Lương thấp, nhiều giáo viên xin ra khỏi ngành
Góp ý dự luật Giáo dục sửa đổi, đại diện tỉnh Lào Cai chia sẻ năm 2017 có 26 giáo viên THPT xin thôi việc, lý do thu nhập thấp.
Sáng 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo góp ý cho dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục với sự tham dự của đại diện 14 tỉnh thành phía Bắc. Phần lớn đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi 29/120 điều của Luật Giáo dục, đặc biệt quy định về nâng lương giáo viên, miễn học phí THCS…
Lương giáo viên quá thấp
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, ông Phạm Văn Đại chỉ ra thực tế ngành giáo dục đang khó thu hút nhân tài và nam giới. Tỷ lệ giáo viên nam bậc THPT của thủ đô chỉ chiếm 15% tổng số. Nguyên nhân cơ bản là lương giáo viên quá thấp.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại.
“Giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng tiền lương. Trong khi đó, nam giới là trụ cột kinh tế nuôi sống cả gia đình. Nếu ngành giáo dục không chi trả cho họ đủ để chăm lo gia đình thì làm sao thu hút người”, ông Đại nói.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai, ông Trần Quang Vượng chia sẻ thực tế số giáo viên xin ra khỏi ngành tăng đột biến. Chỉ cấp THPT, chưa hết năm 2017 đã có 26 thầy cô xin thôi việc, gấp 4 lần số lượng năm 2015. Trong đó có cả giáo viên ở thành phố, cả người trẻ và người thâm niên công tác 10 năm.
“Càng về cuối năm, chúng tôi càng nhận được nhiều đơn xin nghỉ của giáo viên, ở tất cả cấp bậc từ mầm non đến THPT. Thầy cô vì thu nhập thấp, không đáp ứng được cuộc sống nên muốn chuyển sang công việc khác”, ông Vượng nói và thông tin nhiều giáo viên sau khi chuyển sang ngành dịch vụ có thu nhập cao gấp 4-5 lần.
Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng cần nâng lương giáo viên. Quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” nêu trong dự luật sửa đổi do đó nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý cần thêm “cán bộ quản lý giáo dục” vào danh sách tăng lương. Bởi nhiều cán bộ đi lên từ giảng dạy, nếu không quy định rõ thì khi chuyển sang làm quản lý, họ sẽ bị mất thâm niên và giảm thu nhập.
Giáo viên đang hưởng lương thế nào? Đồ họa: Tiến Thành – Quỳnh Trang
Nên hỗ trợ học phí cho học sinh trường ngoài công lập
Đại diện 14 Sở Giáo dục đều cho rằng, quy định miễn học phí THCS nêu trong dự thảo là cần thiết. Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Ninh, ông Phan Xuân Quyết dẫn Nghị quyết 29 “thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020″. Giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải cung cấp học phí, việc miễn học phí cho cả cấp THCS thay vì chỉ cấp tiểu học như hiện nay, là hợp lý.
“Dù mức thu học phí hiện không cao, nhưng nếu miễn được cho học sinh, thì việc phổ cập giáo dục sẽ thuận lợi hơn”, ông Quyết nói.
Đồng tình với chủ trương miễn học phí THCS, nhưng Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thi cho rằng điều này có thể gây khó khăn cho ngân sách nhà nước. Quy định mức chi thường xuyên cho hoạt động giáo dục chiếm 20% ngân sách, nhưng thực tế nhiều tỉnh chỉ có thể đáp ứng 10%. “Nếu giờ không thu học phí thì ngân sách có đáp ứng được không?”, ông đặt câu hỏi.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng, cần xem xét thêm việc hỗ trợ học phí cho học sinh trường dân lập. Quy định là phổ cập giáo dục bậc tiểu học, tiến tới là THCS cho tất cả trẻ em, nhưng hiện nay trẻ học dân lập lại không được hưởng thụ chính sách đó, như vậy là chưa công bằng.
Mặt khác, theo ông Phạm Văn Đại, khi miễn học phí trường công lập THCS, các trường dân lập sẽ bị sức ép về mặt tuyển sinh. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ học trường ngoài công lập các cấp.
“Theo tôi luật nên quy định tất cả học sinh ở bậc tiểu học và THCS đều được cấp học phí, trong đó nêu rõ mức cấp cho trường công lập, dân lập. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong xã hội”, Phó giám đốc Đại nói.
Tăng tuổi nhận trẻ mầm non từ 3 lên 6 tháng
Giáo dục mầm non 5 tuổi đã được phổ cập nên theo nhiều đại biểu Nhà nước nên miễn học phí cho cấp học này. Lãnh đạo Sở Giáo dục Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam đề xuất tăng tuổi nhận trẻ từ 3 lên 6 tháng tuổi để phù hợp thực tế.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Hải Phòng đề xuất tăng tuổi nhận trẻ vào trường mầm non lên 6 tháng tuổi.
Giáo viên Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Hà Nam) cho biết, điều lệ trường mầm non hiện nay quy định nhà trường phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Thực tế không phụ huynh nào gửi trẻ từ độ tuổi này, nhà trường cũng không thể nhận trẻ dưới một tuổi do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu.
“Để chăm trẻ 3-6 tháng tuổi, trường phải cử riêng một giáo viên chăm sóc một em hoặc nhiều lắm là 3 trẻ một cô. Nhưng hiện nay chúng tôi thực hiện 2 giáo viên phụ trách một lớp 35-40 trẻ, nên nếu phụ huynh nào muốn gửi con từ 3 tháng tuổi, nhà trường cũng đành từ chối”, cô giáo nói.
Do Luật Bảo hiểm xã hội đã thay đổi thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 3 lên 6 tháng, cô Thủy cho rằng Luật Giáo dục cũng cần nâng độ tuổi nhận trẻ mầm non để phù hợp tực tế và Luật Bảo hiểm.
Theo VNE
Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục
Đại biểu tỉnh Nam Định băn khoăn, miễn học phí bậc tiểu học đã phát sinh lạm thu, vậy khi miễn học phí ở bậc trung học cơ sở có phát sinh lạm thu hay không?
Mười một vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý
Ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào Tạo, để có thêm cơ sở để hoàn thiện Dự thảo trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Bộ đề nghị đại biểu nghiên cứu sâu 11 vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục, chính sách giáo viên, chuẩn giáo viên...
Cụ thể, Bộ xin ý kiến về mục tiêu giáo dục và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; về yêu cầu nội dung, phương pháp giáo dục và chương trình giáo dục;
Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào Tạo (ảnh Trinh Phúc).
Về đầu tư cho giáo dục; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; Giáo dục mầm non; Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; Giáo dục thường xuyên;
Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và quyền sở hữu tài sản của nhà trường dân lập; Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học;
Tiền lương của nhà giáo; Không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập.
Bà Lê Thị Kim Dung cho rằng:
"Dự thảo Luật Giáo dục đã sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản giản hóa các luồng đi chuyển của người học trong hệ thống.
Tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo, người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời.
Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được các trình độ, các loại văn bằng".
Liên quan đến quan điểm trong lần sửa đổi Luật Giáo dục lần này, bà Lê Thị Kim Dung cho biết:
"Hiện còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như về chính sách đối với nhà giáo; vấn đề nâng chuẩn trình độ đòa tạo giáo viên tiểu học; vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí".
Liên quan đến chuẩn giáo viên tiểu học, phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Hiền, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng:
"Trong Luật quy định nâng cao chuẩn giáo viên bậc tiểu học lên cao đẳng, đến nay tỉnh Quảng Ninh có tới 96% giáo viên tiểu học đạt được trình độ cao đẳng trở lên.
Số giáo viên còn lại đa số người đã trên 50 tuổi ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Vì thế, khi Luật có hiệu lực thì cần có lộ trình để các giáo viên địa bàn vùng sâu vùng xa có điều kiện để đáp ứng đúng tiêu chuẩn".
Miễn học phí liệu phát sinh lạm thu?
Trong khi đó, đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa có ý kiến:
"Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở làm tốt. Điều này tạo điều kiện nâng cao được chất lượng giáo dục.
Về cơ chế chính sách, việc nâng lương với nhà giáo rất cần thiết. Lương nhà giáo thấp đặc biệt bậc mầm non, tiểu học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ điều hành hội thảo (ảnh Trinh Phúc).
Còn về việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học, hiện Thanh Hóa có 79% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên nên quy định chuẩn giáo viên trình độ cao đẳng là có cơ sở để thực hiện".
Liên quan đến việc miễn học phí, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng:
"Về miễn phí học phí cho bậc trung học cơ sở là chính sách tốt.
Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn hiện ngân sách hoạt động cho giáo dục thấp.
Mặc dù, quy định các địa phương phải đảm bảo 20% chi ngân sách hàng năm cho giáo dục nhưng thực tế nhiều địa phương chỉ có 10% -15%, thậm chí chi dưới 10%.
Chính vì vậy cần nghiên cứu thêm".
Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, tỉnh Bắc Ninh cho rằng:
"Cần thiết phải miễn học phí cho cả bậc học mầm non. Bởi vì, theo tìm hiểu nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến giáo dục trẻ em dưới 5 tuổi và miễn học phí".
Cũng liên quan đến miễn học phí, đại biểu của Sở Giáo dục Nam Định cho rằng:
"Rất đồng tình với chính sách miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh, không thu học phí bậc tiểu học đã dẫn tới lạm thu ở bậc học này.
Vậy, không thu học phí ở bậc trung học cơ sở có dẫn tới lạm thu ở bậc học này hay không?".
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Kim Ánh, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy cho rằng:
"Rất phấn khởi khi Luật đã quan tâm đến đời sống giáo viên và miễn học phí cho học sinh.
Khi muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì việc nâng cao lương giáo viên là đường lối đúng đắn, chúng tôi nhất trí.
Tuy nhiên, một bất cập khi xét lương hiện nay là mức khởi điểm hoàn toàn như nhau không có sự khác biệt về bằng cấp khởi điểm.
Thông tin về được miễn học phí, phía học sinh và dư luận rất phấn khởi, tuy nhiên, cần xem xét đến đặc thù của các vùng miền, ngân sách cấp không đủ kinh phí thì nhà trường không hoạt động được và sẽ phát sinh lạm thu".
Nâng lương để ngăn chặn giáo viên bỏ nghề
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho rằng:
"Hưng Yên nhất trí mong muốn lương nhà giáo được quan tâm hơn, học phí của các cháu trung học cơ sở được miễn phí.
Miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở thể hiện tính ưu việt của chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cập.
Cảm thấy rất phấn khởi khi lương giáo viên được nâng cao, điều này sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn".
Liên quan đến chính sách của nhà giáo, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho rằng:
"Băn khoăn tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống giáo dục, trong đó các cán bộ quản lý không được hưởng chế độ này".
Nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi khái niệm "nhà giáo" để người quản lý giáo dục cũng được hưởng chế độ chính sách ưu tiên.
Bởi, hiện nay thực tế điều chuyển giáo viên lên làm chuyên viên ở sở, phòng khó khăn vì họ không được hưởng chính sách lương thâm niên nhà giáo.
Ông Trần Quang Vượng, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho rằng:
"Đối với chính sách giáo viên cần thay đổi, nâng lương là cần thiết vì trong năm nay có tới 26 giáo viên xin thôi việc.
Trong khi đó, năm 2005 chỉ có 6 giáo viên thồi việc. Con số này có tính đột biến, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc sức hút tiền lương đối với giáo viên thấp.
Hiện, càng về cuối năm đơn thư xin thôi việc càng nhiều nên chính sách giáo viên cần thay đổi".
Theo GDVN
Lương giáo viên cao nhất đang xấp xỉ 11 triệu đồng/tháng Giáo viên đã công tác được 25 năm thì mức lương dao động từ 9.183.720 đồng (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 10.171.200 đồng (giáo viên Trung học cơ sở)... Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo...