Lũ cuốn trôi mái cầu hơn 800 tuổi
Lũ lớn phá hủy một phần mái bằng gỗ của cây cầu Thải Hồng 800 năm tuổi ở tỉnh Giang Tây, dù trụ đá của nó vẫn nguyên vẹn.
Một phần hành lang mái đình bằng gỗ của cây cầu cổ này bị cuốn trôi một phần trong trận lũ quét hôm 8/7 tại thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Video do truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy các mố cầu bằng đá vẫn đứng vững, nhưng một nhịp cầu và kiến trúc bằng gỗ bên trên bị hư hại.
Cầu Thải Hồng bị cuốn trôi phần mái. Video: China News.
Thải Hồng, mang nghĩa “cầu vồng” trong tiếng Trung, là cây cầu dài 140 mét, bề ngang hơn 3 mét, chân cầu gồm 4 trụ đá, mặt trên là kiến trúc gỗ xây theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình. Cầu Thải Hồng là di tích lịch sử quốc gia, được coi là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất Trung Quốc và là cây cầu cổ được thiết kế khoa học nhất.
Các chuyên gia nhận định chính thiết kế khoa học đã giúp cây cầu đứng vững qua hàng trăm năm. Cầu được xây từ thời nhà Tống vào thế kỷ thứ 12, ở vị trí rộng nhất trên mặt sông, chân cầu hình bán thuyền có tác dụng giảm lực tác động của dòng nước lũ từ sông Trường Giang. Chính quyền địa phương cho hay sau khi nước rút, cầu sẽ được tu sửa lại.
Cầu Thải Hồng trước khi bị nước lũ cuốn trôi một phần. Ảnh: Baidu.
Từ đầu tháng 6 tới nay, mưa lũ đã ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 121 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế 5,9 tỷ USD. Giới chức cảnh báo miền nam Trung Quốc sẽ tiếp tục hứng chịu các trận mưa lớn đến hết ngày 13/7.
Trung Quốc nói đập Tam Hiệp chưa đạt công suất tối đa
Đơn vị vận hành cho biết đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang vẫn chưa đạt dung tích phòng lũ tối đa và vẫn có thể đối phó với lũ lớn hơn.
"Tình hình lũ lụt hiện tại ở dòng chính của sông Trường Giang không đặc biệt nghiêm trọng, nên khả năng trữ nước phòng lũ của hồ thủy điện vẫn chưa được sử dụng hoàn toàn", Bảo Chứng Phong, trợ lý giám đốc của Trung tâm Thông tin và Truyền thông đập Tam Hiệp, hôm qua cho biết.
Đập Tam Hiệp chứng kiến trận lụt đầu tiên trên sông Trường Giang hôm 2/7 với tốc độ dòng chảy cao nhất đạt 53.000 m3/giây, nâng mực nước hồ thủy điện lên 149 mét sau khi lũ đi qua. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết hồ thủy điện có thể xử lý mực nước cao tới 174 mét.
Đập Tam Hiệp mở ba cửa xả lũ hôm 3/7. Ảnh: Xinhua.
Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết đập có thể tiếp nhận tới 18.000 m3 nước/giây trong đợt lũ này, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra lũ lớn ở hạ lưu.
Đập Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang, đoạn chảy qua Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Dự án đập Tam Hiệp là hệ thống kiểm soát nước đa năng, bao gồm một con đập dài 2.309 mét và cao 185 mét, âu tàu 5 tầng và 34 máy phát điện.
Trước mỗi mùa lũ, hồ thủy điện sẽ xả bớt nước để đảm bảo đủ sức chứa phòng lũ. Khi lũ lớn đến, đập sẽ ngăn nước để chặn lũ, bảo vệ các thành phố và làng mạc ở hạ lưu.
Ông Bảo cũng bác bỏ thông tin cho rằng việc xả lũ ở đập đã gây lũ lụt cho các thành phố hạ lưu, nói rằng một số thành phố bị ngập sau khi mưa lớn làm tê liệt hệ thống thoát nước của thành phố, không phải do lũ trên sông Trường Giang.
"Đập Tam Hiệp đã đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát lũ kể từ khi nó bắt đầu hoạt động. Năm 2010 và 2012, chúng tôi đã đối phó trận đại hồng thủy với hơn 70.000 m3/giây và đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ lưu", Bảo nói.
Kể từ tháng 6, những trận mưa lớn liên tục đã tàn phá phần lớn miền nam Trung Quốc, khiến mực nước ở nhiều con sông vượt cảnh báo. Mưa lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người, khiến hơn 120 người chết hoặc mất tích và gây thiệt hại kinh tế lớn.
Vị trí đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang. Đồ họa: CNN.
Hồ thủy điện Chiết Giang mở toàn bộ cửa xả lũ Vũ Hán 'họa vô đơn chí' Chiết Giang xả lũ hồ thủy điện 18 Vũ Hán nâng mức cảnh báo lũ 27 Trung Quốc nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt 16
Nước lũ 'nuốt chửng' nhà ba tầng ở Giang Tây Ngôi nhà 3 tầng ở huyện Bà Dương, phía bắc tỉnh Giang Tây, bị nghiêng và đổ sụp xuống dòng nước lũ chỉ trong 5 giây. Chính quyền huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hôm 8/7 cho hay những người sống trong căn nhà đã được sơ tán từ trước sau khi xuất hiện nguy cơ công trình bị lũ cuốn....