Lớp học Hán Nôm giữa vùng Kinh Bắc
Một lớp học chữ Hán, chữ Nôm đã trở thành điểm đến của người dân thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, H.Thuận Thành, Bắc Ninh trong suốt 11 năm qua.
Cụ Bảo đang lên lớp – Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Từ năm 2010 đến nay, cứ đến Chủ nhật hàng tuần, thầy giáo Trần Hữu Đạt, Trường tiểu học Hoài Thượng, lại trở thành học sinh trẻ nhất của lớp học chữ Hán – Nôm trong làng. “Bạn học” cao tuổi nhất trong lớp hơn thầy Đạt gần 40 tuổi.
Cụ Lê Nho Bảo, 83 tuổi là người khởi xướng phong trào học Hán Nôm ở Hoài Thượng. Từ 17 người ngày đầu lập lớp, qua 11 năm, đến nay đã có hơn 70 người đủ các lứa tuổi, ngành nghề theo học. Tiếng lành đồn xa, phong trào học Hán Nôm từ thôn Đại Mão đã lan ra khắp các thôn trong xã và nhiều xã khác trong H.Thuận Thành. Nhiều lão niên trong thôn như cụ Nguyễn Đình Mài đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn đăng ký học như một cách để nêu gương cho con cháu, có người từ Hưng Yên, Thái Nguyên… cũng tìm đến xin học.
Cụ Bảo cho biết, Hoài Thượng từng có truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều người đỗ tú tài, tiến sĩ. Vùng đất văn hiến này vẫn còn lưu giữ nhiều văn bia, hoành phi, câu đối, sắc phong, thư tịch cổ… nhưng lại không mấy người biết đọc. “Được ông nội, ông ngoại là thầy đồ dạy chữ Hán Nôm từ năm lên 5 tuổi, rồi hơn 30 năm làm trong ngành giáo dục, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải truyền lại vốn từ của cha ông cho các thế hệ sau để cùng gìn giữ”, cụ Bảo bộc bạch.
Không đòi hỏi thù lao gì, cụ Bảo âm thầm đứng lớp suốt những năm tháng qua với nhiều tâm huyết, kỳ vọng. Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn tự sưu tầm sách vở liên quan để soạn thành 8 cuốn giáo án các môn khác nhau như: kinh thư; kinh lễ; kinh thi…. Theo cụ, đạo làm người là yếu tố xuyên suốt từng bài giảng; rồi trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín cũng là những phẩm chất cao đẹp cần cho mỗi người trong đời sống, ứng xử hàng ngày. Không chỉ học tại trung tâm văn hóa của thôn, cụ còn trích tiền lương mua bảng đen, bàn ghế đặt tại nhà để có thể dạy bất cứ ai muốn học chữ Hán, chữ Nôm.
Video đang HOT
Cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, người thầy giáo già này lại xách túi giáo án, lóc cóc đạp xe đến lớp với những học trò tóc đã hoa râm. Vào những ngày mùa vụ, việc đồng áng bận bịu nên lớp học phải tạm nghỉ đến lúc nông nhàn, thầy trò lại tiếp tục.
Hiện đang có khoảng 10 người ngoại tỉnh đến xin học chữ Hán – Nôm nên cụ Bảo dự định sẽ mở thêm một lớp “vỡ lòng” trong thời gian tới.]
Theo TNO
Lớp học nhỡ nhàng
Một sự "nhỡ nhàng" do cái nghèo hơn 30 năm trước đã khiến đôi chân của cậu học sinh lớp 9, Nguyễn Trai (sinh 1964 ở thị trấn Phú Đa huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) cứ ... chấm... phẩy... mỗi ngày một nặng.
Ở vùng cát nghèo quê Trai, học hết lớp 9 ngày ấy cũng là cao lắm, đủ để chàng thanh niên hỏng chân tham gia dạy lớp xóa mù cho người dân trong vùng năm 1987. Lớp học ấy đã cho Trai hướng đi mới trong cuộc đời: dạy chữ cho những đúa trẻ nhỡ nhàng, con những gia đình nghèo không có điều kiện đến lớp hoặc nhỡ lớp, có lúc lớp học của thầy Trai có đến 40 học sinh.
Phụ huynh phần lớn trả công thầy bằng lúa, ngô, khoai, sắn, thậm chí trả học phí cho con cả bằng... cuốc cho thầy mảnh vườn. Thầy dạy chữ "làm vốn" cho những em đã lớn, dạy đuổi rồi gửi tiếp các em nhỏ vào trường phổ thông. Trong số hơn 400 đứa trẻ nhỡ nhàng, học những nét chữ đầu tiên từ thầy Trai có đến mấy chục em đã học tiếp để lên đến đại học và cao đẳng.
Quê thầy Trai vẫn nghèo, khi người lớn bị dòng đời xô đẩy trong cuộc mưu sinh thì những đửa trẻ nhỡ học vẫn không sao hết được. Thầy Trai vẫn mở lớp để "góp phần sửa những khiếm khuyết của cuộc sống" như lời thầy nói.
Mấy trăm đứa trẻ đã ra đời từ lớp học kỳ lạ của thầy Trai, thầy hạnh phúc vì đã "góp phần sửa những khiếm khuyết của cuộc sống"
Không còn đông như xưa, nhưng những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi như thế này vẫn rất cần đến lớp học của thầy Trai
Chị kèm dạy em phụ cho thầy.
Cháu Ma Thị Hải Phương 6 tuổi, bố mẹ đi làm thuê nhỡ vào lớp 1, học đuổi ở lớp thầy, sang năm học mới sẽ vào lớp học chính.
Tập tô những nét chữ đầu tiên
Cuộc sống của thầy Trai vẫn chủ yếu trông vào khoai sắn trong vườn.
Rồi một người phụ nữ, cũng nhỡ nhàng, đã cho thầy Trai một gia đình thực sự, nhỏ thôi, nghèo nhưng đầm ấm.
Theo TNO
Lớp chia sẻ cách học tiếng Anh hiệu quả Nếu bạn cảm thấy học tiếng Anh thật khó khăn, hay bạn đã nỗ lực hết mình mà vẫn chưa thể cải thiện các kỹ năng thì đây là lúc để xem xét lại cách học. Theo kinh nghiệm của các du học sinh, cách học tiếng Anh nhanh và hiệu quả nhất là sử dụng ngôn ngữ này bất cứ khi nào...