Lớp học tiếng Anh đặc biệt của người thầy liệt giường
Sau vụ tai nạn giao thông, Lý Xuân Tuyến – chàng trai khỏe mạnh, có hai bằng đại học (ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) trở thành người tật nguyền.
Cánh cửa cuộc sống tưởng chừng đã khép chặt, nhưng nhờ sự yêu thương, động viên của người thân và sự nỗ lực của bản thân, anh Tuyến đã vực dậy, trở thành thầy giáo tiếng Anh của hàng chục học sinh miền núi khó khăn.
Thầy Tuyến nằm trên giường giảng bài.
Vụ tai nạn cướp đi đôi chân
Sinh năm 1975, là người dân tộc Tày, từ nhỏ, Tuyến đã là một cậu bé thông minh, ham học. Ngay lần đầu thi đại học, Tuyến là một trong những học sinh nghèo hiếm hoi vùng dân tộc thiểu số đỗ vào trường ĐH Thái Nguyên với số điểm khá cao (19 điểm). Ra trường với tấm bằng chuyên ngành trồng trọt loại giỏi, Tuyến nhanh chóng được nhận vào làm việc tại trạm khuyến nông đóng trên địa bàn huyện Bát Xát, Lào Cai. Có công việc phù hợp, với mức thu nhập ổn định, Tuyến trở thành niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Ở một bản làng – nơi chữ nghĩa vẫn còn xa vời với phần lớn bà con, anh là tấm gương cho nhiều người và được nhiều cô gái đem lòng yêu thương và mến mộ.
Tuy nhiên, cuộc đời lắm tai ương, vào một ngày định mệnh năm 2006, sau một tai nạn giao thông thập tử nhất sinh, Tuyến phải nằm viện thời gian dài vì chấn thương tủy sống, liệt đến đốt C4. Ròng rã mấy năm trời, bao nhiêu vốn liếng được huy động để chữa bệnh nhưng các bác sĩ đành bất lực. Từ một chàng trai khỏe mạnh, bỗng chốc Tuyến mất đi tất cả, anh phải nằm một chỗ, đôi chân teo tóp dần, tương lai tưởng chừng vĩnh viễn đóng cửa. “Nhà có 7 anh em, Tuyến là người thành đạt nhất, ra trường có việc làm ngay. Gia đình chúng tôi vẫn luôn tự hào vì Tuyến là người học tốt nhất nhà. Ai ngờ, giờ nó lại là người bất hạnh nhất”, bà Nguyễn Thị Cậy – mẹ Tuyến buồn bã nói.
Lớp học của thầy Tuyến.
Tuyến tâm sự, sau vụ tai nạn, anh thấy cuộc sống của mình dường như không còn gì. Công việc, tương lai và cả người con gái anh thương yêu nhất cũng bỏ đi lập gia đình với người khác. Thất vọng trước cuộc sống, không ít lần anh nghĩ đến cái chết để giải thoát số phận, chấm dứt những ngày đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngày ấy, không chỉ mình anh suy sụp mà gia đình ai nấy đều muộn phiền. Suốt thời gian dài, trong nhà anh không có tiếng cười. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, nhưng với anh nó trôi chậm hơn cả ngàn lần. Mỗi sáng thức giấc, anh lại buồn bã, muốn màn đêm buông xuống, ngủ thiếp đi để không nhìn thấy đôi chân tật nguyền, không phải nhờ mọi người giúp đỡ trong từng sinh hoạt nhỏ.
Một ngày thức dậy, thấy ánh sáng mặt trời chói chang, trong đầu anh bỗng có tia hy vọng, anh muốn cuộc đời mình phải thay đổi, không sáng chói được như tia nắng kia thì cũng không được mù mịt như bây giờ. Suy nghĩ tích cực dần, những năm tháng tuyệt vọng rồi cũng qua, cái ý nghĩ chết để kết thúc tất cả mất hẳn trong tâm thức. Anh tìm đến sách. Nghị lực phi thường của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp thêm sức mạnh cho Tuyến, giúp anh có thêm động lực vượt lên và không đầu hàng số phận. Anh nghĩ về những đứa trẻ trong bản làng heo hút còn nhiều thiệt thòi, những đứa bé bỏ học giữa chừng vì nghèo khó, thiếu hụt kiến thức. Anh Tuyến nói với bố mẹ: “Con có hai bằng ngoại ngữ, có thể dạy kèm những đứa trẻ ở bản. Không có kiến thức, mai này chúng ra đời thiệt thòi lắm”.
Video đang HOT
Những đứa trẻ biết tin thầy Tuyến dạy tiếng Anh thì háo hức lắm. Ngay hôm đó, chúng kéo đến. Và một lớp học đơn sơ mở ra ngay tại chính ngôi nhà của người thầy bại liệt.
Lớp học đầy tình thương
Ngày nghe Tuyến nói sẽ làm thầy giáo, giảng dạy cho những trẻ em khó khăn trong vùng, cả gia đình đều gật đầu ủng hộ. Người thu dọn nhà cửa, người mua thêm bộ bàn ghế để chuẩn bị cho anh đón học sinh. Ông Lý Xuân Cương – bố Tuyến tâm sự: “Từ ngày có ý định dạy bọn trẻ học, tôi thấy nó lạc quan hơn. Vợ chồng tôi và các anh chị nó mừng lắm vì nó làm được điều có ích, tinh thần nó thoải mái thì sức khỏe ắt cũng sẽ tốt lên”.
Trong một không gian khoảng 20 m2 của lớp học, 3 chiếc bàn kê sát lại, 4 chiếc ghế băng và 1 máy thu hình. Thầy Tuyến nằm trên giường, bên cạnh là một chiếc máy tính, một tay nhấp trỏ con chuột, tay kia thao tác trên bàn phím hướng dẫn các em làm bài. Cách giảng của thầy Tuyến mạch lạc, dễ hiểu. Thầy giảng đến đâu, học sinh thực hành đến đó. Với những câu hỏi khó, đòi hỏi vận dụng nhiều cấu trúc câu, thầy Tuyến giảng đi giảng lại nhiều lần, tới khi nào học sinh hiểu hết bài mới thôi. Thầy Tuyến tâm sự: “Học sinh vùng cao thiếu hụt kiến thức rất nhiều. Tiếng Anh là ngôn ngữ khó học, cần có những hình ảnh đi kèm để các em tư duy. Ngoài ra, cũng phải rèn luyện giao tiếp thường xuyên cho các em thì mới hiệu quả”.
Ngày mới mở, lớp học của thầy Tuyến chỉ có vài học sinh, chủ yếu là con em trong xóm. Về sau, khi học sinh từ các xã lân cận cũng tìm đến, thầy Tuyến phải chia làm hai ca: Buổi sáng và buổi chiều. Những lúc cao điểm, có nhiều học sinh tìm đến, thầy Tuyến dạy vắt cả sang buổi tối. Tính tất cả, thầy Tuyến đã dạy 60 em học sinh, trong đó có cả học sinh cấp 3. ặc biệt, dù dạy học đã hơn 3 năm nay nhưng thầy Tuyến không hề nhận một đồng học phí nào. Nhiều phụ huynh đưa con em đến nhờ thầy Tuyến kèm cặp, trả thù lao khá hậu hĩnh nhưng thầy một mực từ chối, bởi thầy quan niệm, dạy học không thể đo đếm bằng tiền, thày dạy học vì tương lai của trẻ em nơi đây chứ không phải vì tiền.
Nhiều người ác miệng cho rằng sau tai nạn, thần kinh thầy Tuyến không bình thường nên mới mở lớp học miễn phí trong khi điều kiện kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, anh Tuyến tâm sự, anh cũng là người dân tộc nên thấu hiểu nỗi thiệt thòi của các em học sinh vùng núi nơi đây. Anh dạy là để các em có kiến thức chứ không phải dạy vì tiền. Anh chỉ muốn giúp các em sau này lớn lên hiểu biết ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, không bị thiệt thòi nhiều so với trẻ em dưới xuôi. Với anh, cho đi cũng là nhận lại. Hàng ngày truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, nhìn các em nâng cao tầm hiểu biết, trưởng thành là anh thấy mãn nguyện.
Hiểu được tấm lòng của thầy Tuyến, các em học sinh đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Nhiều học sinh của thầy có thành tích dẫn đầu lớp học chính khóa tại trường, nhiều em trong số đó đạt giải học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Em Hà Thủy Tiên – người dân tộc Tày, một trong những học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho hay: “Học thầy Tuyến có những điểm hay là tiếp xúc với cách học hiện đại, được nghe người nước ngoài phát âm thông qua băng đĩa và được làm bài tập ngay trên máy tính nên chúng em rất dễ học”.
Chia tay chúng tôi, thầy Tuyến tâm sự thêm về cuộc đời mình. Kể từ ngày bị tai nạn, anh như con chim gẫy cánh và sẽ mãi mãi sống trong bóng tối nếu không có nghị lực. May mắn là anh đã nhận ra điều đó để tiếp tục sống, nỗ lực cống hiến cho lớp học mà anh hết sức tâm huyết này.
Theo Hải Yến/Báo Lao động
Điểm trường chỉ có 7 học sinh và những người thầy đặc biệt
Cả bản có 7 học sinh, các thầy ở lại bản, ăn sắn luộc, rau rừng, cẫn mẫn dạy các trò từng con chữ.
Lớp học đặc biệt đó là của học sinh bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Cả bản có 7 học sinh, trong đó lớp 1 một em, lớp 3 hai em và lớp 5 bốn em. Để dạy được tất cả các em, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch đã phân công thầy Hoàng Văn Sáu và thầy Trần Văn Linh lên cắm bản....
Nhớ lại câu chuyện cách đây đã nhiều năm, cả gia đình bố Tòa (Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc) vẫn không thể quên được người thầy già nua nhưng có tấm lòng. Thầy đã ở lại với bản 2 năm, cùng ăn rau rừng, sắn luộc với bà con để dạy cho mọi người cái chữ.
Chẳng ai biết rõ về thầy, chỉ biết tên thầy là Vinh, quê Nghệ An. Thầy đã có tuổi, thường đi từ bản này qua bản khác, nếu dân bản ở đó không biết chữ thì thầy ở lại dạy, xong rồi đi tiếp.
"Bản thành lập được khoảng 4 hay 5 năm gì đó thì thầy đến và ở lại với bản 2 năm. Trong hai năm đó thầy đã dạy cho cả bản biết đọc biết viết, tính toán, dân bản ăn gì thầy ăn nấy, mỗi tháng cả bản góp lại trả cho thầy 700.000 đồng", bố Tòa kể.
Lớp học của 7 em học sinh bản Đoòng
Khi được hỏi số tiền đó lấy ở đâu ra vì đến cái ăn cả bản còn bữa rau bữa sắn, bố Tòa lại cười.
Bố bảo, tiếng là trả thầy chứ thực ra mỗi lần nhận tiền xong là thầy lại về xuôi mua sách vở, bút mực lên phát cho các trò để tiếp tục chương trình học.
Ở với bản được hơn 2 năm, khi dân bản đã biết cái chữ hòm hòm, cuộc sống vất vả cũng làm thầy già đi nhiều, đôi chân không còn lội suối băng rừng nhanh nhẹn nữa nên thầy về xuôi.
Không có phương tiện liên lạc nên không ai biết thông tin gì về thầy nữa nhưng những câu chuyện về người thầy đầu tiên đó vẫn được dân bản nhắc bằng cả sự tôn trọng mỗi khi có khách lạ ghé thăm.
"Dạo đó, tôi cũng muốn con cái đi học chữ lắm, nhưng vì đường sá cách trở, may mà gặp được thầy nên con cái tôi mới thoát cảnh mù chữ", mẹ Hoa (vợ bố Tòa) nói.
Trường của em be bé...
Học sinh bản Đoòng
Sau khi thầy Vinh về xuôi, khoảng đầu năm 2007, phòng GD-ĐT đã cử người lên dạy tiếp cho dân bản nhưng chỉ được một thời gian ngắn.
Vì những em nhỏ trong bản không thể băng rừng đi học được nên năm 2010 bản chính thức có lớp. Lúc đó, thềm nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Chiều là lớp của bốn em học sinh lớp 1.
Học ở thềm nhà được 2 năm thì các em ở đây có trường, nói là trường nhưng thực ra là một căn nhà lợp lá cọ nho nhỏ, xung quanh được thưng lại bằng ván. Ở giữa ngăn đôi ra để làm chỗ đặt cho hai thầy một chiếc giường nhỏ.
Một nửa được làm chỗ dạy, lớp học có hai cái bàn dài và một bảng đen.
Lớp học chỉ có hai cái bàn và một cái bảng chia ba
Hiện nay cả bản có 7 học sinh, trong đó lớp 1 một em, lớp 3 hai em và lớp 5 bốn em. Để dạy được tất cả các em, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch đã phân công thầy Hoàng Văn Sáu và thầy Trần Văn Linh lên cắm bản. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Sáu chia sẻ, thầy lên dạy ở đây từ khi các em còn học ở thềm nhà anh Chiều, thầy Linh thì mới được bổ sung gần đây vì số học sinh hiện nay đã tăng lên. Mỗi buổi học, hai thầy phải chia bảng làm ba phần để dạy cho các em.
Mỗi tháng dạy liên tục 22 ngày, mỗi ngày 2 buổi rồi tranh thủ băng rừng về nhà. "Ở đây không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không nước sạch, không trạm y tế, đã thế đường đi lại khó khăn, mới đầu không quen nên phải đi mấy tiếng mới đến bản, cực lắm. Nhưng giờ ở lâu nên đỡ hơn rồi". Bản Đoòng hiện nay thầy đã ra thầy, trò đã ra trò nhưng trường thì chưa ra trường. Mặc dù cuộc sống còn vất vả, bữa cơm bữa sắn nhưng 7 em học sinh ở đây đều học chăm chỉ.
Chị Hồ Thị Thắm (30 tuổi) có hai con là Nguyễn Thị Xa và Nguyễn Văn Xinh đều là những thế hệ học sinh đầu tiên của bản, năm nay các em đang học lớp 5.
"Năm sau, 4 cháu học sinh đầu tiên sẽ lội suối, băng rừng ra ngoài học bán trú, bản sẽ có người học cấp 2, cấp 3, rồi đại học nữa, mặc dù cuộc sống còn vất vả nhưng bố chỉ mong con cháu được học hành đàng hoàng thôi", bố Tòa cười nói.
Theo Hải Sâm/Vietnamnet
Lớp học đặc biệt trong đêm tối Ngày đi làm, tối đi học. Những người dân đồng bào Mông vẫn đang ngày đêm xóa nạn mù chữ, "chống giặc dốt". Nằm trên đỉnh núi Cha, điểm trường Trống Tông (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có một lớp học đặc biệt trong đêm tối xóa nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông. Là...