Lớp học tình thương của cô giáo Anh
TT – Mặc dù đã rời xa bục giảng nhiều năm, sức khỏe không tốt, nhưng bằng tình yêu thương dành cho học trò nghèo, người cựu giáo viên ấy vẫn ngày ngày tận tụy gieo mầm xanh tri thức ở lớp học tình thương do chính mình mở ra.
Bảy năm qua, cô Anh mở lớp dạy miễn phí cho học trò nghèo Ảnh: THANH BA
Gần bảy năm nay, lớp học tình thương của cô Lê Thị Tuyết Anh (60 tuổi, cựu giáo viên Trường THCS Kim Đồng, TP Hội An, Quảng Nam) trở thành địa chỉ thân thuộc với những cô cậu học trò nghèo. Lớp học chẳng khác nào ngôi nhà chung, giúp các em trau dồi kiến thức, vượt khó vững bước đến trường.
Lớp học “5 trong 1″
Video đang HOT
Mặc cho cái rét buốt của những ngày cuối năm, tại nhà văn hóa khối Phong Thiện (phường Sơn Phong, TP Hội An) nằm hun hút trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt vẫn nóng hừng hực bởi tiếng đọc bài đồng thanh của đám học trò.
Ở điểm sinh hoạt cộng đồng ấy, gần bảy năm nay người dân phố cổ đã rất đỗi quen thuộc với hình ảnh cô giáo Anh không quản vất vả mang chữ đến cho học trò nghèo. Các em là những học sinh tiểu học, có gia cảnh khốn khó, bố mẹ tất bật bươn chải kiếm sống bằng nghề xe ôm, xích lô hay quanh năm làm nông với dăm ba sào lúa.
Trên tấm bảng đen cũ kỹ kẻ dọc một đường thẳng chia đôi, một bên là bài tập toán cô Anh mới lẩm nhẩm ra đề cho học sinh lớp 3 đang ngồi dãy bàn bên trái, một bên là đề văn dành cho học sinh lớp 4: “Kể về người thầy mà bạn quý mến”.
Vừa hạ viên phấn trên tay xuống, cô Anh bất ngờ vì từ hàng ghế phía dưới một học trò đã giơ tay xin phát biểu. Đôi mắt long lanh như biểu lộ cảm xúc, em học sinh này mạnh dạn thay mặt cho nhóm lớp 4 bày tỏ ước muốn làm bài văn kể về cô giáo Anh. Em cũng mong được mang bài văn này đến lớp học chính khóa để khoe với các bạn khác.
Nghe học trò nói xong, cô Anh rơm rớm nước mắt, giọng xúc động bộc bạch với chúng tôi: “Còn niềm vui nào bằng khi được học trò thổ lộ tình cảm dành cho mình. Những tưởng lúc về hưu tôi sẽ chấm dứt nghiệp nhà giáo, nhưng cơ duyên đưa đẩy đã khiến tôi tiếp tục nặng nợ với các em học trò. Tôi còn nhớ cái ngày trước khai giảng năm học mới của bảy năm về trước, khối phố tổ chức họp và nhiều người trăn trở về việc một số em vì hoàn cảnh nhà nghèo mà không có điều kiện học thêm, dẫn đến kết quả học tập kém. Chính điều đó đã thôi thúc tôi đứng ra mở lớp học tình thương này”.
Kể từ năm 2008 đến nay, lớp học mà cô Anh nói vui là “5 trong 1″ ấy đã phụ đạo cho hàng trăm học trò bậc tiểu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Nhắc lại thời kỳ đầu lớp học mới đi vào hoạt động, cô Anh chia sẻ: “Sau khi xin phép chính quyền địa phương cho mở lớp, tôi cùng một số cán bộ phụ nữ đã đến từng nhà vận động các em tới lớp. Dần dần lớp học ngày một đông, tập hợp các em học sinh năm khối thuộc bậc tiểu học, và cái tên lớp học “5 trong 1″ cũng từ đó mà ra”.
Sắm từng cuốn tập, cây bút cho học trò
Thấu hiểu tình cảnh khốn khó của học trò nghèo, từ ngày mở lớp học tình thương, cô giáo Anh đã quyết định trích khoản tiền hưu trí hằng tháng của mình để sắm từng cuốn tập, cây bút cho học trò. Cô Anh tâm niệm và tự dặn với lòng: “Sống là phải biết cho đi, san sẻ cùng các học trò. Những trang trải nhỏ nhặt nhất sẽ giúp phụ huynh của các em vơi bớt gánh lo toan”.
Những năm gần đây, sĩ số lớp học “5 trong 1″ của cô Anh luôn ở mức dao động từ 15-20 em, và phân bổ đều ở năm khối. Hầu hết các em tham gia lớp học đều có điểm chung: con nhà nghèo, học lực yếu, nhưng đã tiến bộ thấy rõ chỉ sau một thời gian ngắn được cô Anh kèm cặp miễn phí. Đơn cử như trường hợp của em Nguyễn Đình Huy (lớp 4 Trường tiểu học Sơn Phong).
Hai năm đầu cấp I, Huy gần như mất căn bản với môn toán, nhưng chỉ sau một kỳ nghỉ hè và năm lớp 3 được cô Anh tích cực bồi dưỡng kiến thức, Huy đã vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Ba mẹ em đi làm từ sớm đến tối, ít có thời gian chỉ dẫn em học hành, nên sức học những năm đầu rất bết bát. Kể từ khi được cô Anh phụ đạo, em dần định hướng phương pháp học, điểm thi môn toán năm lớp 3 của em đều đạt 10″ – Huy vui vẻ khoe.
Trường hợp của em Nguyễn Thị Thu Thảo thì hết sức đặc biệt. Nhắc đến cô học trò mà mình theo sát suốt tám năm qua, cô Anh bồi hồi chia sẻ: “Thảo là trường hợp đặc biệt vì em bị thiểu năng trí tuệ. Học hết lớp 1 vẫn chưa thể đọc tròn vành rõ chữ. Tôi đã cố gắng kiên trì và dành toàn bộ quỹ thời gian rảnh suốt một năm rèn dạy thì em mới tiến bộ. Hiện em đã lên lớp 8, và hằng ngày vẫn lẽo đẽo theo tôi ở lớp học tình thương này”.
Kết thúc buổi học cũng là lúc quá trưa, lũ học trò ùa ra khỏi lớp, cô giáo Anh vội vã xếp lại trang giáo án, vì ngoài hiên nhà văn hóa đang có bốn phụ nữ đang đợi, đó là các thành viên trong nhóm thiện nguyện Tuyết Anh do cô sáng lập. Chưa kịp ngơi tay nghỉ ngơi, cô Anh đã ôm cặp cùng nhóm vượt quãng đường hơn 50km vào TP Tam Kỳ, phát cháo định kỳ cho Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần.
Cuộc hành trình gieo mầm xanh thiện nguyện cho đời sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng, như lời cô Anh tâm sự: “Khi nào còn sức thì còn cống hiến cho đời, đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới thôi”.
Nhận xét về cô Anh, bà Trần Thị Lệ Hương – chủ tịch Hội Khuyến học phường Sơn Phong, TP Hội An, Quảng Nam – nói: “Những năm qua, lớp học tình thương của cô Anh đã góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học của địa phương. Bên cạnh đó, cô giáo Anh còn là một cán bộ phụ nữ năng nổ của phường, luôn sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức để giúp đỡ những cảnh đời khó khăn”.
Theo TTO