Lực lượng đặc biệt Nga tiêu diệt đối tượng IS nổi loạn trong tù
Lực lượng đặc biệt của Nga đã giải thoát hai quản giáo và tiêu diệt một số kẻ được cho là đã bắt quản giáo này làm con tin tại một trung tâm giam giữ ở thành phố Rostov-on-Don phía Nam nước này.
Lực lượng chức năng Nga bao vây hiện trường. Ảnh TASS.
Truyền thông Nga trích lời quan chức Cơ quan quản lý nhà tù nước này đưa tin, hai quản giáo đã bị 6 tù nhân bắt làm con tin vào ngày 16/6, sau đó, lực lượng đặc biệt đã tiến hành một chiến dịch nhằm giải cứu các con tin.
Ban đầu, Cơ quan quản lý nhà tù cho biết họ đã đàm phán và thuyết phục các tù nhân để thả các quản ngục. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, họ thông báo rằng vụ việc đã kết thúc.
“Những tên tội phạm đã bị tiêu diệt”, đại diện Cơ quan quản lý nhà tù Nga thông báo, đồng thời nói thêm rằng một “chiến dịch đặc biệt” đã được thực hiện để giải thoát các con tin. Các con tin đều không bị thương.
Theo truyền thông Nga, những kẻ bắt giữ con tin có liên hệ với tổ chức khủng bố IS. RT đưa tin, ba trong số những kẻ này đã bị kết án về tội “khủng bố”, từng thực hiện các hành vi như phổ biến thông tin cực đoan và âm mưu đánh bom một tòa án Nga.
Video đang HOT
Các hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy ít nhất hai trong số những kẻ bắt giữ con tin đeo một chiếc băng đô giống cờ của tổ chức khủng bố IS.
Theo truyền thông địa phương, những kẻ tấn công đã phá vỡ song cửa sổ trong phòng giam và xông vào phòng bảo vệ, nơi chúng bắt ít nhất hai quản giáo làm con tin.
Hãng tin Interfax cho biết những kẻ bắt giữ con tin yêu cầu được cung cấp một chiếc ô tô và được phép rời khỏi nhà tù để đổi lấy việc thả con tin.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu trong số 6 kẻ bắt giữ con tin đã thiệt mạng.
Vụ việc xảy ra gần 3 tháng sau khi những kẻ khủng bố giết chết ít nhất 144 người trong vụ xả súng tại một phòng hòa nhạc gần Moscow và hàng trăm người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trên đất Nga kể từ vụ thảm sát Beslan.
Chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân tăng kỷ lục
Theo ước tính của Nhóm vận động Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (Ican), chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 13% lên mức kỷ lục 91,4 tỷ USD trong năm 2023.
Binh sĩ Nga vận hành tên lửa hạt nhân phi chiến lược trong cuộc tập trận ở biên giới Nga và Belarus. Ảnh: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga
Con số này đã tăng 10,7 tỷ USD so với năm trước đó, chủ yếu do Mỹ tăng mạnh ngân sách quốc phòng vào thời điểm bất ổn địa chính trị rộng lớn hơn do xung đột Ukraine - Nga và cuộc chiến Israel - Hamas.
Ican cho biết tất cả 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đều chi mạnh hơn cho vũ khí nguyên tử. Trong đó, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia chi tiêu lớn thứ hai với ngân sách 11,9 tỷ USD - mặc dù tổng số của Bắc Kinh thấp hơn nhiều so với 51,5 tỷ USD của Mỹ.
Nga là quốc gia chi tiêu nhiều thứ ba (ở mức 8,3 tỷ USD), tiếp theo là Anh (ở mức 8,1 tỷ USD) và Pháp (ở mức 6,1 tỷ USD). Ước tính chi tiêu của 3 quốc gia có chương trình hạt nhân không được công bố gồm Ấn Độ, Pakistan và Israel đều phức tạp do thiếu thông tin.
Ông Susy Snyder, một trong những tác giả của nghiên cứu, cảnh báo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang trên đà chi 100 tỷ USD/năm cho vũ khí hạt nhân.
Ông Snydercho rằng thay vì chi tiêu cho hạt nhân, ngân sách này nên được sử dụng cho các chương trình môi trường và xã hội.
"Hàng tỷ USD này có thể được sử dụng để chống biến đổi khí hậu và cứu các loài động thực vật duy trì sự sống trên Trái Đất khỏi nguy cơ tuyệt chủng, chưa kể đến việc cải thiện các dịch vụ y tế và giáo dục trên toàn thế giới", ông Snyder nói.
Trong 5 năm qua, chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân đã tăng vọt 34%, tương đương 23,2 tỷ USD. Trong đó, chi tiêu của Mỹ tăng 45% và Anh là 43%. Theo xu hướng hiện tại, con số này sẽ vượt 100 tỷ USD vào năm 2024.
Dữ liệu khác, do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), ước tính cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân đang trong trạng thái hoạt động cũng cao hơn một chút, ở mức 9.585, chủ yếu là do Trung Quốc mở rộng kho vũ khí từ 410 lên 500 đầu đạn.
Song Mỹ và Liên bang Nga vẫn là hai quốc gia hạt nhân lớn nhất, vị thế mà hai nước duy trì từ những năm 1950, khi sở hữu khoảng 90% tổng số đầu đạn. Các nhà nghiên cứu cho biết Liên bang Nga có 4.380 đầu đạn hạt nhân được triển khai hoặc lưu trữ, con số này ở Mỹ là 3.708 đầu đạn.
Các nhà nghiên cứu của Sipri nhận định Liên bang Nga đã triển khai thêm khoảng 36 đầu đạn hạt nhân kèm lực lượng tác chiến so với tháng 1/2023, song cho biết chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Moskva đã triển khai tên lửa hạt nhân ở Belarus như tuyên bố của lãnh đạo hai nước.
Vũ khí hạt nhân gần đây là chủ đề nóng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Liên bang Nga và phương Tây đang leo thang liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhiều lần đề cập đến kho vũ khí nguyên tử của Moskva khi cảnh báo về hậu quả của việc phương Tây can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.
Hồi tháng 5, nước này đã bắt đầu loạt cuộc tập trận mô phỏng kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới với Ukraine, nhằm đáp trả các tuyên bố "khiêu khích" của Anh, Pháp.
Ông Wilfred Wan, Giám đốc chương trình nghiên cứu về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Sipri, nhận định: "Chúng tôi chưa từng chứng kiến vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh lạnh".
Điều đặc biệt về chuyên cơ chở Tổng thống Nga Putin Độc nhất vô nhị, được sản xuất tại Nga, an toàn nhất, tốt nhất có thể và rất lớn. Đó là những từ mô tả về chiếc máy bay Ilyushin Il-96-300PU mà Tổng thống Vladimir Putin dùng cho các chuyến công du trong và ngoài nước. Ảnh: Sputnik Theo Tass, Russia Beyond, nhìn bên ngoài máy bay của người đứng đầu nước Nga...