“Lực học tốt, thi Sư phạm thì… quá phí”
Muốn ngăn con gái thi ngành Sư phạm, bố mẹ em Nguyễn Thị Thủy, một học sinh lớp 12 ở Q.5, TPHCM phân tích cho con những áp lực của nghề giáo rồi nói rằng lực học của em tốt, có thể thi vào nhiều ngành nghề khác chứ thi Sư phạm thì… quá phí.
Nhiều học trò có đam mê theo nghề “gõ đầu trẻ” nhưng tự khước từ ước mơ của mình khi lo ngại đối diện với công việc sau này. Thêm nữa, không ít em gặp rào cản kịch liệt từ gia đình.
Trắc trở vì thích nghề giáo
Đang thời điểm chuẩn bị làm hồ sơ thi ĐH nhưng em Nguyễn Thị Thủy, học sinh (HS) lớp 12 tại một trường THPT ở Q.5, TPHCM vẫn chưa thể quyết mình sẽ thi ngành nghề gì chỉ vì… em thích làm cô giáo. Thủy nuôi ước mơ này từ hồi cấp 1 và theo em cho đến tận bây giờ.
Hồi nhỏ, mỗi khi em vào vai cô giáo, dạy học cho mấy bé trong khu chung cư, bố mẹ rất vui nhưng bây giờ rào cản đối với em chính là gia đình, không một ai ủng hộ việc em thi ngành Sư phạm (SP). Họ phân tích cho Thủy nghe những khó khăn của nghề giáo như áp lực về công việc, thời gian, thu nhập khó mà sống ở thành phố.
Không ít học sinh giỏi gặp rào cản khi chọn thi ngành Sư phạm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Thấy Thủy chưa “lung lay”, bố mẹ em nói luôn rằng thà Thủy học kém thì thi SP chẳng ai cản, đằng này lực học của em tốt, có thể thi vào nhiều ngành nghề như ngân hàng, y dược… chứ thi SP thì quá phí.
Nghe nhiều lý lẽ dữ dằn và nặng nề về nghề mình đang hướng tới, cô học trò không khỏi lăn lăn: “Khi biết ý định này của em, hầu như không một người xung quanh nào ủng hộ. Sắp tới chắc em sẽ làm hai bộ hồ sơ ngành SP và ngành kiểm toán rồi đến ngày thi tính tiếp”.
Em Ng.N.B, HS Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM tâm sự mỗi lần em “mon men” đề cập việc đến việc con thích chăm trẻ, lập tức bố mẹ em sẽ la ầm ĩ lên rất căng thẳng hoặc thẳng thừng bảo: “Vậy thì đừng bao giờ nói chuyện bố mẹ nữa”.
Khi nguôi nguôi, họ lại “tấn công” con với nhiều thông tin “ảm đạm” về ngành và giáo viên (GV) mầm non như khó lấy chồng, thu nhập thấp, áp lực nhiều nhưng bị xã hội coi nhẹ, bố mẹ em còn đưa ra nhiều dẫn chứng hùng hồn để con thấy đó là sở thích sai lầm.
Video đang HOT
Công việc liên quan đến lĩnh vực giáo dục, mẹ chỉ cho B. thấy tình trạng GV mầm non nghỉ việc đi làm những việc khác. Bà còn lý lẽ rằng chỉ những học trò ở quê, chẳng chọn được ngành khác mới đi trông trẻ chứ ở thành phố, nhìn xem có bạn nào chọn nghề này làm B. rất hoang mang. Nhất là khi nhiều người bạn của B từng có sở thích giống em nhưng cũng không thi SP.
B. buồn bã: “Mẹ nói, em sống đầy đủ từ nhỏ làm sao sống nổi với nghề giáo, lương không đủ mua chiếc đầm nên muốn em học ngành khác. Nhiều điều mẹ nói đúng, cũng vì lo cho con nhưng quả thật ước mơ dạy trẻ theo em từ rất lâu rồi”.
Chưa nói đến rào cản từ gia đình, không ít em có sở thích với ngành SP, dù không gặp rào cản nào cũng tự mình “khước từ” theo đuổi công việc này, chọn đến phương án hai. Lý do chủ yếu là do các em cảm nhận ngành SP quá cực, vất vả và không “thời thượng” so với nhiều công việc khác.
Em Nguyễn Đức Tài, quê ở Bình Phước cho biết bản thân em muốn làm thầy giáo, bố mẹ ủng hộ vì khi theo học sẽ được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình nhưng sau thời gian tìm hiểu, Tài quyết định sẽ theo ngành Công nghệ thông tin vì em không muốn mạo hiểm.
“Trước đây ở quê nghề giáo rất có giá nhưng bây giờ thì khác rồi, nhiều GV không có việc làm, đi dạy hợp đồng nhiều năm cực lắm. Yêu thích là một chuyện nhưng mình cũng phải thực tế”, Tài lý giải.
Chọn nghề cẩn trọng: Không thừa
Thời điểm từ 2003 trở về trước, chỉ những HS thật giỏi, xuất sắc mới có thể thi nổi vào SP. Nhưng nhiều năm gần đây, đầu vào ngày SP ngày càng thấp, chỉ cần đạt điểm sàn HS đã có thể… trở thành thành thầy cô giáo. Điều này phần nào cho thấy nhiều HS giỏi “quay lưng” với nghề giáo.
Một GV ở Q.1, TPHCM cho rằng điều này không có lạ khi mà hiện nay SP quá kém sức hấp dẫn so với các nghề khác, chính những người làm GV cũng không muốn con mình theo nghề.
“Nhiều HS chọn thi SP gần đây do… hết sự lựa chọn như do điều kiện gia đình khó khăn, phải miễn giảm học phí mới có thể theo học và vì khả năng có hạn không thi nổi vào ngành khác. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của những em yêu thích nghề giáo thật sự và cả những em có học lực tốt”, nhà giáo này thẳng thắn.
Trong các trình tư vấn mùa thi tổ chức tại các trường ở thành phố, rất hiếm học trò quan tâm đến ngành Sư phạm.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ, trong một vài năm gần đây, nhiều sinh viên SP băn khoăn về lựa chọn của mình, các em ưu tư về những tiêu cực trong giáo dục và tương lai ảm đạm cũng như về cuộc sống vất vả của nghề dạy học.
Đặc biệt, không chỉ những em đến với nghề vì nhiều lý do khác tâm trạng mới nặng nề mà cả những em chọn nghề SP vì sở thích cũng hoang mang, bi quan.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non 19/5 (Q.8, TPHCM) cho hay, nhiều sinh viên ngành SP khi theo học tưởng mình yêu nghề nhưng khi đi vừa đi làm các em bỏ việc ngay, nhất là ở bậc học mầm non. Hình dung về nghề của các em và thực tế khác nhau rất nhiều, có khi học xong xuôi rồi các em mới nhận ra mình… sợ nghề này.
Theo kinh nghiệm của những người đi trước việc cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn nghề không hề thừa. Cha mẹ “ép” con chọn nghề theo ý mình là không nên nhưng lo lắng, định hướng của họ rất cần con có lựa chọn phù hợp hoặc chuẩn bị phần nào tinh thần, đối mặt với thực tế để không bỏ cuộc giữa chừng hoặc theo nghề với tâm thế chán nản. Tuy nhiên, cha mẹ cần phân tích một cách khách quan, đừng vì nhận xét chủ quan của mình mà làm ảnh hưởng đến cuộc đời của con.
ThS Vũ Thị Lụa (CĐ Sư phạm TW TPHCM) chia sẻ rằng, để thu hút đúng người vào ngành SP đòi hỏi công tác hướng nghiệp đối với ngành SP nói chung và các ngành nghề khác cần được chú trọng hơn. Vì nhìn chung hiện nay, cả thành phố và các vùng miền các em đều khá mơ hồ về ngành nghề mình sẽ theo đuổi. Việc hướng nghiệp phải bắt đầu từ sở thích, năng lực, nhu cầu bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội .
Khi đó, sẽ phần nào tránh được tình trạng nhiều em phải chọn nghề mình không yêu thích mà vì các lý do khác. Đồng thời sẽ hạn chế việc “chảy chất xám” khỏi ngành SP khi mà có những HS giỏi, yêu nghề SP hiểu và quyết tâm với sự lựa chọn của mình.
Khi nghề giáo nhiều khó khăn, có ít sức hấp dẫn, nếu còn thiếu hụt cả việc định hướng nghề nghiệp, HS “quay lưng” với SP đồng nghĩa với việc ngành giáo dục sẽ mất đi những nhà giáo giỏi, tâm huyết; còn các em khi từ bỏ ước mơ của mình lại phải chấp nhận những công việc không đúng với đam mê.
Hoài Nam
Theo dân trí
"Cười ra nước mắt" chuyện sinh viên vượt ải tốt nghiệp
Cách sinh viên... "linh hoạt" vượt ải tốt nghiệp vẫn là câu chuyện "cười ra nước mắt" của nhiều người, trong đó có các nhà tuyển dụng cũng như chính các tân cử nhân. Nhưng vẫn còn những điểm sáng...
Trước mùa bảo vệ đồ án khoảng nửa năm, các khu "chợ đồ án" quanh địa bàn Hà Nội ẩn mình trong các hàng photo tấp nập sinh viên năm cuối. Họ đến đây hỏi hỏi xem xem, chọn vài trang đầu trong những file tài liệu lưu trên máy của cửa hàng để in. "Bọn em đang tham khảo đề tài", hai sinh viên tay cầm xấp tài liệu bước ra từ một hàng photo khu Tạ Quang Bửu nói.
Ý tưởng đồ án thường phải được ấp ủ hoặc ngẫm nghĩ hàng tháng trời, nay chỉ cần ba bước chân ra "chợ" là tha hồ tham khảo, từ đề tài tổng quát cho đến đề cương chi tiết, thậm chí là sản phẩm hoàn chỉnh. Bước đường ra trường của sinh viên cũng thật... "xuôi chèo mát mái".
"Khổ nhất là nhóm bảo vệ cùng một hội đồng mà lỡ "ưng" cùng một đề tài ngoài "chợ"... Lúc đấy dàn xếp hơi mệt!" - Đ.V.Khoa, cựu sinh viên ĐH Bách khoa chia sẻ về việc làm đồ án tốt nghiệp.
Cái khó nhất với sinh viên thuộc diện bảo vệ đồ án, là nắm địa bàn chợ đồ án của mình. "Xây dựng, Bách khoa, Kinh tế thì khu Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa. Nhân văn thì Nguyễn Trãi. Ngoại ngữ, Sư phạm thì vào tập thể Sư Phạm, Cầu Giấy. Dịch vụ nhiệt tình, cần gì có đó" - Tuấn, sinh viên năm ba khoa Ngoại ngữ một trường đại học ở Hà Nội "bật mí". Chính cậu cũng đã được "truyền thụ" kinh nghiệm từ các bậc đàn anh khi định làm luận văn tốt nghiệp.
"Em thi tốt nghiệp thôi chị ạ. Không đủ điều kiện bảo vệ luận văn. Mà thi thì cũng dễ, em tính cả rồi!". Kế hoạch của Tuấn là cậu sẽ dồn sức để tự lực phần thi vấn đáp môn tiếng Ý. Còn lại các phần thi giấy đã có sẵn các "Tuấn, Tâm, Thu, Tấn v.v..." hỗ trợ dìu dắt nhau nhờ mối quan hệ thân thiết trong 4 năm đại học.
Nữ sinh viên tên Hiền cho biết, dù khu vực hoạt động của sinh viên ngành Đông Phương học như cô là dọc khu vực Nguyễn Trãi, Mễ Trì, nhưng cô vẫn phải lên tận Cầu Giấy, khu ĐH Sư phạm để lùng tìm cho được một phần "hợp" với đoạn đầu luận văn của mình. Chỉ do... đề cao sáng tạo, không như các bạn "xào nấu" từ một luận văn bán ngoài chợ, Hiền trót nghĩ thêm một phần trong đề cương chi tiết, nên mới phải lặn lội như thế.
Sinh viên học nhóm. (Ảnh minh họa)
Trong khi có những sinh viên khá "nhẹ nhõm" với việc thi tốt nghiệp thì cũng có những sinh viên năm cuối "bù đầu bù cổ" với đồ án, luận văn. "Nhìn các bạn mà thấy ghen tị. Cứ như chỉ mình bọn em bạc mặt làm đồ án vậy. Nhưng làm không ra gì thì chắc chắn là bảo vệ lại hoặc ở lại trường cho đến khi "ra gì" thì mới xong" - Nguyễn Việt Hùng, sinh viên ĐH FPT than thở. Nhưng phụ huynh của cậu thì không phàn nàn gì. Nhóm đồ án của Hùng có 5 người thì cả 5 đều gầy rộc đi sau 4 tháng làm đồ án. Do trước khi ra trường nhóm của Hùng đã được một công ty phần mềm lớn tuyển dụng, nên vừa phải đảm bảo công việc, vừa tập trung làm đồ án, quỹ thời gian ăn ngủ bị cắt giảm tối đa.
"Bạn bè trong trường nhiều đứa chưa tốt nghiệp đều có việc làm hết, thôi thì vất vả một tí nhưng cũng bõ công. Chưa kể có đứa còn được tuyển dụng ngay trong ngày bảo vệ, bởi có một số công ty cử người đến dự để "nhặt" nhân sự nữa. Nên dù vất vả hơn bình thường, bọn mình cũng cố gắng." - Hùng bật mí về một trong những cách kiếm việc của sinh viên trường cậu.
Theo giới thiệu, chúng tôi gặp anh Trịnh Quốc Huy - trưởng nhóm lập trình tại một công ty phần mềm và được nghe anh Huy chia sẻ cách tuyển người của mình. Anh trực tiếp đến các buổi bảo vệ đồ án của sinh viên và theo dõi những đồ án triển vọng để tự tay tuyển người về cho nhóm của mình.
"Lĩnh vực phần mềm khá kén nhân lực chất lượng cao, vừa giỏi code vừa thành thạo ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài để làm việc trực tiếp với khách hàng các nước, lại yêu cầu sức khỏe tốt. Tôi thường dự buổi bảo vệ đồ án để "săn" người. Gần đây chúng tôi tuyển được khá nhiều sinh viên FPT, một phần vì đồ án của các bạn thể hiện rất rõ năng lực, thêm ngoại ngữ và kỹ năng mềm khá ổn. Ấn tượng là trường này có khá nhiều đồ án được lên Apple Store, Window Store trước cả khi bảo vệ đồ án. Đến khi tuyển vào thì các bạn làm được việc thật. Nhà tuyển dụng chúng tôi chỉ cần có thế", anh Huy tỏ ra hài lòng.
Theo dân trí
Sư phạm không còn là "đất hứa" Hiện nay đang là thời điểm sinh viên năm cuối bước vào kỳ thực tập. Cũng như những ngành học khác, phần đông sinh viên sư phạm thực tập theo đúng chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ sinh viên thực tập ở những lĩnh vực không liên quan gì ngành học, kể cả những bạn...