“Luật hóa” thưởng Tết: Bộ LĐTB & XH lên tiếng
Bộ LĐTB&XH đã chính thức lên tiếng về ý kiến bắt buộc trả người lao động mỗi năm 15 tháng lương.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, nên luật hoá việc thưởng Tết, mỗi năm nên trả cho người lao động 15 tháng lương.
TS Lan Hương cho rằng, khi đã trở thành thoả ước rồi người lao động không hồi hộp lo lắng về thưởng Tết mỗi khi kết thúc một năm. Phía doanh nghiệp cũng xác định rõ nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định: Không có chuyện luật hóa tiền lương, mỗi năm trả cho người lao động 15 tháng lương. Đó chỉ là quan điểm cá nhân của một người làm nghiên cứu khoa học, còn quan điểm của Bộ đều đã thể hiện rõ trong các quy định của Bộ luật lao động.
“Lương là phải trả đủ cho người lao động còn thưởng là tùy theo hiệu quả do hai bên thỏa thuận với nhau. Càng thưởng nhiều, Nhà nước càng khuyến khích nhưng không thể ép buộc. Nếu ép buộc thì doanh nghiệp lấy tiền đâu để trả”, ông Huân cho biết.
Ông Huân cũng nêu lên một thực trạng trước tình hình hàng loạt công nhân bị sa thải cuối năm, doanh nghiệp phá sản, đó là một thức tế mà người lao động cũng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Phía doanh nghiệp cũng phải tìm mọi giải pháp để hỗ trợ, trả nợ lương cho người lao động.
Nếu người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì phải có chế độ, chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tìm việc mới. Về phía Bộ, Bộ cũng đang thực hiện những chính sách hỗ trợ thất nghiệp, vận động các doanh nghiệp giải quyết nợ lương, thưởng chăm lo cho người lao động.
Tuy nhiên, về giải pháp cụ thể thì hiện tại Bộ vẫn đang nghiên cứu để đề xuất lên Chính phủ, ông Huân cho biết thêm.
Video đang HOT
Lương phải trả đủ, thưởng là tùy
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng vu tiền lương, Bộ LĐTB&XH, hiện tại Bộ đã nhận được báo cáo lương thưởng Tết của khoảng 11.600 doanh nghiệp, trong đó có 2,2 triệu lao động sẽ có thưởng tết Quý Tỵ, còn lại khoảng gần 13 triệu lao động đang làm việc tại khu vực doanh nghiệp không có báo cáo nên Bộ cũng chưa nắm rõ có thưởng Tết hay không?
Bà Minh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo đều có kế hoạch thưởng Tết trên cả nước không đến 1 tháng lương. Thực tế, báo cáo của doanh nghiệp dựa trên tinh thần tự nguyện, và việc thưởng Tết cũng tùy tình hình doanh nghiệp, không có chế tài nào buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết nên Bộ sẽ không có ý kiến về việc thực hiện thưởng Tết của doanh nghiệp.
Điều 90, Chương 6- Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 – quy định về tiêng lương như sau:
1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Điều 103, tiền thưởng quy định:
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Theo 24h
Có nên 'luật hóa' thưởng Tết?
TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, nên luật hoá việc thưởng Tết, mỗi năm nên trả cho người lao động 15 tháng lương.
TS Lan Hương cho biết: Thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc. Thưởng Tết cũng là văn hoá Á Đông, khi chi tiêu vào ngày Tết tăng vọt lên khoảng 30% so với ngày thường, nên phải có một khoản tiền tương ứng cho khoản chi tiêu ấy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn xem thưởng tết như một cái gì đó mang tính chất "ban phát".
Nhưng đó là tiền của người lao động đáng được hưởng. Cứ cận Tết trên báo chí lại nói nhiều đến tình cảnh người lao động kêu ca, phàn nàn, phản đối vì không được thưởng Tết, hay thưởng quá thấp. Họ chỉ biết chờ đợi, không biết tiền thưởng tết của mình là bao nhiêu, họ không có được sự chủ động yêu cầu thưởng tết xứng đáng.
Vậy theo bà, làm thế nào người lao động có được sự chủ động chuyện thưởng Tết chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của "ông chủ"?
Thưởng Tết phải được nâng lên thành văn hoá, cũng như văn hoá lì xì. Mặt khác, thưởng Tết cũng nên được nâng lên thành chính sách, luật pháp hoá. Theo tôi phải quy định trong luật nội dung: người lao động được hưởng 15 tháng lương. Cái này bên Singapore họ đã làm rồi.
Công nhân Cty Cổ phần Thủy sản Minh Phú dự kiến thưởng Tết một tháng lương và một phần quà. Ảnh: Tiến Hưng.
Hiện nay thưởng Tết còn nhiều bất cập, có những doanh nghiệp Nhà nước thưởng Tết mấy chục triệu đồng trong khi những công chức như giáo viên gần như không có thưởng Tết. Theo bà có nên luật hoá nội dung công chức được hưởng 15 tháng lương?
Theo tôi công chức cũng phải được hưởng 15 tháng lương 1 năm. Nội dung này trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền mới đây, tôi cũng đã đề cập đến. Nhưng thực hiện được điều này thì còn nhiều vướng mắc lắm. Chẳng hạn như quy định về lương tối thiểu 12 tháng nếu trả 15 tháng thì ngân sách sẽ "đội" lên.
Nhưng điều quan trọng muốn có thưởng Tết cao phải làm sao để lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như chiếc "bánh" ngân sách Nhà nước to lên. Nếu không, dù có "luật" hóa và trả 15 tháng lương mà tiền vẫn như 12 tháng thì cũng chỉ là hình thức?
Tôi không gọi là thưởng Tết mà gọi là tiền tết. Tiền mà tất cả mọi người đều có thì không thể gọi là thưởng. Tiền Tết được trích từ quỹ phúc lợi cơ quan, điều này được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ. Tôi xem việc lo tiền tết cho anh em là nghĩa vụ của mình, nên không xem nó là gánh nặng. Tôi luôn cố gắng để tiền tết năm sau cao hơn năm trước.
TS Nguyễn Thị Lan Hương
Nếu muốn làm "cái bánh" ấy to lên thì phải có hình thức khuyến khích người lao động để họ hết mình với công việc mới tăng được hiệu quả, năng suất lao động. Người Nhật có câu: "Tiền không mua được lòng trung thành" mà lòng trung thành phải dựa vào triết lý về quan hệ lao động, đó chính là khoa học mềm. Chính sách người lao động được nhận 15 tháng lương sẽ tạo nên một văn hoá gắn bó, nếu họ bỏ việc giữa chừng, sẽ chỉ nhận được 80% thu nhập mà thôi. 15 tháng lương 1 năm tạo cho người lao động tâm lý yên tâm làm việc. Cơ chế càng công khai minh bạch, càng chia sẻ thì càng tạo ra năng suất lao động cao hơn (năng suất mềm).
Thể chế hóa việc thưởng Tết trong giai đoạn hiện nay e còn khó. Vậy nên như thế nào để "cải thiện" mối quan hệ giữa người lao động và ông chủ hay DN mỗi dịp Tết đến, Xuân về?
Theo tôi, cách tốt nhất là đưa vào thoả ước lao động tập thể. Tết đến người lao động được trả thêm 3 tháng lương. Và khi đã trở thành thoả ước rồi người lao động không hồi hộp lo lắng về thưởng Tết mỗi khi kết thúc một năm. Phía doanh nghiệp cũng xác định rõ nghĩa vụ của mình.
Trước mắt, phải làm thử, bắt đầu từ những tấm gương, rồi thành phong trào để cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi. Người lao động sẽ nghĩ ông chủ doanh nghiệp lo Tết chu đáo cho họ, cả năm họ sẽ làm việc hồ hởi.
Tôi nhớ ông chủ tịch tập đoàn Ajinomoto nói thế này: Tôi đánh giá cao công đoàn vì nhờ công đoàn mà những ý tưởng của tôi biến thành sản phẩm. Công đoàn chính là đại diện cho quyền lợi của người lao động. Người lao động bây giờ không phải là số 0, họ có quyền đàm phán, họ có nhiều "vũ khí".
Bà nghĩ gì về thực tế hiện nay có những cá nhân được thưởng Tết mấy trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng?
Tôi nghĩ đó không phải là thưởng Tết. Về nguyên tắc, thưởng Tết không vượt quá 30% tiền lương. Thưởng Tết cả tỷ đồng chỉ để hợp lý hoá thu nhập thôi. Trước đây, làm việc tốt thì mới được thưởng Tết, bây giờ thì hầu như ai cũng đều được thưởng cả. Như vậy tiền ấy không có chức năng thưởng, nên biến nó thành tiền lương.
Xin cảm ơn bà
Theo 24h
Điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2013 ở phía nam: Cần sự đồng thuận Ngày 17.12, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 103/2012/CN-CP ngày 4.12 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các DN với sự tham gia của đại diện các sở LĐTBXH, Ban quản lý các KCX-KCN và LĐLĐ các tỉnh - thành phía nam. Điều chỉnh...