Lớp xóa mù chữ cho trẻ nghèo của cô giáo tay ngang
Lớp xóa mù chữ luôn đứng trước nguy cơ tan rã vì không có giáo viên đứng lớp, kinh phí hạn hẹp…
Ảnh minh họa
Chị Lê Thạch Thảo (38 tuổi, ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) vốn là nhân viên kế toán của một công ty ở quận 8. Chị không có nghiệp vụ sư phạm nhưng vì tình thương các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường nên đã vận động bạn bè mở lớp dạy chữ cho các em.
“Ở đây chỉ cho cái chữ chứ không có tiền”
Lớp học nằm trong con hẻm trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8, TP.HCM). Chiều xuống, không khí rộn ràng lại vang lên khắp con hẻm. Từ cửa bước vào, giày dép xếp gọn gàng sang một góc, bàn ghế cũng được kê ngay ngắn theo từng nhóm, mỗi nhóm 4-5 em và có nhóm trưởng quản lý.
Phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn và không được đến trường. Buổi tối đi học ở lớp cô Thảo, ban ngày các em phải đi phụ quán, bán vé số, nhặt ve chai kiếm sống.
Hiện tại việc duy trì lớp học rất khó khăn khi độ tuổi học sinh không đồng đều, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn. Nhiều lần lớp học đứng trước nguy cơ tạm ngưng vì thiếu giáo viên, tình nguyện viên giảng dạy.
Hơn nữa, học sinh ở đây chủ yếu thuộc hộ nghèo, thiếu ăn thiếu mặc nên nhiều gia đình không muốn cho con mình đến lớp. Ở khóa đầu, nhiều phụ huynh với tâm lý cho tiền thì mới cho con đi học nên cấm con đến lớp học của chị Thảo: “Giờ nhà tui khổ lắm, cấp tiền thì tui mới cho đi học”. Nhưng chị Thảo kiên quyết: “Ở đây chỉ cho cái chữ chứ không có tiền”, rồi từ từ họ cũng hiểu và cho con đến lớp.
Bên cạnh việc dạy chữ, chị Thảo còn cố gắng tạo việc làm cho các em qua công việc làm đèn. Chị liên hệ với một số doanh nghiệp mang hàng gia công về cho các em làm thêm vào ban ngày “để tụi nhỏ có thêm thu nhập thay vì nhặt ve chai ngoài nắng ngoài mưa” – chị Thảo nói.
Những đứa trẻ không giấy tờ
Cả lớp có khoảng 30 em, trong đó hơn nửa lớp các em đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một số khác do mất giấy tờ nên không thể đi học như trường hợp của hai anh em Bùi Phú Quý (Bi) và Liêu Phú Thịnh (Beo).
“Quý năm nay đã chín tuổi nhưng mẹ em không có giấy tờ tùy thân, gia đình cũng không có hộ khẩu nên tới giờ em vẫn không có giấy khai sinh để đi học” – chị Thảo chia sẻ.
Quý và Thịnh sống với bà ngoại từ nhỏ. Ngoài việc học ban đêm, ban ngày hai anh em phụ bà đi lượm ve chai, “mỗi ngày kiếm được năm, sáu chục. Hôm nào có tiền thì đi chợ, không có thì ăn cơm với mắm, với rau”. Bà Hồng kể thêm: “Hai đứa đi học về, ngồi đọc tiếng Anh với nhau, lâu lâu nó lại hỏi “Bà ngoại ơi, con này là con gì, bà ngoại có biết không?”. Nét chữ viết cũng được lắm, lại ngoan hơn trước nên nhà tui biết ơn cô Thảo dữ lắm”.
Còn trường hợp em Mã Diễm Hằng, đến lớp học của chị Thảo không chỉ để học chữ mà còn nung nấu ước mơ trở thành công an bắt cướp. Là con thứ sáu trong gia đình bảy người con, kiếm ăn còn không đủ nên cha mẹ cũng không cho em đi học. Cha của Hằng bị tai biến, nằm ở quê đã mấy năm nay, còn Hằng sống với mẹ và các anh chị ở quận 8. Mỗi ngày mẹ của Hằng đi làm phụ hồ, buôn bán kiếm sống, còn Hằng ở nhà trông em, phụ gia đình…
Vượt qua tất cả khó khăn, chị Thảo vẫn từng ngày cố gắng mang con chữ đến lớp học với mong muốn sẽ góp phần nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa trẻ nghèo sống trong khu vực này.
Video đang HOT
Lớp xóa mù chữ đầu tiên được thành lập từ tháng 6/2012. Chị Thảo tự giảng dạy tại nhà nhưng vì không có kỹ năng sư phạm nên phải nhờ một người bạn đứng lớp.
Do nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không đi học đều nên lớp học không duy trì được sĩ số. Cơ sở vật chất lại thiếu thốn và không có giáo viên nên lớp học hoạt động được ba năm thì tan rã.
Đến tháng 9-2017, được sự giúp đỡ của một sư thầy và bạn bè, chị Thảo mở lại lớp. Lớp học hiện tại là một phòng trọ thuê với giá 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó sư thầy hỗ trợ 3 triệu đồng, các chi phí còn lại chị Thảo tự xoay xở.
Để duy trì lớp học này, mỗi ngày anh Tùng (bạn chị Thảo) phải chạy xe máy đến từng nhà để đón từng em. Ngoài việc đi làm phụ hồ và chạy xe ôm công nghệ, anh Tùng tranh thủ thời gian buổi chiều để đưa rước các em đến lớp.
“Mình không đón là các em nó không đi học, lúc đầu có phần khó khăn nhưng đưa đón tụi nhỏ vui lắm, hôm nào lớp không học là thấy thiếu thiếu” – anh Tùng tâm sự.
Theo plo.vn
Kết thúc xét tuyển ĐH 2018: Phân hóa rõ chất lượng từng trường qua điểm đầu vào
Mùa tuyển sinh 2018 sắp kết thúc, về cơ bản, công tác xét tuyển ĐH đợt 1 năm nay đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở đào tạo ĐH đã chốt đủ nguồn tuyển ngay sau kết thúc nguyện vọng 1. Số lượng xét tuyển bổ sung không nhiều như năm trước. Đáng chú ý là một số trường đã tuyên bố sẽ không xét tuyển nguyện vọng bổ sung như các năm trước dù có tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo hay không.
Thực tế cho thấy, với mặt bằng điểm như năm nay, điểm chuẩn đào vào của một số trường, một số khoa cũng có một số biến động khá đáng kể. Tuy nhiên, đây là biến động chung của toàn hệ thống. Vì thế để đánh giá chất lượng nguồn tuyển đai học năm nay cần có nhìn nhận đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã trao đổi về công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018.
Ông Trần Anh Tuấn
70% các ngành tuyển đủ ngay đợt đầu
Thưa ông, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1 ĐH, CĐ ông đánh giá như thế nào về tình hình xét tuyển ĐH năm nay?
Kế thừa kết quả thành công của năm 2017, Quy chế tuyển sinh năm 2018 đã điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ để khắc phục những hạn chế 2017 và áp dụng công nghệ triệt để hơn từ khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, xác nhận nhập học ... Trên cơ sở dữ liệu do Bộ cung cấp, các trường có thể tự dự tính được tỷ lệ ảo và xác định được ngưỡng trúng tuyển và danh sách trúng tuyển theo đúng quy định của pháp luật.
Ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các đơn vị xét tuyển đã có 172 mã tuyển sinh tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó có 226 mã tuyển sinh tuyển được 70% chỉ tiêu, chiếm 70% tổng số mã tuyển sinh trên toàn quốc. Con số này đã phản ánh một thực tế, đó là công tác tuyển sinh ĐH năm 2018 đã đạt được các tiêu chí nhanh gọn, nhẹ nhàng, hiệu quả và giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh đợt sau.
Phương thức tuyển sinh năm 2018 cũng đã đảm bảo tính khoa học, hợp lý, khách quan, công bằng đối với các thí sinh và đối với các trường, không xảy ra xáo trộn. Như vậy, công tác tuyển sinh ĐH đã được đổi mới theo tiêu chí và tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TƯ. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục duy trì và hoàn thiện quy chế, quy trình, kỹ thuật phần mềm cho công tác tuyển sinh các năm tiếp theo.
Đặc biệt, Quy chế tuyển sinh 2018 cũng cho phép thí sinh được đăng ký số lượng không giới hạn về nguyện vọng, đặc biệt sau khi các em có điểm thi các em được điều chỉnh một lần nữa để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Nhờ vậy các em sẽ có cơ hội lựa chọn những nguyện vọng phù hợp nhất với năng lực và kết quả thi của mình đồng thời hạn chế bớt những trường hợp không tự tin nên không chọn được đúng ngành yêu thích dù đủ điểm.
Năm 2018 cũng là năm các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh, tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập.
Như vậy, quá trình tuyển sinh năm nay cũng đã đảm bảo được quyền tự chủ của các trường. Về cơ bản, công tác xét tuyển ĐH đợt 1 năm nay đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Ông có nhận định gì về điểm chuẩn của các trường năm nay?
Phổ điểm năm nay có thấp hơn phổ điểm của năm 2017 một chút. Tuy nhiên, đây là mức giảm chung trên toàn hệ thống, xảy ra ở cả trường top trên và dưới nên vẫn đảm bảo công bằng cho các em thí sinh.
Ở một số nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn so với các nhóm ngành khác trong cùng một trường, thậm chí khác trường, đây là điều hết sức bình thường. Khi nói đến điểm chuẩn thì phải xác định đây là điểm chuẩn của ngành, khối ngành, chứ không phải điểm chuẩn của trường.
Trên thực tế, có rất nhiều trường top trên cũng có những ngành khó tuyển. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn của các ngành phụ thuộc vào hai yếu tố: số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành và chỉ tiêu tuyển sinh của nhóm ngành đó. Nếu ngành đang được ưa chuộng, đáp ứng yêu cầu xã hội thì số lượng thí sinh đăng ký vào nhiều. Nguyên tắc xét tuyển là khi xét đủ chỉ tiêu thì sẽ ngang sang được điểm chuẩn, nhờ đó các trường có thể gọi dôi ra một chút để đề phòng trường hợp các em không xác nhận hoặc không nhập học.
Có thể thấy, điểm chuẩn của các ngành phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo của các ngành đó, độ hot của thị trường đối với ngành đó. Vì thế nếu năm nay điểm chuẩn đầu vào của một số ngành thấp thì đây cũng là cơ hội để các trường, các ngành khi có điểm chuẩn thấp không thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển thì chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình; nâng cao chuẩn đầu ra, chất lượng đội ngũ để làm sao tăng được uy tín của ngành đó để trong năm tới tiếp tục thu hút được thí sinh vào.
Điểm chuẩn giảm không phải giảm chất lượng
Do điểm chuẩn xét tuyển giảm trung bình từ 1-3 điểm so với 2017, có ý kiến lo ngại về chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng năm nay. Theo ông lo ngại này liệu có căn cứ?
Phân tích phổ điểm 2018, số điểm từ 15 đến 20 không chênh so với năm 2017. Vì vậy, dù mức điểm chuẩn trung bình có giảm từ 1-3 điểm so với năm trước, nhưng mức giảm chủ yếu diễn ra ở phân khúc các trường top trên. Vì thế, không thể kết luận điểm chuẩn hạ đồng nghĩa với chất lượng đầu vào không đảm bảo.
Trên thực tế xét tuyển đầu vào chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo chung. Quá trình đào tạo của một sinh viên kéo dài từ 4-5 năm và chất lượng của quá trình đào tạo đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Trước đây chúng ta vẫn mặc định cứ đỗ ĐH là sẽ được ra trường, hiện nay điều này đã thay đổi. Con số hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học, bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau trong 2-3 năm trở lại đây cho thấy quá trình đào tạo ĐH là một quá trình sàng lọc.
Trên thực tế có nhiều trường tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 70-80%, thậm chí có những trường về kỹ thuật công nghệ, tỷ lệ SV tốt nghiệp chỉ đạt được 65% so với số sinh viên nhập học. Đây là quá trình sàng lọc để đảm bảo những sinh viên có đủ năng lực, phù hợp với ngành nghề đào tạo, đồng thời đảm bảo các sinh viên đã qua đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo quy định.
Đồng thời với việc tăng cường kiểm định chất lượng, công khai minh bạch tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, xây dựng chuẩn đầu ra của các trường đăng ở trên web thì có thể thấy Bộ đang có lộ trình siết chặt đầu ra đại học.
Điều này là phù hợp với xu thế đào tạo ĐH trên thế giới vì chất lượng đầu ra gắn liền với uy tín, thương hiệu của trường. Nếu trường nào đào tạo tốt có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao, thì sẽ khẳng định được thương hiệu của nhà trường, đây là yếu tố hút thí sinh rất mạnh.
Việc xây dựng văn hóa chất lượng cũng là một trong những mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đang muốn đẩy mạnh trong thời gian tới, và hiện nay bản thân các trường cũng nắm rõ và ý thức được việc này. Đây là điểm đáng mừng cho giáo dục ĐH.
Một số thay đổi trong tuyển sinh năm nay như: không làm tròn điểm, giảm khoảng cách điểm ưu tiên khu vực... đã tác động như thế nào đến công tác xét tuyển năm nay?
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, Bộ quyết định không làm tròn điểm đến 0,25 điểm là hai chữ số thập phân. Điều này tạo sự phân hóa cho thí sinh, giúp các trường không phải đặt ra quá nhiều tiêu chí phụ, nhất là với những thí sinh ở cuối danh sách trúng tuyển. Các trường đều hoan nghênh quy định mới này
Đồng thời, sau khi nghiên cứu về khoảng cách, điểm ưu tiên theo khu vực, trên cơ sở kết quả đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nhiều năm gần đây cho thấy, khoảng cách giữa các vùng miền đã thu hẹp khá nhiều, điều kiện giáo dục giữa các địa phương cũng được nâng lên đáng kể.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan bộ ngành liên quan, chúng tôi đã quyết định giảm mức điểm ưu tiên khu vực xuống một nửa. Điều này đã tạo ra công bằng hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Kiểm tra những cơ sở lấy điểm đầu vào từ 12 - 13
Với quy định bỏ điểm sàn, nhiều người lo ngại các trường vơ bèo vạt tép. Vậy Bộ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này và xử lý tình trạng này nếu xảy ra?
Khi không còn điểm sàn, các trường sẽ tự cân đối điểm sàn theo từng ngành, từng khối ngành phù hợp với đặc điểm của ngành, của trường, vùng miền để đặt ra mức điểm chuẩn đầu vào để có thể tuyển được đối tượng đúng nhất nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Khi quyết định bỏ điểm sàn, Bộ đã truyền thông, cảnh báo rất rộng rãi tới các trường ĐH nguy cơ tự hạ thấp thương hiệu, uy tín và chất lượng đào tạo nếu trường nào đưa ra mức điểm sàn quá thấp.
Thực tế đã có một số trường đưa ra ngưỡng điểm sàn 12-13, tuy nhiên, Bộ đã ngay lập tức có ý kiến và các trường đó đã điều chỉnh kịp thời. Thông điệp đưa ra cũng rất rõ ràng, nếu cơ sở đào tạo nào lấy điểm đầu vào quá thấp, Bộ sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở nào không đảm bảo đủ điều kiện đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Thưa ông, theo Bộ GD&ĐT thì Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Những với những gì diễn ra trong mùa tuyển sinh năm nay thì Bộ sẽ tiếp thu và điều chỉnh ra sao để tiếp tục hoàn thiện phương án tuyển sinh ra sao để đảm bảo thuận lợi cho các trường mà vẫn đảm bảo độ phân hóa, đặc biệt đảm bảo chất lượng nguồn tuyển?
Dù có một số tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia tại một số địa phương, tuy nhiên đây là thiểu số và chúng ta không vì thế phủ định hoàn toàn những nỗ lực tổ chức, làm bài thi nghiêm túc của số đông còn lại. Kỳ tuyển sinh năm nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kế thừa kết quả thành công của năm 2017, tiếp tới chúng tôi tiếp tục cải tiến quy trình. Nhưng theo lộ trình đổi mới thi cử và về mặt tổng thể thì cho đến năm 2020 thì quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên.
Chúng tôi sẽ tập trung cải tiến kỹ thuật phần mềm, một số khâu quan trọng trong quy trình tổ chức thi, chấm thi...để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi THPT Quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Hồng (ghi)
Theo Dân trí
Nhiều nỗ lực cho năm học mới Năm học 2018 - 2019 cận kề, công tác chuẩn bị cho năm học mới được các địa phương, nhà trường tích cực chủ động chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường lớp. Học sinh vùng cao Lai Châu trước thềm năm học mới Với nhiều trường vùng cao, cơ sở vật chất còn khó khăn thiếu thốn, nhiều trường học...