Lớp học không giảng đường, học phí
Thay vì đi làm thêm hay tụ tập bạn bè ngày hè, nhiều bạn sinh viên tại Hà Nội đã chọn tham gia câu lạc bộ (CLB) Ngày mai tươi sáng. Đó là những gia sư miễn phí cho các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS và những em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn quanh khu vực mình sinh sống.
Chuẩn bị cho các em hành trang tới trường, các anh chị cũng nhận lại tình yêu thương, có thêm kỹ năng sống làm hành trang vào đời.
Gia sư miễn phí cho trẻ em
Những cơn mưa rào bất chợt khiến trời thu Hà Nội nhanh tối hơn so với thường lệ. Trọ học ở gần Trường Đại học Bách khoa nhưng bạn Hoàng Quý Bình, Chủ nhiệm CLB Ngày mai tươi sáng, vẫn bắt 2 chuyến xe buýt tới Làng trẻ em SOS (quận Cầu Giấy) cách đó hơn chục cây số để trao đổi với một số bạn mới đăng ký dạy học. So với những ngày đầu mới tổ chức dạy thêm nhiều em còn e ngại, đến nay 150 bạn nhỏ ở Làng trẻ SOS đã quen thuộc với mọi người hơn, cất tiếng chào lễ phép các anh chị từ xa, tự giác ngồi vào bàn học không cần sự nhắc nhở của các mẹ.
Những giờ học 0 đồng thế này đã duy trì ở Làng trẻ em SOS trong suốt 3 năm qua, là những lớp học đầu tiên được CLB triển khai ở Hà Nội. Sự tiến bộ của các em nhỏ ở đây có thể thấy rõ trong kết quả học tập cũng như kỹ năng sống hàng ngày. Các mẹ cũng như anh chị quản lý đều nhận thấy các em ngoan hơn, có ý thức tập trung vào học, không quậy phá, khi không hiểu bài đã chủ động tìm hỏi người lớn, biết hỏi thăm và quan tâm chăm sóc mọi người chung quanh, cởi mở và không còn dè dặt khi chia sẻ về ước mơ của mình. Bạn Ngọc Anh, một trong những trưởng nhóm phụ trách gia sư cho biết, đó là những thành tích đáng kể có sự đóng góp của CLB.
CLB tổ chức các buổi ngoại khóa cho các em có hoàn cảnh nghèo.
Sau thành công của mô hình này, nhóm đã mở rộng ra các địa bàn trong thành phố Hà Nội. Đến nay, với khoảng 200 thành viên, CLB đã mở được các lớp học ở phường như Bách Khoa, Đồng Tâm, Bạch Mai, Trương Định, Láng Hạ, Xuân Đỉnh, Mai Dịch… với số lượng lên đến 100 em trên các địa bàn. Đối tượng các em được nhóm chọn hỗ trợ có những hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ lớn tuổi, các em mồ côi, bố hoặc mẹ đã mất, phải sống xa gia đình, hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, bố mẹ mải lo làm ăn không chăm lo được con cái, các em bị bệnh hoặc sức khỏe không đảm bảo để hòa nhập với các bạn trong lớp.
Nhóm gia sư dạy các em học.
Hoàng Quý Bình chia sẻ, để tìm được 100 hoàn cảnh các em trong từng quận, biết được nhu cầu và thuyết phục gia đình đồng ý cho dạy học cũng không phải là chuyện dễ. Bình và các thành viên trong nhóm đã phải đến nhiều nơi như UBND phường, Đoàn thanh niên phường, thông qua các cô giáo dạy học ở trường. Cứ mỗi nơi, mỗi lần tìm được một em cần học, ai nấy trong CLB đều vui mừng. Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn của các em, nhiều bạn sinh viên sau tan giờ học đã lập tức lên đường đi dạy.
Video đang HOT
Nhiều nhà của học sinh nằm sâu trong những ngõ ngách, các thành viên CLB sau khi dạy xong phải vội vàng chạy đi để kịp đón chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày về ký túc xá. Những bữa tối vội vàng trước hay sau giờ vào lớp là chuyện thường tình, nhưng không ai than vãn một lời. Có nhiều người sau khi tốt nghiệp, ra trường, chuyển công tác mới vẫn cố gắng thu xếp để làm gia sư.
Điều đặc biệt, trong CLB Ngày mai tươi sáng, có 2 anh em chính là học viên của CLB, sau khi bước vào cánh cổng đại học đã quay trở lại CLB tham gia dạy học cho những em cùng hoàn cảnh. Dù nhà nghèo, các em vừa làm thêm phụ giúp cha mẹ vào những giờ không đi học, nhưng buổi tối vẫn dành thời gian để đi dạy, chia sẻ kiến thức với các em nhỏ có cùng hoàn cảnh khó khăn như mình, mong sẽ mang tới cơ hội đổi đời cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Những trải nghiệm quý giá
Đều đặn cứ mỗi tối trong tuần, bất kể mùa đông hay mùa hè, nắng hay mưa, các thành viên CLB Ngày mai tươi sáng đều duy trì công việc gia sư cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ trao tri thức, các bạn còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa để chia sẻ những ước mơ, động viên các em vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Kết thúc năm học 2016-2017, bạn Tạ Thị Hà, Trưởng nhóm gia sư phụ trách phường Mai Dịch (quận Mai Dịch) không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ về thành tích học tập của các em trên địa bàn. Trong đó, em Nguyễn Đức Hùng đã trở thành học sinh giỏi, đứng thứ 3 của lớp. Nhiều bạn học sinh của CLB rất nghị lực vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, tham gia hoạt động của lớp, của trường rất tích cực.
Phụ trách địa bàn phức tạp nhất trong mạng lưới gia sư – phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bạn Vũ Minh Vương (sinh viên Đại học Bách khoa), trưởng nhóm cho biết, ban đầu công việc dạy cũng khó khăn vì các em còn mải chơi, lười học. 17 anh chị nhận gia sư cho 13 em, trong đó có 2 em đang học THPT, còn lại cấp tiểu học. Nhiều em đến tuổi dậy thì, ở nhà bị phàn nàn “dở ông dở thằng”, các anh chị dành mấy buổi tối liên tiếp đến nhà thuyết phục nhưng các em đều trốn ra ngoài, người nhà tìm cũng không về vì không muốn học. Sau khi kiên trì thuyết phục, nhiều em mới chịu hợp tác. Cũng có những em dù rất tha thiết học, nhưng gia đình muốn các em phụ việc làm thêm, coi việc học không quan trọng nên cũng phải đi lại nhiều lần kiên trì thuyết phục mới được phụ huynh đồng ý để kèm cặp.
Em Minh Vương chia sẻ: “Cả năm học cùng nhau, tới khi tổng kết năm học vừa qua, nhiều em ở phường Bạch Mai báo về kết quả học tập tốt hơn trước. Nhiều bạn đã bớt ham chơi, không nghiện điện tử khiến bố mẹ lo lắng”. Chính những ngày tháng đó đã giúp nhiều bạn sinh viên vốn chỉ quen lên giảng đường rồi về nhà đã có thêm những trải nghiệm thực tế, thậm chí vấp phải khó khăn, thất bại. Bên cạnh đó, những chia sẻ về giờ lên lớp, trăn trở khi còn có những em chưa tiến bộ, những lớp học luôn thiếu giáo viên vì các bạn sinh viên không thu xếp được lịch dạy… rồi cả nhóm cùng nhau tìm ra giải pháp đã khiến những giờ học kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm của các em được trau dồi, vững vàng hơn.
Đặc biệt, trước các sự kiện lớn liên quan đến thiếu nhi như Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, dịp Giáng sinh, ngày lễ tết… các thành viên trong CLB Ngày mai tươi sáng đều tập trung lên kế hoạch gây quỹ tổ chức các chương trình kỷ niệm, tặng quà cho các em học sinh hay làm từ thiện ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn. Đánh thức tình thương cộng đồng, trách nhiệm của tuổi trẻ với xã hội bằng những hành động nhỏ nhất đã làm cho các bạn trẻ cảm thấy vững vàng hơn, cuộc sống có thêm ý nghĩa hơn.
Theo saigondautu.vn
Anh nghỉ học đi biển cho em nuôi ước mơ giảng đường
Ở xã đảo Vạn Thạnh, cái nghèo khó, cách trở níu chân biết bao đứa trẻ. Bởi thế với Nguyễn Đặng Trương Cao, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt.
Nguyễn Đặng Trương Cao và người anh Nguyễn Đặng Hùng Vương đang ôn thi tại nhà trọ - Ảnh: T.THỊNH
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang cận kề, trong khi bạn bè cùng trang lứa thi nhau đến các lớp học, trung tâm luyện thi thì Nguyễn Đặng Trương Cao - lớp 12 C11, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, miệt mài tự ôn trong căn phòng trọ 15m2.
Cao tâm sự rằng kỳ thi này mang một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi để có tiền nuôi Cao ăn học có cơ hội bước chân vào giảng đường như hôm nay, ba mẹ Cao đã phải bán đi rất nhiều thứ, người anh sinh đôi phải nghỉ học để nhường lại ước mơ tới trường cho Cao.
Bãi Giấy, thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh nơi gia đình Cao ở là một hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh Vân Phong cách đất liền 5 giờ đi biển. Ở đảo chỉ có một trường mẫu giáo và điểm trường tiểu học Vạn Thạnh 2, học sinh muốn học tiếp phải vào "khăn gói" vào thị trấn Vạn Giã ở trọ.
Ở xã đảo này, cái nghèo khó, cách trở níu chân biết bao đứa trẻ phải nghỉ học theo cha đi biển từ khi mới 5-7 tuổi. Gia đình Cao cũng không ngoại lệ, bảy nhân khẩu trong nhà chủ yếu trông cậy vào những chuyến đò ngang chở khách của ba. Vì thế ba anh chị đầu của Cao phải bỏ học làm thuê, không ai học quá lớp 5.
Cao và người anh sinh đôi Nguyễn Đặng Hùng Vương đều ham học, khi học hết lớp 5, ba Cao gọi hai anh em lại. "Lúc đó, ba nói với tụi mình rằng nếu cả hai đứa đi học thì không đủ tiền trang trải, bắt buộc một trong hai phải nghỉ học. Anh Vương đã nói với ba xin nghỉ, để cho em tiếp tục tới trường", Cao nhớ lại.
Rời xa trường lớp, Vương theo ba đi lặn biển, đánh cá rồi giữ bè nuôi tôm thuê ở vịnh Vân phong.
"Tiền học, ăn ở của mình mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng, suốt 7 năm qua đều là số tiền dành dụm của ba và anh Vương đem cho. Đợt bão 12 vừa rồi, anh Vương ở lại giữ bè tôm, bị lưới quấn vào chân không bơi vào được suýt mất mạng. Vì thế nên mình đặt hết tâm huyết, quyết tâm vào kỳ thi này để không phụ lòng anh Vương và gia đình", Cao kể.
Những ngày thi sắp tới, dãy trọ vắng tanh, chỉ còn lại một mình Cao. Sợ đứa em buồn nên Hùng Vương cũng tranh thủ nghỉ vài ngày lặn biển, nuôi tôm hùm, đi đò ghé thị trấn Vạn Giã động viên em.
Trên bàn học của Cao có một mảnh giấy ghi dòng chữ: "Cố gắng quyết tâm và nỗ lực hơn nữa mới đạt được được những mục đích mà chúng ta hằng mong ước" cùng các con số 25-26-27. "Ba con số là ba ngày thi, ba ngày quyết định cuộc đời mình. Mình ghi lên để nhớ để tự động viên mình cố gắng", Cao nói.
Cao chia sẻ rằng rất đam mê khoa học kỹ thuật nên trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã đăng ký ngành công nghệ ô tô ở trường ĐH Giao thông vận tải và ĐH Nông lâm TP.HCM.
"Mình nghe thông tin sẽ thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong nên sau này khi có tay nghề vững mình sẽ trở về để làm việc và theo đuổi ước mơ của mình", Cao nói.
Cũng là một học sinh chuyển vào từ bãi Tre, thôn Ninh Đảo, để bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018, Võ Thị Kim Vy (lớp 12C11, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cũng trải qua nhiều khó khăn.
Võ Thị Kim Vy trước ngày thi - Ảnh: T.THỊNH
Học xong cấp 1, ba chị em Vy đều vào đất liền thuê trọ tự chăm sóc nhau, ba mẹ nuôi tôm lênh đênh trên bè nên mỗi năm về nhà một lần.
Là học sinh duy nhất ở thôn Ninh Đảo tham dự kỳ thi THPT năm nay, Vy tâm sự: "Với mình được học hết 12 và có cơ hội học ĐH là may mắn rất lớn, mình chọn ngành sư phạm bởi sau này ước mơ trở về giúp chút gì đó cho các em nhỏ ở thôn mình".
Thầy Nguyễn Quyết Thanh, phó hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết do các xã đảo cách biệt đi lại khó khăn nên mỗi năm trường chỉ tiếp nhận khoảng 10 em từ các đảo hòn Bịp, bãi Tranh, bãi Xếp, bãi Giấy...
"Các em này hầu hết gia đình đều rất khó khăn. Ngoài những chính sách hỗ trợ nhà nước, trường còn vận động hội khuyến học để phát học bổng, dịp Tết hàng năm có hỗ trợ... để giúp đỡ thêm cho các em".
Cũng theo thầy Thanh, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 trường có 6 bạn thuộc xã đảo tham dự. Ngoài ưu tiên cho học sinh các xã khó khăn, các học sinh ở xã đảo được cộng điểm có hai mức: xét tốt nghiệp THPT được cộng 0,25 điểm và nằm trong diện ưu tiên xét ĐH cộng 0,75 điểm.
Theo tuoitre.vn
Lớp học 'hạnh phúc' hút lượng sinh viên kỷ lục Môn 'tâm lý học và cuộc sống tốt' lần đầu được dạy ở ĐH Yale (Mỹ) mới đây đã khai giảng với 1.182 sinh viên. - đông kỷ lục. Giảng đường hơn 1.000 sinh viên đăng ký môn học 'tâm lý học và cuộc sống tốt' Trong lịch sử hơn 300 năm của trường, đây là môn học đông sinh viên đăng ký...