Lớp học hạnh phúc: Mang niềm vui đến với học trò
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là khẩu hiệu của nhiều trường học. Tuy nhiên, trên thực tế không phải GV nào cũng thực hiện được điều này. Vậy làm thế nào để HS thấy vui và hạnh phúc mỗi khi đến trường? TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.
Để HS “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ảnh: Sỹ Điền
Không nên áp đặt
- Thời gian gần đây, nhiều người nhắc đến lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Vậy tại sao lại phải xây dựng những lớp học hạnh phúc, thưa TS?
- Lâu nay, chúng ta áp dụng cách giáo dục áp đặt nên đã gây những trở ngại trong học tập cho HS. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy với trò. Do đó, cần xây dựng những Lớp học hạnh phúc để GV và HS đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hứng thú trong dạy – học. Theo đó, lớp học hạnh phúc phải trên cơ sở thầy trò hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, tạo điều kiện để HS được đóng góp và cống hiến. Quan trọng là được phát triển bản thân mình và hạnh phúc là chính mình.
Thay vì áp đặt, chúng ta nên để GV và HS tự giác thực hiện theo những điều mong muốn của cá nhân và có định hướng. Hiện nay, chúng ta quen làm theo lối cũ. Tức là đặt ra tiêu chuẩn rồi áp đặt GV, HS phải thực hiện theo. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nên thay đổi và áp dụng ngược lại. Cụ thể, trước một vấn đề nào đó, nên để GV, HS cùng thảo luận với nhau, những gì hợp lý theo chuẩn mực của nhà trường đưa ra thì áp dụng thực hiện. Chúng ta không nên khống chế, áp đặt ở điều này, khoản kia. Thay vào đó, mọi người nên trao đổi, bàn bạc với nhau để tìm ra chân lý. Nói cách khác là cùng nhau hợp tác để cùng nhau phát triển.
Cũng cần xác định, đây là việc làm không vì thành tích, mà coi đó là việc làm để mỗi nhà trường, GV và HS thực sự thay đổi. Mặt khác, đó là việc làm mang tính chất khoa học chứ không phải vì một chủ trương nào đó để áp đặt. Khi mọi người cùng tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc thì họ sẽ thấy được chân lý và tự điều chỉnh với nhau.
- Nói là vậy, nhưng nếu chúng ta không áp đặt và yêu cầu HS chấp hành kỷ luật thì liệu rằng nền nếp của nhà trường có bị phá vỡ?
Video đang HOT
TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Sỹ Điền
- Tôi không nghĩ vậy! Thực tế chúng ta vẫn có những chuẩn mực và không bao giờ mất đi. Ví dụ: Nói là lớp học hạnh phúc nhưng HS đi học muộn thường xuyên thì không thể gọi đó là lớp học hạnh phúc. Vậy thì GV chủ nhiệm và HS phải tìm cách để sửa chữa, để HS đó tiến bộ và không đi học muộn nữa. Nếu như trước kia, GV có thể phê bình HS hoặc có những hình thức kỷ luật HS đi học muộn; nhưng bây giờ, bản thân HS đó sẽ phải tự điều chỉnh theo các chuẩn mực của nhà trường.
Tôi nhấn mạnh một lần nữa là, thay vì hình thức áp đặt, buộc HS phải làm thế này, thế kia thì nay GV sẽ để các em lựa chọn các hoạt động giáo dục phù hợp. Chẳng hạn như: HS có thể trao đổi trực tiếp với GV để tổ chức một số hoạt động GD sao cho phù hợp. Hoặc trong lớp, các em sẽ tự nhắc nhở nhau về việc đi học đầy đủ, đúng giờ và chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài…
Giúp HS nhận thức về giá trị hạnh phúc
- Như vậy, mỗi GV sẽ phải thay đổi thì lớp học mới hạnh phúc?
- Thực sự GV phải thay đổi, đặc biệt là thay đổi trong cách dạy và ứng xử với học trò. GV phải có năng lực sư phạm tốt. Nói là vậy, nhưng không có gì là không làm được, quan trọng là GV có thay đổi hay không. Đơn giản như: Thay vì giảng lý thuyết, GV chuyển sang tổ chức nhiều hoạt động GD. GV phải sáng tạo, thiết kế nhiều hoạt động để thu hút HS tham gia. Chẳng hạn như: Yêu cầu HS thuyết trình những kiến thức đã học hoặc yêu cầu HS thảo luận nhóm để cùng nhau giải quyết những vấn đề mà bài học đặt ra. Song quan trọng hơn cả là, giúp các em tìm thấy niềm vui trong các hoạt động giáo dục nói riêng và trong học tập nói chung.
Ngoài ra, GV cũng cần tăng cường thực hành cho HS và nên tránh tình trạng thầy, cô nói từ đầu cho đến khi kết thúc tiết học hoặc thầy đọc, trò chép….
- Vậy Trường THPT Đinh Tiên Hoàng triển khai thực hiện Lớp học hạnh phúc như thế nào, thưa ông?
- Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, chúng tôi phát động chủ đề “Lớp học hạnh phúc”. Trước hết, chúng tôi lưu ý GV chủ nhiệm cần giúp HS nhận thức về giá trị hạnh phúc trong cuộc sống. Từ đó giúp HS lựa chọn và thực hiện các nội dung của giá trị hạnh phúc.
Ngoài ra, nhà trường không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể, nhưng GV chủ nhiệm phải bàn bạc với HS để đưa ra chương trình hành động của lớp, sao cho đáp ứng được các yêu cầu: Thứ nhất, có kế hoạch việc làm cụ thể để xây dựng lớp học đoàn kết, thân thiện, mọi người quan tâm giúp đỡ nhau, để cùng tiến bộ trên tinh thần: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Thứ hai, giúp cho mỗi HS tự nhận ra giá trị sống hạnh phúc của bản thân mỗi người là gì? Làm thế nào để thực hiện nó? Có kế hoạch để giải quyết những khó khăn trở ngại ở mỗi người? Thứ ba, thường xuyên biểu dương, khích lệ những việc làm tốt của mỗi thành viên, mỗi nhóm, tổ trong lớp; nhất là những việc làm để “Cha mẹ hạnh phúc” và “Thầy cô hạnh phúc”.
- Xin cảm ơn TS!
“Mỗi thầy, cô phải đổi mới nhận thức, thay đổi cách tiếp cận với HS để thực hiện khẩu hiệu “Thầy cô thay đổi để trò hạnh phúc”. Cụ thể: Gần gũi lắng nghe, chia sẻ với HS về những khó khăn trong học tập, giúp các em vượt qua những khó khăn riêng. Đồng thời, mỗi GV cần vượt qua những khó khăn của chính mình để giúp HS thay đổi cách sống, cách học. Thông qua đặc trưng của mỗi bộ môn, GV có những liên hệ nhắc nhở HS về việc lựa chọn giá trị hạnh phúc trong cuộc sống”.
TS Nguyễn Tùng Lâm
Theo GDTĐ
Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc
Ngày 24/5/2019 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo: Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - Bắt đầu từ "7 thói quen" do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cùng Công ty cổ phần FCE Việt Nam phối hợp tổ chức với mục đích chuẩn bị tâm thế, kĩ năng thay đổi bản thân nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Ngành giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Thủ đô nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm đó là vấn đề bạo lực học đường hay vấn đề đạo đức của người làm công tác giáo dục.
Hội thảo được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, giáo viên
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức, tạo động lực cho GV có đủ kĩ năng, thói quen thay đổi bản thân để đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Trong khi đổi mới giáo dục, điều kiện tiên quyết là từ chính những nhà giáo, người sẽ lan tỏa nhân rộng tới các HS chứ không phải chỉ dừng lại ở việc đổi mới chương trình đào tạo.
Việc chuyển biến đội ngũ nhà giáo sẽ có khả năng tác động lên đội ngũ học sinh, chính điều này quyết định tới chất lượng đầu ra về năng lực và phẩm chất của HS trong tương lai. Đây cũng là giải pháp hạn chế những tiêu cực trong ngành GD hiện nay.
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: Tìm ra giải pháp, phát huy nội lực, nâng cao năng lực trình độ, tạo động lực để mỗi nhà giáo có thể tự lãnh đạo chính mình. Để làm được điều đó, trước hết mỗi nhà giáo phải tự đánh giá được bản thân có những ưu điểm và hạn chế nào trong quá trình thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp. Từ đó, các nhà quản lý giáo dục có khả năng kiến thiết hệ thống Nhà trường thế kỷ 21 với tầm nhìn, mục tiêu thống nhất, tạo động lực phát triển tiềm năng của từng GV và xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện cho nhiều thế hệ HS trong tương lai.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục về chương trình "7 thói quen" đã tác động như thế nào tới mỗi GV trong quá trình dạy và sự thay đổi của HS. Chương trình được TS. Stephen Cover tổng hợp thành phương pháp luận trên cơ sở phân tích, nghiên cứu kĩ lưỡng các trường hợp. Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, không chỉ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo mà sẽ dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. Mỗi nhà giáo sẽ áp dụng các thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua những áp lực của cuộc sống và thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.
Đức Trí
Theo GDTĐ
"Câu like" tích cực cũng được khuyến khích TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) đã có những chia sẻ về hiện tượng "câu like" trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Suy nghĩ của ông về hiện tượng câu like trên mạng xã hội bằng các hành động khác thường, đôi...