ an toàn của một sản phẩm mỹ phẩm phần lớn phụ thuộc vào độ an toàn của từng thành phần bên trong đó. Theo đó, việc hiểu biết và biết cách kiểm tra thành phần mỹ phẩm là...