Lớp học “chuồng dê”
Giữa chốn đại ngàn vùng biên (xã Thiên Hưng, Bù Đốp, Bình Phước) mọc lên một lớp học của con em đồng bào S’tiêng nghèo.
Cuộc sống với rất nhiều thiếu thốn, cái đói luôn cận kề, thế nhưng các em nhỏ người dân tộc vẫn hồn nhiên, hăng say nắn nót những vần chữ.
Cô giáo Hồ Thị Văn đang tập viết chữ cho các em. Ảnh: T.Thủy
Cái đói đè lên cái chữ
Video đang HOT
Đến Thiện Hưng, xã biên giới giáp với tỉnh Karatie (Campuchia), chúng tôi được già làng Điểu Re, ngụ ở xóm Thiện Cư cho biết: “Cả xóm có 41 hộ dân, nhưng năm học 2009 – 2010, chỉ có 5 hộ có con em đến trường, số còn lại không biết chữ”. Gia đình anh Điểu Nhúc (xóm Thiện Cư, Thiên Hưng) có 3 người con. Vì phải mưu sinh cùng bố mẹ và đường đến trường quá xa, các cháu không được đi học. Vợ chồng anh Điểu Nhúc cũng không biết chữ. Nông sản thu được hay bất cứ thứ gì cũng được ướm chừng là “hơn cái chục”.
Học hành, đến trường trở thành thứ xa xỉ với con em những gia đình nghèo. Để đến được lớp học, các cháu phải đi hơn 13km mới ra được các điểm trường xã Thiện Hưng, Phước Thiện (Bù Đốp). Có cháu phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị băng rừng, đi bộ cả chục cây số mới đến được lớp. Nhiều nhà không có phương tiện nên đành để con mù chữ. Vài hộ cố gắng đưa rước con đi học, buổi nào không có tiền đổ xăng đành phải cho con nghỉ. Vào mùa đói kém, có khi không còn ai đi học.
Công việc quen thuộc của trẻ nhỏ ở vùng biên này là lên rừng bẻ măng về bán. Để có măng non, các cháu cũng phải vượt sông, cuốc bộ cả chục cây số đường rừng. Cháu Điểu Chi đi theo gia đình qua Tiểu khu 67 (thị trấn Phước Thiện, Bù Đốp) nhận đất nên nghỉ học đã mấy năm nay. Năm học này, Điểu Chi mới học lại lớp 1. “Buổi sáng đi học, chiều phải đi đào măng. Nhiều hôm đi rừng về mệt quá ngủ quên cả giờ đi học”, Điểu Chi nói. Còn Điểu Thưng (xóm Thiện Cư) thì một buổi đi học, một buổi đi chăn bò. Đó là chưa kể đến ngày mùa, vừa phụ giúp gia đình, vừa thu hoạch thuê cho các vườn khác, cuối mùa lại đi mót những nông sản còn sót lại (điều, mì, bí…).
Già làng Điểu Re nói: “Cuộc sống khó khăn khiến các cháu sớm rời xa mái trường. Có một điều đáng buồn, càng học lên cao thì học sinh bỏ học càng nhiều. Trẻ em ở đây không đứa nào tốt nghiệp cấp 3, có gia đình gần chục người chẳng ai biết chữ”.
Lấy chuồng dê, nhà bếp làm lớp học
Năm học mới, mong ước có cái chữ của nhiều hộ dân nơi đây đã thành hiện thực. Trường tiểu học Phước Thiện mở điểm lẻ tại Tiểu khu 67. Nhưng chặng đường dài khó khăn và gian nan đối với cái nghiệp đưa con chữ về bản làng vẫn đang còn ở phía trước.
Gọi là điểm lẻ, thực ra giáo viên phải dạy chữ ở cơ sở lán trại không vách. Điểm lẻ này có 2 lớp 1, giải quyết được tình thế cấp bách cho 30 cháu nhỏ không phải bỏ học vì đi xa. Nhà bếp của trạm y tế quân dân y chưa đầy 12m2 được tận dụng để trở thành 1 phòng học do cô Trần Thị Phương Thảo chủ nhiệm. Lớp học kê vài bộ bàn ghế, 1 chiếc bảng nho nhỏ và kệ để bếp trở thành bàn giáo viên.
Lớp học còn lại, do cô Hồ Thị Văn chủ nhiệm, được làm đơn sơ bằng gỗ, lợp tôn, bốn bề trống trơn không vách che, với diện tích chừng 20m. Nguyên liệu để làm phòng học này là từ chuồng dê của bộ đội biên phòng Đồn 787. Cô Văn cho biết, đầu năm học vừa qua, dân làng và bộ đội cùng nhau góp sức, góp công làm lớp học, mọi thứ đều phải nhờ cậy cả vào phụ huynh.
Ở đây 100% các cháu là người dân tộc thiểu số, hầu hết chưa sõi tiếng Kinh nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy, điều kiện vật chất, sách vở, dụng cụ học tập lại thiếu. Trong lớp học “nhà bếp” không đèn, ngột ngạt… 15 cháu nhỏ người Tày, Nùng, S’tiêng say sưa đọc bài, nhẩm toán. 15 khuôn mặt thơ ngây lem luốc nhưng ánh mắt trong veo háo hức theo từng nét chữ mẫu. Cô giáo Phương Thảo cho biết, khác với lớp học vùng xuôi, ở đây cô giáo nhiều khi phải sử dụng vốn tiếng dân tộc ít ỏi để dạy tiếng phổ thông cho học sinh. Có khi phải nhờ người rành tiếng Kinh làm “thông dịch viên”.
Còn lớp học “chuồng dê”, hôm nào mưa thì bị tạt ướt, bữa nào khô ráo thì nắng rọi vào lớp… Tuy học cùng lớp nhưng các cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cháu sinh năm 2004 và có cả những cháu sinh năm 1996. Cô Văn nói: “Các cháu Điểu Ninh, Điểu Chi, Điểu Sơn, Điểu Út… nghỉ học mấy năm nay vì đi theo đất sản xuất giờ mới học lại. Hành trang đến lớp của học sinh vùng này không phải là chiếc cặp xinh xinh cõng trên lưng, mà là những chiếc bọc nilon đựng vài cuốn sách vở, viết do cô giáo phát. Các cháu đến lớp với những chiếc áo nhàu cũ, những đôi dép cao su đã mòn vì đường rừng”.
Thấu hiểu nỗi cực nhọc và sự ham học của các cháu, 2 cô giáo đã vận động mọi người đóng góp quần áo cũ, sách vở để các cháu có phương tiện đi học. Nhiều khi các cô phải bỏ tiền túi ra mua cho các cháu đôi dép… Tuy vậy, các cô không khỏi trăn trở vì chương trình chính khóa gồm 9 môn học, đến thời điểm này mà các cháu chỉ có sách Tiếng Việt và Toán, còn lại 7 môn học không có sách giáo khoa. Tuy nhiên, lớp học đã tạo nên động lực làm chuyển biến hành trình đưa con chữ đến vùng biên xa xôi còn bộn bề khó khăn.
Thế nhưng, niềm vui vì có lớp học chưa dứt, già làng, trưởng ấp và cô giáo đã phải đối mặt với nỗi lo mới. Đó là nhiều hộ gia đình xin cho con ở lại lớp để được học gần. Ví dụ gia đình anh Điểu Phước có con đang học lớp 3, giờ xin ở lại lớp 2 với ý định: “Chờ hết năm học này, chắc sẽ mở thêm lớp 2 dạy các em nhỏ”. Đối với những đứa trẻ ở vùng biên, con đường tìm đến cái chữ vẫn còn lắm gian nan. Nếu không được sự giúp sức của toàn xã hội, con chữ với các cháu sẽ mãi là giấc mơ, đè nặng vai mỗi sớm mai, những buổi vượt sông đầy trắc trở…
Thu Thủy
Theo Giadinh.net.vn