Lớp học ‘trải nghiệm cái chết’ ở Hàn Quốc
“ Trải nghiệm cái chết” là lớp học kỳ lạ nhưng có tác dụng tích cực bất ngờ đối với nhiều công dân Hàn Quốc, nơi trung bình có 40 vụ tự tử diễn ra mỗi ngày.
Thống kê đáng buồn rằng được cho là hệ quả của sự cạnh tranh khắc nghiệt trong xã hội Hàn Quốc, nơi những người trẻ tuổi phải chịu áp lực liên tục nếu muốn đạt được thành công, còn những người ở độ tuổi trung niên và người già thường than phiền về gánh nặng tài chính ngày càng tăng.
Nổi lên như một phương thức kỳ lạ nhằm đối phó với tình trạng này, trường học “trải nghiệm cái chết” đã ra đời, với mục đích dạy cho những học viên chán nản biết trân trọng cuộc sống, thông qua việc cho họ thấy những gì diễn ra nếu cuộc sống của họ kết thúc.
Dịch vụ đặc biệt của Trung tâm Chữa bệnh Hyowon ở thủ đô Seoul đang thu hút ngày càng đông khách hàng. Trong số những học viên, có cả sinh viên và thanh thiếu niên, những người không thể đối phó với áp lực thi cử ở trường, các bậc cha mẹ cảm thấy mình vô dụng sau khi con cái họ bỏ nhà ra đi và những người già sợ trở thành gánh nặng tài chính cho con cái họ.
Một học viên của lớp học “trải nghiệm cái chết”.
Ngồi giữa những hàng quan tài, các học viên sẽ lắng nghe Jeong Yong-mun, người đứng đầu trung tâm, và cũng là cựu nhân viên công ty tang lễ, giải thích rằng những vấn đề họ đang gặp phải chỉ là một phần của cuộc sống và họ cần chấp nhận điều này và cố tìm ra niềm vui trong những khó khăn.
Sau đó, đám tang giả bắt đầu với việc các sinh viên mặc trang phục truyền thống và ôm bức ảnh truyền thần của mình khi nằm trong quan tài. Trước đó, họ đã viết di chúc hoặc soạn thư từ biệt gia đình mình và đọc những lời đó trước cả nhóm. Mục đích của điều này là giúp các học viên suy nghĩ về những đau đớn của người thân họ và cân nhắc quyết định tự tử của mình.
Nến được thắp sáng, và một người ăn mặc như “tử thần” sẽ bước vào phòng. Các học viên nằm xuống trong chiếc quan tài của họ trước khi nó được “tử thần” niêm phong, lúc này họ phải đối mặt với bầu không khi hư vô của thế giới vĩnh hằng.
Video đang HOT
Khi giờ chết đến, trưởng nhóm sẽ nói với các học viên rằng “đây là lúc sang thế giới bên kia”. Sau đó, họ sẽ nằm một mình trong bóng tối bên trong quan tài ít nhất 10 phút, nơi họ có thời gian để nghĩ về cuộc sống của mình từ góc nhìn của một người đã khuất.
Hàn Quốc đã đạt được bước nhảy vọt, từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Nhưng sự bùng nổ tài chính nhanh chóng cũng có cái giá của nó. Sự thay đổi nhanh chóng về ý thức hệ, từ tập thể đến chủ nghĩa cá nhân, và những thay đổi trong cấu trúc các gia đình truyền thống đã khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập và cô độc.
Có dưới 1/3 người dân Hàn Quốc vẫn tin rằng họ nên hỗ trợ tài chính cho những người thân cao tuổi, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết.
Những học viên thức dậy sau đó và rời khỏi quan tài đều nói mình cảm thấy “tươi mới” và “được giải thoát” khỏi các rắc rối. Lúc này, người đứng đầu trung tâm Jeong Yong-mun nói chuyện lại với họ một lần nữa: “Bạn đã hiểu được cảm giác của cái chết, nhưng giờ bạn đang sống, vì vậy, các bạn phải chiến đấu”.
Trong khi đó, người già ngày càng lo lắng về việc trở thành một gánh nặng, số người cao tuổi tự tử ở nước này hiện cao gấp 4 lần so với mức trung bình tại các quốc gia phát triển khác.
Chỉ có một quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tự tử cao hơn Hàn Quốc là Guyana. Cứ mỗi 100.000 người tại quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ này lại có trung bình 44,2 vụ tự tử. Tại Hàn Quốc, con số tương ứng là 28,9 vụ, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Duy Anh/ Thể Thao và Văn Hóa
Tự tử vì chuyện không đâu
Vì những nguyên nhân vụn vặt nhưng bế tắc trong giải quyết, không ít người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã tìm tới cái chết để giải thoát
Những cái chết đó trở thành nỗi đau, sự ám ảnh, gánh nặng cho người thân và xã hội.
Muôn vàn lý do
Sau mỗi cuộc nhậu chếnh choáng, Đinh Hlưm (SN 1983; ngụ làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai) lại không kiểm soát được mình, về nhà đánh vợ. Mỗi khi tỉnh dậy, nhìn những vết thương trên người vợ, HLưm lại thấy hối hận. Đã có lần HLưm định lấy cái chết để tạ lỗi nhưng được người nhà ngăn cản.
Chị Ang đau buồn vì cái chết của chồng là anh Đinh HLưm
Chiều 8-9, khi đi làm về, HLưm gặp nhóm bạn đang ngồi nhậu ở quán và được mời vào uống rượu. Khi đã ngà ngà say, HLưm đi về nhà khi vợ và 4 đứa con nhỏ vẫn còn đang trên rẫy. Nghĩ quẩn, HLưm lấy dây thừng thắt cổ tự tử ngay trong căn nhà của 2 vợ chồng.
Trước đó, tối 31/5, Nguyễn Thị L. (SN 1997) và Bùi Thị Thanh H. (SN 1995; cùng ngụ xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) uống thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù đã được người nhà kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng chị H. sống sót, còn L. tử vong. Ngày 1/6, Phạm Thúy V. (SN 1995, người yêu của L.) uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp đưa đi cấp cứu. Người nhà cho biết nguyên nhân L. tìm tới cái chết là do mâu thuẫn về tình cảm.
Bị dân làng Măng Rương (xã Văn Lem, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) nghi là kẻ trộm, đã nhiều lần giải thích nhưng không được nên ngày 13/5, A Rík (SN 1973) tới bìa rừng treo cổ trên cành cây để giải thoát. "Trong làng thường xuyên bị mất gà, vịt. Vì chỉ có A Rík hay ăn nhậu nên ai cũng cho rằng A Rík là tên trộm xấu xa đó, nào ngờ..." - bà Y Thái, người xã Văn Lem, nói.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Chro, từ đầu năm 2015 tới nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 trường hợp tự tử, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nguyên nhân thường vì mâu thuẫn về tình cảm và bế tắc trong cuộc sống. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện Đắk Tô cũng xảy ra 10 vụ tự tử, chủ yếu là người dân tộc thiểu số vì những nguyên nhân tương tự.
Hậu quả nặng nề
Sau khi vợ là Đinh Thị Plet tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ trên rẫy, anh Đinh Liôch (ngụ làng Dâng, thị trấn Kon Chro, huyện Kon Chro) đâm ra buồn chán rồi cũng treo cổ chết, bỏ lại 6 đứa con nhỏ bơ vơ. Thấy các cháu tội nghiệp, ông Đinh Binh (SN 1950) đưa tất cả chúng về nuôi.
Nhà ông Binh vốn nghèo với 9 miệng ăn, nay lại thêm 6 đứa con của người em gái nên cuộc sống đã nghèo còn nghèo hơn. "Bảy đứa con vợ chồng tôi đã nuôi không nổi rồi, nay lại thêm 6 đứa con của nhà Plet. Cứ khi nào hết gạo lại đi vay khắp làng, tới vụ mùa làm được gạo rồi mang trả. Cứ như thế từ năm này qua năm khác nên nghèo mãi thôi" - ông Binh than thở.
Chồng mới chết chưa được bao lâu, chị Ang (vợ anh Đinh HLưm) đã phải tần tảo vì kinh tế gia đình không còn người gánh vác. Miếng ăn, tiền quần áo, sách vở cho 4 đứa con thơ dại giờ chỉ trông chờ vào mảnh rẫy nhỏ cằn cỗi của gia đình. "Bình thường, HLưm uống rượu vào là về đánh vợ nhưng khi tỉnh rượu thì vẫn là người chồng tốt, biết làm kiếm tiền lo cho 4 đứa con. Giờ HLưm chết rồi, chỉ còn mình, biết phải làm sao..." - chị Ang buồn bã.
Ông Phạm Như Tứ, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đắk Tô, vẫn nhớ như in chuyện chị L.T.K (ngụ xã Tân Cảnh) tự tử, để lại người chồng và 2 đứa con thơ, trong đó đứa nhỏ mới chỉ hơn 1 tuổi. "Khi chị K. chết, người chồng một mình không nuôi được 2 đứa con nhỏ nên phải nhờ gia đình hai bên nội - ngoại chăm sóc. Hai gia đình đã chăm cho con cái đến ngày lấy vợ gả chồng, những tưởng được nghỉ ngơi nhưng nay lại tiếp tục chăm cháu" - ông Tứ chua xót.
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kông Chro, từ năm 2010 đến hết quý I/2013, trên địa bàn có tới 306 vụ tự tử, nguyên nhân thường không rõ ràng hoặc nếu có thì xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt trong cuộc sống, như: cãi nhau với người thân, bị bạn bè chê cười... Trước vấn nạn này, nhiều thôn làng đang quyết tâm tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số. Trong các buổi tuyên truyền, người dân được xem clip, phim về hoàn cảnh thương tâm của những gia đình có người tự tử.
Chưa chú trọng giáo dục đạo đức, tâm lý Theo ông Phạm Như Tứ, việc giáo dục tinh thần cho người dân hiện chưa được chú trọng đúng mức. Ví dụ, không quan tâm nhiều đến đạo đức, lối sống cho học sinh. Bên cạnh đó, xã hội cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục tâm lý cho người dân. Tại huyện Đắk Tô, để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người thiểu số, Ban Tuyên giáo huyện đã đề nghị đổi mới chương trình phát thanh tại địa phương vào buổi sáng sớm và buổi chiều để người dân dễ tiếp thu. "Đối với người dân tộc thiểu số, việc tìm hiểu nâng cao nhận thức qua internet rất hạn chế. Khi mở ti vi thì họ không quan tâm đến chương trình của địa phương nên chúng tôi chú trọng kênh phát thanh là hiệu quả nhất" - ông Tứ kỳ vọng.
Theo Người lao động
Công an điều tra cái chết bất thường của bé gái 6 tuổi Cơ quan điều tra đang làm rõ cái chết của bé gái 6 tuổi được bố phát hiện tử vong tại nhà và trên thi thể có những dấu vết xây xát. Theo tin tức báo Infonet, chiều 20/10, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết đơn vị này đang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự công...