Lớp học đặc biệt ở Trường Sa
Lớp học duy nhất của trường Tiểu học thị trấn Trường Sa là một lớp học rất đặc biệt với học sinh gồm các cháu từ lớp mẫu giáo đến lớp 5.
Dưới tán những cây bàng vuông, phong ba xanh ngắt, ngôi trường trên đảo Trường Savăng vẳng tiếng học bài của trẻ nhỏ. Trường được xây dựng khá khang trang và sạch sẽ. Nằm bên cạnh phòng truyền thống, phòng vi tính, lớp học duy nhất của trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Các em học sinh trong lớp đọc bài đồng dao về Hoàng Sa, Trướng Sa
Đây là một lớp học rất đặc biệt, có 8 học sinh nhưng gồm từ cháu lớp mẫu giáo đến lớp 5. Học sinh chỉ học tiểu học trên đảo, lên lớp 6 các em sẽ được đưa vào đất liền để hòa nhập cùng bạn bè và tiếp cận với điều kiện giảng dạy tốt hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những đồ chơi trong khu vui chơi ngoài trời của các cháu học sinh như xích đu, thú nhún… do thời tiết khắc nghiệt trên đảo đã nhanh chóng xuống cấp và hiện gần như không sử dụng được nữa.
Khi chúng tôi tới thăm trường, thầy Bành Hữu Tình (quê Cam Lâm, Khánh Hòa), đang dạy các em lớp lớn hơn học Toán. Trong lúc các em làm bài tập, thầy lại hướng dẫn cháu lớp mẫu giáo chơi. Một mình thầy giáo với nụ cười hiền khô vừa dạy các con học, vừa hướng dẫn các con chơi và cùng các con tham gia những giờ ngoại khóa, giải quyết các yêu cầu mỗi khi các cháu lớp mẫu giáo thưa: “Thầy ơi con đói bụng”, “Con khát nước”…
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tình cho biết để đảm nhiệm việc dạy học trong một lớp học có các em học sinh với nhiều trình độ học chung với nhau, điểm khó là làm thế nào để bảo đảm các em cùng học với nhau trong lớp, hay sắp xếp các giờ hoạt động ngoại khóa để các em cùng chơi với nhau, đặc biệt trong những tiết giáo dục kỹ năng sống, các giờ ngoại khóa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho các em, giáo dục tình yêu quê hương đất nước.
“Làm thế nào bố trí thời gian để các cháu cùng học với nhau một cách hiệu quả, hợp lý là rất quan trọng. Nhất là với các cháu mẫu giáo, tâm sinh lý các cháu hiếu động, làm thầy giáo nhiều lúc bị đột xuất bất ngờ, như đang học có cháu đòi chơi, kêu đói bụng, đòi ăn. Những lúc này tôi sẽ cho các cháu tạm dừng một chút, hướng dẫn các cháu ra ngoài, ăn bánh, uống sữa để bảo đảm sức khỏe, sau đó các cháu lại vào học tiếp”- thầy Tình chia sẻ.
Thầy Bành Hữu Tình chia sẻ về lớp học đặc biệt của mình
Thầy cho biết trẻ nhỏ trên đảo Trường Sa được hướng dẫn phương pháp học gắn liền với thực tế của đảo. Nếu như ở đất liền học sinh lớp 3 học lễ hội của các vùng quê thì học sinh Trường Sa được dạy về văn hóa, chương trình văn nghệ, thể dục thể thao hay những ngày kỷ niệm của đảo. Thầy cũng dạy các em những bài hát về chiến sĩ, bộ đội, biển đảo. Tất cả học sinh trên đảo Trường Sa đều thuộc và hát rất hay các ca khúc: Quê em ở Trường Sa, Khúc quân ca Trường Sa, đồng dao biển đảo, Sức sống Trường Sa, Cháu yêu chú bộ đội…
“Việc giáo dục tuyên truyền về biển đảo lồng ghép trong những tiết học giáo dục kỹ năng sống, có tiết hướng dẫn chung cho các cháu về truyền thống đảo Trường Sa, lịch sử của Trường Sa, đưa các cháu đi tham quan phòng truyền thống của đảo…”- thầy Tình kể.
Là người tham gia sự nghiệp trồng người đã 14 năm, thầy Tình chia sẻ: “Viết đơn xin ra Trường Sa với mong muốn được đến Trường Sa làm công việc giảng dạy nhằm giúp các cháu nơi hải đảo xa xôi có những hành trang kiến thức để sau này các cháu lớn lên, thành con ngoan trò giỏi, giúp ích cho đất nước, bản thân tôi xác định ngay từ đầu mình phải cố gắng lập trường tư tưởng vững vàng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp một phần nào đó trong công cuộc chung xây dựng biển đảo quê hương”.
Thầy Tình dạy học ở trường tiểu học thị trấn Trường Sa đã được 1 năm, mỗi nhiệm kỳ công tác tại đây kéo dài 5 năm.
Em Nguyễn Trần An Thuyên (10 tuổi, học lớp 4) cho biết điều đặc biệt ở lớp học này là em được học với nhiều bạn nhỏ tuổi hơn. Ở trường, em được học nhiều môn như toán, tiếng Việt, lịch sử, địa lý, khoa học, kỹ năng sống. Thầy đã dạy cho em nhiều điều rất thú vị như các môn khoa học, học về các miền đất nước, về đồng bằng Nam Bộ, Thủ đô Hà Nội có chùa Một Cột. Em cũng được học để hiểu thêm về Trường Sa, nơi mình đang sống: “Đây là nơi mấy chú bảo vệ đất nước”.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận về Lớp học đặc biệt ở Trường Sa:
Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa với 1 lớp học duy nhất
Lớp học đặc biệt có đủ lứa tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học
Trong khi thầy giáo hướng dẫn các anh chị lớn hơn học toán
Thì các bạn lớp mẫu giáo được chơi
Cả lớp hát bài “Quê em ở Trường Sa”
Em Nguyễn Trần An Thuyên (10 tuổi, học lớp 4)
Thầy Bành Hữu Tình
Các em nhỏ trong giờ giải lao
Bài-ảnh- video: Dương Ngọc
Theo nguoilaodong
Khai giảng lớp tập huấn phát triển thói quen đọc sách
Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam tại TPHCM đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn 'Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường'.
Chương trình có sự tham gia của hơn 100 giáo viên, cán bộ thư viện và quản lý chuyên môn của các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM. Lớp học nhằm hướng dẫn học viên cách tiếp cận hiện đại, khoa học và chủ động trong đọc sách, hướng các em yêu thích đọc sách và từ đó dần hình thành và phát triển thói quen đọc sách.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Trưởng Văn phòng phía Nam, cho biết: "Từ lớp tập huấn này, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng giáo dục và các trường, tiếp tục mở thêm các lớp nữa để lan tỏa phương pháp đọc sách tốt đến nhiều học sinh...".
Theo SGGP
Thay đổi để lớp học hạnh phúc Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn được xem là ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của HS. Để có những lớp học hạnh phúc, điều cần nhất là GV cần thay đổi, mà ở đó sự bao dung, độ lượng cần được đặt lên hàng đầu. Những câu chuyện từ thực tế của các GV dưới đây...