Lớp dạy học nhạc cụ dân tộc miễn phí ở thủ đô
Nơi con ngõ nhỏ đường Tô Hiệu (Hà Đông), cứ chiều chiều lại phát ra những thanh âm trầm bổng, du dương của cây sáo, cây tiêu hoặc đàn T’rưng. Những âm thanh ấy không chỉ làm “chất mê” say đắm lòng người mà còn gợi cho con người ta về một khung cảnh đồng quê ngay tại phố thị. Đó chính là từ lớp học miễn phí của nghệ sĩ Lê Thái Sơn.
Giữ ngọn lửa đam mê, truyền cảm hứng
Ở tuổi “xế chiều”, nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn say mê với những cây sáo, cây tiêu. Suốt cuộc trò chuyện, bằng cây sáo, tiêu của mình ông đưa chúng tôi đi hết những giai điệu từ vùng núi đến đồng bằng, từ miền Bắc đến miền Nam. Mỗi vùng miền lại mang một nét đặc trưng riêng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn.
Khi hỏi về mục đích nào thôi thúc ông mở lớp học dạy sáo, tiêu miễn phí, ông chia sẻ: “Cây sáo đã trở thành một phần trong con người tôi, nó đã sát cánh cùng tôi bôn ba khắp mọi nẻo đường Tổ quốc. Vì vậy, tôi muốn mở lớp để thỏa niềm đam mê của mình và hơn hết là truyền thụ những kiến thức mình đã được học cho những người muốn tìm hiểu đến loại nhạc cụ truyền thống này”.
Ông quan niệm: “Cuộc đời mỗi người là hữu hạn, mình hiểu biết một lĩnh vực nào đó mà chỉ chăm chăm giữ cho mình thì cuộc đời cũng trở nên thật vô nghĩa. Cho đi là nhận lại niềm vui”.
Lớp học cuối tuần thu hút nhiều em học sinh.
Chính vì xuất phát từ tấm lòng đó mà đến nay, lớp học của ông đã duy trì hơn 7 năm với số lượng học viên lên tới 300 người. Trong đó, có nhiều học viên đã thành đạt trên con đường nghệ thuật như chị Nguyễn Thị Trang – giảng viên khoa sáo trúc trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, anh Bùi Công Thơm – đạt giải Nhì cuộc thi độc tấu sáo toàn quốc 2008, anh Nguyễn Xuân Trung – diễn viên nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.
Ngoài ra, có anh Nguyễn Việt Hồng người ở Nam Đàn, Nghệ An đã tìm đến lớp thầy Sơn rồi ứng dụng thành công vào lĩnh vực kiến trúc, anh đã thiết kế tổ điện nhà máy thủy điện nguyên tử Việt Nam hình dáng cây sáo và những âm thanh. Mô hình này đã cấp bằng sáng tạo vào năm 2000.
Qua bao thế hệ, ông Sơn vẫn dõi theo hành trình của học trò mình với bao niềm tự hào khi nhắc đến: “Thành công của các em chính là niềm hãnh diện và động lực để tôi tiếp tục công việc giảng dạy”, ông nói.
Học sáo đi đôi với luyện tập sức khỏe
Lớp học của nghệ sĩ Lê Thái Sơn bắt đầu đều đặn vào mỗi chiều từ 3 giờ đến 5 giờ. “Có hôm thầy và trò mải miết thì đến 6, 7 giờ mới tan”, ông chia sẻ.
Video đang HOT
Vào ngày thường, lớp học chủ yếu là dành cho những người lớn tuổi, những người đã về hưu. Còn cuối tuần, lớp học lại thu hút rất nhiều các em học sinh, bé nhất là các em lớp 1 tham gia. Tất cả đều được hướng dẫn bài bản theo giáo trình mà nghệ sĩ Lê Thái Sơn tự biên soạn dựa trên kiến thức ông đã được học chuyên nghiệp ở trường Lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa (nay là trường Đại học Văn hóa). Hơn 51 năm ông theo đuổi, nghiên cứu về nhạc cụ sáo tiêu, bộ giáo trình đã được tinh lược ngắn gọn, dế hiểu. Hầu hết các bài trong sách đều là những bài ca trù, hát ru của Việt Nam.
Ông trải lòng, trong quá trình dạy học khó khăn lớn nhất đó là có những người không có năng khiếu, chưa biết gì về nhạc lý vì vậy đòi hỏi phải mất nhiều thời gian dạy họ làm quen với các nốt nhạc, cách cầm sáo… Bên cạnh đó, với những người cao tuổi, hơi thổi không khỏe, tay bấm không chuyển nhanh được các nốt nên cũng phải dành nhiều thời gian dạy họ thanh nhạc song song với rèn luyện thể lực. Nhưng rồi tất cả chỉ cần có niềm hăng say, chăm chỉ học tập thì ông đều tận tình hướng dẫn cho đến khi thuần thục mới thôi.
Em Đinh Trần Minh Đức hào hứng chia sẻ: “Con đã học lớp thầy được gần 3 tháng. Buổi đầu tiên thầy tặng cho con cây sáo do chính tay thầy làm ra để cho con học. Đến nay con đã có thể thổi được bài “Đội kèn tí hon” và “Con chim vành khuyên”. Thầy dạy học rất nhiệt tình vì vậy con luôn mong chờ đến ngày nghỉ để được qua học với thầy”.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn hướng dẫn tận tình cho từng học viên.
Nhìn cách thầy ân cần, tỉ mỉ uốn nắn từng chút từ tư thế ngồi thẳng lưng, dáng tay cầm sáo sao cho đúng, rồi đến cách đập chân theo nhịp cho từng học viên cũng đủ hiểu được vì sao học trò ở đây lại yêu quý thầy và chăm chỉ đi học đến vậy.
Em Thái Nguyễn Nhật Hạ nhà ở Đồng Mai, cách lớp học thầy Sơn gần 15km nhưng trong suốt 2 năm đến nay, em vẫn kiên trì đến lớp học đều đặn, em chia sẻ: “Em rất thích học thổi sáo nhưng em chỉ biết đọc các nốt nhạc. Sau đó, em đã tự mày mò trên mạng và tìm được đến lớp thầy Sơn. Những ngày đầu đi học, thầy đã chỉ cho em cách ghi nhớ nốt nhạc nhanh. Ngoài ra, thầy còn dạy em cách luyện ngón, làm quen sáo 10 lỗ. Nhờ cách dạy dễ hiểu, tận tình của thầy đã giúp em có thể thổi được nhiều bài hát và tình yêu trong em đối với sáo ngày càng lớn hơn. Sau này em muốn dùng tiếng sáo để trình diễn khắp năm châu cho bạn bè quốc tế được biết đến loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình”.
Các học viên chăm chỉ luyện tập theo giáo án của thầy
Học sáo cũng chính là một cách trau dồi thể lực. Nghệ sĩ Lê Thái Sơn nói: “Muốn thổi được sáo hay thì phải chăm rèn luyện thể lực. Có sức khỏe thì mới có nhiều hơi để thổi”. Do vậy, ông luôn luôn nhắc nhở các học viên của mình phải tập thể dục mỗi ngày và sắp xếp thời gian học sáo khoa học. Trong quyển giáo trình dạy học, ông cũng không quên kèm ở mỗi cuối trang sách với những dòng chữ: “Luyện tập thổi sáo thường xuyên cũng như luyện tập yoga, thể dục thể thao”, “học sáo sau khi ăn 30 phút”.
Bác Đỗ Thanh Đường (70 tuổi, phường La Khê, Hà Đông) đã học ở đây hơn 3 tháng tâm sự: “Tôi tuổi già, sức thổi yếu nên có những hôm tới lớp, thầy Sơn trải thảm để chúng tôi tập chân đánh nhịp kết hợp với thể dục tay cho dẻo dai. Sau đó mới đi vào học nhạc. Thầy cẩn thận dặn dò chúng tôi giờ giấc tập luyện thường xuyên, sau khi ăn 30 phút thì mới được tập. Từ ngày học sáo, tinh thần tôi trở nên phấn chấn hơn, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, giấc ngủ được sâu hơn”.
Bác Đỗ Thanh Đường (bên phải) tranh thủ qua lớp học.
Ở khu phố này ai cũng quý mến nghệ sĩ Lê Thái Sơn, nhà nào có con đều tin tưởng gửi con đến nhờ ông dạy sáo, tiêu. Ông cũng chưa từng đòi hỏi bất cứ thứ vật chất gì, lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở đón nhận các em nhỏ vì với ông “Cuộc sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”. Trong tương lai, ông có dự định sẽ đi Nha Trang và tiếp tục lớp dạy học miễn phí sáo tiêu cho mọi người.
Ông bảo “Tham vọng lớn nhất của tôi là được đi nhiều nơi để mở thật nhiều lớp học cho nhiều người có cơ hội học sáo, tiêu. Đây cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn tinh hóa văn hóa Việt đến muôn đời sau”.
Nghệ sỹ Lê Thái Sơn sinh năm 1949 ở làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai, Hà Tây xưa (nay là Hà Nội). Từ nhỏ, Lê Thái Sơn đã say mê những âm thanh từ các loại nhạc cụ tre, trúc. Ông tốt nghiệp trường Lý luận và nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa năm 1970 và có 5 năm công tác ở phòng Văn hóa sông Mã, tỉnh Sơn La. Sau đó ông trở về Hà Nội học tiếp Đại học Văn hóa và gắn bó với công tác văn hóa quần chúng và giảng dạy âm nhạc Thủ đô.
Huyền Trang
Theo Dân trí
Sùng đất xuất hiện lúc nhúc, cắn phá vườn tiêu chết hàng loạt
Nông dân trồng tiêu ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đang rất lo lắng vì nạn sùng đất (hay còn gọi là sâu đất - to như ngón tay út, màu trắng có 2 răng rất sắc) cắn phá khiến những gốc cây tiêu bị khô héo, thậm chí chết hàng loạt...
Mỗi gốc tiêu tìm thấy gần chục con sùng đất gây hại.
Sùng đất xuất hiện dày đặc
Chúng tôi đến xã Hưng Lộc, nơi có những vườn tiêu sạch (trồng theo quy trình VietGAP) đang vào thời điểm phát triển đẹp và "sung" nhất. Ấy vậy mà, mấy tháng gần đây tại những vườn tiêu này xuất hiện nạn sùng đất ngày đêm cắn phá khiến hàng loạt gốc tiêu khô héo rồi chết rất nhanh.
Ghé vào vườn tiêu của gia đình anh Võ Văn Thành (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc), được xem là vườn tiêu mẫu đẹp nhất tỉnh Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến vườn đang bị nạn sùng tấn công dữ dội.
Anh Thành dẫn chúng tôi ra vườn tiêu. Chọn một gốc tiêu vàng lá giữa vườn, anh vơ bụi cỏ lạc dại nhấc lên, gốc trơ trụi chẳng còn cọng rễ nào. Anh thở dài ngao ngán: "Kể cả đám cỏ cũng bị sùng xơi sạch cả chùm rễ rồi". Anh vung cuốc bập xuống gần gốc tiêu, vừa nhấc lên lập tức chúng tôi chứng kiến có đến gần chục con sùng to như ngón tay út đang ngoe nguẩy trong đám đất tơi xốp. Tiếp tục cuốc xung quanh những gốc tiêu khác thấy lổn nhổn những con sùng béo múp, cuộn tròn trong đất.
Nông dân trồng tiêu chật vật "trị" sùng đất.
Anh Thành lo lắng: "Chưa bao giờ tôi thấy sùng đất xuất hiện với mật độ dày đặc thế này, chúng gặm cụt hết cả gốc rễ thì làm sao cây gì sống nổi".
Vườn tiêu của gia đình anh Thành có diện tích 2ha, với khoảng 1.700 gốc (trong đó 800 gốc tiêu đã 20 năm tuổi, 900 gốc mới trồng), chủ yếu là giống Vĩnh Linh và được đầu tư chăm sóc theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân thuốc hữu cơ vi sinh. Nhiều năm qua vườn tiêu phát triển rất tươi tốt, sạch bệnh, cho năng suất cao, được huyện, tỉnh đánh giá là mô hình mẫu.
"Đến khi thấy nhiều gốc tiêu trong vườn bị vàng lá, đổ đốt, héo chết rất nhanh, tôi tưởng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm như thường thấy, ai dè khi cuốc đất ngay gốc tiêu lên thì phát hiện có nhiều con sùng như vậy", anh nói.
Khu vườn tiêu nhà anh Thành đang bị nạn sùng đất cắn phá dữ dội.
Không còn cách nào khác, anh Thành buộc phải sử dụng thuốc hóa học Furadan để rải xuống những gốc tiêu trong vườn và đốn bỏ những gốc tiêu bệnh đã chết. Hiện anh đang tích cực chăm sóc vườn tiêu và tìm mọi cách xử lý, kể cả việc hàng ngày cuốc đất khắp vườn tìm bắt sùng cứu tiêu. Tuy nhiên, anh lo lắng khi đây chỉ là giải pháp tình thế, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây tiêu.
Nhà vườn hoang mang
Theo xác nhận của ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc HTX ca cao Thống Nhất, vườn tiêu của gia đình anh Thành là mô hình tiêu biểu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện đối tượng sùng đất cắn phá rễ cây tiêu khiến các loại nấm bệnh tấn công dữ dội dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
Chủ vườn tiêu lo lắng khi hàng loạt gốc tiêu đang bị nạn sùng gây hại chết.
Ông Phước cho biết, trước đây cũng vì sùng đất gây hại phổ biến trên nhiều diện tích cây đậu nành khiến địa phương phải bỏ để chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác. Thực tế tình trạng này không chỉ xuất hiện trên vườn tiêu của nhà anh Thành mà một số vườn tiêu khác ở Hưng Lộc cũng có biểu hiện sùng đất gây hại. Do vậy, rất mong các nhà khoa học, các ngành chức năng sớm tìm ra các giải pháp để giúp bà con phòng trừ.
Anh Nguyễn Quốc Huy, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, bày tỏ lo lắng: Vườn tiêu của gia đình có 500 gốc (khoảng 12 năm tuổi) đang có biểu hiện vàng lá héo khô và cây chết, nhưng có thể do bệnh chết nhanh chết chậm. Tuy nhiên, lần đầu tiên trên cây tiêu xuất hiện đối tượng sùng gây hại càng khiến nhà vườn hoang mang.
Có rất nhiều con sùng đất trong vườn tiêu đang gây hại.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng trạm BVTV huyện Thống Nhất, cho biết: "Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin có hiện tượng sùng gây hại trên vườn tiêu với mật số nhiều. Thông tin báo cũng khá bất ngờ vì từ trước đến nay đối tượng này chỉ xuất hiện cục bộ trên đất vườn nhưng mật số không cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế để tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý".
Nhận định ban đầu của ông Mỹ, đây là vườn điểm trong huyện, tỉnh, nhưng có thể do nhà vườn chủ quan trong việc phòng trừ sâu bệnh hại nên để xảy ra hiện tượng sùng gây hại như thế.
Theo Minh Sáng - Cáp Xuân Huy (NNVN)