Luân chuyển giáo viên từ THCS xuống Tiểu học: Hết giải pháp để xử lý thừa, thiếu giáo viên cục bộ?
Đầu năm học 2018 – 2019, huyện Diễn Châu (Nghệ An) điều chuyển 109 giáo viên THCS chuyên môn Ngữ văn và Toán xuống bậc tiểu học. Việc điều chuyển có phần bất ngờ này được Phòng GD&ĐT lý giải là giải pháp duy nhất, nhưng nhiều giáo viên vẫn tỏ ra bức xúc.
Giờ học tại Trường Tiểu học Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An
Nhiều giáo viên thấy không thỏa đáng
Đầu năm 2018 – 2019, cô Tr.T.H. (GV Trường THCS Diễn Trung) nhận thông báo nằm trong danh sách luân chuyển xuống dạy tiểu học. Cô giáo có kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy chia sẻ: Việc luân chuyển là cấp trên phân công như vậy. Nhưng nhiều người không hiểu hoặc cho rằng cô dạy không tốt, yếu kém mới bị luân chuyển như thế. Điều này khiến cho cả cô và gia đình rất buồn, mặc cảm, tự ti.
Trên toàn huyện Diễn Châu có 109 giáo viên luân chuyển, chuyên môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, một số trường hợp nằm trong diện kỷ luật (sinh con thứ 3); hoặc xếp loại không đạt 2 năm xuất sắc đối với môn Ngữ văn và một năm xuất sắc đối với Toán.
Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, tiêu chí để xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học qua còn thiếu rõ ràng. Một giáo viên bị luân chuyển cho biết: Năm học trước cô không có sáng kiến kinh nghiệm nên không đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà xuống loại khá. Vì vậy, năm nay bị luân chuyển. Nhưng một năm trước, Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, đã bỏ tiêu chí này.
Lý giải về việc luân chuyển giáo viên, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu – cho biết: Hiện toàn huyện thừa 213 giáo viên THCS, nhưng thiếu 123 giáo viên tiểu học và 210 giáo viên mầm non. Hơn 10 năm nay, ngành Giáo dục huyện không được nhận thêm bất cứ 1 biên chế nào. Ngay cả việc hợp đồng giáo viên cũng không được phép.
Video đang HOT
Nếu chuyển số biên chế giáo viên dôi dư sang làm nhân viên lại càng không hợp lý, hoặc nếu để nguyên như vậy, số tiết mỗi tuần của giáo viên không đủ. Vì thế, chuyển giáo viên dôi dư ở bậc THCS xuống bậc tiểu học là giải pháp duy nhất và hợp lý nhất cho đến thời điểm này. Việc luân chuyển Phòng đã xin ý kiến Sở GD&ĐT, báo cáo Sở Nội vụ cũng như được Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đồng ý về chủ trương.
Lo ngại về chuyên môn đáp ứng yêu cầu bậc học
Để chuẩn bị cho các giáo viên luân chuyển thích nghi với môi trường làm việc mới, ngày 6/8, huyện Diễn Châu đã hợp đồng với ĐH Vinh để mở lớp bồi dưỡng kiến thức sư phạm tiểu học. Kinh phí đào tạo do huyện bỏ ra, thời gian khóa bồi dưỡng là 20 ngày. Các giáo viên sẽ học những môn học như đánh giá học sinh tiểu học, tâm lý lứa tuổi, chuyên sâu về phương pháp dạy học…
Tuy nhiên, trên thực tế tìm hiểu cho thấy, nhiều giáo viên tỏ ra không hào hứng, thậm chí phản ứng buộc lớp học phải tạm dừng một số buổi. “Chúng tôi được đào tạo ra để dạy THCS, không thể bồi dưỡng trong thời gian ngắn là có thể dạy tốt được tiểu học, trong khi hầu hết chúng tôi đã lớn tuổi, khó để học làm một việc mới”, nhiều giáo viên bày tỏ.
Ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An – nêu quan điểm: Luân chuyển là cần thiết nhưng không được tùy tiện, ồ ạt mà vừa phải đảm bảo về mặt tổ chức lẫn cá nhân. Về nguyện vọng cá nhân, cũng phải phù hợp với bố trí, tổ chức. Ý kiến cá nhân nếu tổ chức thấy chưa ổn, chưa hợp lý thì cần phải xem xét, không được làm theo đại trà. Quan điểm của Sở là theo đúng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn và nếu địa phương nào làm sai, trái với hướng dẫn sẽ phải rà soát và kiểm tra.
Về vấn đề này, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu – cho biết: Phòng đã có kế hoạch bố trí chuyên môn cho những giáo viên THCS sau khi xuống tiểu học giảng dạy. Theo đó, giáo viên bộ môn Ngữ văn sẽ dạy Tiếng Việt và các môn Khoa học xã hội. Giáo viên bộ môn Toán sẽ dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên. Việc sắp xếp như thế theo ông Long là có thể đảm bảo được về mặt chuyên môn, khi giáo viên học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục tiểu học.
Trước đó, năm học 2017 – 2018, thị xã Cửa Lò là địa phương đầu tiên của Nghệ An thực hiện luân chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học. Dù vậy, ông Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT Cửa Lò cũng cho rằng đây là giải pháp “tình thế”. Bởi giáo viên bậc THCS chỉ dạy học theo chuyên ngành đào tạo. Trong khi đó, giáo viên tiểu học dạy tổng hợp và làm nhiều chức năng khác nhau, và hiện tại có nhiều đổi mới.
Ở huyện Nam Đàn, năm học 2018 – 2019, việc luân chuyển giáo viên được giao quyền “tự chủ” cho các nhà trường. Kèm theo đó là hướng dẫn lập danh sách thuyên chuyển của Trưởng phòng GD&ĐT huyện vào ngày 24/7. Nhưng trước nhiệm vụ mới mẻ này, nhiều hiệu trưởng tỏ ra bị động. Thầy Lê Thăng Long – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Thái Nghĩa – cho biết: Sau khi có chỉ đạo, chúng tôi rà soát việc xếp loại và lựa chọn theo danh sách từ dưới lên và những người vi phạm chính sách dân số hoặc bị kỷ luật. Song cũng vô cùng khó khăn, “nâng lên, đặt xuống” từng trường hợp.
Qua tổng hợp, năm 2018, Nghệ An vẫn còn 1.089 giáo viên thuộc diện dôi dư bậc THCS ở 18/21 huyện, thành, thị và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, huyện Diễn Châu nằm trong tốp đầu với 219 GV (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu của cả huyện). Số dôi dư ở các huyện khác như: Yên Thành 165 GV (15,83%), Thanh Chương 132 GV (14,23%), Đô Lương 89 GV, Anh Sơn 69 giáo viên…
Việc luân chuyển được xem là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết dôi dư giáo viên, nhưng thực tế mỗi địa phương lại có một cách thực hiện khác nhau. Theo Sở GD&ĐT Nghệ An lý giải: Luân chuyển cán bộ viên chức thuộc phân cấp của UBND các huyện, thành, thị, biên chế lại do Sở Nội vụ quản lý nên cũng chưa có giám sát chặt chẽ để tham mưu, xây dựng kế hoạch. Sở cũng nhận trách nhiệm khi chưa có những tham mưu kịp thời về chuyên môn để việc luân chuyển vừa giải quyết được số lượng mà vẫn đảm bảo chất lượng, quyền lợi học sinh, giáo viên.
Hồ Lài
Theo giaoducthoidai.vn
Hơn 130 giáo viên THCS bị điều chuyển dạy tiểu học
Hơn 130 giáo viên cấp 2 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong năm học 2018-2019.
Ảnh minh họa
131 giáo viên dạy hai môn Văn, Toán bậc THCS ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong huyện này từ năm học 2018-2019. Việc bị điều chuyển đầu năm học mới khiến một số giáo viên bức xúc. Có giáo viên cho rằng, họ cảm thấy tự ti khi đang dạy cấp 2 bị điều chuyển xuống dạy tiểu học.
Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Ngọc Long, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay toàn huyện thừa 213 giáo viên THCS, trong khi đó thiếu 123 giáo viên tiểu học. Vì vậy, sau khi xin ý kiến của Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ, Ban Thường vụ huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành kế hoạch điều chuyển một số giáo viên dôi dư ở bậc THCS xuống bậc tiểu học.
Về tiêu chí giáo viên bị điều chuyển, ông Long cho hay theo kế hoạch của UBND huyện Diễn Châu không xác định đối tượng bị điều chuyển mà chỉ xác định đối tượng không điều chuyển.
Cụ thể, những đối tượng giáo viên không bị điều chuyển gồm phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, giáo viên có chồng hoặc vợ công tác trong lực lượng vũ trang hay đang công tác ở hải đảo; những người đang mang bệnh hiểm nghèo nằm trong danh mục 42 loại bệnh do Bộ Y tế quy định; Giáo viên nam có tuổi đời từ 55 tuổi trở lên; Giáo viên nữ có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên; Những giáo viên xếp loại trong 3 năm gần đây, đối với GV Văn có 2 năm xuất sắc, 1 loại khá tốt còn GV Toán 1 năm xuất sắc, 2 năm xếp loại khác tốt...
"Trừ những đối tượng thuộc diện trên, tất cả giáo viên còn lại đều có thể bị điều chuyển. Trước khi điều chuyển, chúng tôi làm công tác tuyên truyền, các trường lập danh sách xác định đối tượng bị điều chuyển. Không hề có chuyện giáo viên sinh con thứ 3 hay bị kỷ luật mới bị điều chuyển - ông Long khẳng định.
Theo ông Long, trong số 131 giáo viên bị điều chuyển đợt này, hầu hết giáo viên là đồng ý chuyển xuống dạy tiểu học. Đối với những giáo viên không đồng ý, huyện đang làm công tác tư tưởng để thuyết phục họ.
Về công tác chuyên môn, ông Long cho hay, Phòng GD-ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Vinh tổ chức khóa học bồi dưỡng cho những giáo viên THCS sau khi xuống tiểu học giảng dạy. Theo đó, giáo viên môn Ngữ văn sẽ dạy Tiếng Việt và các môn khoa học xã hội. Giáo viên môn Toán sẽ dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên... Ngoài ra các trường tiểu học tiếp đón giáo viên họ sẽ bồi dưỡng tại trường như tổ chức các chuyên đề, dạy mẫu, dạy thử nghiệm và liên kết các nhóm chuyên môn bồi dưỡng để giáo viên dạy tốt"-
"Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy"
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An nhìn nhận, việc điều chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học trước năm học mới là vấn đề bất đắc dĩ nhưng không còn cách nào khác.
"Số giáo viên cấp hai của chúng tôi bị dôi dư nên chúng tôi bắt buộc phải chuyển họ xuống dạy cấp 1 vì số giáo viên cấp 1 chưa có"- ông Chu Văn Long, Trưởng phòng tổ chức Sở GD-ĐT Nghệ An nói.
Theo ông Long, hiện tại Nghệ An đang thừa khoảng 1.000 giáo viên cấp hai, trong khi thiếu giáo viên tiểu học và mầm non. Vì vậy, Sở quyết định điều chuyển các giáo viên đang bị dôi dư này xuống cấp học tạo điều kiện cho giáo viên. Trước khi chuyển, các địa phương đã tổ chức lớp đào tạo và bổi dưỡng những giáo viên này đạt chuẩn dạy tiểu học mới chuyển xuống để công tác.
"Ở các địa phương khác, nếu thừa giáo viên sẽ bị nghỉ việc theo luật, còn ở Nghệ An giáo viên thừa vẫn bố trí cho họ có việc làm. Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải điều chuyển xuống như vậy, nhưng nếu như trong vài năm nữa giáo viên cấp 2 thiếu thì chúng tôi sẽ chuyển họ lên cấp 2 chứ không phải bắt họ dạy cấp 1 mãi "- ông Long giãi bày.
Ông Long mong giáo viên hãy thấu hiểu để tập trung dạy tốt. "Làm giáo viên ai cũng thích dạy cấp 2 hơn cấp 1 nhưng bây giờ thừa thì phải chấp nhận. Đây là vấn đề bất đắc dĩ nhưng đã có sự chuẩn bị. Tất cả giáo viên bị luân chuyển đều được bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ. Dù xuống dạy tiểu học nhưng lương và các chế độ của giáo viên vẫn không đổi"- ông Long khẳng định.
Về tiêu chí nào để chọn giáo viên bị điều chuyển, ông Long cho hay, tất cả đều có căn cứ để điều chuyển xuống.Những giáo viên bị điều chuyển đều được đào tạo có trình độ, có nghiệp vụ phù hợp.
"Liên quan đến điều động, biệt phái luân chuyển công chức viên chức ngành giáo dục và đào tạo và cán bộ công chức, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản 102 yêu cầu giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, Chủ tịch các huyện, thị xã thực hiện phân bổ biên chế cho các trường mầm non, trường tiểu học, THCS, trường tiểu học và THCS trực thuộc UBND cấp huyện trên cơ sở số lượng, cơ cấu biên chế do UBND tỉnh giao.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, xây dưng đề án việc làm, đề án tinh giảm biên chế và đề án giải quyết giáo viên dôi dư của đơn vị trình đơn vị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bố trí sử dụng đúng công chức, viên chức quy định.
Các đơn vị chỉ tiến hành điều động, luân chuyển biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác các chức danh theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật. Không tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo Hướng dẫn liên ngành số 59/HDLN - SNV -SGD&ĐT ngày 20/01/2009.
Trong trường hợp nếu luân chuyển chỉ tiến hành thuyên chuyển viên chức và công chức cấp xã theo nguyện vọng cá nhân hợp lý với yêu cầu của tổ chức hoặc khi cần thiết tăng cường chất lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức hay thực hiện đề án giải quyết giáo viên dôi dư của đơn vị."
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Chật vật lấp chỗ trống giáo viên Không chỉ TP HCM mà các tỉnh, thành khác cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng Trong năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng cần tuyển 313 giáo viên (GV) tiểu học, 233 GV THCS, 84 GV THPT. Tuy nhiên, nhiều quận - huyện cho hay số hồ sơ dự tuyển hợp lệ thấp hơn chỉ tiêu...