Luật cho phép các trường tư thục chủ động hoạt động trong hè
Ngoài chương trình của Bộ thì các trường tư thục còn thực hiện chương trình nhà trường do đó “trường tư vẫn muốn 1 năm học kéo dài 39 tuần như hiện nay”.
Sau Tết Nguyên đán, vì dịch Covid-19 nên 3 tháng liền học sinh không đến trường, khiến các trường tư thục rơi vào cảnh chao đảo bởi không có nguồn thu, nhiều trường số lượng học sinh lớn thì thất thu 50-70 tỷ đồng còn các trường khác thì rơi vào khoảng chục tỷ đồng.
Khi học sinh đi học trở lại vào ngày 4/5 nhiều niềm vui vỡ òa, giúp các trường giảm bớt khó khăn về tài chính để cầm cự.
Thế nhưng vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hai cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh thời gian thực học còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) để tăng thời gian hoạt động trải nghiệm và nghỉ hè cho giáo viên, học sinh.
Từ năm học 2020-2021, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9 thay vì 1/8 như hiện nay.
Và Bộ sẽ sửa Thông tư 13/2011 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục khiến các trường tư thục lo lắng.
Tại buổi tọa đàm ngày 29/7 về quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của khối trường ngoài công lập, nhiều đại diện nhà trường tư thục ở Hà Nội đã bày tỏ quan điểm, ý kiến về những vấn đề của trường tư thục theo Luật Giáo dục 2019.
Tọa đàm ngày 29/7 về quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của khối trường ngoài công lập (ảnh: Trần Tùng)
Theo Khoản 3, Điều 60, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường là:
“Trường dân lập, tư thục tự chủ và tự chịu trách nhệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng, quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục”.
Từ nội dung này, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường tư thục sẽ thực hiện như thế nào khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương yêu cầu các trường phổ thông phải cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng.
Bởi lẽ, mới đây Bộ thông báo “từ nay về sau việc tựu trường hàng năm sẽ thực hiện như năm 2020-2021, mỗi năm học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng (6,7,8)”. Bộ cũng thông báo tới đây sẽ sửa Thông tư 13/2011.
Video đang HOT
Trong khi bản chất và sứ mệnh của các trường tư thục là phải đáp ứng nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh.
“Luật nêu ra quyền tự chủ như vậy nhưng nếu chỉ đạo cụ thể từ Bộ, Sở sai lệch 1 ly khiến chúng ta sai cả vạn dặm bởi nếu nghỉ hè 3 tháng thì trường tư khó phát triển, nhiều nguy cơ”, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường trung học cơ sở- Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm nói.
Các đại biểu tham dự tọa đàm (ảnh: Trần Tùng)
Còn theo quan điểm của thầy Nguyễn Tùng Lâm học sinh trường tư thục nếu là học sinh yếu hơn các trường công lập thì nhà trường phải có thời gian để rèn luyện học sinh cho bằng với trình độ học sinh các trường công lập.
Những trường tư thục thu hút được học sinh khá giỏi lại phải đáp ứng nhu cầu để học sinh có thể theo chuẩn của các chương trình quốc tế, cũng phải có thời gian để thực hiện những chương trình hợp tác với các trường quốc tế.
Bởi “giáo dục phải tới từng học trò do đó sẽ có phương pháp riêng, cách làm khác nhau giữa những đối tượng chứ không phải rải đều.
Chính vì vậy quyền tự chủ của các trường tư thục chính là được thực hiện hoạt động giáo dục của mình, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh giúp họ phát triển thì tại sao nay Bộ lại định “bó chân” các trường tư bằng cách bắt “mặc đồng phục” thời gian năm học giống trường công lập”. Vậy quyền tự chủ của khối trường tư thục là gì?”, thầy Lâm đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo thầy Lâm, giáo viên trường tư thục chỉ có thể đảm bảo giáo viên có lương 1 tháng hè chứ không thể trả lương giáo viên theo kiểu bao cấp như các trường công lập là được nhà nước trả đủ 3 tháng hè.
“Vậy tiền lương của mấy chục nghìn giáo viên các trường tư thục liệu nhà nước có giao cho Bảo hiểm xã hội chi trả được không? Nhà nước thì không bao cấp, tài sản, cơ sở vật chất các trường tư thục lại bỏ lãng phí, giáo viên thì không biết bám vào đâu để sống.
Đồng tình với quan điểm này thầy Nguyễn Trọng Vĩnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học-Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) nhìn nhận:
Dù đến nay Bộ chưa sửa Thông tư 13/2011 và cũng ra chưa văn bản nào yêu cầu các trường tư thục không được tựu trường trong tháng 8 tuy nhiên đầu vào trường tư thục thấp hơn trường công do đó cần có thời gian để kéo dài chương trình giúp học sinh tiếp thu và đạt hiệu quả.
“Nguyên tắc của trường tư là được thỏa thuận với phụ huynh, với mô hình trường Nguyễn Siêu lâu nay 1 năm học kéo dài 10 tháng, phụ huynh nào chấp thuận thì vào học, không thì phụ huynh tìm trường khác, học phí tính theo năm”, thầy Vĩnh nói.
Còn với quan điểm của nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lômônôxốp nhìn nhận, điểm a, Khoản 2, Điều 60, Luật giáo dục 2019 quy định:
“a) Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; có trách nhiệm giải trình với xã hội, người học, cơ quan quản lý; bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình và xã hội trong quản lý nhà trường.
Việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ;”
“Rõ ràng, Luật Giáo dục không nhắc đến trường ngoài công lập, khi Luật không cấm tại sao các trường lại không được làm”, thầy Cường nói.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lômônôxốp (ảnh: Trần Tùng)
Đặc biệt, theo thầy Cường, không phải trường đến học ngày nào tính tiền ngày đó mà cha mẹ cần hiểu rằng, muốn học chương trình ở trường A, B hay C thì phải đóng học phí ngần này, ngần kia dù học trực tiếp hay online, nhà trường tính học phí theo chương trình chứ không phải tính theo buổi học.
“Nhà trường dạy theo chương trình học do đó tư duy so sánh học trung tâm ngần này buổi thì đóng tiền ngần này tiền của phụ huynh áp lên nhà trường là hoàn toàn sai”, thầy Cường nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, ngoài chương trình của Bộ thì các trường tư thục còn thực hiện chương trình nhà trường do đó “trường tư vẫn muốn 1 năm học kéo dài 39 tuần như hiện nay”.
Sau buổi tọa đàm, tiếp thu ý kiến của các thầy cô ở tọa đàm, ban chủ nhiệm các trường ngoài công lập ở Hà Nội sẽ hoàn thiện văn bản kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Nhiều trường tư lo "khó sống" nếu cho học sinh nghỉ hè 3 tháng
Đại diện các trường ngoài công lập tại Hà Nội vừa đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về quy định thời gian nghỉ hè 3 tháng vừa được Bộ thông tin mới đây.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9. Theo đó, nhiều trường tư thục tỏ ra lo lắng, hoang mang trước thông tin không được dạy trước khai giảng.
Cụ thể thông tin trên báo Tiền Phong, chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng các trường ngoài công lập ở Hà Nội đã cùng ký đơn gửi lãnh đạo GD&ĐT về quy định đóng cổng trường, cho học sinh nghỉ hè 3 tháng. Theo các trường, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên cũng như gây thiếu thời gian dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Trong đơn kiến nghị, đại diện các trường nêu: "Ngày 30/6, Bộ GD&ĐT thông tin sẽ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9.
Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn".
Ảnh minh họa
Hiệu trưởng các trường tư cho biết, họ đang phải vật lộn đối phó với cơn khủng hoảng của đại dịch COVID-19, vừa mở cửa đón học sinh trở lại liền đối mặt với nỗi lo "rủi ro chính sách" từ thông báo kể trên: "Mặc dù chưa biết Bộ sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần 'thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước' và 'các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1/9', chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang".
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie chia sẻ trên Vietnamnet, dịch Covid-19 làm không ít trường tư phá sản hoặc đứng trước nguy cơ này. Rất nhiều trường tư thục phải rất cố gắng mới có thể vượt qua.
Giờ đây, nếu mỗi năm có 3 tháng nghỉ hè thì đồng nghĩa với việc các thầy cô không có lương trong thời gian đó, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Ông Khang ví von: "Đặc thù của trường tư là "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Dịch Covid-19 là một đại họa ảnh hưởng đến các trường và đời sống của các giáo viên mà cả thế kỷ mới gặp một lần. Nhưng bây giờ, nếu nghỉ trọn 3 tháng hè thì giống như mỗi năm một "đại họa" lại giáng xuống các trường ngoài công lập".
Do đó, ông Khang kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy định trường tư được phép tựu trường, học trước trường công lập 4 tuần.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay nỗi đe dọa như đang lơ lửng trên đầu các trường ngoài công lập.
"Đến như tôi còn không lãng phí một phút để làm việc thì tại sao trẻ ở lứa tuổi 15-18 vốn đang cần học lại nghỉ đến 3 tháng?" - ông Hòa đặt câu hỏi.
Cũng trong đơn kiến nghị, lãnh đạo các trường tư cho rằng, ngoài việc chấp hành quy định của nhà nước, trường tư thục còn phải hoạt động theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, tự lo về nguồn tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, bảo đảm sự tồn tại và phát triển, có trách nhiệm trong những cam kết và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Theo đó, nhóm các trường này cho rằng, Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế hoạt động của các trường phổ thông tư thục, Khoản 3, Điều 14 quy định: "Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung".
Tập thể các trường ngoài công lập kiến nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét và có những điều chỉnh phù hợp về thời gian nghỉ hè của khối trường ngoài công lập để học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà đầu tư trường tư thục yên tâm thực hiện tốt kế hoạch giáo dục của mình.
Bố mẹ căng thẳng, stress khiến con hoang mang, mất tự tin Cuộc nội chiến trong gia đình vẫn chưa kết thúc. Ông bà nói nhiều và kể với hàng xóm về tình trạng của con khiến em rất khó chịu. Còn chồng thì khăng khăng muốn con học ở trường công vì luôn tin rằng trường công có hệ đào tạo tốt hơn trường tư thục... Chị Thanh Tâm thân mến! Nhiều lúc em...