Lựa chọn sách giáo khoa mới có phần phức tạp và tốn kém vô cùng?
Đọc hết 32 đầu sách giáo khoa lớp 1 và có sự lựa chọn chính xác, phù hợp đòi hỏi mọi thành viên phải nghiền ngẫm, so sánh giữa sách này với các sách khác.
Ngày 30/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Theo dự thảo của Thông tư này thì năm học tới sẽ do các nhà trường tự thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình. Đọc dự thảo của Thông tư, chúng tôi thấy Bộ đã có những định hướng khá cụ thể nhưng nó cũng đan cài khá nhiều những bất cập.
Các trường học sẽ tự lựa chọn sách giáo khoa trong năm học 2020-2021 (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ai sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường
Tại điều 4 của dự thảo hướng dẫn như sau: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giao viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng”.
Video đang HOT
Nhìn vào cơ cấu đối với các thành phần lựa chọn sách chúng ta thấy hướng dẫn cũng khá chi tiết bởi đã có đầy đủ các thành phần đại diện trong nhà trường. Tuy nhiên, việc cơ cấu đại diện Ban đại đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường thì chúng tôi cho rằng đó chỉ là cho mang tính khách quan mà thôi.
Bởi, không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh nào cũng đủ khả năng để thẩm thấu nội dung sách giáo khoa, nhất là đối với những thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường nông thôn, miền núi.
Trong khi đó, để đi đến quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa nào trong 5 bộ sách không phải là việc làm dễ dàng. Đọc hết 32 đầu sách giáo khoa lớp 1 và có sự lựa chọn chính xác, phù hợp đòi hỏi mọi thành viên trong hội đồng phải nghiền ngẫm, so sánh ưu điểm, nhược điểm giữa bộ sách này với các bộ sách khác.
Sẽ vất vả và tốn kém vô cùng
Việc nhà trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tới đây đương nhiên là sẽ vất vả cho giáo viên bởi ngồi đọc hết 32 đầu sách giáo khoa để đưa ra những quyết định cuối cùng không phải là điều dễ dàng.
Nhất là đối với các trường tiểu học thì chỉ trừ có mấy môn chuyên là có giáo viên riêng. Còn lại nhiều môn đều do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.
Điều này, cũng đồng nghĩa những người được cơ cấu vào hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải dành rất nhiều thời gian cho công việc này bởi phải đọc nhiều cuốn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, điều bất cập là theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì nhà trường lựa chọn sách, còn theo Luật giáo dục 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 thì tại điểm c khoản 1 điều 32 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”.
Như vậy, nếu năm học 2020-2021 nhà trường lựa sách này nhưng sang năm học sau nữa Ủy ban nhân dân tỉnh lại lựa sách khác thì bắt buộc nhà trường phải theo việc lựa chọn của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chính vì thế, chỉ một việc lựa chọn sách giáo khoa nhưng chúng ta thấy nó sẽ vất vả và tốn kém vô cùng.
Trong khi đó, Bộ chủ trương “chương trình” là cốt lõi, sách giáo khoa chỉ là công cụ để thực hiện chương trình.
Thế nhưng, năm học này, các trường tiểu học trong cả nước phải mua 32 đầu sách, phải thành lập mỗi trường 1 hội đồng, sang năm học sau, 64 tỉnh lại thành lại thành lập 64 hội đồng nữa. Số tiền chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa chắc chắn sẽ không phải là một con số nhỏ.
Nhưng rốt cuộc “cá nào cũng vào… một giỏ”
Nhìn vào việc Bộ vừa ký thẩm định và ban hành sách giáo khoa lớp 1 thì chúng ta đã thấy có tới 4/5 bộ sách giáo khoa là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ có 1 bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Chính vì thế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chiếm số lượng chủ yếu về sách giáo khoa mới thì nhà trường hay Ủy ban nhân dân tỉnh đâu có nhiều lựa chọn sách bởi lựa chọn sách nào thì thị phần chủ yếu của sách giáo khoa mới tới đây cũng là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà thôi.
Chúng ta thấy rằng chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” hay dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông vừa công bố, khi mới nghe, đọc qua thì thấy hay, thấy mới và thấy khách quan lắm.
Nhưng, nếu chúng ta nghiền ngẫm kỹ vấn đề thì sách giáo khoa mới so với sách giáo khoa hiện hành cũng có mới được bao nhiêu đâu, vẫn là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ấy vậy mà phức tạp và cũng tốn kém vô cùng…
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Chọn sách khác nhau có ảnh hưởng việc kiểm tra đánh giá học sinh?
Mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau có làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra đánh giá học sinh?
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2% - B.THANH
Đó là câu hỏi và băn khoăn của nhiều người tại Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2019 bậc tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 29.11.
Giáo viên phải đọc hết tất cả các bộ sách
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông báo: Thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, năm học 2020 - 2021, quyền lựa chọn SGK thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông. Như vậy hiệu trưởng trường tiểu học cùng tập thể giáo viên (GV) sau khi tham khảo ý kiến của học sinh (HS), phụ huynh, sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1.
Ông Hiếu cũng nói, tất cả SGK đã được Bộ thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện trong các trường. Bộ sách nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn là quyền của đơn vị trường học. Để có đủ cơ sở đề xuất, tham mưu về sách, lãnh đạo Sở cho rằng các trường học nên bổ sung đầy đủ cho tủ sách dùng chung và GV phải đọc hết tất cả các bộ sách.
Trước lo lắng có hay không bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một bộ sách khác nhau của phóng viên, ông Hiếu khẳng định từ nhiều năm nay TP thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực chứ không kiểm tra nội dung trong SGK. Vì vậy, các trường "đừng băn khoăn việc ngữ liệu của sách này khác sách kia". Thêm vào đó, trong quá trình giảng dạy, GV cũng cần có sự tham khảo nhiều nguồn tài liệu để đa dạng hóa cách tiếp cận kiến thức, tạo hứng thú cho HS.
Tăng số buổi học ngày thứ bảy
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thời điểm hiện tại công tác rà soát cơ sở vật chất và tập huấn GV cơ bản đã hoàn thành. TP đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân, tuy nhiên không đồng đều giữa các quận, huyện. Vẫn còn một số quận, huyện có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp. Đây là thách thức lớn đặt ra cho các quận, huyện khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đơn cử, tại H.Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết địa phương hiện có 10.418 HS lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỷ lệ bình quân giữa các xã mới đạt mức 182 phòng học/10.000 dân, trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
Tương tự, với áp lực về dân số, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết năm học tới dự kiến có 10.800 HS vào lớp 1. Để đảm bảo yêu cầu 35 HS/lớp và học 2 buổi/ngày cho số HS này, quận cần 311 phòng học. Tuy nhiên, quận chỉ mới đạt mức 122 phòng, cần bổ sung 189 phòng. Dù quận đã được phê duyệt 5 dự án trường học nhưng đến năm 2020 chưa thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2%. Ông Hùng cũng cho biết, quận xây dựng 2 phương án để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 là phường nào đủ số phòng học sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày. "Tuy nhiên khó thực hiện sĩ số 35 HS/lớp như quy định mà có khi từ 45 - 50". Nơi không tổ chức được 2 buổi/ngày do không đủ phòng sẽ tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học thêm ngày thứ bảy.
Trước giải pháp này, ông Hiếu cho rằng việc tăng số buổi học/tuần là một thiệt thòi đối với HS nên đề xuất các quận huyện cố gắng đẩy mạnh, tạo điều kiện trong vấn đề xây dựng trường lớp. Đồng thời Sở GD-ĐT cũng kiến nghị các sở liên quan như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng quỹ đất để có lộ trình xây dựng trường học đảm bảo 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày.
Theo Thanh niên
Thay đổi đối tượng lựa chọn SGK: Lo xáo trộn, lãng phí Nhà trường, giáo viên được quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, việc lựa chọn SGK thuộc UBND tỉnh khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Theo các nhà quản lý giáo dục, điều này sẽ gây xáo trộn cho...