Lớp học giữa đại ngàn Tây Nguyên
QĐND – Chiều chạng vạng, tại một lớp học nhỏ giữa núi rừng Tây Nguyên vẫn vang lên tiếng con trẻ ê a đánh vần “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu…”. Tiếng con trẻ học bài như thôi thúc, cuốn hút chúng tôi tìm đến. Đây là lớp học của các em nhỏ ở buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, còn thầy giáo là cán bộ của Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc).
Buôn Đrang Phốk nằm ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, những đứa trẻ dù đã đến tuổi đi học lại phải lên nương, rẫy phụ giúp cha mẹ. Để giúp các em biết cái chữ, sau này thoát khỏi cái nghèo, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn quyết tâm mở lớp xóa mù chữ cho các em.
Một giờ lên lớp của thầy giáo biên phòng Nguyễn Tiến Thanh.
Đến với lớp học, chúng tôi hơi ngạc nhiên, 15 học sinh của lớp rất đa dạng lứa tuổi (từ 8 đến 16). Nhưng có một điểm chung là tất cả chúng đều đen nhẻm, chân trần đến lớp. Dù độ tuổi khá chênh lệch, nhưng chung một lớp, cùng một trình độ, nên học sinh vẫn hòa đồng. Được biết, lớp học tổ chức 3 buổi/tuần vào buổi tối, sau khi học sinh đã làm quen với lớp học thì sẽ nâng lên 5 buổi/tuần. Thời gian học bắt đầu từ 18 giờ hằng ngày, nhưng không cố định giờ kết thúc vì phụ thuộc vào mức độ tiếp thu kiến thức của từng học sinh. Có những nội dung phải cho các em học đi, học lại 1, 2 buổi mà vẫn chưa đâu vào đâu. Vất vả là vậy, những thầy giáo biên phòng vẫn cần mẫn dạy dỗ, kèm cặp. Để rồi họ vỡ òa khi chứng kiến học trò của mình mới mấy tuần trước còn ngọng nghịu đọc từng con chữ, cầm bút viết còn ngượng ngùng, nay đã quen cầm cây bút, quyển vở và đọc đã khá tròn vành rõ chữ.
Theo kế hoạch, lớp học mở trong 3 tháng với mục tiêu là dạy các cháu đọc thông, viết thạo và làm được những phép tính trong phạm vi 100. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện, do học sinh ở nhiều độ tuổi, khả năng tiếp thu khác nhau nên các thầy giáo sẽ tiếp tục duy trì lớp học đến khi các em đọc thông, viết thạo chứ không chạy theo chương trình, không chạy theo thành tích. Sau khi kết thúc khóa học, căn cứ vào trình độ của từng học sinh sẽ ghép vào những lớp học chính thức để các em tiếp tục theo học trở lại.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Thanh, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk, hiện đang là thầy giáo đứng lớp nhớ lại: “Những ngày đầu vận động gia đình trong buôn và các em đến lớp không hề đơn giản. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân và chính các em không muốn đến lớp. Tuy vậy, chúng tôi không chùn bước, mọi người chia nhau ra đến từng nhà để vận động. Công sức của chúng tôi đã được đền đáp khi các gia đình đã đồng ý để con em họ đến lớp học cái chữ. Lớp học “khai giảng” vào cuối tháng 11-2015. Vẫn chưa yên tâm, bất kể trời nắng hay mưa, trước mỗi buổi học, chúng tôi lại phân chia nhau đi đón các em đến lớp, sau buổi học đưa các em về nhà”.
Rời lớp học của “thầy giáo biên phòng” Nguyễn Tiến Thanh, chúng tôi tìm đến các gia đình có con đang theo học tại lớp của các “thầy giáo biên phòng” ở buôn Đrang Phốk. Chị H Bâu Ksơr-phụ huynh tâm sự: Vợ chồng mình có 7 người con, đứa lớn là thằng Y Gon Ksơr đã 16 tuổi, bỏ học từ năm lớp 3 nên giờ đây đã quên hết mặt các con chữ rồi. Nghe tin Bộ đội Biên phòng mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ, vợ chồng mình mừng lắm rất muốn cho thằng Y Gon Ksơr theo học, nhưng ngặt vì hoàn cảnh gia đình còn quá nhiều khó khăn, đã thế thằng Y Gon Ksơr bỏ học đã lâu nên không muốn đi học. Mình phải nhờ Bộ đội Biên phòng thuyết phục mãi nó mới đi học đó. Thật vui đến nay nó đã biết đọc, biết viết rồi.
“Gieo” chữ nơi vùng biên Krông Na dẫu còn lắm gian nan, nhưng với niềm tin và sự kiên trì của những người thầy giáo quân hàm xanh, tin rằng lớp học xóa mù chữ sẽ hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Có cái chữ, những chủ nhân tương lai của Đrang Phốk sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương trong một ngày không xa.
Theo cand.com.vn