Lưu ý đặc biệt với điểm thi vùng miền núi nhận cùng lúc đề thi 8 môn
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra điểm thi tại trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)
GD&TĐ – Sáng nay (29/6), tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Quảng Nam, Đà Nẵng cùng một số ban ngành liên quan về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, do đặc thù địa lý, điều kiện đi lại nên đối với những điểm thi ở vùng miền núi, sẽ nhận cùng một lúc đề thi của 8 môn thi. Chính vì vậy, cần phải tăng cường công tác bảo mật; ngoài ra, phải chấp hành nghiêm túc lịch thi cũng như quy trình mở túi đề thi, bởi chỉ cần một chút nhầm lẫn sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi chung của cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm quý trong công tác tổ chức
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đơn vị chủ trì cụm thi 27 – khẳng định: “Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Quảng Nam với ĐH Đà Nẵng đã giúp ĐH Đà Nẵng có sự chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức.
Khác với kỳ thi 3 chung trước đây, năm nay, với kỳ thi 2 trong 1, vừa lấy điểm xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh CĐ, ĐH, thí sinh sẽ có sự thay đổi phòng thi theo từng môn thi chứ không cố định phòng thi như trước kia.
Các Sở GD&ĐT, bằng kinh nghiệm của mình, đã tư vấn cho chúng tôi việc nhắc nhở thí sinh photo giấy báo dự thi thành nhiều bản để tránh những lúng túng không đáng có, phòng trường hợp nếu bị mất giấy báo dự thi, thí sinh sẽ không biết được môn nào mình sẽ thi ở phòng nào”.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bùi Văn Ga hết sức lưu ý việc tuân thủ quy chế thi cùng những hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng núi
Tại Đà Nẵng sẽ chỉ có một cụm thi liên tỉnh do ĐH Đà Nẵng chủ trì chứ không tổ chức cụm thi địa phương. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh việc Đà Nẵng là một trong ba tỉnh, thành trên cả nước không tổ chức cụm thi địa phương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý đến điều kiện đi lại, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi đối với những thí sinh vùng miền núi Hòa Bắc của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và nhấn mạnh: “Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cũng như có những hỗ trợ cần thiết cho những thí sinh vùng xa, vùng ven của thành phố trong điều kiện không tổ chức cụm thi địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Hùng – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng – báo cáo Thứ trưởng: UBND TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng để đưa đón HS khối 12 của trường THPT Phạm Phú Thứ đến các điểm thi.
Đối với số HS người dân tộc, trước đây, trong các kỳ thi tốt nghiệp, Đà Nẵng cũng đã có truyền thống trong việc chăm sóc việc ăn, ở, đi lại cho các em, năm nay, Đà Nẵng vẫn duy trì những việc làm này. Mặc dù đa số thí sinh Quảng Nam đều có người nhà, bà con tại Đà Nẵng nhưng việc khảo sát chỗ trọ miễn phí, giá rẻ cũng được thực hiện chu đáo.
Riêng Sở GD&ĐT Quảng Nam, ở cụm thi địa phương, Quảng Nam có 14 HĐT với 5.019 thí sinh ĐKDT, đạt tỉ lệ 23,3%. Trong số này, có 7 HĐT đặt tại các huyện miền núi.
Ông Hà Thanh Quốc – GĐ Sở GD&ĐT Quảng Nam – cho biết: “Có những HS chỉ di chuyển từ trường THPT đến điểm thi cũng đã mất 70km, từ thành phố Tam Kỳ lên đến điểm thi xa nhất là 300km. Trong số hơn 5.000 thí sinh ĐKDT tại cụm thi địa phương thì HS người dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn.
Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc học kỳ I, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã chỉ đạo các phòng chuyên môn lên kế hoạch ôn tập cụ thể, trong đó, với những trường miền núi, Sở đã cùng các trường soạn lại đề cương ôn tập cho phù hợp, trong đó, bám sát theo những nội dung cơ bản, đáp ứng chuẩn kiến thức – kỹ năng”.
Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng đã tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ cho GV, HS các huyện miền núi ở lại trường ôn tập trong tháng 6. Ngoài ra, các huyện cũng đã có những hỗ trợ trực tiếp cho các trường THPT từ kinh phí, làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, HS về một kỳ thi có nhiều đổi mới.
Để chuẩn bị tâm lý thi cử cho HS cũng như rà soát lại chất lượng trước khi vào đợt phụ đạo cao điểm trong tháng 6, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã tổ chức “thi thử như thi thật” theo đúng quy chế thi của Bộ GD&ĐT.
Ông Hà Thanh Quốc nhấn mạnh: Ngoài phương án chuẩn bị chung cho toàn tỉnh, chúng tôi cũng có phương án cụ thể, phù hợp nhất đối với từng điểm thi. Có những điểm thi, số cán bộ công an bảo vệ kỳ thi lên đến 20 người. Với đặc điểm hoàn cảnh địa bàn có nhiều khó khăn, HS người dân tộc đông, Quảng Nam đã có những phương án để giảm bớt khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Như huyện Nam Giang đã giữ HS ở lại trường, ăn ở tập trung để vừa đảm bảo chất lượng ôn thi vừa “giữ chân” thí sinh cho đến ngày thi.
“Trước một kỳ thi có nhiều đổi mới, chúng tôi cũng hết sức lo lắng vì là địa bàn có nhiều khó khăn. Chính vì lo lắng như thế nên ngành GD&ĐT cũng như chính quyền địa phương đã chuẩn bị hết sức chu đáo, từ khâu ôn tập, tập dượt thi cử, đến điều kiện ăn ở, đi lại của thí sinh làm sao để các em không vì một lý do khó khăn nào đó mà không thể dự thi” – Vị lãnh đạo ngành Giáo dục Quảng Nam chia sẻ.
Tỉnh Quảng Nam có những giải pháp thiết thực hỗ trợ thí sinh
Qua kiểm tra thực tế một số điểm thi ở các huyện miền núi Quảng Nam, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cho biết, công tác chuẩn bị được địa phương thực hiện chu đáo đến từng chi tiết, như Huyện Bắc Trà My, HS người dân tộc và HS có hoàn cảnh khó khăn được ở lại khu nội trú, UBND huyện cấp kinh phí, gạo, tổ chức bếp ăn tập thể, người nhà thí sinh đến có chỗ để ở. Mỗi thí sinh được bố trí ngồi một bàn, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các thí sinh trong thi cử.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá rất cao cách làm của Quảng Nam trong việc tiên lượng những thí sinh có khó khăn để có phương án xử lý. Quảng Nam có nhiều địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa phương đã có những quyết sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho thí sinh. Đây cũng là một kinh nghiệm cần được phổ biến và nhân rộng.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chủ trương giảm áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần cho thí sinh và không để bất cứ một thí sinh nào vì một lý do khó khăn nào đó, đặc biệt là khó khăn về kinh tế mà không đến được trường thi.
Chính vì vậy, lực lượng Đoàn thanh niên tham gia Tiếp sức mùa thi phải hết sức lưu ý, có những phương án để hỗ trợ cho những thí sinh có khó khăn về chỗ trọ, phương tiện đi lại để hỗ trợ trong những ngày thi.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý: Kỳ thi năm nay rất đặc thù so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” của những năm trước. Thí sinh sẽ phải di chuyển phòng thi, chính vì vậy, cán bộ coi thi cần phải nhắc nhở, lưu ý các em điều này.
Các cụm thi cũng phải thường xuyên mở hộp thư tuyển sinh để cập nhật kịp thời những chỉ đạo có liên quan đến kỳ thi. Đặc biệt, đối với những điểm thi nhận cùng một lúc đề thi của 8 môn, cần phải thực hiện thận trọng trong tất cả các công việc, chấp hành nghiêm lịch thi, tránh nhầm lẫn, sai sót trong mở túi đề thi.
Chỉ cần một điểm thi nào đó nhầm đề thi môn này sang môn khác thì sẽ ảnh hưởng đến cả nước, hậu quả sẽ rất lớn.
Theo GD&TĐ