Lùi thời gian thi, trường vùng núi kéo dài thời gian ôn tập
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La cho biết: Phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài thời gian ôn tập đến ngày 20/6 năm tới.
Tránh dạy nhiều nhưng kém hiệu quả
Học sinh Sơn La sẽ hoàn thành chương trình giảng dạy và học tập vào ngày 25/5/2015, ông Trương Văn Thắm – Phó GĐ Sở GD-ĐT cho biết: Sở đã yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh đảm bảo về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức lớp học, thời gian ôn tập.
Xây dựng phân phối chương trình gồm có hệ thống lí thuyết, bài tập áp dụng cho các lớp học (lớp học không chính khóa) theo năng lực, trình độ nhận thức tiếp thu bài của học sinh.
Cùng với đó, tổ chức phụ đạo, ôn tập để nâng cao kết quả cho học sinh: học sinh đạt điểm yếu chuyển lên đạt điểm trung bình, học sinh đạt điểm trung bình chuyển lên đạt điểm khá, học sinh đạt điểm khá chuyển lên đạt điểm giỏi.
Ảnh minh họa.
Việc ôn tập sẽ tổ chức thành các lớp học không chính khóa bao gồm các học sinh có cùng năng lực và trình độ nhận thức, tiếp thu bài như nhau của các lớp học chính khóa (lớp học chính khóa là lớp học theo sổ gọi tên và ghi điểm).
Phương pháp dạy học cũng được lưu ý cụ thể, theo đó, kết hợp các phương pháp trong dạy học sao cho phù hợp với từng lớp học; không dạy tham kiến thức, tổ chức dạy học cho học sinh học đến đâu chắc đến đấy và biết vận dụng được theo năng lực của học sinh (tránh dạy nhiều nhưng học sinh lại không có một chút kiến thức nào).
Video đang HOT
Các trường được yêu cầu lựa chọn các giáo viên tâm huyết, trách nhiệm và có chuyên môn vững tham gia ôn tập cho học sinh.
Chốt thời gian kết thúc ôn tập vào ngày 20/6/2015, ông Trương Văn Thắm cho biết, Sở cũng yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu ôn tập sao cho phù hợp giữa học chính khóa, ôn tập và thời gian ôn tập trong tháng 6/2015. Đồng thời, có các biện pháp quản lí phù hợp, thu hút học sinh tham gia ôn tập đầy đủ, học sinh không bỏ tiết, bỏ ôn tập.
Trường có thể tổ chức thi thử 2 – 3 lần
Thời điểm này, Sở GD-ĐT Sơn La đã có yêu cầu đến các nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể, ngoại khóa về việc tư vấn cho học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp thứ 4 (môn học sinh tự chọn) sao cho phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh.
Sau khi học sinh đăng ký môn thi tự chọn, các trường chỉ đạo các tổ chuyên môn thống nhất ra đề thi thử theo dạng đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Do thời gian ôn tập dài, các trường tại Sơn La được Sở cho phép có thể tổ chức cho học sinh thi thử 2 – 3 lần. Sau mỗi lần thi thử cần chấm và chữa bài thi cho học sinh để chỉ ra những thiếu sót trong bài thi của học sinh, giúp các em sửa chữa, khắc phục ngay trong quá trình ôn thi.
Cùng với việc này, công tác tuyên truyền về kỳ thi THPT quốc gia 2015 được nhấn mạnh. Theo đó, học sinh và phụ huynh học sinh sẽ được nhà trường phổ biến về các nội dung liên quan đến kỳ thi này qua các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể và họp phụ huynh học sinh; không để học sinh, phụ huynh học sinh hoang mang và bỏ thi tốt nghiệp.
Theo Hiếu Nguyễn/Báo Giáo Dục Thời Đại
Những điểm mới nhất trong kỳ thi quốc gia 2015
Chiều nay (18/12), Bộ GD&ĐT sẽ công bố Dự thảo Quy chế kỳ thi quốc gia chung với nhiều điểm mới.
Đăng ký thi chậm nhất 1/4
Khi hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho thủ trưởng trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi, hội đồng thi làm thủ tục.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Lê Hiếu.
Những trường hợp miễn thi
Cụ thể, miễn thi tất cả các môn với người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực nếu đáp ứng: Được triệu tập vào học kỳ hai lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD&ĐT.
Riêng những người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ sẽ được miễn tất cả các môn nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12 với hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên; Có tên trong công văn đề nghị miễn thi.
Các môn văn hóa được miễn nếu đáp ứng các điều kiện: Được triệu tập vào học kỳ hai lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD&ĐT.
Thành lập cụm thi
Theo Dự thảo, một số điểm đáng chú ý là Bộ GD& ĐT sẽ quyết định thành lập cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao cho các trường ĐH chủ trì.
Cụm thi được thành lập để tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Riêng đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi sẽ chủ trì coi thi, chấm thi, in và gửi phiếu báo kết quả.
Ngoài ra, các trường ĐH nói chung sẽ lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi. Các sở GD&ĐT sẽ phải tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD&ĐT.
Chấm thẩm định như thế nào?
Đáng chú ý, dự thảo quy chế cũng quy định quá trình chấm thi. Theo đó trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng GD& ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định.
Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Việc tổ chức đối thoại hay không đối thoại giữa người chấm đợt đầu, chấm phúc khảo và chấm thẩm định do Bộ trưởng GD và ĐT quyết định.
Cũng theo dự thảo quy chế, sau khi hoàn tất các khâu chấm điểm, giám đốc sở GD &ĐT duyệt kết quả công nhận tốt nghiệp và thông báo cho các trường phổ thông để niêm yết danh sách tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh. Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do Thủ trưởng trường phổ thông ký và có giá trị đến khi được cấp bằng tốt nghiệp chính thức, chậm nhất là đến tháng 5 năm sau.
Được biết, đây là bản Dự thảo Quy chế Kỳ thi Quốc gia đã có sự tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT và KĐCLGD).
Theo Zing
Việc gì phải bỏ tiền trăm tỷ, nghìn tỷ để thi quốc gia tốt nghiệp THPT Không chọn phương án nào trong 3 phương án thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN cho rằng: "Thi tốt nghiệp nên để cho các Sở GD-ĐT tổ chức còn thi đại học nên để cho các trường đại học tự tuyển sinh". Trao đổi với PV Dân...