Lớp học tình thương của ông Hùng
Gần 10 năm nay, căn nhà nhỏ của ông Đoàn Minh Hùng (Địa chỉ: 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM) đã trở thành lớp học tình thương cho hơn 100 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để đến trường.
Cứ đến 5h chiều hàng ngày, các em nhỏ lại tập trung về nhà của ông Hùng để được ăn cơm chay miễn phí. Những bữa cơm do chính những người thân trong gia đình ông Hùng cùng nhau chuẩn bị cho các em nhỏ.
Nặng lòng với trẻ em nghèo, ông cùng vợ và các con quyết định mở lớp học để mang lại con chữ cho các em nhỏ, mong muốn các em có kiến thức, có kỹ năng sống, tránh xa những tệ nạn và trở thành những người có ích cho xã hội.
Ông Hùng tận dụng căn nhà thuê chật hẹp của gia đình để mở lớp học tình thương. Trong căn nhà chưa đến 100 mét vuông có đến 11 lớp học, mỗi lớp phù hợp với mỗi trình độ khác nhau.
Thời gian đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn 5 em học sinh. Ông Hùng là người trực tiếp đứng lớp để giảng dạy cho các em. Về sau, số lượng học sinh tăng lên, ông Hùng phải nhờ thêm các tình nguyện viên đến giúp đỡ ông.
Dù không qua một trường lớp nào, nhưng ông Hùng chính là người thầy của hàng trăm em nhỏ trong suốt hơn 10 năm qua. Để tự tin đứng lớp, ông Hùng đã phải đọc thêm rất nhiều sách vở, tài liệu khác nhau để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết của một giáo viên, giúp cho các em tiếp thu được nội dung bài giảng một cách nhanh nhất.
Video đang HOT
Ngày ngày, được nhìn thấy các em nhỏ say sưa ăn những bữa cơm do gia đình chuẩn bị, các em hăng say với bài vở, căn nhà nhỏ ngập tràn tiếng đọc bài, tiếng nói cười của các em là gia đình ông Hùng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Trẻ em đến với lớp học tình thương của ông Hùng đa phần đều là dân nhập cư, các em theo ba mẹ từ quê lên Sài Gòn để mưu sinh. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên các em không được đến trường, ban ngày phải đi bán vé số hoặc ở nhà giữ em cho ba mẹ đi làm. Giấc mơ đến trường, biết viết, biết đọc tưởng chừng như quá xa xôi với các em, nhưng nhờ có lớp học của ông Hùng mà giấc mơ ấy đã hóa thành hiện thực.
Hiểu được tấm lòng cao cả của ông Hùng, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện đến giúp đỡ ông trong việc dạy học. Các thầy cô giáo ở đây đa số là các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hùng đã bán đi mảnh đất của gia đình ở ngoài quê để lấy tiền duy trì lớp học. Mảnh đất do ông bà tổ tiên để lại, vợ chồng ông dự định sau này sẽ trở lại đó dưỡng già. Thế nhưng vợ chồng ông đã quyết định bán mảnh đất mà không chút ngần ngại, hối tiếc.
Lớp học tình thương của ông Hùng còn giúp xóa mù chữ cho các thanh niên địa phương.
Trẻ em đến với lớp học tình thương còn được ông chu cấp toàn bộ sách vở và các dụng cụ học tập khác. Ông còn trang bị thêm tủ sách, phục vụ đọc sách báo miễn phí cho mọi đối tượng. Nhiều lúc phải đối mặt với khó khăn về kinh tế, thế nhưng ông chưa bao giờ có ý định sẽ giải tán lớp học, bởi ông còn nặng lòng với các trẻ em nơi đây, tâm niệm ươm mầm con chữ cho các em vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong ông.
LÊ VĨNH
Theo thegioitiepthi
Hà Tĩnh: Cụ giáo làng tuổi 80 của học trò nghèo miền núi
Đã ở vào độ tuổi 80 nhưng cụ Phan Chí Nhượng (SN 1938) vẫn đều đặn mở những lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo tại huyện miền núi Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Gần 15 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ lớp học đơn sơ của cụ.
Mỗi tuần, cứ vào thứ bảy hay chủ nhật là ngôi nhà nhỏ của cụ Phan Chí Nhượng, một Đại tá biên phòng về hưu, lại trở thành lớp học cho những học sinh nghèo tại xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Điều đặc biệt, những lớp học này hoàn toàn miễn phí và người thầy của các em chính là ông cụ 80 tuổi không hề qua một trường lớp sư phạm.
Luôn đáu đáu cho lũ trẻ bám con chữ
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, nhưng từ nhỏ cụ Nhượng đã rất ham học và học rất giỏi. Năm 1959, cụ lên đường nhập ngũ vào chiến trường Đông Nam B. Sau khi đất nước được giải phóng, năm 1975, cụ Nhượng về công tác tại Đà Nẵng rồi được cử đi học Trung cấp Biên phòng và sau đó về công tác tại Trường Đại học Biên Phòng cho đến lúc nghỉ hưu.
Trong thời gian nghỉ hưu, cụ Nhượng thấy người dân vùng Hương Thọ quanh năm bán mặt cho ruộng đồng, nhiều em học sinh không có điều kiện theo học đến nơi đến chốn. Sẵn có kiến thức về các môn học tự nhiên, cụ Nhượng bàn với gia đình mở lớp học miễn phí cho các cháu học sinh nghèo. Ngoài ra, vợ chồng cụ còn nuôi ăn ở một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt trong nhà.
Cụ giáo làng Phan Chí Nhượng gần 15 năm mở lớp học miễn phí cho học sinh nghèo miền núi
"Nói là dạy học cho các cháu nhưng bản thân tôi vừa dạy nhưng cũng vừa học để trang bị thêm kiến thức vì chương trình giáo dục luôn đổi mới. Mình không học thì không theo kịp để truyền đạt lại", cụ Nhượng cho hay.
Chính vì vậy, cụ Nhượng đã bày tỏ nguyện vọng với ban giám hiệu trường THPT Vũ Quang được dự giờ giảng dạy các môn tự nhiên ở trường để cập nhật kiến thức. Vậy là những ngày đầu, ngày ngày cụ Nhượng lại cắp sách đến trường say mê nghe giảng cùng các cháu học sinh. Ngoài ra, cụ Nhượng còn tận tình mời thầy giáo dạy Toán ở trường về tận nhà dạy cho các cháu.
Năm 2004, lớp học đầu tiên của cụ ra đời ngay chính ngôi nhà của mình.Thời điểm đông nhất, lớp học của cụ Nhượng có 20 cháu theo học, trong đó 8 cháu được hai vợ chồng cụ nuôi ăn ở tại nhà.
Không chỉ truyền kiến thức, cụ Nhượng còn rèn luyện kỷ luật cho các em học sinh. Dù tuổi đã cao nhưng nhiều năm rèn luyện trong quân ngũ khiến cụ Nhượng vẫn rắn rỏi và phong độ. Cứ 4h30 mỗi buổi sáng, các cháu ở trong nhà đều được cụ thức dậy để rèn luyện thân thể như: tập thẻ dục, tập tạ, nhảy dây, cầu lông... Nhờ chế độ rèn luyện cùng học tập tập khoa học mà sức khỏe và kết quả học tập của các cháu đều được cải thiện rõ rệt.
Như trường hợp em Nguyễn Quang Sang. Nhà Sang khó khăn, lớp 5 em được bố mẹ gửi sang nhà cụ Nhượng kèm cặp. Từ một học sinh trung bình, Sang đã trúng tuyển vào Học viện Quân y với 29 điểm.
Nhờ sự tận tình dạy dỗ của cụ Nhượng, năm 2017 em Trần Quang Sáng đã đậu Học viện Quân y với số điểm 29.
Trong gần 15 năm qua, lớp học cụ Nhượng đã giúp cho hàng chục em đậu Đại học. Nhiều kỹ sư, bác sĩ, công an... đều được chắp cánh từ lớp học này như: Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, hiện đang là nhân viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình); Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu Cần, Sư đoàn 370; Trần Tuấn, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và Kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Chia sẻ về bí quyết dạy học của mình, cụ Nhượng khiêm tốn: Tôi không có bí quyết gì cả. Tất cả là nhờ sự nổ lực của các cháu. Còn tôi nếu có chắc là tình thương đói với các cháu thôi. Vì thương nên mình hiểu được tâm tư, tính cách của các cháu. Trước rèn đức sau mình rèn trí.
Người công dân mẫn cán
Không chỉ dạy học, cụ Nhượng còn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Năm học 2010 -2012 là năm số học sinh đông nhất, cụ vừa kiêm thêm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện. Dù nhiệm vụ nào cụ cũng làm hết khả năng của mình.
Ông Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Thọ cho biết: "Việc làm của cụ Nhượng là một việc làm rất nhân văn. Trong nhiều năm qua, nhờ sự tận tình giúp đỡ của cụ Nhượng mà nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt. Công tác khuyến học, khuyến tài tại Hương Thọ đã có nhiều khởi sắc".
Không chỉ mở lớp học miễn phí, vợ chồng cụ Nhượng còn nuôi ăn ở nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.
Những việc làm ý nghĩa của cụ Nhượng đều có sự đóng góp từ phía người vợ của mình - bà Thái Thị Nhuần. Hàng ngày, ông dạy học, bà lại cơm nước gặt giũ cho các cháu. Ngoài chợ búa, điện nước hằng ngày, bà còn dè sẻn chi tiêu để ông sử dụng tiền lương để mua sách giáo khoa, sách tham khảo để cho các cháu ôn luyện.
"Thành quả của các cháu là niềm vui, niềm động viên cho vợ chồng tôi tiếp tục. Tuổi nào việc đó, cứ có ích còn có sức thì mình làm thôi", bà Nhuần tâm nguyện.
Phượng Dũng
Theo Dân trí
Nơi dạy chữ miễn phí cho hơn 100 trẻ em nghèo Cơ quan đại diện phía Nam - Báo Nhân đạo và Đời sống cùng một số mạnh thường quân đến Điểm sinh hoạt cộng đồng học tập của ông Đoàn Minh Hùng, địa chỉ 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM) trao 100 phần quà, dụng cụ học tập, 500 quyển tập, hơn 200kg gạo cho 100 trẻ em...