Lớp học “đặc biệt” ở bản Mo
Ngày đi làm rẫy, chiều về nấu cơm cho con, tối đi học xóa mù chữ. Mỗi tối, bản Mo (xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, (Lào Cai) lại râm ran tiếng đọc chữ, cộng – trừ – nhân – chia. Điều đặc biệt của lớp học này là học viên có độ tuổi không giống nhau, có người tuổi cao gấp 2 đến 3 lần giáo viên đứng lớp.
Cháu cùng bà học chữ tại lớp xóa mù chữ bản Mo 3 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Khát khao “con chữ”
Đã thành thông lệ, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, khi mặt trời vừa khuất núi, 35 học viên người Mông ở bản Mo gác lại công việc nương rẫy để tham gia lớp học xóa mù chữ tại điểm trường bản bản Mo 3.
Học viên tại lớp xóa mù của điểm trường bản Mo đều là lao động chính trong gia đình. Ban ngày họ tham gia lao động sản xuất, tối muộn lại cùng nhau tranh thủ đến lớp để học lấy cái chữ.
Lớp xóa mù chữ đa phần đều là người dân tộc Mông, thuộc hộ nghèo, khó khăn trong bản. Mong muốn biết đọc, biết viết chữ phổ thông để phục vụ cuộc sống hằng ngày đã thôi thúc họ đến lớp. Và cứ thế, mỗi khi mặt trời lặn, đồng bào lại í ới gọi nhau lên lớp học chữ.
Video đang HOT
Có dịp chứng kiến một buổi học mới thấy hết được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút, nắn nót viết từng chữ khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.
Bà Nông Việt Hà – Chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên, Lào Cai cho biết: “Hàng tháng tôi thường xuyên lên với lớp học XMC nơi đây, mang chút bánh kẹo, quần áo lên cho trẻ em. Cảnh tượng thân quen tôi gặp là những cháu nhỏ giúp bà hơn 60 tuổi học chữ, những nguời mẹ địu con trên lưng đi học, là những ánh đèn pin rực sáng như những ánh sao đêm giúp bà con nhận từng con chữ. Nhìn học viên say sưa, nhiệt tình đi học để biết con chữ, bản thân tôi thầm cảm phục thầy cô đã không quản ngại khó khăn vất vả đến ở cùng người dân, mang con chữ, ánh sáng đến cho bà con dân bản”.
Tôi đã biết viết tên mình…
Theo điều tra tháng 11/2018, bản Mo 3 có 52 hộ với 333 nhân khẩu thì có đến 48 hộ nghèo (chiếm 92,3%), 4 hộ cận nghèo (chiếm 7,7%); cả thôn chưa có điện lưới và nước ở đây cũng vô cùng thiếu thốn. Đường sá đi lại khó khăn, 100% là người dân tộc Mông, tiếng Kinh đều không biết.
Để giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán, sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí và làm giàu trên mảnh đất biên giới, vùng cao, vùng sâu, Phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên đã phối hợp với huyện Bảo Yên cử cán bộ phụ nữ và viên chức xã cùng với các thầy cô giáo Trường Tiểu học số 2 Xuân Hòa đứng lớp.
Hàng ngày, cô Ma Thị Nống, cán bộ văn hóa xã, cô Phùng Thị Khuyên, cán bộ Hội Phụ nữ, thầy Lê Văn Tùng, GV Trường Tiểu học số 2 Xuân Hòa không quản ngại khó khăn, tối tối lại lên dạy chữ cho bà con dân bản.
Là người dân tộc Mông, cô Ma Thị Nống có nhiệm vụ vừa dạy chữ vừa là người trực tiếp phiên dịch cho thầy cô giáo và học viên tại lớp. Cô Ma Thị Nống cho biết: Vượt lên những vất vả của cuộc sống, những hạn chế về tuổi tác, nhận thức, người dân bản Mo bằng tinh thần cầu thị, đã quyết tâm học chữ để nâng cao trình độ hiểu biết, chất lượng cuộc sống của chính mình. Các anh, chị học viên đến lớp đều rất tích cực học tập, nghiêm túc tiếp thu bài giảng và thảo luận rất sôi nổi. Đến nay, họ đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1, các học viên đã đọc thông, viết thạo, biết cộng trừ, nhân chia.
Là một trong những học viên cao tuổi tham gia lớp học XMC, bà Giàng Thị Sâu (63 tuổi ở bản Mo 3), tâm sự: “Tham gia lớp học, tôi đã biết đọc, biết viết. Thầy cô đã dạy chúng tôi biết cái chữ, giờ tôi đã biết viết tên mình, biết đọc rồi. Cảm giác khi tự tay viết được tên mình sướng lắm. Bây giờ, tôi có thể bán thóc, ngô, con gà, con vịt mà không lo tính sai nữa”, vừa nói bà vừa mở quyển vở của mình ra cho chúng tôi xem với vẻ tự hào.
Xóa mù chữ, xóa được nghèo
Khi được hỏi về động lực để duy trì đều đặn các buổi học, cô Phùng Thị Khuyên cho biết, chính sự hiếu học của người dân khiến các thầy cô thêm nhiệt huyết trong mỗi giờ lên lớp. Tham gia công tác xóa mù chữ, tình cảm của học viên ở bản hồ hởi chào đón mỗi ngày khiến cô không thể nghỉ dạy buổi nào.
Với người dân bản Mo, đến lớp học xóa mù chữ này, được học tiếng Việt và toán cơ bản, toàn bộ đều được miễn học phí, lại được trang bị thêm đồ dùng học tập, bà con vui vẻ, nhiệt tình đi học lắm. Nhiều học viên còn đưa cả con đến lớp nữa, nên lớp học lúc nào cũng chật kín người.
Nhờ lớp xóa mù chữ đặc biệt, đến nay, hầu hết những người lớn tuổi ở bản Mo và nhiều bản làng khác tại xã Xuân Hòa đã biết đọc, biết viết. Cũng nhờ tấm lòng của những cán bộ, thầy giáo cắm bản mà con chữ đang về gần hơn với các bản nghèo. Sắp tới đây, những lớp học đặc biệt như thế này sẽ được nhân rộng, như một dấu hiệu tốt cho một tương lai tươi sáng của người dân nơi đây.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Sơn La: Bế giảng lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông
Ngày 8-4, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức Bế giảng 2 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông tại bản Huổi Luông, Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Học viên làm bài kiểm tra cuối khóa. Ảnh: Hờ A Thành
Sau hơn 1 năm triển khai, cơ bản các lớp học đã hoàn thành mục đích, yêu cầu, nội dung chương trình theo kế hoạch. Các học viên phần lớn là lao động chính của gia đình, hàng ngày phải đi làm nương, tăng gia sản xuất, vì vây, có ngày phải bố trí học vào buổi tối để không ảnh hưởng đến công việc gia đình. Đặc biệt, một số học viên nữ đã xây dựng gia đình, có con nhỏ phải lo toan việc gia đình nhưng đã cố gắng sắp xếp công việc để lên lớp.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của những "thầy giáo mang quân hàm xanh", cùng với sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm của từng học viên, sau hơn 1 năm triển khai 2 lớp xóa mù chữ tại bản Huổi Luông, Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, 39 học viên đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ do ngành giáo dục và đào tạo đề ra.
Qua kiểm tra kiến thức cuối khóa, 100% học viên đã biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản.
Hờ A Thành
Theo Biên phòng
Giáo viên vùng cao nấu cơm trưa miễn phí cho học sinh Từ tháng 9-2018 đến nay, dù không phải là trường bán trú nhưng thầy cô Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum vẫn tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh đồng bào thôn Long Nan (thị trấn Đắk Glei) ở xa trường. 10 giờ 45 phút một ngày giữa tháng 3, tại khu hành lang Trường...