Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới
Đại tá Đoàn Văn Rỹ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch nước ký Lệnh số 11/2020/L-CTN công bố ngày 25/11/2020, Luật Biên phòng Việt Nam được triển khai vào thực tiễn cuộc sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Lực lượng tuần tra bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát khu vực Ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN
Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, như Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia.
Luật Biên phòng Việt Nam cũng kế thừa những quy định còn giá trị và khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997, luật hóa các quy định hiện hành trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Theo Đại tá Đoàn Văn Rỹ, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm nâng cao hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Luật Biên phòng có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở khu vực biên giới và mở rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Luật quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân về biên phòng.
Nhiệm vụ biên phòng được quy định trong Luật một cách toàn diện, bao gồm 3 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng – quản lý – bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng nhằm phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng biên giới vững mạnh về mọi mặt; xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu…
Đại tá Đoàn Văn Rỹ chia sẻ, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với các lực lượng chức năng khác, cũng như các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo, cửa khẩu cảng, đặc biệt khi Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành, Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng tập trung triển khai tốt các giải pháp, phát huy kết quả công tác thời gian qua, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp trong tham mưu, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Bộ đội Biên phòng thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.
Bộ đội Biên phòng thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biên giới của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và trách nhiệm xây dựng Bộ đội Biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới.
Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo, cửa khẩu cảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hải Phòng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, động lực phát triển vùng Bắc bộ và cả nước.
Cơ sở pháp lý đầy đủ, thiết thực về hợp tác quốc tế và đối ngoại biên phòng
Hợp tác quốc tế về biên phòng là một bộ phận quan trọng của đối ngoại quốc phòng, an ninh trong nền ngoại giao Nhà nước, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An và Đại đội Biên phòng 222, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng, Lào chào cột mốc quốc giới số 424 biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Hùng Phong
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xác định: "Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu... Xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển".
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Trong đó, về nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biên phòng, quy định tại khoản 6, Điều 5: "Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài", được xác định là nhiệm vụ chung đối với tất cả lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Điều 12 hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tương đối đầy đủ và chi tiết về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng của lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới.
Nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tại Khoản 2, Điều 12, bao gồm: Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền và nhân dân, lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới và các quốc gia, tổ chức quốc tế; Xây dựng và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng, cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật; Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, theo quy định của pháp luật; Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Các hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tại khoản 3, Điều 12 bao gồm: Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng; Hội đàm, giao lưu hợp tác về biên phòng; Trao đổi, chia sẻ thông tin về biên phòng; Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, hợp tác quốc tế về biên phòng, được quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có đủ tư cách quốc gia, tiến hành các mối quan hệ với các lực lượng liên quan của các quốc gia, tổ chức quốc tế khác để hướng đến hỗ trợ, chia sẻ nhằm mục tiêu chung đạt được lợi ích cho nước mình và các nước, tổ chức quốc tế khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, hải quan... trên cơ sở tuân thủ các khuôn khổ chế định chung. Đồng thời, xác định thẩm quyền của lực lượng chuyên trách trong hợp tác quốc tế về biên phòng, được quy định cụ thể tại khoản 8, Điều 15: "Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Luật Biên phòng Việt Nam thiết lập cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế về biên phòng là sự khẳng định thành quả thực tiễn thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, các mô hình hợp tác giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng của Việt Nam với lực lượng hữu quan của nước láng giềng và các nước liên quan đã thực hiện trong thời gian qua, với những nội dung, hình thức sáng tạo, thực chất, tạo sự ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển trên các tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quốc hội chính thức thông qua Luật Biên phòng Có 456/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,61%) thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam... Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam chiều 11/11 - Ảnh: Quochoi.vn Chiều ngày 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt...