Luật số 34 có hiệu lực: “Hết thời” cơ quan chủ quản can thiệp sâu vào trường đại học
Cơ quan chủ quản chỉ còn là đại diện cho nhà nước làm chủ sở hữu trường đại học, không còn dài tay can thiệp sâu vào công việc hàng ngày của trường đại học nữa. Bước ngoặc này rất vĩ đại.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT đã chia sẻ như vậy với phóng viên khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ((hay gọi tắt là Luật số 34)), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
TS Lê Viết Khuyến
Thời điểm lưu dấu ấn lịch sử
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Là người làm giáo dục trong lĩnh vực đại học nhiều năm, có nhiều ý kiến đóng góp từ khi dự thảo Luật, theo ông đâu là điều cốt yếu nhất, quan trọng nhất mà Luật này mang lại cho các trường đại học trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (hay gọi tắt là Luật số 34) bắt đầu có hiệu lực từ 1/7. Đây là thời điểm rất đáng ghi nhớ và chắc chắn lịch sử giáo dục đại học Việt Nam sẽ lưu dấu ấn của thời điểm này và thời kỳ này.
Ghi đậm về cái gì? về thời điểm mà hệ thống chính trị của chúng ta chính thức chuyển hóa chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 6 thành văn bản pháp luật qui định các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng không còn là đơn vị được cơ quan chủ quản bao cấp như ngày xưa nữa; mà từng bước, bắt buộc phải trở thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản.
Nhiều người khó mà tưởng tượng được điều này quan trọng như thế nào. Hơn nửa thế kỷ, chúng ta xem các đại học như cánh tay nối dài của cơ quan chủ quản, nhận chỉ tiêu, kế hoạch, tài chính, nhân sự, chỉ đạo từ cơ quan chủ quản, và chỉ việc làm theo ý chí của cơ quan chủ quản như một cái máy.
Chất lượng cao hay thấp, đầu ra hiệu quả hay không đều do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm. Nay, việc ấy sắp không còn nữa, các cơ sở giáo dục đại học phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm về mọi chuyện của mình.
Cơ quan chủ quản chỉ còn là đại diện cho nhà nước làm chủ sở hữu trường đại học, không còn dài tay can thiệp sâu vào công việc hàng ngày của trường đại học nữa. Bước ngoặc này rất vĩ đại.
Phải cấp tốc sửa các luật liên quan
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường đại học lo ngại xa rời “bầu sữa” của mình?
Dĩ nhiên là không phải tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều đã sẵn sàng cho cuộc “ra riêng” của mình một cách tự tin. Sống nhờ cha mẹ, dựa dẫm cha mẹ quá lâu khiến cho đa số con cái trở nên lười suy nghĩ, chậm chạp và do vậy, không muốn cố gắng nhiều, chỉ muốn an phận. Đây là điều dễ hiểu.
Nó giải thích vì sao mặc dù đất nước có hơn 200 cơ sở giáo dục đại học công lập, số trường đăng ký thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 đến nay chỉ có hơn 20 trường.
Thậm chí, ngay cả trong số hơn 20 trường này, không phải tất cả đều tự tin và đều thành công. Sức ỳ vì sự lệ thuộc quá lâu khiến cho việc chuyển mình hoàn toàn không dễ dàng.
Theo tôi, để Luật số 34 có thể vào thực tế thành công, có một số việc quan trọng cần làm:
Thứ nhất, Nhà nước ban hành ngay các văn bản pháp qui liên quan, thí dụ: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34, Nghị định về tự chủ để phân định rõ các loại hình cơ sở giáo dục đại học tự chủ ( tự chủ hoàn toàn cả chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chủ chi thường xuyên và một phần chi đầu tư; tự chủ chi thường xuyên còn đầu tư vẫn phụ thuộc thêm một thời gian vào nhà nước; tự chủ một phần chi thường xuyên và phụ thuộc chi đầu tư một thời gian; còn bao cấp hoàn toàn nhưng thí điểm tự chủ), từ đó, giúp các cơ sở giáo dục đại học tự xác định lộ trình từng bước tự chủ, từng bước tách khỏi sự bao cấp của cha mẹ một cách phù hợp. Như thế, sẽ giúp giải quyết được tâm lý ngại khó, lo lắng quá mức.
Video đang HOT
Thứ hai, Trong nghị định tự chủ, ngoài trường hợp tự chủ hoàn toàn cả chi thường xuyên và chi đầu tư, cần xác định lộ trình tiếp tục tài trợ hay nói cách khác, tiếp tục bao cấp một thời gian phù hợp cho từng loại của 4 loại hình đại học tự chủ còn lại (trong 5 loại hình kể trên).
Cụ thể, các dự án đầu tư dở dang, các dự án phát triển, đổi mới phòng thí nghiệm, trang biết bị, củng cố cơ sở vật chất…để các cơ sở giáo dục đại học đấy có thể yên tâm rằng trong những năm đầu khó khăn của tự chủ, nhà nước vẫn tiếp tục giúp đỡ thêm một thời gian để những đứa con còn yếu vẫn có thể ra riêng được mà không lo đói nghèo.
Thứ ba, Phải cấp tốc sửa các luật lệ liên quan cho đồng bộ với cơ chế tự chủ của Luật số 34 như các Luật lao động, Luật viên chức, Luật công chức, Luật đầu tư công, pháp luật về kế toán, các qui định về trách nhiệm quản lý và bảo toàn tài sản nhà nước trong các cơ sở giáo dục đại học tự chủ…
Những luật lệ và qui phạm pháp luật này mà không sửa kịp để đồng bộ và tương thích với Luật số 34, thì sẽ hạn chế hầu hết các mặt tích cực của Luật số 34, khiến cho các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ càng không dám làm tự chủ.
Cơ chế mở chung cho các trường đại học
Được biết, trong 23 trường đại học được thí điểm tự chủ thời gian qua thì hầu như chưa có trường nào thực hiện rõ nét nhất về tự chủ, may ra có trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng lại đang gặp vấn đề về mâu thuẫn cơ quan chủ quản. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Rõ ràng trong điều kiện hoàn toàn không nhận một đồng tiền thuế nào của dân để chi thường xuyên và chỉ nhận từ ít đến rất ít hỗ trợ tài chính từ nhà nước và Tổ chức công đoàn Việt Nam trong suốt 22 năm qua thì thành công của Trường đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT) là rất đáng ngưỡng mộ. Nói một cách không quá đáng, ĐHTĐT là cơ sở giáo dục đại học tự chủ thành công nhất trong những năm qua.
Chúng ta chỉ cần nhìn vào vài thành công của Trường này để thấy cơ chế tự chủ có thể mang lại được điều gì.
Ví dụ, trong 5 năm, công bố quốc tế trên ISI của họ năm sau cứ gấp đôi năm trước để đến 2018 thì họ đã có hơn 1250 bài, hơn đúng 1,5 lần so với đơn vị đứng thứ nhì trong 5 đơn vị khoa học công nghệ đứng đầu đất nước và ĐHTĐT cũng là đại học duy nhất có bằng sáng chế công nghệ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, ĐHTĐT cũng là đại học duy nhất đã cam kết với phụ huynh và xã hội 100% sinh viên tốt nghiệp từ trường có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp và họ đã làm được điều này…
Về mâu thuẫn giữa tập thể trường này với cơ quan chủ quản của họ, cá nhân tôi không xem đó là chuyện bất thường. Đấy là chuyện đương nhiên của quá trình vận động để phát triển.
Phát triển luôn đòi hỏi phải thay thế một cái cũ bằng một cái mới hoặc du nhập điều mới để cải cách cái cũ. Quá trình như vậy luôn đẻ ra mâu thuẫn giữa người muốn thay đổi với các chủ thể không muốn thay đổi, muốn bám vào cái cũ vì thói quen hoặc vì quyền lợi nhóm của mình.
Do đó, mỗi khi chúng ta thấy một chủ thể nào đó đang phát triển mà có mâu thuẫn với thể chế đang vận hành, chúng ta phải hiểu đấy là chuyện có tính qui luật.
Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa trì trệ và năng nổ, giữa bảo thủ và tiến bộ, giữa lợi ích nhóm và lợi ích tập thể… luôn là động lực để phát triển.
Cần nhìn nhận những tranh luận giữa ĐHTĐT và cơ quan chủ quản của họ theo cách nhìn này, không nên xem đó là hiện tượng tiêu cực.
Được biết, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mong muốn và đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục đào tạo cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chủ động thực hiện tự chủ đại học có hiệu quả; đồng thời, trước mắt nên duy trì sự ổn định về tổ chức và nhân sự chủ chốt để giữ đà phát triển của trường, vì sao vậy?
Đây là một câu hỏi hay. Nghị quyết 77 mở ra cơ hội thí điểm tự chủ cho mọi trường đại học công lập nhưng tại sao đến giờ chỉ có hơn 20 trường đại học chịu thí điểm tự chủ, còn những trường khác thì chần chừ và chưa làm.
Và tại sao trong tất cả những trường đã thí điểm cho đến bây giờ, cũng chỉ có một ĐHTĐT là thành công nhất. Nếu chúng ta đã thấy rõ được rằng, không có chuyện Đảng và nhà nước có cơ chế riêng cho ĐHTĐT còn những trường khác thì lại không có.
Cơ chế của Đảng và nhà nước mở ra cơ hội chung cho mọi trường đại học thí dụ, Nghị quyết 77 về thí điểm tự chủ hay Luật số 34.
Mọi cơ chế đều được triển khai cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học một cách công bằng nhưng vẫn có cơ sở làm được, có cơ sở không. Tất cả câu trả lời qui về những con người cụ thể. Có những con người có thể từ cơ chế đấy mà quản trị đại học thành công, có những người khác chỉ có thể làm được vừa phải, và rõ ràng là có những người không thành công, mặc dù cùng sống trong một môi trường cơ chế giống nhau.
Khi Hiệp hội chúng tôi có ý kiến đề xuất duy trì sự ổn định về nhân sự và tổ chức để giữ cho ĐHTĐT phát triển bền vững, chúng tôi thực sự biết rằng vai trò của nhân sự chủ chốt quan trọng như thế nào đối với sự thành công hay không thành công của một đại học đang ở giai đoạn chuyển đổi.
Cơ chế là điều kiện cần, áp dụng công bằng cho mọi cơ sở, nhưng con người là điều kiện đủ để triển khai cơ chế đó đến thành công.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Giáo sư đánh giá năng lực của một học giả chứ không để đánh giá năng lực của một nhà quản lý
Trong vấn đề nhân sự của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một vài ý kiến có nhắc đến trường hợp của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh như chuyện ông được công nhận học hàm giáo sư kinh tế của ĐH Presston (Hoa Kỳ) trong khi trường này còn chưa được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về chất lượng tại Hoa Kỳ, ông nghĩ sao?
Về vấn đề này tôi có 2 ý kiến như sau:
Thứ nhất, Chức danh giáo sư là tiêu chí đánh giá năng lực của một học giả chứ không phải để đánh giá năng lực của một nhà quản lý. Trong thực tế, ở cả Việt Nam và Thế giới có không ít các nhà quản lý các đại học tên tuổi nhưng không nhất thiết họ phải có học hàm giáo sư.
Thứ hai, Việc Đại học Presston công nhận ông Danh là giáo sư của trường là hoàn toàn có thật, còn việc ĐH Presston khi đó còn chưa được kiểm định chất lượng bởi cơ quan kiểm định chất lượng tại Hoa Kỳ thì lại khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Hội đồng chức danh, với quyền hạn của mình, chỉ có thể căn cứ vào bằng chứng đó để không chấp nhận phiên chuyển chức danh giáo sư của ĐH Presston qua hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cho ông Danh, chứ không thể bắt bẻ ông Danh lỗi gì cả.
Điều này cũng tương tự như trường hợp ở Việt Nam lâu nay có khá nhiều nhà khoa học được các Viện khoa học nước ngoài (Ví dụ như Viện Hàn Lâm Khoa học Newyork) công nhận là viện sĩ của mình mà hầu như chẳng ai có ý kiến gì cả, chỉ có số ít người do thiếu hiểu biết cứ tưởng tượng các viện này cũng phải có tầm cỡ như Viện Hàn lâm khoa học Liên xô trước đây nên mới đi đòi Nhà nước tước danh hiệu này của họ .
Nhật Hồng
Theo dantri
Nếu cả nước chỉ còn 10 trường sư phạm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi bàn luận về vấn đề quy hoạch các trường sư phạm.
Theo thống kê, cả nước hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Nhìn nhận lại hệ thống các trường sư phạm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các trường sư phạm đã trải qua nhiều biến động về nhu cầu giáo viên.
Đó là khi phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên "bung ra" đến khi dân số tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên suy giảm.
Thừa nhận việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay là cấp bách, nhưng theo hướng tập trung vào đại học sư phạm trọng điểm là không nên. Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khi chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện nay, nhu cầu giáo viên ở mỗi địa phương là khác nhau, có tỉnh thừa nhưng cũng có tỉnh thiếu. Vì vậy, ông Khuyến cho rằng phương án tập trung cho 8 - 10 trường trọng điểm là mang tính chất cục bộ.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 8 - 10 trường đại học trọng điểm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
"Xét về lịch sử của hệ thống sư phạm Việt Nam cho thấy, lâu nay, các đại học sư phạm đào tạo chủ yếu là giáo viên cấp trung học phổ thông, còn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lại chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo vì yêu cầu về trình độ chuẩn của nhóm này chỉ ở mức cao đẳng và trung cấp.
Hơn thế nữa, các trường cao đẳng sư phạm có bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên các bậc học này hơn hẳn trường đại học", ông Khuyến đặt câu hỏi.
Ngoài ra, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học cũng cho rằng, các trường cao đẳng sư phạm vốn dĩ đã và đang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương do đó nếu để xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên thì địa phương phải chịu trách nhiệm còn nhà nước chỉ nên đưa ra chuẩn về chất lượng chứ không nên can thiệp vào chỉ tiêu của từng trường.
Chỉ khi nào chất lượng đào tạo của trường kém thì nhà nước mới cần hỗ trợ hoặc có chế tài cụ thể.
Đặc biệt, ông Khuyến kiến nghị, các cơ sở sư phạm đừng tranh giành nguồn tuyển, đào tạo chồng chéo với nhau. Về phân cấp quản lý, Bộ chỉ nên quản lý họat động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm.Do đó nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 8 - 10 trường đại học trọng điểm thì chẳng khác nào quay về thời bao cấp tức là khi nhu cầu giáo viên ít, nhà nước có nhiệm vụ phân bổ nguồn lực nhưng hiện nay hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ thì cần giao nhiệm vụ, trách nhiệm đó cho địa phương còn nhà nước chỉ cần giám sát.
Hơn nữa, giáo viên sẽ có lúc thừa lúc thiếu do đó, nếu sáp nhập hoặc giải thể hết các trường cao đẳng sư phạm thì khi thiếu giáo viên chúng ta sẽ giải quyết bài toán này thế nào?
Chính vì vậy, ông Khuyến cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm /đại học giáo dục trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ chứ không theo cơ chế thị trường.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống", ông Khuyến nhấn mạnh.
Còn Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net.vn
Việt Nam đặt ra chủ trương quy hoạch mạng lưới trường đại học từ những năm 90 Đó là thông tin mà Tiến sĩ Lê Viết Khuyến tiết lộ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 (về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới...