Lớp học đặc biệt của thầy giáo đặc biệt
Lần đầu tiên, các trường đại học trong nước có một lớp học dành riêng cho người khiếm thị. Đó là lớp Tin học văn phòng cho người khiếm thị, thuộc Trường ĐH Văn Lang TPHCM, do thầy Trần Bá Thiện đảm nhiệm.
Thầy Trần Bá Thiện có nhiều đóng góp cho người khiếm thị tiếp cận tin học.
Giáo án đặc biệt
Dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật”, do Trường ĐH Văn Lang phối hợp với CRS (một tổ chức cứu trợ và phát triển) ra đời, thầy Trần Bá Thiện (trước đây vốn là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin) được mời phụ trách. Nhiệm vụ của thầy là dạy kiến thức cơ bản của tin học văn phòng như Windows, Word, Excel, Internet cho sinh viên khiếm thị trong thời lượng 120 tiết một khóa. So với chuẩn chứng chỉ A Tin học cho người sáng mắt (75 tiết) thì chương trình học của sinh viên khiếm thị nặng hơn nhiều.
Để soạn giáo án cho sinh viên, thầy Trần Bá Thiện phải chạy đua, vừa soạn vừa dạy. Thầy mạnh dạn tổng hợp, dịch những tài liệu tin học cho người khiếm thị từ nguồn khác nhau của tổ chức SIDA (Thụy Điển), HadleySchool (Mỹ), Onnet (Mỹ, Nhật)… Thầy Thiện cho biết: “Tôi phải cập nhật và điều chỉnh kiến thức phù hợp cho các em. Các giáo trình quốc tế luôn có sự khác biệt.
Ví dụ, phần mềm Excel ở Mỹ ưu tiên giúp người mù tính toán trong công việc Kế toán doanh nghiệp, còn ở Việt Nam phần mềm này chủ yếu để giúp người mù quản lý điểm (nếu làm giáo viên), cơ sở kinh tế của mình (nếu làm kinh doanh)… Do vậy, không thể dịch tài liệu một cách nguyên xi mà cần linh động”. Giáo án thầy soạn ra không chỉ cung cấp lý thuyết mà còn hướng dẫn cho các bạn sinh viên khiếm thị có thể soạn văn bản, làm đơn từ, tính toán bằng phần mềm không khác gì người sáng.
Thầy Trần Bá Thiện và sinh viên trong lễ tốt nghiệp.
Video đang HOT
Phương pháp học cũng lạ
Khó khăn đầu tiên thầy Thiện phải đương đầu là làm sao các bạn khiếm thị có thể “quan sát” được màn hình? Để giải quyết, thầy nhờ đến JAWS (Job Access With Speech – phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị mạnh nhất thế giới hiện nay) để sinh viên làm quen với những công cụ điều khiển máy tính. Tuy nhiên, giao diện của JAWS bằng tiếng Anh nên đòi hỏi các sinh viên khiếm thị phải có một khả năng nghe tiếng Anh nhất định. Sử dụng JAWS, các bạn sinh viên còn có thể phân biệt được màu sắc.
Khó khăn thứ hai với thầy Thiện là làm sao giúp sinh viên khiếm thị trình bày văn bản như người sáng. Đây là một điều hết sức trừu tượng, dễ dẫn đến tình trạng nói trước quên sau. Nhưng bằng phương pháp xoắn ốc của thầy Thiện, các bạn sinh viên đã nhớ được cách trình bày một văn bản hoàn chỉnh.
“Lúc đầu các bạn chỉ làm một cách máy móc mà không hiểu. Nhưng sau đó, các bạn thành thạo và hiểu rõ hơn khi bài giảng đi sâu và nhắc lại nhiều lần” – thầy Thiện chia sẻ.
Khi những văn bản đầu tiên ra đời, tuy không đẹp như do người sáng thực hiện, nhưng vẫn đầy đủ và rõ ràng. Giờ đây, các bạn đã tự “thực hành” luôn các mẫu văn bản thông dụng rất hữu ích đối với người khiếm thị như đơn nhập học, báo cáo gởi Hội Người mù…
Sau mỗi khóa học ba tháng, sinh viên khiếm thị sẽ được sát hạch và cấp bằng tin học văn phòng tương đương với chứng chỉ A Tin học của người sáng. Đến nay, đã có hai lớp “Tin học văn phòng cho người khiếm thị” tốt nghiệp, với hơn 30 bạn và đang tiếp tục khóa thứ ba. Đây được coi là bằng Tin học đầu tiên và duy nhất cho sinh viên khiếm thị. Theo thầy Thiện, việc mở lớp lấy chứng chỉ B cho sinh viên khiếm thị là chuyện hết sức khó khăn, từ phía nhu cầu người học, người dạy, giáo án. Nhưng, trong những buổi học, thầy Thiện cố gắng truyền niềm say mê của mình cho sinh viên để các bạn tiếp tục tự học Tin học trên các diễn đàn sau khi lấy bằng.
“Trong giờ giảng, có những điều tôi hướng dẫn các bạn sinh viên. Nhưng các bạn cũng chỉ lại cho tôi rất nhiều thủ thuật Tin học hay và thiết thực. Có lẽ, dạy và học với chúng tôi cũng là một cách chia sẻ cuộc sống” – thầy Thiện tâm sự. Có lẽ, đến đây thì các bạn đã nhận ra, thầy Thiện cũng là một người khiếm thị.
Giáo án của thầy Trần Bá Thiện được cộng đồng người khiếm thị trên mạng download và sử dụng miễn phí dưới dạng audio. Để chuyển giáo án từ dạng text sang audio, phải thu âm. Để cho người khiếm thị 3 miền có thể nghe và hiểu giáo án, thầy phải nhờ các bạn sinh viên tình nguyện thu nhiều bản audio với các giọng đọc khác nhau. Thầy Thiện đã được phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” năm 2004, nhờ những đóng góp cho cộng đồng người khiếm thị.
Theo Xuân Huy
Sinh Viên Việt Nam
Cậu học trò có tài "ngửi chữ"
Tiếng đồn về một cậu học trò "ngửi chữ", 9 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi thậm chí còn đạt nhiều giải trong các kỳ thi HSG của trường, của huyện, tỉnh đã khiến tôi không khỏi tò mò. Tìm gặp em, mới hay, đây là một trường hợp khiếm thị do dị dạng giác mạc.
Sự nỗ lực, kiên trì vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt trong học tập của em thật sự đã làm cho tôi khâm phục...
Em tên là Phạm Phú Thịnh, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Nhà Thịnh nằm đối diện với cánh đồng lúa và ngọn núi Chò Gó, thuộc thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh. Chiều 25/4, tôi đến nhà Thịnh và bắt gặp hình ảnh em ngồi trên bậc thềm hiên, đang áp sát mặt vào một cuốn vở. Thoạt đầu, tôi có chút băn khoăn về lời đồn đại là cậu bé này có tài "ngửi chữ" để học. Song, khi trò chuyện với Thịnh thì tôi vỡ vạc ra nhiều điều...
Phạm Phú Thịnh đang đọc và giải bài toán bằng máy tính.
Năm nay Thịnh đã bước sang tuổi 15, thân thể của em phát triển cao, to như bao đứa trẻ bình thường khác. Duy chỉ có đôi mắt trên gương mặt sáng sủa, thông minh lại bị dị dạng. Em cố sức mở to mắt để tôi xem, nhưng đôi mắt cũng chỉ he hé như người đang mơ ngủ. Mỗi tròng đen của mắt chỉ nhỉnh hơn hạt cát. Vì vậy, em chỉ nhìn thấy mọi vật lờ mờ trong chừng non nửa thước. Muốn phân biệt màu sắc, những vật dụng phải đặt cách mắt em chừng gang tay còn để đọc được chữ viết, em áp sát trang sách, trang vở vào mặt mà rà qua, rà lại... Cũng từ đó mà nhiều người lầm tưởng Thịnh "ngửi chữ".
Có điều thành tích học tập của Thịnh quả đáng nể phục. Trong 8 năm học, từ lớp 1 đến lớp 8, năm nào em cũng "bợ" phần thưởng học sinh giỏi về nhà. Học kỳ I, năm học lớp 9 niên khóa 2009-2010, em đã đạt điểm trung bình các môn học khá cao trong đó: Hóa: 9,3 Văn: 8,0 Anh văn: 8,0 Lý: 9,6, Sử: 9,8...
Chị Lưu Thị Huệ (41 tuổi), mẹ Thịnh, ứa nước mắt, kể rằng: Lúc mới sinh ra, thấy đôi mắt của Thịnh khác thường. Vợ chồng chị đưa con ra Đà Nẵng, tìm bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và chạy chữa, nhưng ai cũng lắc đầu. Các bác sĩ khám và bảo, Thịnh bị dị dạng giác mạc, đục thủy tinh thể bẩm sinh...
Thương con bị tật nguyền nên khi Thịnh lên 5, lên 6, vợ chồng chị giữ con trong nhà, không dám cho ra đường, vì sợ xe cộ đụng hay trâu, bò dẫm phải. Song, Thịnh không chịu ở nhà mà la khóc, nằng nặc đòi ba, mẹ mua cho sách, vở, cặp, bút để đi học mẫu giáo. Buộc lòng, vợ chồng chị phải cho Thịnh tới trường. Họ nghĩ, dù sao tới trường, vui chơi với các bạn Thịnh cũng đỡ buồn rầu. Nào hay, năm học mẫu giáo ấy là năm cuối cùng để vào lớp 1, Thịnh nhận được phần thưởng học sinh xuất sắc.
Vợ chồng chị Huệ và các thầy cô giáo ở huyện Phú Ninh, cùng bà con trong xã Tam Vinh, ai cũng bất ngờ, vì năm học nào Thịnh cũng đạt thành tích học sinh giỏi. Thậm chí, thi học sinh giỏi của khối lớp trong trường, trong huyện và tỉnh, Thịnh cũng đạt nhiều giải cao, như: giải nhì môn Anh văn, giải khuyến khích các môn: Toán, Văn, Hóa...
Chị Huệ giải thích, năm học lớp 5, đi thi tỉnh về các môn: Toán và Văn, các thầy cô giáo chấm thi bảo Thịnh làm bài rất tốt, song chữ viết gần như dính vào với nhau nên mới đạt giải khuyến khích. Nếu hồi đó mà khắc phục được chữ viết thì đã đạt giải nhất, nhì...
Tôi hỏi Thịnh, mắt không nhìn thấy thì làm sao có thể đọc chữ thầy, cô viết trên bảng mà ghi vào vở? Thịnh lặng thinh hồi lâu, mới nói rằng, nhờ các bạn ngồi cạnh đọc giùm. Thì ra, Thịnh có trí nhớ khá tốt, các bạn ngồi cạnh chép bài, chỉ cần đọc qua là Thịnh nhớ và ghi vào vở mình đầy đủ bài học như mọi người trong lớp. Khi lên bảng giải bài, Thịnh cũng áp sát mặt vào bảng đen mà viết...
Nhưng, năm học lớp 9 này Thịnh không có tên trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường đi thi tỉnh. Mặc dù Thịnh học rất giỏi, song với một học trò khiếm thị nên không ít thầy, cô e ngại chuyện cho em "mang chuông đi đánh xứ người". Bạn bè cùng lớp với Thịnh thẳng thắn phát biểu rằng, đây là thiệt thòi lớn cho lớp 9/2 của các em. Còn Thịnh thì lặng lẽ...
Khi tôi ra về, em nắm chặt lấy tay tôi tâm sự rằng, em mong ước được mọi người giúp đỡ kinh phí để phẫu thuật, chữa trị bệnh mắt. Có được đôi mắt sáng như người bình thường là cơ hội để em học tập thành tài, giúp ích cho gia đình và góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Theo Long Vân
Công An Nhân Dân
Ba nữ sinh khiếm thị viết nên chuyện cổ tích Ba nữ sinh khiếm thị học ở trường THPT dành cho học sinh sáng mắt đã "bỏ lại" đằng sau nhiều học sinh bình thường để đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc với số điểm tổng kết luôn đạt từ 8,5 trở lên ở các môn. Đó là ba cô học trò Cao Thị Yến, Phạm Thị Huế và Dương Thị...