Lương giáo viên thấp hơn lương bảo vệ
Nhiều năm đứng trên bục dạy học, nhưng thu nhập của giáo viên (GV) thậm chí còn thấp hơn cả vị trí bảo vệ nhà trường. Đó là thực tế đang diễn ra tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
12 năm đứng lớp, vẫn phải “sống nhờ” gia đình
Chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1977) tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên được điều động về làm GV tiểu học tại Trường TH Kim Phượng từ năm 1997 với mức tiền công 290.000 đồng/tháng. Sau đó, chị Hạnh được Phòng GDĐT điều động đi dạy tại nhiều trường khác nhau.
Năm học 2009 – 2010 chị được đóng BHXH trong thời gian vẻn vẹn 5 tháng và tiếp tục “trường kỳ” gắn bó với loại hợp đồng ngắn hạn hai tháng ký lại một lần. Sau hơn 12 năm đứng lớp, hiện mức tiền công chị nhận được hằng tháng đã tăng hơn ba lần, đạt mức 1.000.000 đồng/tháng. Chị Hạnh chua xót nói: “Với mức thu nhập bình quân 30.000 đồng/ngày, quả thật tôi vẫn phải sống nhờ vào chồng, vào gia đình”.
Còn anh Mai Hoàng Hiệp, dân tộc Tày – GV dạy toán theo dạng hợp đồng được hơn 7 năm nhưng đã 8 lần được thuyên chuyển qua các trường khác nhau. Mức tiền công anh Hiệp nhận từ Phòng GDĐT hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng.
Anh Hiệp cho biết: “Sau khi trừ đi các khoản đóng BHXH, BHYT đóng từ tháng 3.2011 mức thực lĩnh của tôi chỉ còn hơn 900.000 đồng/tháng. Nhiều khi ngẫm cũng đau lòng, đứng trên bục giảng chừng đấy năm nhưng hiện mức thu nhập của tôi vẫn thấp hơn bác bảo vệ của trường”.
Còn hơn 30 trường hợp GV dạy các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở Định Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh “triền miên” hợp đồng ngắn hạn. Người ít thì 3 – 5 năm, người nhiều đã có đến chục năm gắn bó với giáo dục tại huyện miền núi Định Hóa nhưng thu nhập vẫn vô cùng bấp bênh. Các GV hợp đồng ngắn hạn đã có đơn đề nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhằm xem xét lại cơ chế tuyển dụng viên chức, công chức theo QĐ 14/2008/QĐ-UBND.
Video đang HOT
Những giáo viên biên chế ở Định Hoá, Thái Nguyên.
Dạy giỏi cũng trượt… biên chế
Theo Quyết định 14/2008/QĐ-UBND tỉnh Thái Nguyên thì cơ chế xét tuyển được thực hiện trên cơ sở: Điểm kết quả học tập trung bình toàn khóa (được quy đổi theo thang điểm 100) nhân hệ số 2. Bên cạnh đó, cơ quan xét tuyển không được tự thêm bất cứ loại điểm nào khác. Tuy nhiên điều bất cập là khi xét tuyển số GV đã hợp đồng lâu năm, trong đó có cả những người đã được đóng BHXH đa số có điểm trung bình toàn khóa thấp hơn số GV ra trường sau này. Do đó, những GV lâu năm này lại không được trúng tuyển.
Điều chua xót ở đây là những năm trước, trong điều kiện của một huyện miền núi khó khăn, nhiều GV đã không ngại khó, ngại khổ để đứng lớp và gắn bó với cơ sở, địa bàn. Họ vừa đứng lớp, vừa học tập nâng cao trình độ, nhiều thầy cô đã có công mở lớp, nhất là ở cấp học mầm non. Thế nhưng với những quy định cứng nhắc này, họ vô tình bị đẩy ra rìa “cơ chế” và những quy định đã trở thành rào cản bất công đối với những người có năng lực, cống hiến lâu năm cho giáo dục huyện Định Hóa.
Ông Thái Văn Cương – Trưởng phòng GDĐT huyện Định Hóa cho biết: “Phòng đã nhận được đơn của các GV hợp đồng tại các trường đề nghị có chế độ ưu tiên trong xét tuyển viên chức năm 2011. Phòng cũng đã có công văn gửi UBND huyện xem xét giải quyết thỏa đáng”.
Trong số này, theo ông Cương, nhiều GV có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu được giao, phẩm chất đạo đức tốt. Đơn cử trong những lần thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhiều GV liên tục đoạt giải trong khi GV đã vào biên chế không đạt hoặc thậm chí không tham gia thi. Nhưng đến khi xét tuyển biên chế thì GV mới ra trường có bảng điểm đẹp vẫn “ăn đứt” người dạy giỏi, có kinh nghiệm lâu năm.
Ông Ma Đình Đối – Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho rằng: “Huyện rất muốn tuyển GV là con em của huyện đã gắn bó với giáo dục Định Hóa lâu năm, nhưng cơ chế tuyển dụng bó buộc nên chưa thể thực hiện được”.
Có thật do cơ chế hay do tư duy bó buộc khiến hàng chục GV hợp đồng ngắn hạn hết năm này qua năm khác chưa tìm được lối mở?
Theo Vinh Hải (Lao động)
Dài cổ chờ miễn, giảm học phí
Theo quy định mới, sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí phải đóng học phí cho trường, sau đó địa phương sẽ chi trả cha mẹ sinh viên. Tuy nhiên đến nay rất nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa triển khai thực hiện quy định này.
Học kỳ I năm học trước, sau khi được nhà trường xác nhận miễn, giảm học phí, Nguyễn Thị Hà, SV năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, gửi ngay giấy xác nhận này về gia đình nộp cho địa phương để nhận lại tiền hỗ trợ miễn giảm học phí. Trong thời gian chờ đợi, gia đình phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng học phí cho em gái của Hà đang học Trường ĐH Luật TP.HCM.
Vay nóng đóng học phí
Đến tháng 1-2011, mẹ Hà sau khi nhận được biên lai đóng học phí của hai con gửi về liền vội vã đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành (Nghệ An) xin nhận lại khoản tiền học phí học kỳ I (năm học 2010-2011) hơn 3 triệu đồng. Nhưng cán bộ ở đây nói "cứ nộp hồ sơ vào để thống kê trình cấp trên xét duyệt". Bà Liễu, mẹ Hà, rối bời: "Tôi nhiều lần đến xã, Phòng LĐ-TB&XH huyện để hỏi việc này nhưng đến nay vẫn chưa có tiền. Để có tiền cho con đóng học phí tôi phải đi vay nóng...".
Một trường hợp khác là gia đình ông Phan Văn Quảng, nhà ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ngày 15-9, ông trở lại Phòng LĐ-TB&XH huyện sau nhiều lần nộp đơn, hồ sơ để xin nhận lại khoản tiền học phí năm học qua hơn 5 triệu đồng mà ông phải vay mượn để cho con gái đang là SV Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế đóng học phí trước đó. Nhưng cán bộ ở đây thông báo "chưa biết bao giờ mới có tiền". Ông Quảng bức xúc: "Mấy năm trước SV diện chính sách được miễn, giảm học phí ngay tại trường rất thuận lợi, nhưng với quy định mới hiện nay mọi việc trở nên phức tạp, rối tung... Vì quy định mới này, giờ tôi lâm cảnh nợ nần".
Trong khi đó, ông Hồ Văn Kiên (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng nghe cán bộ bảo không có chính sách miễn giảm học phí như ông nói... "Trong khi con tôi gửi những thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn rất rõ về nghị định này, nhưng cán bộ cứ nói chính sách chưa được áp dụng và phải chờ xem xét lại. Năm nay tôi phải đi vay mới đủ tiền cho con đóng học phí..." - ông Kiên bức xúc.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đóng học phí. Nhiều sinh viên diện chính sách của trường này vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương.
Chờ đến bao giờ?
Trương Thị Hường, SV năm 4 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: "Hai năm học đầu tôi được miễn học phí. Theo quy định mới, từ năm học trước tôi phải rất vất vả mới xoay xở đủ tiền đóng học phí. Sau đó tôi đã nộp biên lai về Phòng LĐ-TB&XH huyện Bù Đăng (Bình Phước) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn trả học phí". Hường bức xúc: "Tại sao phải bắt SV nghèo đóng học phí trong khi trước đây được miễn, rồi lại chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa nhận lại tiền này theo quy định?".
Nhiều SV thuộc diện miễn giảm học phí ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cũng cho biết họ nhiều lần liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện về việc hỗ trợ học phí nhưng đều không được giải quyết. SV Nguyễn Lộc đang học tại TP.HCM thắc mắc: "Tôi nộp đủ hồ sơ từ học kỳ I năm học 2010-2011 cho Phòng LĐ-TB&XH huyện. Mỗi lần đến cán bộ ở đây bảo cứ về, khi nào có tiền sẽ giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy gì".
Lê Phúc Thịnh - SV năm 4 Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM (nhà ở Q.1, TP.HCM) - cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: "Gia đình tôi liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH Q.1 nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Người ta nói chưa có tiền cứ ở nhà chờ, khi nào có sẽ gọi. Năm học trước tôi nộp hơn 5 triệu đồng học phí. Thời hạn nộp học phí lại sắp đến, nếu không được hoàn trả khoản tiền học phí năm trước tôi không biết tính sao".
Nhiều SV các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai... đang theo học tại các trường ĐH tại TP.HCM diện chính sách được miễn giảm học phí trước đây, giờ đang đứng trước nguy cơ bị nhà trường đình chỉ học do không có tiền nộp học phí.
Riêng tại TP.HCM, theo ông Lê Chu Giang - trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, ngày 21-7 liên sở GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn liên tịch về việc thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV... "Những vướng mắc về ngân sách đến nay đã được giải quyết. Sở Tài chính đã bố trí đủ kinh phí để chi trả học phí cho SVHS. Trường hợp SV chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo" - ông Giang cho biết.
Thông tư 29/2010 (của liên bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH) hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011. Theo thông tư này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có trách nhiệm xác nhận cho SVHS thuộc đối tượng miễn, giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với SVHS đang học (đối với SVHS mới nhập học thì thực hiện xác nhận trong vòng bảy ngày kể từ khi nhập học) để SVHS nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí. Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ SVHS có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định.
Theo Trần Huỳnh (Tuổi trẻ)
"Choáng váng" học phí Sinh viên nhiều trường ĐH ngoài công lập đang bối rối trước mức thu học phí tăng vọt so với những gì các trường công bố trước kỳ tuyển sinh. Sinh viên T. cho biết một trong những lý do em chọn thi vào Trường ĐH Văn Hiến là theo thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ...