Lớp học đặc biệt dưới chân núi
Dưới chân núi Pom Có, thuộc xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, có một lớp học đặc biệt vẫn vang tiếng ê a đánh vần con chữ mỗi buổi trưa hàng ngày. Cô giáo lớp học là chi hội trưởng Phụ nữ của bản, còn học trò phần lớn đều là các chị, các mẹ.
Đã ở tuổi gần 60, song bà Vũ Thị Tình vẫn đang phải tập đánh vần chữ cái. Đôi bàn tay chai sần đã thuần thục từng đường cày, nhát cuốc, nay lại vụng về khi cầm bút, nắn nót viết từng con chữ. Nhưng với bà, đó chính là niềm vui, niềm hứng khởi mỗi ngày.
Lớp học bản Chạng được mở ra từ tháng 2/2019, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của chị em phụ nữ trong bản. Từ tấm bảng đen, viên phấn, mỗi quyển sách, quyển vở đều từ quyên góp, ủng hộ. Vì là tự nguyện, nên chị em tham gia rất tự giác và đầy đủ. Lớp học được diễn ra vào thời gian buổi trưa, do buổi sáng và chiều các chị em còn phải đi làm nông.
Hiện bản Chạng có 80 hội viên phụ nữ. Trong đó, có đến 12 người chưa từng được đến trường, đến lớp; 30 người không biết chữ; 5 người tái mù chữ. Toàn bộ đều được vận động tham gia lớp học xóa mù chữ đặc biệt này. Sau 6 tháng kiên trì theo học, đến nay cơ bản chị em đều đã nhận biết được chữ cái, ghép vần và bước đầu biết viết và đọc một số từ, ngữ cơ bản.
Biết đọc, biết viết tưởng chừng hết sức đơn giản, song lại là ước mơ của những người phụ nữ này. Và mỗi ngày trôi qua, họ vẫn đang nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ đó. Dẫu còn đơn sơ và chưa được bài bản, song lớp học đã và đang mang lại những giá trị nhân văn rất lớn, là cầu nối giúp chị em phụ nữ ở bản Chạng nối gần hơn hành trình đến với giấc mơ con chữ…/.
Theo Vnews
Những người "cõng chữ" lên non
Khi màn đêm buông xuống, những tiếng kẻng của lớp học xóa mù chữ giữa đại ngàn Trường Sơn bắt đầu vang lên, thúc giục bà con người Bru, Vân Kiều ở các bản Chân Trôộng, Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hồ hởi đến lớp.
Tại các lớp, học viên là những người lớn tuổi, nhưng chăm chú nghe thầy giáo "quân hàm xanh" giảng bài và ân cần luyện từng nét chữ giúp học viên nhanh chóng biết đọc, biết viết. Để có được kết quả này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô phải trải qua quá trình gian nan, kiên trì bám dân, bám bản, vận động đồng bào đến lớp.
Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ luyện từng nét chữ cho học viên. Ảnh: Viết Hà
Thực hiện Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tổ chức rà soát số người mù chữ, tái mù chữ, lên kế hoạch và vận động nhân dân đến lớp học. Sau 3 năm miệt mài, tận tâm "cõng chữ" lên non, các thầy giáo "quân hàm xanh" đã mở 3 lớp, giúp đồng bào đọc thông, viết thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 100. Thiếu tá Đinh Như Triêm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, giai đoạn đầu tiên thực hiện đề án, đơn vị đã thực hiện thí điểm tại bản Dốc Mây. Đây là bản đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ người mù chữ cao để mở lớp 2 lớp với 33 học viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Để duy trì được các lớp học, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải luân phiên nhau cắt rừng, trèo đèo, lội suối vận động bà con bản Dốc Mây đến lớp đều đặn. Các anh thay nhau cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, đến từng nhà thuyết phục, vận động người dân đến lớp, hết lương thực, thực phẩm lại về đơn vị và cán bộ khác tiếp tục vào thay. "Dù khó khăn, gian khổ, nhưng vì tình cảm, trách nhiệm nâng cao dân trí cho đồng bào, chúng tôi kiên trì hoàn thành chương trình, giúp đồng bào biết đọc, biết viết thành thạo" - Thiếu tá Đinh Như Triêm nhấn mạnh.
Gắn bó với nghiệp "trồng người" tại địa bàn đặc biệt khó khăn, nhiều người chưa nhận thức rõ về sự cần thiết của việc viết chữ với cuộc sống và tương lai, Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô, người trực tiếp tham gia công tác xóa mù chữ ở Dốc Mây chia sẻ: "Lớp xóa mù phần lớn là người lớn tuổi, phụ nữ chiếm số đông, họ thường xuyên bận rộn công việc nương rẫy. Mặt khác, do lớn tuổi nên khi tham gia lớp xóa mù, họ rất mặc cảm, tự ti. Một số khi thấy bóng dáng giáo viên ở đầu bản, đã vội cửa đóng then cài, có người còn giả ốm không tiếp khách. Khó khăn là vậy, song chúng tôi quyết tâm, kiên trì vận động nhiều lần để người dân đến lớp".
Đồn Biên phòng Làng Mô đã hoàn thành 2 lớp học xóa mù với 33 học viên, giúp đồng bào nơi đây biết đọc, biết viết, nâng cao nhận thức của bà con. Nhờ biết chữ, đồng bào nơi đây đã tự tin hơn khi giao tiếp, không còn e ngại khi ra giao thương với bên ngoài và không dễ bị lừa gạt như trước đây. Ngoài việc dạy chữ xóa mù cho dân bản, đơn vị còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, dạy bà con cách làm ăn kinh tế, tuyên truyền từ bỏ các tập tục lạc hậu, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới..." - Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ chia sẻ.
Lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Làng Ho tại bản Dốc Mây. Ảnh: Viết Hà
Tiếp tục thực hiện đề án và thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Đồn Biên phòng Làng Mô còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn khai giảng lớp học xóa mù chữ vào ban đêm cho 18 học sinh đồng bào Bru, Vân Kiều của xã Trường Sơn tại điểm trường bản Chân Trôộng. Giáo viên đứng lớp giảng dạy chính là các chiến sĩ BĐBP và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn. Vừa xong bữa cơm tối, tiếng kẻng ở lớp học vang lên, chị Hồ Thị Han, ở bản Chân Trôộng, nhanh chóng thu dọn và cắp sách tới lớp.
Chị Hồ Thị Han tâm sự: "Hai vợ chồng miềng đều học chung ở lớp xóa mù chữ. Lớn tuổi rồi nên việc học chữ, làm toán là rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn muốn học để biết đọc, biết viết, khi làm các giấy tờ, thủ tục biết được nội dung của văn bản và biết ký tên mình, không còn phải lăn tay, điểm chỉ... Những ngày đầu đến lớp xóa mù, miềng cứ lóng ngóng, tay cứng như que củi, nhưng được cán bộ BĐBP kiên trì uốn nắn, nên miềng đã thành công. Cứ vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, vợ chồng miềng lại ra điểm trường đầu bản để học. Hiện nay, miềng đã viết, đọc tốt và tính được những phép toán cơ bản".
Thiếu tá Đinh Như Triêm cho biết: Để mở được những lớp học xóa mù cho bà con ở bản Chân Trôộng có phần thuận lợi hơn, vì anh em BĐBP đã có kinh nghiệm, nên việc phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức vận động đồng bào đến lớp thuận lợi, học viên tích cực tham gia học tập.
"Thời điểm chúng tôi đi vận động, bà con đăng ký tham gia lớp học chữ xóa mù, gặp không ít khó khăn, nhưng khi tuyên truyền bà con hiểu, thay đổi cách suy nghĩ, tạo thành phong trào học tập, nhiều người lớn tuổi vẫn tha thiết đăng ký tham gia lớp học này. Qua một thời gian ngắn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy ý thức học tập của người dân nơi đây chuyển biến rất tốt. Toàn bộ học viên của lớp là những người đứng tuổi, lao động trụ cột trong gia đình, bận rộn nhiều công việc, nhưng họ vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để tới lớp và việc tiếp thu bài tại buổi học khá nhanh..." - Thiếu tá Đinh Như Triêm bộc bạch.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, bộ đội đã vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên trì bám bản, bám dân, vận động đồng bào tham gia lớp xóa mù, từng bước hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho người dân trên địa bàn.
Viết Hà
Theo bienphong.com
Sơn La: Bế giảng lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông Ngày 8-4, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức Bế giảng 2 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông tại bản Huổi Luông, Pá Khoang, xã Mường Lèo,...