Lớp học U90
“Tụi tui già rồi, học khó vô. Nhưng nói con cháu học hành mà mình không làm gương thì khó lắm”, cụ Huỳnh Phương Bá, học viên đồng thời là “thầy giáo” lớp học độc nhất vô nhị cho các cụ U90, nói.
Cụ Huỳnh Phương Bá – giám đốc Trung tâm Hán Nôm TP Đà Nẵng, học viên kiêm thầy giáo miệt mài, tâm huyết trong giờ lên lớp.
Những tiết học đặc biệt
7h30 sáng ngày rằm và mồng một âm lịch như thường lệ, phòng khách nhà vị đại tá về hưu Huỳnh Phương Bá (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) tấp nập các cụ đầu hai thứ tóc, cười vui dòn dã, bước vào lớp học.
Cụ Bá mở đầu bài giảng về những bộ chữ, ngữ pháp, các cụm từ khó đọc, nhiều ngữ nghĩa. Phía dưới, các câu hỏi từ những học viên đầu bạc trắng rôm rả cả lớp học. Chưa đầy tiếng đồng hồ, “thầy” Bá lại trở về hàng ghế làm học viên, nhường bục giảng cho ông Nguyễn Đình Ngật.
Thầy Ngật say sưa thuyết trình về lịch sử triều đại Việt Nam, Trung Quốc. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, thầy Ngật lại chú thích lên bảng bằng các phiên âm Hán, Nôm giúp học viên vừa tiếp cận mặt chữ, vừa hiểu thêm về ngữ nghĩa. Giờ giải lao, các cụ pha trà, uống nước vừa tranh thủ trao đổi bài.
“Lớp học hầu như không có giáo trình nào cả. Mỗi học viên cũng chính là thầy giáo. Trước mỗi buổi học, mọi người cùng chọn cho mình một chủ đề, tìm hiểu, nghiên cứu rồi lên trình bày”, cụ Bá nói.
Vị đại tá về hưu đã 85 tuổi này có hơn chục năm mày mò, nghiên cứu tìm học bộ chữ Hán, Nôm. Tâm huyết với từng con chữ cổ, cụ miệt mài gõ cửa những cán bộ hưu trí, cao tuổi trên địa bàn, các vùng lân cận rồi mở những tiết học Hán – Nôm.
Cụ Bá bảo: “Nhiều lần về thăm nhà thờ họ, thấy nhiều câu đối, văn tự cổ mà chẳng hiểu ý nghĩa là gì. Cả đêm nằm trằn trọc tôi nghĩ mình phải làm cách nào đó để học, hiểu được và có thêm nhiều người cùng theo học như mình”.
Không khí lớp học Hán – Nôm U90.
Năm 2006, lớp học đầu tiên được mở ngay tại nhà cụ Bá. Ban đầu, số học viên chỉ đếm đầu ngón tay. Nhiều người chưa mặn mà, một số người lấy lý do bận việc, học không vô… Không nản chí, cụ Bá kiên trì theo đuổi, tổ chức các lớp học Hán – Nôm theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn.
Theo cụ Bá thì lớp học phải làm sao nhẹ nhàng, tươi vui nhất. Không thể gò ép bằng những giáo trình cứng nhắc. Các cụ đến học mà như thư giãn. Tinh thần tự học là chính, ai cũng có thể đúc rút cho mình cách học phù hợp. Đều đặn 2 buổi mỗi tháng lớp học Hán-Nôm được duy trì gần chục năm nay.
Cụ Bá khoe: “Lớp mới nhất có đến 30 học viên, vừa khai giảng cuối năm qua. Chỉ cần mất khoảng 2 năm các cụ có thể đọc thông, viết thạo, dịch văn bia, gia phả”.
Video đang HOT
Vợ chồng già cùng đến lớp
Gần 3 tháng nay, ông Nguyễn Hiền cần mẫn vượt gần 50 cây số từ huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đến lớp. Là một trong những học viên trẻ tuổi nhất, ông Hiền sắp bước sang tuổi 60. Ngày đầu đến lớp, bà con lối xóm, người thân gia đình lấy làm ngạc nhiên.
Một số người sợ ông lớn tuổi đường sá xa xôi nên căn ngăn. Ông đáp: Mình có học, có hiểu thì mới giúp ích cho con cháu, nêu gương học hành. Đi học không chỉ được chữ mà sức khỏe, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Lên lớp 2 buổi mỗi tháng, ông tự học là chính, đêm đêm chong đèn tới khuya “đánh vật” với từng bộ chữ, ngữ nghĩa. Lúc làm ruộng, thấy đám đất trống, ông bẻ cây nghuệch ngoạc viết. “Đến giờ tui cũng giắt lưng được vài vốn từ cơ bản rồi”, ông Hiền hồ hởi.
Thầy – trò đều hai thứ tóc .
Bà Phan Thị Lê Hà (60 tuổi, ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khá tinh tường nhận biết mặt chữ, giảng giải ngữ nghĩa. “Học nhẩm, học viết, rồi nói nhiều sẽ thành quen, nhớ lâu”, bà Hà đúc kết.
Hơn một năm theo học lớp Hán – Nôm, lần nào bà Hà quen lịch sáng sớm dậy bắt xe buýt xuống phố, rồi đi xe thồ về lớp học. Gần đây, bà còn thuyết phục được chồng tham gia cùng học. Bà Hà bảo: có ổng, hai vợ chồng đi xe máy. Học lại nhớ kỷ niệm thời học sinh mấy mươi năm trước thấy vui vui.
Cùng bà Hà, học viên nữ Ngô Thị Liễu (58 tuổi, Thanh Khê Đông, Thanh Khê) nổi bật lớp học bởi sự tiếp thu nhanh. Sau vài lần xem chồng Nguyễn Quang Sơn “thảo chữ”, bà Liễu cảm phục và đăng ký theo học.
“Ông chỉ dẫn tận tình, sau buổi lên lớp, hai vợ chồng về tự học ở nhà. Tối đến cơm nước sớm, tranh thủ dọn dẹp và cùng học. Con cháu thấy bố mẹ lên đèn luyện chữ, cũng tự giác ôn tập bài vở, không phải nhắc nhiều như trước đây”, bà Liễu kể. Theo các cụ: khó nhất bộ môn Hán- Nôm này chính sự đa tầng, đa nghĩa của các ký tự. Ngoài nghĩa gốc, người học hàng loạt nghĩa mở rộng khác.
Dịch chủ quyền
Theo cụ Bá tuy mọi người hầu hết lớn tuổi từ hơn 50 đến gần 90, nhưng khi tham gia lớp học ai cũng ham học và cố gắng hết sức mình.
Chính sự nỗ lực này nên từ lớp học nhỏ bé, tháng 9/2012, hội Khuyến học TP Đà Nẵng nâng lên thành Trung tâm Hán – Nôm Đà Nẵng, nhằm mục tiêu bồi dưỡng Hán – Nôm, dịch thuật các văn bản cổ, tìm hướng vận dụng khoa học phong thủy trong đời sống… Cụ Bá tổ chức thêm hàng loạt các buổi “ngoại khóa”, thực tế tại các di tích văn hóa, đình chùa, nơi lưu giữ văn bia, văn tự cổ; tìm hiểu các gia phả, di cảo.
Cụ Nguyễn Đình Ngật, Phó giám đốc Trung tâm cho hay: đến nay hội biên dịch, sao chép và dịch được 12 gia phả, nhiều di cảo… Đặc biệt, từ việc nhận diện, am hiểu văn tự cổ, các học viên lớp Hán – Nôm U90 có nhiều phát hiện, ghi nhận độc đáo liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Cụ Bá tự hào: “Chúng tôi đang hoàn thiện công trình dịch thuật, làm rõ tư liệu lịch sử về chủ quyền Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Qua tài liệu trên tuần báo I’Eveil Économique deI’Indochine (Sự thức tỉnh về kinh tế Đông Dương) cho thấy ở thời điểm 1924-1934, Pháp xâm lược Việt Nam thì phải có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết Cucherousset, giới toàn quyền Pháp lại làm ngơ, thông đồng với Nhật và Trung Quốc khai thác tại quần đảo này và để cho các nước này lăm le lấy Hoàng Sa”.
Theo cụ Bá thì thời điểm này, nhiều nhà báo, nghiên cứu Pháp sang Việt Nam để tìm hiểu yếu tố chủ quyền và họ đã tìm được nhiều tài liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này như vua Gia Long cho người ra cắm cờ chủ quyền từ năm 1816, vua Minh Mạng và vua Duy Tân xuất bản sách dạy cho học sinh về chủ quyền Hoàng Sa…
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Trương Đàn (nguyên Giám đốc cơ quan đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng) “học viên” lớp Hán – Nôm hơn hai năm nay, nhấn mạnh: từ việc học Hán- Nôm, góp phần tìm kiếm, sưu tầm thêm các tài liệu cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Mình hiểu thấu đáo chủ quyền, nắm bắt ý nghĩa các tư liệu cổ sẽ tạo điều kiện nâng cao ý thức, trách nhiệm chủ quyền biển đảo cho các thế hệ trẻ, trước tiên là những thành viên trong gia đình.
Ông Đàn dẫn chứng: trong lần thực tế, các học viên trong lớp đã đọc, dịch nghĩa bốn câu thơ in trên ngai vàng triều Nguyễn từ thời Minh Mạng: Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu (Dịch nghĩa: Nước nghìn năm văn hiến/ Núi non vạn dặm xa/ Tự Hồng Bàng mở nước/ Nước Nam vững sơn hà). Cho thấy từ xưa việc bảo vệ chủ quyền luôn được chú trọng.
Theo Tiền Phong
Trường bỏ hoang, thầy trò đi học nhờ
Hàng trăm học sinh ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) phải học tập trong các nhà văn hóa xóm, do công trình xây dựng trường Tiểu học ở đây bị đình chỉ vô thời hạn. Điều khó tin này xảy ra suốt 3 năm qua và chưa biết khi nào mới được giải quyết.
Phá trường cũ, bỏ dở trường mới
Nằm trong chương trình "kiên cố hóa trường học", tháng 10/2010, dự án xây dựng Trường Tiểu học Dũng Hợp (chung cho 2 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp huyện Tân Kỳ) được khởi công trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, mang theo nhiều hi vọng của thầy cô và học sinh ở đây.
Ngôi trường có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng, trong đó 10% huy động từ sức dân, số tiền còn lại trích từ ngân sách tỉnh Nghệ An. Dự kiến đến quý 3/2011 công trình 2 tầng, 10 phòng học này sẽ hoàn thành.
Trước đó, để lấy đất xây dựng trường mới, cơ quan chức năng đã cho tháo dỡ trường cũ, dẫn đến cảnh 110 học sinh của 5 lớp học phải đến học nhờ ở các nhà văn hóa xóm.
Công trình xây dựng Trường Tiểu học Dũng Hợp bỏ hoang từ đầu năm 2011 đến nay
Đến đầu năm 2011, khi công trình mới chỉ xây xong phần thô của tầng 1 thì nhà thầu đột ngột ngừng thi công. Nguyên nhân được xác định do chủ thầu (công ty TNHH Nam Hà, đóng ở thị trấn Tân Kỳ) không được "rót" đủ vốn. Công trình bị đình chỉ từ đó đến nay, bỏ hoang giữa mưa nắng.
Suốt 3 năm, các em học sinh tiểu học ở đây vẫn phải học tập trong nhà văn hóa xóm thiếu thốn đủ bề.
Nhiều người nơi khác đặt chân đến địa bàn đều cảm thấy ngỡ ngàng trước cảnh hàng trăm trẻ em cùng trang lứa, cùng bậc học nhưng phải ngược xuôi, chạy đôn chạy đáo mỗi em mỗi ngả đến "lớp học".
"Nhà tôi có 2 cháu học lớp 1 và lớp 3. Hai năm nay 2 đứa phải đi học tại nhà văn hóa của 2 xóm cách xa nhau. Mỗi buổi sáng vợ chồng lại chia nhau mỗi người chở một đứa đến lớp" - chị Trần Thị Phúc (xã Nghĩa Dũng) ngán ngẩm kể.
Nhiều phụ huynh khác cùng chịu chung nối niềm như chị Phúc, họ cũng chẳng biết đến bao giờ con cái được học tập trong trường lớp "kiên cố hóa".
Trường bức xúc, xã "bó tay"
Hơn 100 em học sinh phải học nhờ tại các nhà văn hóa xóm
Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Hoàng Văn Hiến, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng cho rằng, lúc khởi công, nhà trường cứ nghĩ dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, học sinh chỉ phải học tạm trong thời gian ngắn. Ai ngờ công trình bỏ dở, đẩy thầy trò vào cảnh "ăn nhờ, ở tạm".
"Khó khăn, vất vả lắm! Thầy đi dạy thì cứ phải "nhảy cóc", chạy từ xóm này đến xóm khác. Trò đi học đường xa, không thuận tiện, mất đi quyền được sinh hoạt, vui chơi tập thể. Học tập trong các nhà văn hóa thiếu thốn đủ bề, không đảm bảo chất lượng" - ông Hoàng Văn Hiến cho biết.
Theo ông Hiến, phía nhà trường đã nhiều lần đệ đơn trình các cấp, từ UBND xã đến huyện, rồi phòng GD-ĐT đề nghị tái khởi động dự án, nhưng tình hình không có gì thay đổi.
Ông Nguyễn Doãn Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng than phiền: "Biết là thương các em đấy nhưng chúng tôi cũng chỉ biết chờ cấp trên vì đây là dự án do huyện làm chủ đầu tư".
Vị lãnh đạo xã cho biết thêm, tháng 9/2012, huyện Tân Kỳ và nhà thầu đã trực tiếp làm việc với xã, thống nhất phía xã sẽ hoàn thành số tiền đối ứng 10% (270 triệu) cho nhà thầu; phía huyện sẽ có kế hoạch đốc thúc, tái khởi động dự án.
"Trước mắt, chúng tôi có kế hoạch sáp nhập 2 cơ sở trường THCS trên địa bàn để lấy tạm 3 phòng học cho học sinh tiểu học. Số còn lại vẫn phải tiếp tục học nhờ tại các nhà văn hóa" - ông Loan kết luận.
Quý 3/2012, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có văn bản báo cáo nêu rõ hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện Đề án "kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giai đoạn 2008 - 2012".
Theo đó, thanh tra đã phát hiện 497 công trình (chiếm gần 95%) có sai phạm, với số tiền xấp xỉ 14 tỷ đồng.
Theo Cao Thái - Hải Bình (Vietnamnet)
Cô giáo của những đề thi "độc", những học sinh có bài văn "lạ" Là giáo viên dạy văn đã lâu năm, cô Đặng Nguyệt Anh trăn trở: Không chỉ thời nay mà từ lâu, học sinh thường có tâm lý ngại học môn văn, ít trò thích môn văn... Tạo sức hấp dẫn cho môn văn bằng... đề thi Thời gian gần đây, cộng đồng mạng lên cơn sốt vì bài văn "ba ngày làm chuột"vô...