Lớp học tiếng Anh ‘vỡ lòng’ của những học viên… tóc bạc, da mồi
Gần 4 năm qua, một lớp học tiếng Anh vẫn bền bỉ hoạt động để mang kiến thức, niềm vui đến cho những học viên… tóc bạc da mồi.
Giờ học của các học viên tóc bạc, da mồi. Ảnh: TG
“Tuổi cao, quyết tâm cao”
Trên tầng 2 một khu nhà tập thể cũ trên phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình, Hà Nội) mỗi buổi sáng thứ 3 đều trở nên sôi động hơn tất thảy những ngày khác trong tuần. Đây là khoảng thời gian những cụ ông, cụ bà ở độ tuổi U70, U80 tập trung học tiếng Anh.
Các lớp tiếng Anh miễn phí này do Tiến sĩ, Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập từ năm 2019 tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước với niềm mong mỏi người già sẽ không còn cô đơn, tìm được niềm vui và tạo động lực cho con trẻ noi gương.
Học viên đến lớp đều được tặng vở viết, giáo trình “Tiếng Anh vỡ lòng cho người lớn tuổi”, do chính Thượng tọa Thích Chân Quang biên soạn. Giáo viên giảng dạy tại các lớp học này là tình nguyện viên thuộc đủ mọi ngành nghề nhưng cùng chung mong muốn truyền tải niềm đam mê ngoại ngữ đến người cao tuổi.
Tại Hà Nội, có 10 lớp dạy tiếng Anh cho người già, trung bình mỗi lớp có 12 – 15 học viên, từ 60 đến gần 90 tuổi. Những cụ sức khỏe yếu, khó khăn trong việc đi lại sẽ được hỗ trợ học qua máy tính, điện thoại thông minh. Các cụ còn đủ sức khỏe sẽ đến lớp học, tuần một buổi.
Học viên của lớp.
Nhận thấy hoạt động của các lớp học tiếng Anh miễn phí cho người cao tuổi rất ý nghĩa nên bà Nguyễn Thị Thắng (75 tuổi) đã cải tạo không gian căn nhà tập thể rộng hơn 20m2 của gia đình trở thành lớp học. Lớp học ấy đã duy trì được 4 năm với 14 học viên gồm một cụ ông và 13 cụ bà. Học viên tại lớp học người ít tuổi nhất năm nay cũng hơn 60 trong khi học viên cao tuổi nhất là một cụ bà năm nay 81 tuổi.
Là học viên cao tuổi nhất trong lớp học đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Thanh Đà (trú tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) kể lại rằng, khi biết được thông tin về lớp học, bà đã nói chuyện với người thân và đăng ký học tập. Cứ thế, gần 4 năm qua, vào buổi sáng thứ 3 hàng tuần, bà Đà lại thu xếp công việc gia đình sau đó di chuyển quãng đường hơn 4km để đến với lớp học. Bà Đà nhẩm tính và tự hào kể bản thân chưa nghỉ một buổi học nào từ khi theo học tại lớp.
Tiếng Anh là môn học cần sự ghi nhớ từ ngữ cũng như linh hoạt, uyển chuyển của cơ miệng khi phát âm. Với người trẻ, học tiếng Anh vốn đã khó nhưng với người có tuổi, việc ấy càng khó hơn gấp nhiều lần. Đó cũng là việc mà bà Đà lo lắng nhất khi theo học lớp tiếng Anh miễn phí này. Tuy nhiên, theo cụ bà tuổi bát tuần, việc gì cũng sẽ có cách giải quyết nếu như bản thân đủ quyết tâm.
“Thời đại 4.0 rồi, tiếng Anh là rất cần thiết cho mọi người. Trước kia, khi chúng tôi còn trẻ, làm gì có tiếng Anh để mà học. Bây giờ được học, lại còn học miễn phí thế thì dại gì mà không đi học. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của người Việt, mà tôi là người Việt nên tôi phải đi học để biết tiếng Anh.
Ở tuổi này mà đi học, không chỉ riêng tiếng Anh mà bất cứ môn học nào cũng sẽ có rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là tai, mắt, bộ não lão hóa hết rồi nên việc ghi nhớ từ ngữ rất khó. Thứ nữa là lưỡi cứng dẫn đến phát âm khó. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn bảo nhau phải quyết tâm. Lúc trẻ, mình có thể đọc 20 lần là nhớ nhưng giờ già rồi thì đọc 50 hay 100 lần cũng sẽ nhớ được”, bà Đà chia sẻ.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Thanh Đà (trú tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: TG.
Học để chống… bệnh đãng trí tuổi già
Bốn năm miệt mài, không quản mưa nắng để theo học tại lớp tiếng Anh miễn phí, bà Đà nói rằng bản thân cũng đã nắm được một số kiến thức nhất định của môn học. Những kiến thức này cũng đã giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.
Bà Đà ví dụ như trước đây, khi các gia đình mua tivi, về đến nhà, bà cũng chỉ biết trên chiếc tivi có ghi chữ “LG” nhưng không biết phải đọc thế nào cho chuẩn xác. Tuy nhiên, đi học lớp tiếng Anh, bản thân bà đã có thể đọc và phát âm chuẩn thương hiệu của chiếc tivi là… Eo Gi.
“Bây giờ, khi đi trên đường phố, tôi có thể biết cửa hàng này người ta bán gì, làm gì. Hoặc đi ra sân bay, tôi có thể nhìn vào các quầy tại sân bay và hiểu đây là cửa hàng ăn nhanh hoặc khu vệ sinh. Được như vậy đó là nhờ tôi đã được học tiếng Anh. Đơn giản hơn là khi về nhà, các con, các cháu có nói tiếng Anh thì chúng tôi cũng biết các cháu đang tranh luận với nhau về vấn đề gì”, bà Đà chia sẻ.
Là học viên nam duy nhất tại lớp học, ông Nguyễn Xuân Thu (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tự hào cho biết bản thân đã theo học tại lớp được gần 4 năm. Từ nơi ở đến lớp học không xa nên ông Thu lựa chọn đi bộ. Ông Thu nói rằng, việc đi bộ vừa giúp ông rèn luyện sức khỏe cũng như “gặp các bảng hiệu nào trên đường, mình có thể tranh thủ ôn bài luôn”.
Chị Phùng Hải Yến giảng dạy tại lớp học tiếng Anh miễn phí. Ảnh: TG.
“Khi biết có lớp học, tôi đã mạnh dạn đăng ký và theo học đến tận bây giờ. Tại lớp, tôi vừa có thể học thêm được một ngôn ngữ, vừa có thể kết bạn, giao lưu chia sẻ được với mọi người về cuộc sống. Hơn nữa, việc đi học làm cho bộ não của mình bắt buộc phải hoạt động, rèn luyện và sẽ giảm khả năng mắc bệnh đãng trí ở người già”, ông Thu cho biết.
Cùng có những khó khăn khi theo học tại lớp giống như bà Đà nhưng ông Thu cho rằng bản thân sẽ cố gắng hết sức để theo học. Gần 4 năm theo học tại lớp tiếng Anh miễn phí, ông Thu đã có thể xử lý được những lỗi nhỏ trên máy tính, chia sẻ, nói chuyện đơn giản với các cháu bằng tiếng Anh. Điều quan trọng nhất theo ông Thu là bản thân đã tạo được cảm hứng cho con cháu về tinh thần học tập.
Ông Thu cho biết, bản thân ông hay sử dụng máy tính tại nhà. Trước đây, khi chưa đi học, nếu máy tính bị hỏng, ông cũng chỉ biết mang ra thợ để sửa. Tuy nhiên, từ khi học tập tại lớp, biết được kiến thức về tiếng Anh nên không ít lần ông đã có thể mày mò, tự khắc phục được những lỗi đơn giản của máy tính.
“Đi vào sân bay, tôi có thể đọc và hiểu được “check in” là gì, lối ra, lối vào như nào. Quan trọng hơn, các cháu ở nhà khi thấy ông lớn tuổi nhưng vẫn đều đặn đi học để lấy kiến thức nên chúng cũng nâng cao tinh thần học tập hơn”, ông Thu hào hứng chia sẻ.
Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui
Lớp tiếng Anh mở tại nhà của bà Thắng do chị Phùng Hải Yến (30 tuổi) giảng dạy. Mặc dù là một nhân viên văn phòng nhưng đều đặn cứ 9 giờ sáng thứ 3 hàng tuần, chị Yến lại có mặt tại phòng 204 khu tập thể B1 nằm trên đường Nguyễn Công Hoan để truyền thụ kiến thức, tâm sự và chia sẻ với những “học viên đặc biệt” của mình.
Chia sẻ về cơ duyên giảng dạy tại lớp học đặc biệt này, chị Phùng Hải Yến kể, bản thân biết đến hoạt động của lớp học từ 4 năm trước trong một lần đi dạy hộ. Sau buổi dạy hộ đó, nhận thấy sự đam mê, thích thú khi được học tiếng Anh của các cụ nên chị Yến đã quyết định đăng ký giảng dạy và gắn bó đến hôm nay.
“Khi dạy trên lớp, các bác đã truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi. Mỗi ngày được đến lớp, được gặp gỡ, trao đổi, truyền thụ kiến thức cho các bác là một ngày tràn đầy năng lượng, tràn đầy niềm vui đối với tôi.
Nhìn thấy các bác tuổi đã cao mà vẫn hằng ngày, hằng tuần cắp sách đến lớp học đều đặn, không nghỉ buổi nào, thậm chí có những bác còn bị ốm nhưng vẫn cố gắng đạp xe, bắt xe ôm vượt những quãng đường rất xa để đến lớp học. Tinh thần học tập của các bác đã truyền cho tôi rất nhiều động lực.
Từ đó, tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng tại sao mình trẻ như thế này mà không cố gắng dành một chút kiến thức của bản thân để cống hiến cho cuộc đời”, chị Yến cho biết.
Theo chị Yến, do những học viên tại lớp tuổi đã cao nên việc học của các bác cũng như việc giảng dạy của chị gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu tiên, các học viên không thể phát âm được do cơ miệng, lưỡi đã cứng. Tuy nhiên, qua nửa năm kiên trì học tập, các bác đã dần dần làm quen với cách phát âm tiếng Anh.
Chị Yến hào hứng kể: “Cũng nhờ quá trình thường xuyên học tập, luyện tập, dần dần, cơ miệng của các bác đã linh hoạt hơn. Khi đó, các bác bắt đầu bập bẹ những từ tiếng Anh đầu tiên. Trong các buổi học, tôi hay nói vui là: “Các bác đang bắt đầu học lớp mẫu giáo như các cháu bé. Khi nào các bác học xong quyển giáo trình 1, cháu sẽ cấp cho các bác một chứng chỉ để các bác tốt nghiệp lớp mầm”".
Khởi đầu khó khăn nhưng theo chị Yến, qua năm đầu, gần như các học viên đã vượt qua hết những “rào cản” về tuổi tác và cũng kể từ đó, các bác tự nhiên có niềm yêu thích với tiếng Anh. Chị Yến cũng chia sẻ rằng, tinh thần học tập của những học viên cao tuổi là rất tuyệt vời khi các bác đều cố gắng học tập, quyết tâm làm hết các bài tập chị giao.
Thấu hiểu được sự khó khăn khi học tiếng Anh của học viên, chị Yến luôn tạo không khí thoải mái để cho các bác cảm giác mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Là một người yêu mến và kính trọng những người cao tuổi nên mỗi khi lên lớp, bản thân chị Yến cũng dành những sự quan tâm tới các học viên. Bác nào khó khăn trong việc phát âm đều được chị Yến đến tận nơi và chỉnh sửa từng chút, từng chút một.
“Khi mới đầu làm quen với tiếng Anh, các bác cứ học trước, quên sau. Những lần như vậy, tôi cũng tâm sự rằng các bác đều tuổi cao, nếu không cho trí não hoạt động thì lâu ngày não bộ của các bác sẽ cứ đứng yên, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nhớ nhớ, quên quên.
Mỗi khi tâm sự như vậy, bản thân các bác cũng chia sẻ rằng khi không còn nhớ được gì sẽ là gánh nặng cho con cháu, cho nên các bác sẽ cố gắng học tập để rèn luyện trí óc trở nên minh mẫn hơn”, chị Yến chia sẻ.
Mỗi giờ lên lớp, chị Yến tâm sự rằng bản thân cũng muốn truyền cho các học viên của mình một thông điệp rằng mặc dù bản thân các bác đã nhiều tuổi nhưng vẫn có thể tạo ra giá trị, vẫn giúp ích được cho cuộc đời. Người nữ tình nguyện viên cũng luôn tâm niệm rằng cuộc đời muốn nhận lại thì phải cho đi và việc giảng dạy tiếng Anh cho những học viên lớn tuổi giúp chị nhân lại được rất nhiều thứ. Trong lớp học đặc biệt ấy, chị Yến vừa là “cô” nhưng cũng đồng thời là “trò”.
“Các bác cứ gọi tôi là giáo viên nhưng thực sự chính các bác mới là người thầy, cô giáo dạy cho tôi rất nhiều điều trong cuộc sống, giúp tôi trưởng thành, có nhiều kiến thức, kỹ năng. Khi đi học, các bác thường mặc quần áo rất chỉnh tề và hầu như bác gái nào cũng sẽ mặc một tà áo dài rất là đẹp. Buổi đầu tiên lên lớp, điều đầu tiên tôi thấy là bất ngờ và vui. Tuy nhiên khi nghe các bác chia sẻ lý do, tôi lại thấy rất xúc động. Các bác bảo mặc áo dài đến lớp là để thể hiện sự tôn trọng đối với người giáo viên. Các bác già rồi, xấu lắm nhưng khi đến lớp phải mặc đẹp để người giáo viên có cảm hứng để giảng bài”, chị Yến chia sẻ.
Giữa nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt, đều đặn 4 năm qua, tại một căn hộ tập thể cũ vẫn có những học viên với mái đầu đã bạc trắng ngồi chăm chú nghe người nữ giáo viên trẻ tuổi truyền thụ những từ tiếng Anh “vỡ lòng”. Ở cái tuổi mà nhiều người nghĩ lẽ ra nên dừng việc học để nghỉ ngơi thì những học viên cao tuổi tại lớp học tiếng Anh đặc biệt này đã và đang chứng minh một điều rằng “không bao giờ là quá muộn để chúng ta học hỏi và trau dồi kiến thức”.
Lớp học tiếng Anh đặc biệt nhất Hà Nội, học viên toàn các cụ già U90
4 năm qua, lớp học tiếng Anh đặc biệt ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn bền bỉ đem đến kiến thức và niềm vui cho các cụ già U90.
Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, trong 4 năm qua, mỗi tuần 1 buổi, lớp học tiếng Anh đặc biệt này vẫn đều đặn đón các học viên U90.
Học viên ở đây đa số là những cụ già tóc đã bạc, có những cụ đã 90 tuổi.
Mỗi ngày đến lớp các cụ đều mặc áo dài như một cách tôn trọng giáo viên và sống lại thời đi học.
Tinh thần ham học hỏi cũng như không khí sôi nổi trong lớp học khiến nhiều người trẻ phải khâm phục.
Dù việc tiếp thu từ vựng hạn chế nhưng các cụ vẫn rất say sưa trong mỗi tiết học.
Có những hôm cả buổi học kéo dài 2 tiếng mà các cụ chỉ học được vài từ vựng nhưng cũng rèn trí não tốt hơn.
Đối với các cụ, đây không chỉ là một lớp học mà còn như một gia đình. Các cụ học tập để đầu óc được vận động, để thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn.
Có cụ ở cách lớp học gần 10km vẫn đều đặn đạp xe tới mà không nghỉ buổi học nào.
Những cụ già U90 vẫn cần mẫn ghi chép suốt buổi học.
Cụ Nguyễn Văn Ánh (82 tuổi) là nam học viên duy nhất trong lớp. Cụ tâm sự rằng lớp học này đặc biệt ở chỗ được cấp sách vở miễn phí, cô giáo nhiệt tình giúp những người về hưu như vợ chồng cụ tìm được niềm vui tuổi già.
Các lớp tiếng Anh miễn phí này do Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập từ năm 2019 tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, với mong muốn người già không còn cô đơn, tìm được niềm vui và tạo động lực cho con trẻ noi gương
Thạc sĩ giáo dục chia sẻ cách học tiếng Anh theo kiểu 'con nhà nghèo' Nếu bạn muốn học tiếng Anh nhưng không có nhiều tiền hoặc sống xa thành phố, khó tiếp cận các trung tâm tiếng Anh thì những bí quyết sau đây sẽ cực kỳ hữu ích. Chị Trần Uyên Nguyên là một thạc sĩ giáo dục, hiện đang làm việc tại Trường Willow Oak Montessori School (Pittsboro, North Carolina, Hoa Kỳ). Không đi học...