Luật sư đặt tình huống để bào chữa cho nguyên Tổng Giám đốc PVN
Bào chữa cho nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực, luật sư Đinh Anh Tuấn lập luận, đưa ra 2 trường hợp để làm rõ việc bị cáo Thực có biết hợp đồng EPC số 33 trái quy định hay không.
Phó Tổng Giám đốc PVN không cố ý làm trái?
Trong cáo trạng cũng như bản luận tội tại tòa, đại diện VKS xác định, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN, trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 mặc dù biết rõ Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng bị cáo này vẫn cùng bị cáo Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) chỉ đạo việc ký Hợp đồng EPC trái quy định; sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa, bị cáo Thực có thái độ khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới. Do vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm khắc đối với bị cáo. Đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt nguyên Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực từ 12-13 năm tù về tội “ Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa chiều 12/1, bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, theo cáo trạng, ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC (tổng thầu) Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Ngày 15/10/2010, ông Đinh La Thăng lại ký Nghị quyết phê duyệt phương án liên doanh tổng thầu EPC. Đây là tình tiết gỡ tội cho bị cáo Thực, theo luật sư Đinh Anh Tuấn.
Theo luật sư Tuấn, sở dĩ ông Thăng phải thay đổi từ “tổng thầu” sang “liên doanh tổng thầu” vì trước đó, ngày 10/9/2010, ông Thực đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các Dự án Nhiệt điện than do ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) làm trưởng ban. Trong đó, ông Thực yêu cầu ban này xây dựng phương án liên doanh tổng thầu cho dự án NMNĐ Thái Bình 2 vì thấy PVC chưa đủ kinh nghiệm làm tổng thầu.
Tiếp tục phần bào chữa, luật sư Tuấn cho rằng, nhiều văn bản có nội dung liên quan đến Dự án NMNĐ Thái Bình 2 không được chuyển tới tay bị cáo Thực. Về việc bị cáo Phùng Đình Thực có biết hợp đồng EPC số 33 (về việc: “Thiết kế, chế tạo kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyển… lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu EPC xây dựng Nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2) trái quy định hay không, luật sư Tuấn lập luận, có 2 trường hợp có thể xảy ra.
Thứ nhất, có thể bị cáo Thực kết hợp với bị cáo Đinh La Thăng ký hợp đồng EPC một cách hình thức nhằm mục đích để khởi công dự án. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho thấy việc bị cáo Thực đã tự chỉ đạo hoặc kết hợp với bị cáo Thăng cùng chỉ đạo 2 đơn vị thành viên ký một hợp đồng chỉ đạt yêu cầu về hình thức.
Luật sư Đinh Anh Tuấn tiến hành phần bào chữa của mình.
Video đang HOT
Trường hợp thứ 2, bị cáo Thực không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 nhưng sau đó biết cấp dưới đã làm sai nhưng không chỉ đạo khắc phục mà vẫn cho thực hiện hợp đồng này. Trường hợp này, theo luật sư Tuấn, trước ngày 16/6/2011, bị cáo Thực không biết hợp đồng EPC số 33 không có giá trị pháp lý.
Chốt lại, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng bị cáo Phùng Đình Thực không cố ý làm trái khi ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng số 4194, tiếp nối hợp đồng EPC số 33.
Cùng bào chữa cho nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng, tất cả quá trình tạm ứng tiền cho PVC, bị cáo Thực không được thực hiện. Đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc bị cáo Thực chuyển tiền tạm ứng.
Theo luật sư Được, trong 4 lần chuyển tiền của PVN thì 3 lần bị cáo Thực không chỉ đạo và 1 lần chỉ đạo thì không có hiệu lực. Từ đó, có thể thấy không đủ căn cứ quy buộc bị cáo Thực phải có trách nhiệm trong việc cấp tiền tạm ứng cho PVC.
Luật sư đề nghị miễn hình phạt với nguyên Trưởng BQLDA Thái Bình 2
Bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án NMNĐ Thái Bình 2, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, xét về hoàn cảnh phạm tội trong việc tạm ứng tiền theo hợp đồng số 33, bị cáo Chương khi đó với tư cách Trưởng BQLDA Thái Bình 2 đã cố gắng cao nhất để đưa ra cảnh báo về những thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra.
Luật sư Hoàng Huy Được tại tòa chiều 12/1.
Vì vậy, theo luật sư Truyền, hành vi của bị cáo Chương không thuộc nhóm nguy hiểm cho xã hội. Từ đó, luật sư Truyền đề nghị HĐXX xem xét và miễn hình phạt cho Vũ Hồng Chương.
Trước đó, đại diện VKS xác định, bị cáo Vũ Hồng Chương và Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng BQLDA Thái Bình 2) biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định, biết việc lãnh đạo PVN chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC là trái quy định nhưng vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, các bị cũng đã có nhiều văn bản báo cáo lãnh đạo PVN về việc cho tạm ứng là chưa đủ căn cứ. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, có nhiều thành tích trong quá trình công tác. VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt cả 2 bị cáo này cùng mức án từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Cũng trong chiều 12/1, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nguyên – nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Thái Bình 2 – cũng đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ mình vì hành vi của bị cáo Nguyên không còn nguy hiểm cho xã hội và đã tích cực hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Vụ án ông Đinh La Thăng: Luật sư xin giảm hình phạt cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Sáng nay 13/1, buổi áp cuối trong tuần đầu tiên xét xử đại án kinh tế xảy ra tại tập đoàn PVN và PVC về hai tội danh "Cố ý làm trái..." và "Tham ô tài sản", trong phần bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Đình Ứng đã xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình.
Bị cáo Sơn không biết những thiếu sót trong hợp đồng số 33?
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng Giám đốc PVN đang dính án tử trong đại án kinh tế Oceanbank. (Ảnh, TTX).
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị cơ quan công tố đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trước đó, trong phiên toà xét xử đại án kinh tế Hà Văn Thắm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương, (Oceanbank), ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị HĐXX tuyên án tử hình.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Nguyễn Xuân Sơn là người biết rõ hợp đồng số 33 EPC được lập và ký trái quy định nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC số tiền hơn 1.300 tỷ đồng và hơn 6,6 triệu USD. Số tiền sau đó được Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.
Bảo vệ cho thân chủ của mình trước HĐXX, Luật sư Lê Đình Ứng cho rằng ông Sơn không không biết những thiếu sót của hợp đồng 33 EPC (về việc: "Thiết kế, chế tạo kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyển... lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu EPC xây dựng Nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2.).
Theo luật sư Ứng, chủ trương thành lập Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, được thành lập trước khi ông Sơn về PVN. Ngoài ra, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được ban giám đốc tập đoàn phân công Phó giám đốc chuyên trách là ông Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp theo dõi. Danh sách ban chỉ đạo dự án điện than do HĐTV PVN thành lập cũng không có tên ông Sơn.
Theo đó, luật sư Ứng nhận định các văn bản, thông tin về nội dung hợp đồng số 33 EPC không được cấp dưới báo cáo ông Nguyễn Xuân Sơn. Vì vậy ông Sơn không biết hợp đồng đã ký thiếu cơ sở pháp lý.
Về việc ông Sơn chỉ đạo Bản quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng tiền cho PVC, luật sư Ứng cho rằng thân chủ của mình chỉ thực hiện theo quyền được phân công...
Cuối phần bào chữa cho ông Sơn, luật sư Ứng viện dẫn, bản thân Nguyễn Xuân Sơn là người tốt, sinh ra trong gia đình có công qua hai thời kì kháng chiến của đất nước, do đó luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình.
Bị cáo Nguyễn Lý Hải bị bệnh hiểm nghèo
Sau phần bào chữa của luật sư Ứng, luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu) cũng cho rằng kết quả xác định giám định chưa rõ ràng, khách quan. PVN không phải tổ chức cho vay lấy lãi nên không thể lấy mức lãi suất để áp dụng tính thiệt hại. Ông Quang yêu cầu trả hồ sơ bổ sung để điều tra làm rõ.
Luật sư Quang, người bào chữa cho Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu.
Theo Luật sư Quang, cơ quan tố tụng cáo buộc thân chủ Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toàn trưởng PVN phạm tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", có vi phạm quy định pháp luật nhưng không có động cơ xấu. Quá trình điều tra, xét xử bị cáo luôn thành khẩn, tạo điều kiện để cơ quan tố tụng điều tra vụ án. Trường hợp xác định bị cáo Quỳnh phạm tội như quy kết của cơ quan tố tụng, luật sư mong HĐXX áp dụng khung hình phạt thấp nhất cho bị cáo này.
Tương tự, về phần bị cáo Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng ban kế toán và kiểm toán PVN, ông Quang mong đại diện VKS trong phần tranh luận sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy bị cáo Mậu nắm rõ tình trạng pháp lý của hợp đồng số 33 EPC nhưng cố ý làm trái quy định.
Ngoài ra, luật sư cho rằng việc ông Mậu ký vào 6 giấy ủy nhiệm là thực hiện theo ủy quyền trong thời gian Kế toán trưởng đi công tác. Các thủ tục này đã được lãnh đạo tập đoàn phê duyệt. Người bào chữa đề nghị cho bị cáo này được hưởng án treo.
Điểm nhấn tại phiên toà sáng nay, khi bị cáo Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kĩ thuật điều hành, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng trạch, là bị cáo duy nhất khong mời luật sư bào chữa cho mình. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của bị cáo khách quan, TAND TP Hà Nội đã chỉ định Luật sư Trần Quốc Hùng, bào chữa cho bị cáo bị cáo Hải.
Theo luật sư, Trần Quốc Hùng, gia đình bị cáo Hải rất hoàn cảnh, không có tiền để thuê luật sư, do đó ông đã được TAND TP Hà Nội chỉ định bào chữa cho bị cáo Hải. Luật sư Hùng nói, bị cáo Hải nói, trong phần vụ các bị cáo bị buộc tội trong vụ tham ô số tiền 13 tỉ đồng, bị cáo Hải bị cáo buộc đã có hành vi tổ chức lập khống hồ sơ cùng các bị cáo rút số tiền 13 tỉ đồng để Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận cùng đồng phạm chi đối ngoại và tiêu Tết.
Tại các bút lục cũng như lời khai của bị cáo Hải tại toà phù hợp với lời khai của các bị cáo khác. Quá trình điều tra, bị cáo Hải tỏ ra năn hối cải và thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra. Ngoài ra bị cáo Hải đang bị mắc bệnh hiểm nghèo nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Lý Hải.
Chiều nay, phiên toà tiếp tục làm việc.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Đề nghị làm rõ ông Trần Bắc Hà có đi nước ngoài chữa bệnh hay không Mặc dù được HĐXX triệu tập 3 lần nhưng ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang vẫn vắng mặt tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm. Đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX làm điều tra làm rõ tại cục xuất nhập cảnh xem có phải ông Trần Bắc Hà đi nước ngoài chữa bệnh hay không. Ngày...