Lương hơn 3 triệu đồng, thầy giáo trẻ bỏ biên chế làm thợ xăm
Sau 10 năm dạy học, với lương hơn 3 triệu đồng/tháng, thầy giáo Nguyễn Quang Tuệ đã viết đơn xin ra khỏi biên chế.
Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh lá đơn xin nghỉ việc vì lương thấp. Người viết đơn là Nguyễn Quang Tuệ (sinh năm 1987), dạy Mỹ thuật tại trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Thầy Tuệ nêu rõ lý do xin nghỉ việc là điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh và mức thu nhập thấp không đảm bảo trang trải cuộc sống cho gia đình và chữa bệnh. Giáo viên trẻ muốn xin chuyển sang làm nghề khác để đảm bảo thu nhập hơn cho cá nhân cũng như gia đình.
Lá đơn xin nghỉ việc của thầy Nguyễn Quang Tuệ. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với Zing.vn, thầy Nguyễn Quang Tuệ cho biết lý do xin ra khỏi ngành sư phạm vì mức lương 3,6 triệu đồng/tháng không thể đủ trang trải cho cuộc sống hiện tại.
Thầy giáo bày tỏ: “Mức lương đó tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu hàng ngày cho bản thân, ngoài ra mình còn phải lo cho bố mẹ và gia đình”.
Để quyết định bỏ biên chế, thầy giáo trẻ đã phải suy nghĩ rất nhiều nhưng cuối cùng đã chọn lựa và được mọi người ủng hộ.
Thầy giáo trẻ cho biết cảm giác sau khi xin ra khỏi nghề là nhớ trường lớp, nhớ học sinh. Ảnh: NVCC.
Trước đó, thầy Nguyễn Quang Tuệ tốt nghiệp CĐ Sư phạm Mỹ thuật Quảng Bình từ năm 2008. Sáu năm sau khi ra trường, thầy Tuệ đi dạy hợp đồng tại các trường trong tỉnh.
Đến tháng 3/2014, thầy Tuệ được vào biên chế và làm việc tại trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Giáo viên này kể thời điểm khó khăn nhất trong nghề là 6 năm đầu tiên dạy hợp đồng khi lương thấp, nghỉ hè lại không có lương, phải đi làm thêm thợ xăm và chụp ảnh.
Video đang HOT
Trong 6 năm, thầy Tuệ dạy hợp đồng tại 8 trường học, trong đó 4 năm dạy học cách nhà 20 km. Lương hợp đồng thấp, tiết kiệm lắm thầy mới đủ tiền xăng xe, tiền sinh hoạt cá nhân mà không giúp được gì cho gia đình.
Vào biên chế, cuộc sống của giáo viên trẻ đỡ khó khăn hơn khi không phải lo chạy vạy đi tìm trường để xin dạy. Nhưng số tiền hơn 3 triệu mỗi tháng sau 4 năm vào biên chế khiến giáo viên trẻ không đủ trang trải cuộc sống.
Sau khi bỏ thôi làm giáo viên, thầy Tuệ làm thợ xăm nghệ thuật. Ảnh: NVCC.
“Khi quyết định gửi đơn xin nghỉ việc, mình đã suy nghĩ rất kỹ. Mình yêu nghề sư phạm và học sinh, nhưng cuộc sống bắt buộc mình phải chọn lựa. Cảm giác của mình sau đó là nhớ đồng nghiệp, nhớ học trò”, thầy giáo kể.
Thầy Quang Tuệ cho hay sẽ tập trung công việc xăm nghệ thuật. Đây cũng là công việc làm thêm ngoài giờ lên lớp (thứ bảy, chủ nhật) và nghỉ hè trong thời gian qua của giáo viên này.
Ông Nguyễn Hải Dương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Thủy – xác nhận hình ảnh lá đơn xin nghỉ việc xuất hiện trên mạng xã hội là của thầy Nguyễn Quang Tuệ. Thầy hiệu trưởng cũng như một số giáo viên khác trong trường cảm thấy buồn vì điều này.
Theo vị hiệu trưởng, thầy giáo Tuệ được nhiều đồng nghiệp quý mến, không vi phạm kỷ luật trong quá trình kỷ luật. Tuy nhiên, hoàn cảnh của thầy cũng khá khó khăn khi còn bố mẹ già hơn 70 tuổi phải chăm sóc.
Theo Zing
Chính sách giáo dục của Singapore tốt nhất thế giới
Singapore dẫn đầu châu Á về khả năng chuẩn bị tốt nhất cho tương lai người học và đứng thứ nhất thế giới về chính sách giáo dục.
Ngày 19/9, Economist Intelligence Unit (EIU) công bố chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục trong việc giúp học sinh, sinh viên tuổi từ 15 đến 24 chuẩn bị tốt nhất cho công việc tương lai.
Bảng xếp hạng (BXH) tổng thể của EIU. Ảnh chụp màn hình.
Giáo dục Singapore tốt nhất châu Á
BXH hạng này đánh giá năng lực của đội ngũ lao động tương lai về khả năng cạnh tranh toàn cầu để có nền giáo dục, công việc, cơ hội phát triển tốt nhất.
Vì thế, họ cần nhanh nhẹn, linh hoạt, năng động, sẵn sàng phát hiện đồng thời phải ứng nhanh nhạy trước các xu hướng mới.
Học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15 đến 24 cần được chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đối mặt các thách thức như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, làn sóng di cư và sự thay đổi nhân khẩu học.
Dựa trên những tiêu chí đó, Singapore đứng đầu châu Á với 80,1/100 điểm. Nước này xếp thứ 5 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, sau New Zealand (88,9), Canada (86,7), Phần Lan (85,5) và Thụy Sĩ (81,5).
Nhật Bản đứng thứ 7 trên BXH với 77,2 điểm và là quốc gia tốt thứ hai châu Á về xây dựng nền tảng cho người học.
Hàn Quốc xếp thứ 12, Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 14. Việt Nam, Trung Quốc lần lượt xếp thứ 28 và 31, cùng nằm trong nhóm nước cần cải thiện môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến chính sách giáo dục, Singapore được đánh giá tốt nhất thế giới với 88,8 điểm. Hai vị trí tiếp theo thuộc về New Zealand (87,5) và Canada (87).
Hàn Quốc đứng thứ 6. Nhật Bản xếp thứ 22. Trung Quốc xếp thứ 27 và thuộc nhóm cần cải thiện.
Trong khi đó, với 47,1 điểm, Việt Nam đứng thứ 25 về chính sách giáo dục và thuộc nhóm trung bình.
Lợi thế từ đội ngũ giáo viên
Nhìn chung, thứ hạng này không gây thắc mắc. Singapore đứng đầu là điều dễ hiểu.
EIU nhận định lợi thế của giáo dục nước này đến từ đội ngũ giáo viên chất lượng cao, tập trung việc cung cấp cho học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp tương lai.
Theo GS David Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, giáo viên là "một trong những đòn bẩy tốt nhất của một hệ thống giáo dục tốt".
Họ phải đủ năng lực giảng giải những khái niệm khó cho những học sinh có trình độ khác nhau, truyền cảm hứng học tập, đồng thời hướng dẫn các em vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống bên ngoài phòng học.
GS Hùng nói thêm việc giáo viên ngày càng có vị thế cao trong xã hội Singapore là yếu tố cốt yếu thu hút những học sinh giỏi theo ngành sư phạm, cho họ động lực theo đuổi nghề giáo lâu dài.
"Singapore đang hình thành nền văn hóa tôn trọng nghề giáo. Cách đây hai thập kỷ, tình hình không như vậy. Lương và đãi ngộ cho giáo viên rất quan trọng. Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như thái độ xã hội cùng rất quan trọng", ông nói.
EIU cũng chỉ ra trung bình, giáo viên THCS ở Singapore nhận lương cao thứ 16 thế giới. Mức lương của giáo viên nước này thấp hơn đáng kể so với một số nước châu Á như Nhật Bản (thứ 2), Hàn Quốc (thứ 3).
Môi trường giảng dạy của nước này cũng chỉ xếp thứ 8 với 78,7 điểm, xếp sau Nhật bản (86,9) và Hàn Quốc (82).
Ngoài ra, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho tương lai học sinh, Singapore chú trọng phát triển các chương trình ngoại khóa cho phép học sinh lựa chọn các hoạt động mang tính hướng nghiệp như lập trình, nghiên cứu chế tạo robot.
"Những chương trình này được đưa ra với mục đích hướng học sinh liên kết các khái niệm học được trên lớp vào thế giới thực. Giáo viên luôn khuyến khích và tạo điều kiện để học trò ứng dụng kiến thức vào thực tế", báo cáo của EIU cho hay.
Tuy nhiên, EIU đánh giá Singapore vẫn có thể cải thiện tính sáng tạo của người học thông qua hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, xã hội hay các trường, đại học khác.
Economist Intelligence Unit (EIU) là một doanh nghiệp độc lập thuộc tập đoàn Economist cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, chẳng hạn như tường trình quốc gia hàng tháng, tiên đoán kinh tế 5 năm, tường trình dịch vụ rủi ro quốc gia và tường trình kỹ nghệ.
EIU đưa ra BXH chất lượng giáo dục trong việc chuẩn bị cho đội ngũ lao động tương lai dưới sự ủy quyền của tổ chức Yidan Prize do Charles Chen Yidan - đồng sáng lập của ông lớn công nghệ Tencent - thành lập.
Theo Zing
Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam Đó là một trong những kết luận của Báo cáo phân tích ngành giáo dục (giáo dục phổ thông) được công bố sáng 19/9 tại Diễn đàn giáo dục 2017. Báo được công bố tại Diễn đàn giáo dục 2017 do Viện Khoa học Giáo dục và Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại...