Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp
Lối dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao, vì phương pháp này giúp cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh (HS). Tuy nhiên, khi vận dụng, nhiều giáo viên còn lúng túng và mang tính đối phó.
Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Dạy tích hợp là dạy học theo hình thức đa môn hoặc liên môn, đưa nhiều nội dung trong cùng một hoạt động nào đó… giúp HS nắm bắt tốt kiến thức, hiểu được mối liên hệ then chốt giữa các thành tố trong cùng một lĩnh vực. Đây là một trào lưu phổ biến trên thế giới và là định hướng lý luận của chương trình tiểu học ở Việt Nam thời gian tới. Tại Việt Nam, khối tiểu học đã áp dụng phương pháp này nhiều năm nay”.
Phương pháp dạy theo hướng tích hợp mới triển khai ở bậc tiểu học – Ảnh: Minh Luân
Trên thực tế, kể từ năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho lực lượng giáo viên nòng cốt chuyên môn ở các quận/huyện về dạy học tích hợp. Lượng giáo viên nòng cốt này sẽ phổ biến đến từng giáo viên trên địa bàn. Thế nhưng khi vận dụng vào giảng dạy, nhiều giáo viên cũng chỉ soạn giáo án mang tính đối phó.
Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên, lãnh đạo trường tiểu học… cho rằng, ý thức dạy học tích hợp trong các môn học của giáo viên hiện còn hạn chế. Đa số chỉ muốn chuyển tải kiến thức, kỹ năng của bài học cho HS mà ngại liên kết, tích hợp với những nội dung liên quan từ bài hoặc môn khác. Thạc sĩ Hoàng Trường Giang, Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng phần lớn đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay ở Việt Nam có tuổi đời và tuổi nghề khá cao, họ thừa kinh nghiệm nhưng chưa quen với dạy học tích hợp. Trong khi đó, tiến sĩ Lê Đình Thông, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen nhận định, tích hợp là dạy theo kiểu tư vấn, theo hướng cá thể hóa nên yêu cầu lớp học có sĩ số thấp, khoảng 20 HS/lớp mới đạt được hiệu quả. Nhưng hầu như trường học tại nước ta đều nằm trong tình trạng quá tải, dao động từ 40-60 HS/lớp. Chính vì điều này, giáo viên sẽ không đủ thời gian và năng lượng đáp ứng được.
Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở Việt Nam theo hướng đa môn truyền thống, có vẻ như chưa chạm đến cửa ngõ của đào tạo tích hợp. Đó là chưa kể cũng có ý kiến lo ngại rằng việc dạy tích hợp khó triển khai ở các cấp học lớn hơn. Bậc tiểu học còn có thể thực hiện được bởi giáo viên thường dạy hết các môn, có cái nhìn khái quát ở những bài học liên quan nhau của các môn khác nhau. Còn ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên thường đảm nhiệm một môn học nên trong quá trình giảng dạy, khó lòng có kiến thức bao quát, tổng hợp những bài học liên quan ở các môn khác để tích hợp, dạy HS.
Theo thanh niên
Giảm còn 7 môn học ở THPT là bước đột phá giáo dục
Với xu hướng dạy tích hợp, ở bậc THPT, các môn sẽ được giảm xuống còn 7 đến 11. Ngoài ra, học sinh được lựa chọn một số môn học yêu thích.
Trong Hội thảo quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 - diễn ra từ ngày 10-12/12 vừa qua, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra đề án dạy học tích hợp ở Việt Nam với những bước chuyển biến đột phá.
Xu hướng dạy học mới
Dạy học tích hợp là quá trình dạy học trong đó giáo viên tổ chức để học sinh huy động nội dung, kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó lại hình thành những kiến thức, kĩ năng mới, từ đó phát triển được những năng lực cần thiết.
Video đang HOT
Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Một nghiên cứu về khảo sát chương trình khoảng 20 nước của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp. Tiêu biểu như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Úc, Pháp, Anh, Hoa Kì, Canada, Philippines...
Việc tích hợp các môn học sẽ kéo theo giảm thiểu khối lượng kiến thức?
Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ tiến hành việc tích hợp trong phạm vi hẹp. Ví dụ: tích hợp các phân môn Cơ học, Điện, Nhiệt học và Quang học trong môn Vật lý; tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ Văn...
Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hướng việc tích hợp sang phạm vi rộng. Đó là:Tích hợp các kiến thức liên quan tới hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Cách tích hợp này được thể hiện qua sách giáo khoa như sau: phần đầu của sách giáo khoa trình bày nội dung của từng môn, phân môn; phần cuối có các chủ đềtích hợp mang tính liên môn hoặc các chủ đề này được thực hiện xen kẽ trong quá trình thực hiện chương trình.
Nhận định về xu hướng này, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: "Tích hợp là nguyên lý không bàn cãi bởi tri thức của chúng ta tất cả đều là tích hợp, không có ai chỉ tư duy bằng môn này hoặc môn kia, bởi khi giải quyết một vấn đề thực tiễn phải sử dụng tri thức của nhiều môn họckhác nhau. Con người cần cái đó thì giáo dục phải giáo dục cái đó là đương nhiên".
Phương pháp giúp phát triển năng lực toàn diện
Dạy học tích hợp có mục đích xây dựng và phát triển năng lực toàn diện cho học sinh sẽ là xu hướng cải cách giáo dục của nước ta sau 2015.
Tiểu học: tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản...vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Đồng thời, chương trình sẽ xây dựng hai môn học mới ở lớp 4 và lớp 5: Môn Khoa học và Công nghệ (trên cơ sở môn Khoa học và Công nghệ (Kĩ thuật) ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành); Tìm hiểu xã hội (trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).
Trung học cơ sở: Tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân... và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,...vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ xây dựng hai môn học mới: Môn Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý trong chương trình hiện hành và một số vấn đề xã hội).
Trung học phổ thông: tăng cường tích hợp ở nội bộ môn học và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản... vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 được coi là các môn bắt buộc vì đây là các môn công cụ cần thiết cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của người lao động Việt Nam. Môn Giáo dục công dân cũng được xác định là bắt buộc để trang bị những yếu tố nền tảng về đạo đức, phẩm chất không thể thiếu đối với người công dân Việt Nam tương lai.
Đồng thời, học sinh sẽ phải chọn 3 môn trong danh mục các môn sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Môi trường, Công nghệ, Kinh doanh, Nghề (liên quan đến các nghề ở địa phương)... và chọn thêm các chủ đề gắn với định hướng nghề nghiệp, ứng với các môn tự chọn hoặc bắt buộc. Mỗi học sinh sẽ học 7 môn (4 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn) và một số chủ đề.
Như vậy, xét tổng thể cả 3 cấp học, ta thấy số môn học bắt buộc giảm dần và các môn, hoạt động tự chọn tăng dần.
Nhiều vấn đề cần thay đổi để có thể tiến hành dạy học tích hợp
Để đổi mới theo hướng dạy học tích hợp thì phải tạo ra những công cụ, trong đó có công cụ sách giáo khoa là hết sức quan trọng và cần thiết. Nếu để riêng mỗi môn học ra một quyển sách giáo khoa, thì đòi hỏi giáo viên phải biết tìm một "dung môi" để hòa tan kiến thức ấy với nhau.
Nhưng đối với giáo viên để dễ dàng thích ứng với đổi mới này, nên có một quyển sách giáo khoa được xây dựng theo hướng tích hợp.
Sách giáo khoa phải được đổi mới từ việc xác định thành phần cơ cấu nội dung, cách cấu trúc nội dung của sách giáo khoa, việc thể hiện tích hợp giữa các sách giáo khoa gồm những môn học khác nhau.
Sách giáo khoa của chương trình dạy học tích hợp ngoài việc phải thể hiện từng lĩnh vực chuyên ngành, còn cần kết nối các lĩnh vực với nhau theo hướng tích hợp.
Theo GS Đinh Quang Báo: "Làm điều này không dễ bởi tác giả sách giáo khoa phải hiểu bản chất của dạy học tích hợp. Sao cho người biên soạn sách giáo khoa phải là hai trong một vừa có chuyên môn của lĩnh vực khoa học ấy đồng thời vừa là nhà giáo dục, sư phạm".
Ông cũng nhận định sách giáo khoa hiện nay còn quá tải, bởi nội dung giảng dạy còn hơi nặng về việc cung cấp những điều không cần thiết nhưng lại thiếu những cái quan trọng, không cân đối giữa các kiến thức. Nhưng nếu xét theo yêu cầu cần thiết để phát triển năng lực của học sinh thì rằng sách giáo khoa ở nước ta so với các nước khác là không hề quá tải.
Theo đó, xu hướng cải cách sách giáo khoa sẽ là Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra một chuẩn cần đạt của học sinh, nhưng cách làm và chương trình nội dung có thể có nhiều cách khác nhau. Do vậy sẽ có độ mở về sự sáng tạo của sách giáo khoa.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn chủ trì tổ chức một đội viết sách giáo khoa, nhưng bên cạnh đó sẽ động viên khuyến khích những nhà xuất bản, các tác giả khác dựa vào chương trình chuẩn để biên soạn sách giáo khoa.
Việc thẩm định sách giáo khoa vẫn do Hội đồng của Bộ, nhưng trong tương lai chính giáo viên và học sinh sẽ làm nhiệm vụ này.
Đội ngũ giáo viên cũng là yếu tố cần thiết phải đổi mới để đáp ứng xu thế dạy họctích hợp. Xu hướng này tạo điều kiện cho giáo viên sẽ được lựa chọn dạy theo chương trình nào, dạy như thế nào, sách giáo khoa nào, đề cao quyền sáng tạo của giáo viên.
Đồng thời, việc kiểm tra giáo viên cũng được thay đổi bằng cách đánh giá thông qua việc học sinh có đạt cái chuẩn quy định hay không.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thảo luận đó là băn khoăn trong việc tích hợpmôn học nào với nhau, ví dụ: môn Địa lý nên đưa vào Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội; tích hợp các môn học ở cấp dưới liệu có đáp ứng được các nhu cầu của cấp học cao hơn; xác định chương trình chung giữa các môntích hợp như thế nào bởi trên thực tế không giáo viên nào muốn nội dung chương trình môn học của mình bị giảm nhẹ...
Những băn khoăn này đòi hỏi cần có sự trao đổi, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn của các chuyên gia giáo dục để có thể tìm ra mô hình phù hợp nhất đối với Việt Nam.
Phải khẳng định rằng, chủ thể tiếp nhận mọi thay đổi này là học sinh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT dường như chưa thực sự tiến hành khảo sát, tìm hiểu học sinh thực sự muốn được trang bị những năng lực gì, học sinh cảm thấy thế nào về chương trình, về cách dạy và học hiện nay...
AN HOÀNG
Theo Infonet
Chấn chỉnh tình trạng liên thông, đảm bảo quyền lợi người học Quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD-ĐT ban hành đã làm dư luận xã hội "nóng" lên về chất lượng đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng lỗi là do sự buông lỏng của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua. Chất lượng kém do quản lý chưa chặt GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ...