Lựa chọn mới của những người phát ngán văn hóa 996 ở Trung Quốc
Muốn cân bằng lại cuộc sống, công việc, nhiều người trẻ Trung Quốc lựa chọn lối sống du mục kỹ thuật số, rời khỏi những thành phố lớn ồn ào.
Cuộc sống ngột ngạt ở thành phố khiến nhiều người lao động Trung Quốc mệt mỏi. Ảnh: Sixth Tone.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lập trình viên Richard Hao tắt laptop, tận hưởng khung cảnh hồ nước đẹp như tranh vẽ trước quán cà phê ở thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam. Giống ngày càng nhiều người du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc, anh quay lưng lại với cuộc sống ở thành phố lớn và chuyển đến Vân Nam, nơi nổi tiếng với những ngọn núi phủ đầy tuyết, những ngôi đền và chùa cổ kính.
“Tôi đang làm một công việc bình thường với số giờ tương đối cố định mỗi ngày. Chỉ là tôi không đến văn phòng và có thể linh hoạt làm việc riêng của mình”, nam nhân viên một công ty công nghệ ở Thâm Quyến nói với Bloomberg.
Làm việc từ xa
Trung Quốc đang bắt kịp xu hướng toàn cầu khi những người lao động am hiểu công nghệ chọn các địa điểm rẻ hơn, đẹp hơn để ngồi làm việc. Đây cũng là phong cách sống được nhiều người lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy mọi người suy nghĩ lại về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đây còn là lựa chọn ở giữa hai phong cách làm việc khá cực đoan là văn hóa 996 phổ biến ở một số công ty công nghệ (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) và văn hóa “nằm thẳng” – làm việc càng ít càng tốt.
Daniel Ng, người điều hành không gian làm việc chung ở Đại Lý, tin rằng một lựa chọn vừa đủ có thể giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, đang dao động khoảng 20% do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Một lượng lớn người sáng tạo, kinh doanh, ví dụ như streamer, vlogger, giáo viên online và nhân viên hỗ trợ công nghệ cũng có thể giúp chính quyền địa phương hồi sinh các thị trấn vắng bóng khách du lịch do đại dịch.
Tuy nhiên chưa thể nói trước được điều gì trong tương lai. Khi các công ty công nghệ lớn như Alibaba và Tencent sa thải hàng nghìn nhân viên, các công ty có thể kén chọn hơn trong việc muốn giữ lại ai và những đãi ngộ họ sẽ cung cấp.
Bên cạnh đó là các chính sách của chính phủ Trung Quốc như hệ thống đăng ký hộ khẩu làm hạn chế khả năng di chuyển của một số lao động nhập cư.
Video đang HOT
Không gian làm việc chung ở các vùng quê thu hút nhiều người du mục kỹ thuật số. Ảnh: Bloomberg.
Rachael Woldoff, giáo sư xã hội học tại Đại học Tây Virginia (Mỹ) và đồng tác giả cuốn sách “Digital Nomads: In Search of Freedom, Community and Meaningful Work in the New Economy”, cho rằng du mục kỹ thuật số sẽ chiếm một vai trò lớn hơn trong tương lai.
“Điều chưa rõ ràng đối với chúng ta là liệu văn hóa làm việc của Trung Quốc đã sẵn sàng để thích ứng với điều này hay chưa và người lao động Trung Quốc muốn tham gia vào nó đến mức nào”.
Đại Lý, thành phố chỉ có hơn nửa triệu dân, từ lâu được biết đến là thiên đường của khách du lịch balo với vẻ đẹp tự nhiên. Du khách có thể tìm thấy nhà nghỉ giá rẻ, quán bar kiểu phương Tây và ẩm thực Đông Nam Á ở khu phố cổ nơi này.
Cách khu phố cổ khoảng 10 phút đi bộ là Dali Hub, một tòa nhà trát vữa trắng 3 tầng nằm trên con phố yên tĩnh được dịch theo nghĩa đen là “những người bất tử ẩn dật”. Giống nhiều nơi làm việc chung khác, Dali Hub có một quán cà phê, bàn làm việc và không gian cho các sự kiện. Tòa nhà có sân thượng nhìn ra núi, cung cấp chỗ ở cho những người cùng chí hướng muốn làm việc theo ý mình.
Du mục kỹ thuật số là lựa chọn ở giữa hai phong cách làm việc 996 và nằm thẳng ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
“Mọi người thực sự phát ngán với những văn hóa doanh nghiệp ở Trung Quốc như 996. Vì Covid-19, mọi người đều chật vật, kẹt ở các thành phố. Nếu làm việc ở văn phòng như cái hộp, bạn sẽ không sáng tạo”, Daniel nói. Chàng trai quê ở tỉnh Phúc Kiến, từng sống vài năm tại Malaysia.
Trong khi làm việc từ xa đã phát triển nhanh chóng ở các quốc gia như Mỹ, Argentina cung cấp thị thực đặc biệt để thu hút lao động từ xa, điều này vẫn chưa quá phổ biến ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Gartner Inc. dự đoán 31% lực lượng lao động toàn cầu sẽ làm việc từ xa trong năm nay, hoàn toàn hoặc một phần không ở văn phòng. Mỹ sẽ dẫn đầu với 53%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 28%.
Triển vọng
Có khá nhiều trở ngại để có thể trở thành dân du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc. Nhiều người lao động vẫn thích sự đảm bảo của công việc nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Khi chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý đối với doanh nghiệp tư nhân và các công ty công nghệ lớn, sinh viên mới tốt nghiệp có xu hướng tìm việc nhà nước ổn định dù lương thấp hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cân nhắc đến thực tế. Trong khi hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc, được gọi là hukou, không hạn chế nhiều việc di chuyển của người du mục kỹ thuật số như lao động nhập cư, tình trạng lưu trú và công việc tự do của họ có thể gây khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm bảo hiểm y tế và lương hưu.
Tuy nhiên, các không gian làm việc chung đang xuất hiện ngày một nhiều, một phần do truy cập Internet được cải thiện. Theo Trung tâm Thông tin mạng lưới Internet Trung Quốc, khoảng 28% người dùng mạng nước này đang sống ở các vùng nông thôn tính đến tháng 6.
Daniel Ng cho rằng nhiều người trẻ đã phát ngán với các văn hóa làm việc như 996, nhất là sau đại dịch. Ảnh: Bloomberg.
Tại thị trấn An Cát ở tỉnh Chiết Giang, nơi nổi tiếng với những rặng tre trong phim “Ngọa hổ tàng long”, có một trung tâm được chính phủ hỗ trợ cung cấp không gian làm việc chung và phòng thí nghiệm sáng tạo cho những người du mục sẵn sàng sống hòa đồng với người trồng chè ở địa phương.
Ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, nổi tiếng với nghề làm đồ sứ, cũng có một không gian cho người du mục kỹ thuật số. Chính quyền địa phương đã làm việc với viện văn hóa và sáng tạo của Đại học Thanh Hoa để phát triển kinh tế làng dựa trên du lịch. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm biến phát triển nông thôn trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, từ đó giảm bớt sự phân hóa nông thôn – thành thị và tăng tính tự cường.
Olga Hannonen, nhà nghiên cứu tại Đại học Đông Phần Lan, cho rằng văn hóa làm việc từ xa mang lại lợi ích cho những người làm công việc không phụ thuộc vào địa điểm và cả các công ty khi có thể tiết kiệm tiền thuê văn phòng và sự đòi hỏi mức lương cao hơn của người lao động ở các thành phố lớn.
Theo bà, nó đặc biệt phù hợp với những influencer ảo và livestreamer. Thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc đã tăng giá trị lên 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD) vào năm 2020.
Trở lại Đại Lý, ý thức cộng đồng giữa những người du mục kỹ thuật số là rất quan trọng. Một khu làm việc chung có tên DAO Space khai trương vào tháng 8 tại một nhà máy sản xuất ga trải giường cũ chỉ thu phí khách hàng là 480 nhân dân tệ một tháng.
“Lý tưởng nhất là chúng tôi hy vọng xây dựng một nền kinh tế tự duy trì ở đây. Không gian này cung cấp một đấu trường để mọi người trao đổi tài nguyên và kỹ năng của họ để chúng tôi có thể phát triển cộng đồng nhỏ của mình”, một cựu trợ giảng tiếng Anh cho biết.
Huawei tìm cách cứu vãn mảng smartphone
Huawei được cho là đang có kế hoạch cung cấp bản quyền thiết kế smartphone cho bên thứ ba, động thái giúp lách các lệnh cấm của Mỹ.
Theo Bloomberg, Huawei đang xem xét cung cấp thiết kế điện thoại của mình cho công ty Thiết bị Viễn thông và Bưu điện Trung Quốc (PTAC). Một đơn vị của PTAC là Xnova sẽ tìm cách mua linh kiện chứa công nghệ Mỹ, sau đó áp dụng thiết kế Huawei và sản xuất smartphone mang thương hiệu mới hoàn toàn.
Trước đây, PTAC từng là đối tác phân phối dòng smartphone Nova của hãng và sản phẩm mới có thể cũng có tên gọi tương tự.
Một người đàn ông đang trải nghiệm smartphone ở cửa hàng Huawei tại Bắc Kinh.
Trong khi đó, một nguồn tin khác tiết lộ Huawei đang thực hiện bước đi tương tự với hãng viễn thông TD Tech. TD Tech cũng sản xuất điện thoại dưới thương hiệu mới để dùng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác có thể thay đổi thời gian tới, do vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Một nhóm kỹ sư Huawei đã bắt đầu nhận nhiệm vụ thiết kế lại vi mạch của một số smartphone bán chạy trước đây, như tìm cách giúp chúng tương thích tốt hơn với vi xử lý Qualcomm và MediaTek. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hy vọng quan hệ chiến lược mới sẽ giúp các đối tác bán được 30 triệu smartphone mới trong năm 2022.
Huawei chưa đưa ra bình luận.
Theo các chuyên gia, động thái mới có thể là cơ hội tốt cho Huawei trong việc cứu vãn hoạt động kinh doanh smartphone sau khi chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ từ tháng 5/2019. Trong hơn 2 năm, việc không thể dùng công nghệ Mỹ, nhất là công nghệ trong sản xuất bán dẫn và ứng dụng Google, khiến mảng này suy yếu nhanh chóng. Từ việc luôn đứng trong top 3 các công ty điện thoại lớn nhất thế giới, Huawei giờ đây đã văng khỏi top 5 và thứ hạng vẫn tiếp tục đi xuống.
Một năm trước, Huawei phải bán thương hiệu con Honor cho một liên doanh thuộc nhà nước Trung Quốc. Các sản phẩm Honor có thể dùng linh kiện Mỹ và các dịch vụ Google. "Thành công từ Honor có thể đã khuyến khích Huawei tìm đến các mối quan hệ đối tác mới để duy trì hoạt động kinh doanh smartphone", Bloomberg bình luận.
TikTok, Douyin được tải xuống nhiều nhất thế giới trong tháng 10 Công ty mẹ ByteDance đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu vào tháng trước, khi TikTok và phiên bản Trung Quốc Douyin vẫn giữ vị trí là ứng dụng không phải trò chơi được tải xuống nhiều nhất thế giới. South China Morning Post dẫn dữ liệu mới nhất từ công ty theo dõi ứng dụng Sensor Tower cho thấy, TikTok và Douyin...