Luật Giáo dục nghề nghiệp: khó triển khai
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực được gần 1 năm (từ ngày 1.7.2015), nhưng đến thời điểm này, các trường cao đẳng, trung cấp vẫn đang rối bời khi không biết cấp bằng như thế nào cho sinh viên, học viên.
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua với kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong luật này cũng quy định rất rõ việc đổi mới chương trình, đổi mới quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Chính phủ cũng đã có quyết định phân công Bộ LĐTBXH soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật này. Thế nhưng thực tế , công tác thi hành luật và các văn bản dưới luật vẫn chưa được triển khai và trong tình trạng đang bị bỏ lửng về mặt quản lý.
Cụ thể, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2015, các trường ĐH có hệ CĐ đã tiến hành cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ và chỉ còn đào tạo một số ngành đặc thù để đến năm 2018 sẽ xóa bỏ hẳn hệ CĐ trong các trường này. Đồng thời, hệ CĐ sẽ không thuộc sự quản lý của Bộ GDĐT mà chuyển sang chịu sự quản lý của Bộ LĐTBXH. Thế nhưng trên thực tế mùa tuyển sinh năm 2015, các trường CĐ lại chỉ tuyển sinh được từ 30-50% nhu cầu chỉ tiêu đào tạo của nhà trường. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, việc chuyển hệ CĐ từ Bộ GDĐT sang Bộ LĐTBXH quản lý chắc chắn sẽ khó tuyển sinh do tâm lý của thí sinh vẫn thích học trường ĐH để có thể liên thông học từ CĐ lên ĐH và bằng cấp sau khi học xong (bằng nghề) cũng sẽ không oai như trước nữa.
Ảnh minh họa.
Còn theo phản ánh của hiệu trưởng một số trường CĐ nghề trên địa bàn Hà Nội, luật đã có hiệu lực rồi thì trước sau gì các trường cũng phải thi hành. Nhưng vấn đề là cách phối hợp và triển khai như thế nào để không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, đào tạo của các trường cũng như quyền lợi của người học mới là điều quan trọng. Nếu đổi cơ quan chủ quản mà không thay đổi cách quản lý, thì các trường CĐ sẽ “chết” là chắc. Thậm chí, có trường cho biết thời điểm này không biết xin ý kiến chỉ đạo từ cơ quan chủ quản là ai khi vẫn ở trong tình trạng “chờ” bàn giao Bộ chủ quản do chưa có văn bản hướng dẫn.
Trước thực trạng này, Bộ GDĐT vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất Chính phủ xem xét giao cho Bộ thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, trong đó có trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện đang do Bộ LĐTBXH quản lý. Theo tờ trình, việc song song quản lý giáo dục và đào tạo giữa Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT với hoạt động dạy nghề đã gây ra những bất cập về quản lý.
Việc hình thành 2 cơ quan quản lý Nhà nước đầu mối ở Trung ương dẫn đến tăng đầu mối quản lý ở cấp địa phương lên 63 phòng Quản lý Dạy nghề thuộc sở LĐTBXH, trong khi các sở GDĐT đều có phòng giáo dục chuyên nghiệp làm cả nhiệm vụ quản lý giáo dục đại học địa phương. Đặc biệt, ở Trung ương, Tổng cục Dạy nghề cũng có các vụ tương tự như các vụ của Bộ GDĐT mà không có liên hệ chặt chẽ với các vụ của Bộ LĐTBXH như: Vụ Học sinh sinh viên, Vụ Dạy nghề chính quy, Vụ Dạy nghề thường xuyên, Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng dạy nghề, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Cơ sở vật chất dạy nghề, Vụ Pháp chế – Thanh tra, Văn phòng… làm tăng biên chế.
Theo LĐTĐ