Lớp học võ miễn phí cho trẻ tự kỷ ở Sài Gòn
Những bạn trẻ bị khuyết tật, tự kỷ, bệnh down, chậm phát triển được tham gia lớp tập võ Aikido miễn phí vào thứ tư hàng tuần tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Phú Nhuận (TP.HCM).
Tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Phú Nhuận (TP.HCM), vào mỗi sáng thứ tư hàng tuần có một lớp dạy võ đặc biệt, hoàn toàn miễn phí cho học viên.
Học viên của lớp là những em bị khuyết tật, tự kỷ, bệnh down.
Lớp dạy võ mới khai trương được một tháng. Người sáng lập ra là võ sư Lê Hoàng Mai (1975), Trưởng bộ môn Aikido quận Tân Bình. Ông đã dạy võ cho trẻ khuyết tật lâu năm.
Lớp học này có hơn hai mươi học viên, tính cách mỗi em một khác nhau. “Để dạy được các em trước tiên cần hiểu chúng nó”, thầy Mai tâm sự.
Việc dạy các em tự kỷ rất khó vì độ tập trung rất kém. Tại lớp học, thầy Mai phải hướng dẫn trực tiếp bằng cách nắn tay chân cho các em. Vị võ sư này quan niệm không có ai là không thể học võ, kể cả trẻ tự kỷ hay khuyết tật.
Linh và Sáng là hai học viên đặc biệt hơn cả trong lớp học này.
Video đang HOT
Sáng năm nay 17 tuổi, tăng động và rất nóng tính, không thể giao tiếp ở môi trường đông người. Khi mới vào lớp em thường là người gây sự đánh nhau với bạn bè thậm chí cả thầy giáo.
Hiểu được tính Sáng, thầy Mai đã lên giáo án và có những liệu pháp giảng dạy phù hợp với tính cách của em. Ví dụ khích lệ, nói chuyện tâm sự, xoa dịu và cho Sáng nhiều cơ hội thể hiện khả năng hơn.
Sau một tháng Sáng đã trở nên hiền hơn và hòa nhập dễ dàng với cả lớp.
Trái ngược với Sáng, Linh năm nay 29 tuổi. Khi mới vào, Linh hầu như không giao tiếp với ai, đặc biệt cô bé rất nữ tính, hay giận dỗi nếu không được ai chú ý đến.
Với các thành viên đặc biệt này, thầy Mai luôn ưu ái chăm sóc và nói chuyện với em nhiều hơn. Võ sư chia sẻ tuy chỉ là lớp học võ nhưng ở đây giáo viên cũng như bác sĩ tâm lý, luôn lắng nghe câu chuyện của các em, biến mình thành các em để hiểu trò hơn.
Những lời động viên đúng lúc, những nụ cười tràn ngập trong lớp học này. Mỗi em học viên chỉ cần được giao tiếp và lắng nghe thì sẽ hòa nhập rất tốt với cuộc sống.
Phụ huynh của bé Gia Kiện (bên trái) đang ngồi quan sát con tập. “Nhìn thấy con mình vui vẻ, năng động trong các buổi tập với các thầy giáo là điều hạnh phúc nhất”, chị chia sẻ.
Từ một tên nhóc “siêu quậy” nổi tiếng chợ Bà Chiểu rồi trở thành thầy giáo dạy võ, qua những biến cố trong đời, thầy Mai tâm sự: “Tôi có được ngày hôm nay là vì cuộc đời còn ưu ái, lấy đi của tôi tuổi thơ trong sáng nhưng tặng lại cho tôi một người mẹ, người thầy, người vợ tuyệt vời. Cho đến tận bây giờ và đến sau này, tôi phải phấn đấu hết sức mình để trả ơn họ”.
Điều khó khăn lớn của lớp hiện nay là về nhân lực. Đa phần các giáo viên trợ giảng đều là các học viên lớp võ của thầy Mai, do yêu quý các em nhỏ nên tham gia hỗ trợ cùng thầy.
Linh sau mỗi buổi tập đều đòi ôm chia tay thầy. Lớp học này không giới hạn thời gian học. Các em cứ đến học cho tới khi không còn muốn nữa. Tuy nhiên, hầu hết các em đều mong muốn đến ngày thứ tư để gặp thầy và các bạn.
Sự trăn trở lớn nhất của người đàn ông này là làm sao có nhiều phụ huynh đưa các em đến học hơn, biết về lớp hơn để không còn tình trạng những trẻ em tự kỷ bị xã hội cô lập.
Theo Zing
Nhóm sinh viên lập dự án ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
Giáo dục giới tính cho trẻ em, người khuyết tật để giúp họ có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục là mục đích mà dự án S Project hướng tới.
Dự án giáo dục giới tính S Project do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập vào cuối năm 2015. Mục đích của dự án là giúp trẻ em có sự hiểu biết đúng đắn về giới tính, tránh xa nguy cơ về xâm hại tình dục và có kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại
Với phương châm "Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại", S Project hy vọng xóa bỏ mọi rào cản của trẻ em với bố mẹ, thầy cô, từ đó người lớn có thể trao đổi và dạy các em về giới tính.
Ban đầu, dự án hướng tới trẻ em từ 9-12 tuổi, lứa tuổi có nhiều sự tò mò về giới tính nhất nhưng lại khó có khả năng nhận thức hay tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại tình dục.
Để mang đến nhận thức đúng đắn về giới cho các em, ban tổ chức dự án thực hiện hoạt động giảng dạy, tổ chức các cuộc thi hay dự định tạo những buổi talk show thẳng thắn về giới tính.
Bạn Nguyễn Thị Song Trà (20 tuổi, sinh viên ngành Thông tin đối ngoại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người sáng lập dự án, cho biết ý tưởng được hình thành vào kỳ nghỉ lễ 30/4/2015.
Khi đó, một em bé 10 tuổi hỏi Trà rằng mình được sinh ra từ đâu, tại sao bố mẹ lại sinh được em bé, yếu sinh lý là gì. Những câu hỏi ngây ngô của em khiến cô sinh viên trường báo lúng túng và trăn trở nhiều tháng. Câu hỏi làm thế nào để giúp các em nhỏ hiểu đúng đắn về những vấn đề giới tính luôn thường trực trong đầu cô bạn.
Song Trà (áo trắng) trong một tiết giáo dục giới tính cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống. Ảnh: S Project.
Từ đó, Trà bắt đầu tìm hiểu thông tin về giáo dục giới tính ở trẻ em qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tháng 8/2015, Trà lên kế hoạch thực hiện dự án với những hoạt động như giảng dạy, tổ chức các cuộc thi về giới tính, hướng tới trẻ em từ 9-12 tuổi. Sau đó, 9X bắt đầu tuyển thành viên cho dự án, là những người bạn cùng lớp đại học với mình. Khi tập hợp được 6 người, nhóm bạn bắt tay thực hiện kế hoạch bằng việc dạy về giới tính tại một số trường tiểu học tại Hà Nội.
Những bức tranh buồn
Ngoài tiết dạy giáo dục giới tính tại các trường học, S Project tổ chức cuộc thi vẽ tranh về vấn đề này. Cuộc thi nhận được hơn 200 bài từ khắp nơi trên cả nước.
Những bức tranh dự thi thể hiện thắc mắc hay kể lại những câu chuyện, trải nghiệm đau lòng của nhiều bạn trẻ khi thiếu hiểu biết về giới tính: 15 tuổi mang thai ngoài ý muốn, sinh viên đại học năm thứ tư ám ảnh vì quá khứ bị xâm hại tình dục...
S Project cũng triển khai các tiết học cho người khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống tại Hà Nội. Theo nữ sinh sáng lập dự án, vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản của người khuyết tật gần như chưa được nhắc tới, trong khi họ là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục hơn cả.
Tranh dự thi về nạn xâm hại tình dục nữ sinh nơi công cộng. Ảnh: S Project.
Trà cho biết nhóm sẽ mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt những nơi đang phát triển mạnh về du lịch. Việc phát triển du lịch khiến trẻ em tại các địa phương này phải đối mặt nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn nhiều lần.
Chia sẻ về một năm thực hiện dự án tâm huyết, 9X cho biết quá trình thực hiện đem lại nhiều kiến thức về giới tính mà trước đây Trà không biết. Những bài học giới tính mà cô bạn được học rất sơ sài, thiếu căn bản, không đủ để có thể đương đầu những nguy cơ bị xâm hại tình dục luôn tiềm ẩn trong cuộc sống.
Chính vì thế, nữ sinh hy vọng dự án của nhóm ngày càng được lan tỏa, phát triển, góp phần giảm bớt những nguy cơ bị xâm hại tình dục của trẻ em, để những câu chuyện buồn về giới tính sẽ không còn được kể lại trong những bức tranh hay bức thư giấu kín nữa.
Theo Zing
Cua-rơ nhí đua xe đạp địa hình Giải đua xe đạp trên nền đất nện với địa hình gồ ghề và chướng ngại vật dành cho trẻ nhỏ 6 tuổi vừa được tổ chức tại 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Đây là hoạt động của CLB xe thăng bằng và cũng là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức ở lần lượt cả ba...