Lớp học cho trẻ tị nạn Mali
Học sinh của Boureima luôn thích thú các giờ học của ông. Lớp học nhiều khi không thỏa mái, nhiều khi ngột ngạt, với hơn 70 học sinh chen chúc nhau trong một căn lều nhỏ ở góc sân vận động thể thao bụi bặm.
Nhưng lớp học của thầy Boureima mang đến những thứ thậm chí còn có giá trị hơn những bức tường vững chắc và các tiện nghi của một lớp học thông thường: sự kiên nhẫn không giới hạn và niềm tự hào về học sinh của mình.
“Một số học sinh ngại ngùng cho đến khi các em thấy mình sẽ không bị phạt”, ông Boureima giải thích rằng đối với nhiều trẻ em, học tập và hình phạt là hai thứ luôn song hành với nhau. “Nhưng khi các em thấy rằng các hình phạt không hiện diện trong lớp học của tôi, rằng tôi chỉ muốn các học sinh tiến bộ, chúng bắt đầu hòa mình và cố gắng học tập.”
“Túp lều” của thầy Boureima là một trong một số không gian học tập tạm thời ở Sévaré, ngoại ô thành phố Mopti miền trung Mali, để giúp các trẻ em tị nạn chiến tranh có cơ hội được tiếp tục học tập. Các lớp học “dã chiến” này được lập ra với mục đích cung cấp cả một nơi trú ẩn an toàn và đem tới nền tảng giáo dục bền vững trong một xã hội bất ổn bởi xung đột và bạo lực. Đặc biệt, các lớp học như của thầy Boureima luôn rộng cửa đón chào các em nhỏ chưa từng có cơ hội được cắp sách tới trường trước đây.
Ông Boureima dạy học cho trẻ tị nạn trong một căn lều ở vùng ngoại ô Mopti của Mali.
Tuổi thơ phải sống trong cảnh sơ tán do chiến tranh và đói nghèo, ông Boureima thấu hiểu rằng cần phải thể hiện lòng tốt với những đứa trẻ đang trong cảnh chạy trốn khỏi bạo lực và khát khao có một nơi chốn an toàn để sinh sống và học tập.
Video đang HOT
Ông Boureima trước đây từng làm giáo viên ở thị trấn Bankass, cách Sévaré khoảng 100 km về phía đông nam. “Tôi thích làm việc ở đó, khi được dạy trẻ em ở mọi lứa tuổi”, Boureima nhớ lại. Nhưng, khi ông bắt đầu nghe ngày càng nhiều câu chuyện về những vụ bắt cóc và giết người trong khu vực, tâm lý bất ổn khiến ông trở nên bất an. Một cuộc tấn công tàn khốc xảy ra tại ngôi làng Ogossagou gần Bankass, cướp đi sinh mạng của 85 trẻ em, cuối cùng đã thúc đẩy ông Boureima chuyển đến Sévaré.
Kể từ khi chuyển đến một nơi ở mới, ông Boureima đã có những đóng góp không nhỏ cho vùng ngoại ô này. “Có một số học sinh thực sự có triển vọng, nhưng vì khủng hoảng, đói nghèo, các em đã phải nghỉ học và rời bỏ quê hương. Chúng đều không hiểu tại sao mọi chuyện kinh khủng lại xảy đến với mình và thường xuyên đặt câu hỏi với tôi về những gì diễn ra xung quanh”, ông Boureima cho biết.
Cô nữ sinh 11 tuổi Rokiyatou là một trong số các học sinh đó. Rokiyatou từng được chú của mình dạy trong một ngôi trường nhỏ ở quận Douentza ở thành phố Mopti. Nhưng khi tình trạng bạo lực nổ ra, Rokiyatou và cha buộc phải chạy trốn. Hiện tại họ sống trong một căn lều tị trong khuôn viên sân vận động Socoura ở Sévaré, nơi được lập thành một trại tị nạn tại Mopti.
Rokiyatou cho biết em rất thích lớp học của thầy Boureima. “Em thích các tiết học của thầy, với em việc học các chữ cái A,B,C dễ hơn học cộng nhẩm”, cô bé cười tươi.
Cô bé Rokiyatou làm bài trên bảng đen.
Về phần mình, ông Boureima cũng dành những lời khen ngợi đối với thái độ học tập của Rokiyatou, cho rằng học trò của mình không ngần ngại đặt câu hỏi cho thầy giáo và bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tình trạng bạo lực và bất ổn mà cha con Rokiyatou phải đối mặt cũng là “bóng ma” ám ảnh hàng nghìn gia đình tại miền trung Mali.
Các cuộc xung đột liên tục nổ ra trong khu vực, được thúc đẩy bởi các nhóm khủng bố và phiến quân, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ nhỏ, khiến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh chia ly. Tình trạng bất ổn gia tăng buộc các gia đình chọn cách sơ tán và kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng trong ngành giáo dục Mali, với hàng trăm trường học đã buộc phải đóng cửa.
Đến cuối năm 2018, hơn 900 trường học ở Mali vẫn chưa thể mở cửa trở lại, gây ảnh hưởng tới 276.000 trẻ em, phần lớn đến từ các thành phố như ở miền trung như Mopti.
Cuộc sống bế tắc ở thời điểm hiện tại khiến cho rất nhiều trẻ em ở Mali khó hình dung về một tương lai tươi sáng nào cho chúng.
Boureima nói rằng ông muốn trở về quê hương để dạy học cho trẻ nhỏ ở đó. Nhưng ông cũng hiểu rẳng điều này khó có thể xảy ra sớm. “Đó là tất cả những gì trái tim tôi mách bảo. Thế nhưng việc quay trở lại đó khi hòa bình chưa lập lại là một điều không hề dễ dàng”.
Rokiyatou nói rằng em muốn trở thành một hiệu trưởng khi lớn lên. Nhưng khi được hỏi điều này sẽ diễn ra ở đây, ánh mắt vô định xuất hiện trên khuôn mặt cô bé. “Em sẽ trở thành hiệu trưởng bất cứ nơi nào em tới”.
Huy Vũ
Theo UNICEF/ngaynay
Tê tái học sinh học trong phòng tranh tre nứa lá
Hình ảnh hàng trăm học sinh ở các xã Yên Khương, Yên Thắng, Trí Nang, Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) phải ngồi học trong các phòng tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá, dột nát khiến nhiều người không khỏi nhói lòng khi mùa đông về.
Cô trò Trường tiểu học và THCS xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang dạy, học ở phòng nứa lá, tạm bợ tại bản Năng Cát Ảnh: Hoàng Lam
Tại điểm trường lẻ của Trường tiểu học và THCS xã Trí Nang ở bản Năng Cát, hàng chục năm nay các em học sinh phải ngồi học trong phòng học nứa lá do phụ huynh và chính quyền địa phương dựng lên.
Mỗi năm học sau kỳ nghỉ hè, phụ huynh lại đóng góp luồng, nứa vá víu lại những chỗ xuống cấp để thầy trò bước vào năm học mới. Phòng học này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, trống hoác bốn bề, nên ban giám hiệu nhà trường phải mua bạt che tạm cho học sinh đỡ lạnh vào những ngày mưa gió và mùa đông giá rét.
Ông Hà Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Trí Nang cho biết, do thiếu phòng học, gần 60 học sinh tiểu học của bản Năng Cát vẫn phải ngồi học ở phòng học tạm này. Những khi mưa gió, hoặc vào mùa đông giá lạnh, học trò cũng như các thầy cô vừa học, vừa chống chọi với thời tiết. Nhà trường cũng như chính quyền địa phương đã kiến nghị tới cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng phòng học kiên cố nhưng đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết.
Ông Lê Minh Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết, ngoài điểm trường tiểu học ở bản Năng Cát, xã Trí Nang, hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã Yên Khương, Yên Thắng, Tam Văn với hàng trăm học sinh vẫn phải ngồi học trong phòng tranh tre, nứa lá, tạm bợ. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự an toàn đối với thầy và trò nơi đây.
Theo Tiền phong
Cô giáo tôi Đã hơn 30 năm rời xa mái trường thân yêu, nhưng cứ mỗi lần quay lại đây, hình ảnh cô giáo, bè bạn thân yêu, lớp học và những kỷ niệm của tuổi học trò lại ùa về. Cô giáo Phùng Thị Minh Vượng. Nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn gửi: "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo...