Lớp dạy lịch sử đặc biệt cho trẻ em
ANTĐ – Gần 20 năm qua, vào ngày Chủ nhật hàng tuần, ngôi nhà của cựu chiến binh Văn Đình Thanh (65 tuổi, trú tại ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) lại rộn ràng tiếng học bài, tiếng hát ca ngợi lịch sử hào hùng dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước của đám trẻ trong xóm.
Lớp học dạy bằng bài hát theo chủ đề tháng
Sáng Chủ nhật hàng tuần, chừng 30 em lứa tuổi từ 5-15 háo hức, rộn rã đến lớp dạy sử miễn phí tại nhà của cựu chiến binh Văn Đình Thanh, mà các em vẫn gọi trìu mến gọi là ông Năm Thanh. Đó là một lớp học không có bàn ghế giống như những ngôi trường khác. Ở đây các em cùng ngồi thành hàng bên chái nhà dưới nền gạch đã được vợ chồng “ông giáo” Thanh lau sạch từ trước. Ông Năm Thanh ngồi ôm cây đàn măng-đô-lin chơi nhạc. “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân, đi lính mới hơn năm trường…” trong bài hát Anh Ba Hưng được các em hát trong không khí hết sức sôi nổi. Em nào thuộc bài hát thì hăng say vừa vỗ tay vừa hát theo điệu nhạc, còn em nào mới vào lớp chưa thuộc thì chăm chú cầm giấy hát. Có cháu bé mới vừa tròn 4 tuổi, giọng nói còn bập bẹ nhưng vẫn hòa cùng anh chị hát. Thỉnh thoảng ông ngưng lại chỉnh sửa khi các em hát sai nhịp. Những âm thanh trong trẻo hòa cùng tiếng đàn làm lao xao cả một vùng quê…
Video đang HOT
Xong phần ôn bài hát, tiếp theo phần kiểm tra miệng. Ông treo trên cành mai mấy chục lá thăm. Mỗi lá là một bài hát hoặc câu đố về lịch sử. Bác Hồ quê ở đâu? Ai là người đầu tiên cắm cờ trên Dinh Độc Lập? Ngày 30-4-1975 là ngày gì? Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày, tháng, năm nào?… hoặc tên các bài hát như: Nam Bộ kháng chiến, Anh Ba Hưng, Em là chiến sĩ giải phóng quân, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh, Em là mầm non của Đảng, Qua miền Tây Bắc, Hò kéo pháo, Lá xanh… Sau đó, các em sẽ xung phong lên bắt thăm và trả lời câu hỏi hoặc hát những bài hát ghi trong lá thăm.
Sau mỗi câu trả lời đúng là những tiếng vỗ tay vang lên. Ông giáo Thanh gật đầu khen kèm theo đó là phần thưởng gồm quyển vở, bút viết… Thoáng một cái, 200 quyển vở được các mạnh thường quân hỗ trợ ông làm phần thưởng cho đám trẻ đã hết vèo. Kết thúc phần hái hoa dân chủ sôi nổi, ông giáo Thanh chuyển sang dạy bài hát mới, uốn các em theo từng nốt nhạc…
Từng đi bộ đội, sau khi ra quân, ông Thanh đi làm nhân viên cho một công ty. Thời gian sau, ông về hưu, sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh địa phương từ năm 1993. Khoảng năm 2000, ông cùng với một số cựu chiến binh, cán bộ về hưu ở địa phương mở câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Cũng trong thời gian này, ông nhận thấy bọn trẻ quê thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ từ sân chơi đến truyện sách, kiến thức về lịch sử thì rất mù mờ. Trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định mở lớp dạy sử khá độc đáo thông qua việc dạy các bài hát.
Ông Năm Thanh tâm sự: “Môn lịch sử nói về vấn đề dân tộc của ta và truyền thống đánh giặc giữ nước, gần đây vấn đề học lịch sử bị mai một nhiều do đó tôi quyết định truyền đạt lại lịch sử và truyền thống của cách mạng cho các cháu thiếu nhi”. Theo ông, học lịch sử là học cách làm người, sống sao cho xứng đáng với cha ông. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, mọi lời nói ra trong tầm tai nghe đều có chiều hướng tạo ra tính cách, suy nghĩ của các cháu. Vì vậy dạy sử, ngoài việc giúp các cháu có kiến thức lịch sử còn phải giáo dục lòng yêu cha mẹ, quê hương, đất nước…
Ngày đầu mới mở lớp, ông Thanh đi vận động các nhà có trẻ đang học tiểu học đến với lớp học. Rồi lớp học được các em yêu thích nên những năm sau các em tự đến, có em này giới thiệu em kia đi học, cứ thế lớp học diễn ra trong suốt mấy tháng hè với sự ủng hộ hết mình của các bậc phụ huynh địa phương. Mỗi tuần, ông đều dạy ngày chủ nhật. Riêng những tháng hè, ông dạy tuần 3 buổi. Mỗi buổi kéo dài 3 giờ, trong đó ông dành một giờ ôn lại bài hát cũ, trả lời những câu đố ngắn về lịch sử nhằm ôn lại những kiến thức cũ. Thời gian còn lại, ông dạy bài hát và giảng những kiến thức lịch sử mới.
Ông Năm Thanh dạy sử theo chủ đề, chẳng hạn trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng, ông lấy đó làm tiêu điểm để xoáy vào. Không chỉ dạy hát, lịch sử cách mạng mà vào những ngày lễ, Tết “ông giáo” Thanh còn tổ chức cho các em vui chơi, sinh hoạt, giao lưu với trường học, đoàn thanh niên ở các địa phương để giúp cho các em sự tự tin, hòa đồng với mọi người.
Chẳng hạn ngày 1-6, ông cho các em thả sức chơi đùa với đủ trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, cờ lau tập trận… Trung thu, ông tổ chức sân khấu ngay tại sân nhà mình rồi cho các em rước đèn tưng bừng với các tiết mục toàn “cây nhà lá vườn” mà các em sẽ là nhân vật chính. Các em sẽ trình diễn những bài hát ông đã dạy, thi hái hoa dân chủ cũng là những câu hỏi về kiến thức lịch sử mà mình đã học… Ông Thanh còn tổ chức cho học trò của mình đi thăm quan di tích lịch sử địa phương để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc. Chính vì thế, khi về ấp Thạnh Mỹ A, nếu hỏi các em nhỏ ở đây về những ngày lịch sử, về một số bài hát cách mạng thì các em trả lời rất rành rọt.
Giữ mãi bầu nhiệt huyết
Thời gian trôi qua, tiếng đồn về ông Năm Thanh dạy lịch sử miễn phí ngày càng lan khắp vùng quê khiến cho nhiều bậc phụ huynh ở các xã lân cận trong huyện Phụng Hiệp cũng hồ hởi đến xin cho con em mình vào học. Nếu bình thường, lớp chỉ duy trì ở mức 20 đến 30 em thì vào dịp hè, sĩ số lớp học luôn tăng lên từ 60 đến 70 em bởi các bậc phu huynh thấy đây là một sân chơi bổ ích. Và cũng gần 20 năm qua, ngôi nhà của vợ chồng ông Văn Đình Thanh luôn nhộn nhịp tiếng nói, tiếng cười của học trò vùng quê mỗi dịp hè về. Nhìn nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của ông Thanh mỗi khi các cháu hát trọn vẹn một bài hát, trả lời đúng một câu hỏi về lịch sử mới thấy rằng, tình cảm dành cho những học trò nhỏ của người cựu chiến binh này lớn như thế nào.
Ông Năm Thanh tâm niệm: Dạy sử là để giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Và khi tình yêu quê hương, đất nước đã thấm sâu trong lòng sẽ tạo nên động lực để các em phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập nhằm hướng tới mục tiêu trở thành người hữu ích cho đất nước sau này. Khi được hỏi về ước nguyện của mình, ông Thanh chia sẻ: “Có nhiều sức khỏe để tôi tiếp tục dạy các cháu”. Nói xong, ông điều chỉnh lại âm thanh cây đàn măng-đô-lin với tuổi đời gần 20 năm để tập cho các cháu hát.
Theo ANTT