‘Luật’ của trường qua mặt luật giáo dục?
Học sinh học tiểu học phải nộp quỹ đội, quỹ lớp, phiếu rèn luyện đội viên, công trình măng non liên đội và công trình măng non cấp huyện khi chưa hiểu Đội là gì.
Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định nguyên tắc xác định học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập “phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm”.
Trên nguyên tắc đó, hội đồng nhân dân các tỉnh quyết định mức học phí đối với từng vùng miền, sao cho phù hợp nhất với điều kiện sống của người dân, tạo điều kiện tối đa để mọi trẻ em có thể đến trường, thực hiện quyền cơ bản của con người: quyền học tập.
Thật tội cho dân nghèo, bươn chải vật lộn kiếm sống nuôi con ăn học, được nhà nước quan tâm nhưng nhà trường thì vô cảm, làm sai quy định.
Học phí một phần nhưng phụ phí đến mười phần hoặc hơn, lạm thu quá mức, khiến dân khó kham nổi. Dân thấp cổ bé họng biết kêu ai?
Một đứa trẻ đến trường phải gánh bao nhiêu học phí? Ảnh: Hoàng Hà.
Về học phí, khoản 1, Điều 105 Luật Giáo dục 2005 quy định: “ Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.
Luật quy định rõ ràng như vậy nhưng các trường chẳng thực hiện, đặt luật sang một bên, luật đi đường luật, trường đi đường trường.
Luật Giáo dục 2005 quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí, ngoài lệ phí tuyển sinh, không phải đóng góp khoản tiền nào khác là có ý nghĩa rất nhân văn: Tạo cơ hội cho toàn dân đưa trẻ đến trường, xóa mù chữ, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Vậy mà các trường tiểu học cứ thu ẩu, thu bừa, thu vô nguyên tắc. Nhà trường hiện nay đặt ra nhiều khoản thu rất tùy tiện, vô lý ngoài học phí.
Video đang HOT
Đành rằng có những khoản thu ngoài học phí chính đáng để phục vụ cho học sinh như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, đồng phục, chi phí ăn ở bán trú… Thế nhưng, có những khoản thu chồng lên nhau. Chẳng hạn, các khoản giấy thi, đề thi, phiếu liên lạc… đã nằm trong học phí, trường vẫn thu thêm.
Cháu tôi học tiểu học (một trường chuẩn, ở huyện T.P, tỉnh Q.N), trường đã thu quỹ đội, quỹ lớp rồi, nhưng đến cái phiếu rèn luyện đội viên cũng tách thành một mục khác để thu thêm.
Cháu mới lớp 1 nhưng phải đóng quỹ đội (cấp lớp), công trình măng non liên đội (cấp trường) và công trình măng non cấp huyện. Một đứa trẻ khi chưa kịp hiểu Đội là gì thì phải đóng tiền sinh hoạt đội cả 3 cấp.
Tuy số tiền không phải là nhiều nhưng rõ ràng các khoản thu đó rất chồng chéo, vô lý, gượng ép. Không biết lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo huyện có biết không?
Khi tôi phàn nàn câu chuyện lạm thu trên với anh bạn cùng xóm thì anh đưa cho tôi xem cái danh sách các khoản thu của trường con anh học (trường mầm non đạt chuẩn quốc gia).
Con anh cũng đóng học phí, nhưng tất cả đồ dùng học tập đều được nhà trường liệt kê ra từng thứ một, thu tiền từ cái bì đựng hồ sơ, que tính, sổ bé ngoan, cục tẩy…
Đặc biệt, tôi hơi bị sốc khi thấy cháu mới 4 tuổi nhưng phải đóng tiền lao động 100.000 đồng.
Anh cho biết cô chủ nhiệm giải thích: “Lẽ ra các cháu phải lao động vệ sinh trường lớp, nhưng các cháu không lao động được, phụ huynh phải làm thay. Đa số phụ huynh không có điều kiện giờ hành chính đến trường lao động nên nhất trí nộp tiền”.
Một khoản thu vô lý được giải thích rất có lý. Ở các tỉnh lẻ, phụ huynh đa số là dân lao động, mấy người biết đến Điều 105, Luật Giáo dục?
Bữa trưa của học sinh tiểu học 13.000 đồng thì phải tốn thêm đến hơn 9.000 đồng phụ phí? Ảnh minh họa: Lao Động.
Các khoản thu như sửa chữa cơ sở vật chất, vệ sinh, điện nước, hỗ trợ các kỳ thi, mua sắm máy chiếu… đáng lẽ phải lấy từ kinh phí chi thường xuyên do ngân sách cấp, thì trường lại bắt phụ huynh đóng.
Vậy ngân sách do nhà nước chi, trường dùng làm gì? Khi kinh phí nhà nước cấp và kinh phí do phụ huynh đóng góp chồng lên nhau trên một mục chi, sẽ tạo ra “kẻ hở” cho tiêu cực nảy sinh.
Hiện nay nhà trường mượn ban đại diện phụ huynh làm bức bình phong để thu nhiều khoản ngoài học phí, lấy danh nghĩa được sự đồng ý của ban đại diện phụ huynh nhà trường, phụ huynh đã nhất trí để thu trái quy định, che chắn bằng các từ tự nguyện, ủng hộ, đóng góp.
Các vị hiệu trưởng có biết ở nông thôn hiện nay nông dân phải đóng góp bao nhiêu khoản không? Và cả công chức, viên chức cũng đóng góp, ủng hộ cho địa phương cũng không ít.
Ngoài kêu gọi phụ huynh, các vị còn bắt học sinh ủng hộ một số khoản khác nữa. Xin hỏi, các em đang tuổi ăn học, lấy gì ủng hộ?
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, dồn cả về phụ huynh, các vị có biết không? Nếu thương học trò, thương dân nghèo, các vị nên suy nghĩ lại.
Cháu bạn tôi học lớp 1, tiền ăn 1 tháng là 208.000 đồng, nhưng tiền phụ phí đến 150.000 đồng, cộng thêm khoản mua bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất là 40.000 đồng.
Vậy tiền trường thu thêm (ngoài tiền ăn) của cháu là 190.000 đồng/tháng, hơn tiền ăn đến 91%. Riêng phụ phí hàng tháng đã hơn 70% tiền ăn của cháu.
Vậy cháu ăn bữa trưa 13.000 đồng thì phải tốn thêm đến hơn 9.000 đồng phụ phí. Phân tích như vậy để thấy, chỉ riêng phụ phí bán trú đã vô lý, tùy tiện rồi.
Các khoản thu ngoài học phí thường không có hóa đơn theo quy định, thậm chí không có hóa đơn (phụ huynh nộp tiền, giáo viên chủ nhiệm ghi sổ là xong) và nằm ngoài sổ sách kế toán chính thức của nhà trường.
Cơ quan cấp trên hiếm khi kiểm tra các khoản tự thu, tự chi này. Các khoản thu ngoài học phí có hợp lý không, được sử dụng thế nào, có lãng phí, thất thoát không… ở các trường mầm non, tiểu học, trung học?
Các cơ quan quản lý giáo dục dường như đang thả nổi vấn đề này, mặc cho các trường “tự tung tự tác”. Phải chăng đây là cơ chế tự chủ ở trường học hiện nay? Và chẳng lẽ, “luật” của trường đã qua mặt cả luật giáo dục?
Theo Lê Xuân Chiến / Lao Động
TP.HCM cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi một ngày.
Theo văn bản hướng dẫn tổ chức dạy hai buổi một ngày ở bậc tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM, tùy từng trường học chủ động xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp điều kiện cụ thể của đơn vị mình.
Cụ thể, buổi thứ nhất sẽ tập trung các tiết học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể linh động chuyển tiết âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật, thủ công, thể dục... qua buổi thứ hai. Tuy nhiên, hai tiết chính là Toán và Tiếng Việt không được điều chuyển.
Học sinh tiểu học. Ảnh: Hoàng Hà.
Buổi thứ hai tập trung nội dung chưa dạy xong của buổi chính khóa, thực hành các kiến thức đã học kết hợp tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống. Học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành nội dung học tập tại lớp.
Sở GD&ĐT TP.HCM nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi một ngày.
Cũng theo văn bản trên, các trường đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất có thể tăng cường tổ chức bán trú để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh.
Theo Zing
'Phản đối học sinh bê bàn ghế là tạo nên thế hệ lồng kính' TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc phản đối học sinh tiểu học bê bàn ghế xuống cầu thang là cách tạo nên một thế hệ lồng kính. Một số phụ huynh ngày nay quá chiều con. Mới đây, một phụ huynh có tài khoản Facebook Nguyễn Duyên chia sẻ video nhiều nhóm học sinh lớp 4 cùng khiêng bàn xuống cầu thang...