Lớp học dã chiến cho trẻ em vùng xanh
Một lớp học online dã chiến nằm tại sảnh tầng trệt của block A chung cư 1050 (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được dựng lên từ những chiếc ghế đá đã giúp các em học sinh có chỗ học trong mùa dịch.
Sáng thứ Hai đầu tuần, Đại úy Phạm Công Sỹ (Công an quận Bình Thạnh) cầm trên tay danh sách các em học sinh (HS) rồi đến từng hộ để hỏi thăm về điều kiện học tập và nhắc các gia đình cho con, em xuống sảnh block A chung cư để học online.
Ghế đá làm bàn học
Được biết đây đều là những hộ “gia đình xanh” sau khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, được chính quyền quận Bình Thạnh bóc tách ra khỏi nơi có nguy cơ cao do dịch bệnh từ ngày 26-8.
Đa phần những hộ dân đều có hoàn cảnh khó khăn, ở trong những khu nhà trọ lụp xụp. Các hộ khi được tạm di dời đến đây không có điều kiện lắp đặt Internet hoặc mua các gói cước 3G, 4G tốc độ cao cho con, em học trực tuyến nên tổ phụ trách ở chung cư đã tận dụng sảnh block A để làm lớp học dã chiến.
Đại úy Phạm Công Sỹ cho biết để chuẩn bị cho lớp học, từ ngày 6-9, tổ công tác đã cho lắp đặt Internet, lau dọn sảnh và trưng dụng ghế đá xung quanh để làm thành lớp học, giúp các em thuận tiện trong việc học trực tuyến. Đúng nghĩa lớp học dã chiến, những chiếc ghế đá được trưng dụng thành bàn học, xếp giãn cách với nhau để phòng dịch. Tính tới thời điểm hiện tại, lớp có 30 em HS từ cấp 1 đến cấp 3 và 10 em sinh viên tham gia học online tại lớp học dã chiến.
Lớp học online dã chiến tại sảnh tầng trệt của block A chung cư 1050 (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI
Cũng như nhiều phụ huynh khác, mỗi buổi sáng, chị Nguyễn Thị Phượng đều đặn kiểm tra, chuẩn bị tập vở cho con gái đang học lớp 3. Chị Phượng cho biết được chính quyền quan tâm di dời về đây để tạm tránh dịch, gia đình chị cũng giải tỏa tâm lý phần nào. Năm học mới, trong điều kiện khó khăn gia đình cũng chưa thể mua được tập vở cho con, may mắn được các tình nguyện viên ở chung cư hỗ trợ mua giúp. “Nghe chung cư có tổ chức lớp học online nên mình cũng sắp xếp cho con xuống học, mình thường động viên con ráng học, đợi hết dịch sẽ được gặp thầy cô, bạn bè” – chị Phượng cho biết thêm.
Wi-Fi xịn không lo rớt mạng
Do không gian lớp học hạn chế nên các tình nguyện viên và bộ đội thay phụ huynh giám sát, hỗ trợ các em HS học tập. Mỗi HS có thời khóa biểu và thời gian học khác nhau nên lớp chỉ dao động từ 15 đến 20 em.
Video đang HOT
“Từ khi năm học mới bắt đầu, ngoài những công việc được giao như đi chợ hộ, phát túi an sinh, chúng tôi cũng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các em HS học online tại lớp học dã chiến. Do lớp học hạn chế người nên chúng tôi sẽ thay phụ huynh kiểm tra, theo dõi các em HS trong quá trình học tập. Chúng tôi có thể hỗ trợ các em giải toán, học tiếng Việt, tiếng Anh…” – Nguyễn Hoài Nam (học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2) chia sẻ.
Ngồi học môn toán, em Phạm Ngọc Gia Hân (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1) chăm chú nghe thầy giảng bài qua chiếc máy tính bảng, giọng thầy giáo có lúc trong vắt có lúc ngắt quãng do đường truyền. Lâu lâu anh bộ đội lại vỗ vào lưng nhắc Gia Hân ngồi thẳng lưng, không để mắt vào gần màn hình. “Em rất thích học ở lớp học dã chiến vì ở đây được các chú bộ đội giảng bài, những khi thầy giảng em không hiểu, liền có chú giải thích. Em thấy tiếp thu bài dễ hơn, các chú còn dùng tấm bìa quạt cho em đỡ nóng…” – Gia Hân nói.
Em Phạm Ngọc Gia Hân (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1) được bộ đội hỗ trợ tại lớp học dã chiến. Ảnh: NGUYỆT NHI
Còn với em Trần Minh Phú, HS lớp 10, Trường THPT Rạng Đông, cho biết lớp học dã chiến này giúp em tiếp cận bài giảng online tốt hơn. “Những ngày đầu, để chuẩn bị cho năm học mới gia đình có đăng ký mạng 3G, tuy nhiên dung lượng tốc độ cao có hạn nên em chỉ học được một thời gian ngắn thì mất tín hiệu, nhờ có lớp học dã chiến, được lắp Wi-Fi giúp bài giảng em học không bị gián đoạn” – em Phú chia sẻ.
Cũng theo Minh Phú, năm học mới tuy phải thích nghi với điều kiện học tập mới nhưng em vẫn tin và mong rằng dịch bệnh sớm qua đi để những em nhỏ được đến trường học tập, vui chơi, còn Phú thì được đến lớp để tiếp thu bài học dễ dàng hơn, đồng thời thực hiện những kế hoạch học tập, thi cử trong tương lai.
Lớp học “ba không”
Không có giáo viên đứng lớp, không bàn ghế, không bảng viết, thế nhưng lớp học dã chiến vẫn đều đặn được mở hằng ngày. Phụ huynh vì thế cũng an tâm hơn khi con họ có được điều kiện học tập theo đúng lộ trình giữa tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Những hình ảnh ấn tượng về "lớp học online dã chiến" tại Sài Gòn
"Lớp học dã chiến" không có bàn, cũng chẳng có ghế gỗ xinh xinh mà chỉ có những chiếc ghế đá xếp ngay ngắn, giữ khoảng cách để học sinh vừa làm bàn lẫn ghế.
Sảnh trệt của block A chung cư 1050 (Phường 12, quận Bình Thạnh) được trưng dụng làm "lớp học dã chiến" trong bối cảnh nhiều gia đình được chuyển đến ở chung cư 1050 để tránh dịch không có điều kiện lắp đặt internet hoặc mua các gói cước 3G, 4G cho con học trực tuyến khi năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu.
Toàn cảnh "lớp học dã chiến" tại sảnh trệt của block A chung cư 1050.
Theo ông Bùi Trường Giang, cán bộ Quận đoàn Bình Thạnh hiện đang phụ trách tại chung cư 1050 cho biết, trong ngày 6/9, Tổ công tác đã lắp đặt internet, lau dọn sảnh và trưng dụng ghế đá xung quanh để sắp xếp lớp học giúp các em thuận tiện trong việc học trực tuyến. Ngay sau khi triển khai, có 35 học sinh đăng ký học tại sảnh, trong đó có đủ các lớp từ cấp 1 đến cấp 3, thậm chí sinh viên đại học hoặc những người làm việc online nhưng không có điều kiện kết nối internet.
"Hiện tại, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, không có bàn ghế hẳn hoi cũng như quạt mát nên các học sinh khá vất vả với thời tiết nắng nóng. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động thêm bàn ghế, quạt máy để giúp các em có một nơi học tập thoải mái hơn", ông Giang chia sẻ.
Em học sinh học online qua điện thoại.
Ghế đá trở thành bàn học của các em học sinh.
Các em học sinh chăm chỉ học bài.
Ngoài ra, cũng theo ông Giang, lớp học dã chiến này sẽ có thêm lực lượng quân đội hỗ trợ. Theo đó, lực lượng quân đội quan sát và giúp đỡ khi các em tham gia lớp học, theo dõi các em học có đúng mục đích không, hỗ trợ về mặt kỹ thuật đăng nhập phần mềm học trực tuyến của học sinh... Nếu gặp bài tập khó mà học sinh không thể hỏi ngay thầy cô thì các chú bộ đội sẽ giúp học sinh giải.
Anh Trương Văn Linh, học viên trường sĩ quan Lục quân 2 cho biết, anh rất vui khi được tham gia quản lý lớp học dã chiến này. Đây là hoạt động rất ý nghĩa giữa lúc dịch bênh căng thẳng ở TP.HCM.
Các học viên trường sĩ quan Lục quân 2 thay thế phụ huynh, trở thành giám thị "bất đắc dĩ".
Em Phạm Việt Quang, học sinh lớp 8 trường THCS Minh Đức (Quận 1) cho biết, dù không có bàn ghế hẳn hoi như đi học ở trường, nhưng dưới sảnh có internet tốc độ cao nên việc học trực tuyến diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn.
" Gia đình em được chuyển vào chung cư ở tạm trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, lại đúng thời điểm năm học mới bắt đầu. Để chuẩn bị cho việc học trực tuyến, em đã được mẹ đăng ký một gói cước 3G. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nên em không thể sử dụng gói chất lượng cao. Chính vì vậy, buổi đầu học trực tuyến của em liên tục bị gián đoạn vì đường truyền không ổn định. Rất may, tổ phụ trách ở chung cư đã lắp đặt internet và chuẩn bị ghế để học sinh đăng ký xuống học ", Quang bày tỏ.
Đây cũng là nơi làm việc online của những người không có điều kiện kết nối internet.
Trước đó, quận Bình Thạnh tổ chức vận động đưa người dân đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà lụp xụp,... vào sống tạm ở Block P khu Chung cư 1050.
Ông Bùi Quý Hòa, một người dân vừa được chuyển đến sinh sống tại chung cư này có con đang tham gia vào lớp học nói trên chia sẻ, bản thân ông làm nghề phụ hồ, trọ ở quận Bình Thạnh nhưng do dịch nên đã bị mất việc nhiều tháng nay.
"Tôi rất bất ngờ và thấy vui mừng vì được quận Bình Thạnh hỗ trợ cho chỗ ở khang trang, sạch sẽ miễn phí trong những ngày chống dịch, hỗ trợ thực phẩm và cả tiền nữa. Vào năm học mới, con tôi được sắp xếp chỗ học trực tuyến, có người kèm cặp... Thật sự, tôi rất biết ơn!", ông Hòa chia sẻ.
Trước đó, do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nên Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM và quận Bình Thạnh tổ chức vận động đưa người dân đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà lụp xụp, ở hẻm sâu, nhà ven kênh rạch vào sống tạm ở Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa, Phường 27 và Block P khu Chung cư 1050.
Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với kẹo cao su Nhà sản xuất, nhập khẩu dự kiến phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su. Ngày 3/9, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đề xuất trên nằm trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật...