Lợi và hại của việc đọc sách văn mẫu
Teens yếu môn văn và không biết bắt đầu học lại từ đâu? Có rất nhiều người hướng dẫn nên đọc nhiều sách, nhất là… văn mẫu. Vậy điều này đúng hay không? Lợi hại của việc đó như thế nào?
Lợi ích của đọc sách văn mẫu
Không hề sai nếu cho rằng đọc sách văn mẫu sẽ góp phần phát triển khả năng viết văn của các teens. Nhất là đối với những teens mất kiến thức căn bản môn tập làm văn, hay chán ngán phải đọc những tác phẩm văn học dài.
Không chỉ thế, nếu biết chọn mua được một cuốn văn mẫu tốt. Sách văn mẫu không chỉ làm tăng khả năng học tốt môn Tập Làm Văn. Nó còn giúp các teens học Văn học một cách tốt hơn vì các sách văn mẫu luôn chọn lọc ý chính, giúp các teens nắm bắt ý chính và nắm chắc kiến thức cơ bản thông qua cách trình bày bài văn.
Nhất là đối với những tác phẩm văn học tương đối dài (truyện và kí sự). Tuy độ dài của nó có thể không là bao với các teens chăm chỉ, nhưng nó lại là một vấn đề nan giải nếu lười.
Về phần câu từ, trong sách văn mẫu thường khá trau truốt bởi nó được viết từ những giáo sư giảng dạy có kinh nghiệm. Vì thế, khi đọc nhiều sách, thì một phần nào đó những câu từ thường được sử dụng sẽ ăn sâu vào trong bộ nhớ của teens. Nó sẽ giúp teens diễn đạt một cách rành mạch hơn, logic và chính xác hơn.
Do đó, nếu biết cách nhìn nhận và có một cuốn văn mẫu tốt, teens có thể biết cách diễn giải ý tứ một cách “khá” hơn và logic hơn rất nhiều…
Ngoài ra, đọc sách văn mẫu trong một thời gian dài sẽ giúp các teens tập được cách diễn đạt và luôn nhớ nội dung cần diễn đạt trong một tổng thể bài văn. Ngay cả nếu trong trường hợp cần so sánh hai tác phẩm thì sử dụng sách văn mẫu lại càng trở nên hiệu quả. Hay ít nhất, bài văn của teens luôn đủ điểm do diễn đạt và nói lên được ý chính trong bài.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Đến những tác hại
Đọc sách văn mẫu quen đi đôi với việc lười đọc tác phẩm. Nếu ta chỉ đọc sách mà không đọc để nắm ý trong tác phẩm thì rất dễ bị bỏ sót những chi tiết quan trọng trong. Vì thông thường, một bài văn mẫu luôn viết để hướng đến “yêu cầu đề bài đưa ra”. Nó không viết thêm vào những chi tiết không cần thiết hay không mấy liên can. Nếu teens lười đọc sách giáo khoa, và chỉ đọc một hay hai bài văn mẫu với những hướng đề tài phân tích khác nhau thì khả năng nắm bắt toàn bộ tác phẩm chỉ khoảng 70%.
Sách văn mẫu giúp phát triển khả năng viết của teens trong một quá trình lâu dài. Nhưng trong giai đoạn đầu, teens cần trải nghiệm khá khó khăn và vất vả. Bởi vì khi teens chưa biết cách diễn giải một ý văn nào đó mà lại vô tình “lụm” được ý đó trong sách văn mẫu thì dù chỉ đọc một lần, ý đó sẽ ăn sâu vào teens, teens khó có thể trình bày cách khác, theo lối diễn giải của mình.
Nếu may mắn và khéo léo chọn mua được một cuốn văn mẫu tốt thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu không biết cách mua, mua nhầm một cuốn văn mẫu dỏm, bài văn, cách viết lách và thể hiện chỉ để “đủ bài, đủ gợi ý” thì nó sẽ càng làm teens bế tắc hơn trong cách viết. Nhất là những teens lười đọc sách, thấy cuốn sách mẫu, bài văn được tóm gọn đến “ngắn ngủn”, lại cho rằng đó là do ý chính được “tóm gọn tối đa”, thế là mua về. Và khi teens nhìn theo cách viết trong cuốn “sách dỏm” đó và tập viết theo thì việc diễn đạt thiếu ý tứ một cách cụt ngủn, không có đầu cũng chẳng có đuôi… là chuyện có thể hiểu được.
Teens rất dễ rơi vào trạng thái không biết viết thế nào cho khác trong sách, hay đơn giản hơn là không biết diễn đạt thế nào cho khác khi đọc sách văn mẫu. Thế là đành “chép gần đủ”. Như thế, không những không làm tăng khả năng tư duy và viết lách của teens, nó còn làm giảm đi khả năng diễn đạt.
Lời khuyên cho teens
Để linh hoạt hơn trong cách viết văn và sử dụng văn mẫu một cách hiệu quả. Trước tiên ta cần tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè để chọn mua một cuốn sách tham khảo tốt. Đừng vội vàng mua một cuốn sách “dầy” và cho rằng nó đủ ý và diễn đạt chi tiết. Có nhiều cuốn sách rất “dầy”, nhưng nó chỉ “dầy” về số lượng mà không phải về chất lượng.
Không phải lúc nào các đề kiểm tra và bài tập về nhà cũng giống như trong sách tham khảo. Vì vậy khi đó, việc teens cần làm không phải đi tìm mua ngay cuốn sách mới, mà tìm cách kết hợp song song giữa việc nghiền ngẫm tác phẩm và nghiên cứu cách diễn đạt, giữa các cách viết của các bài văn trong văn mẫu. Như vậy, teens mới thực sự linh hoạt nếu gặp mỗi đề bài “không giống trong sách chút nào”.
Nên đọc nhiều cuốn sách tham khảo khác nhau để ngôn từ cũng như cách viết được mở rộng hơn. Không nên chỉ “ôm mãi” một cuốn sách, do có thể trong cùng một cuốn sách, có bài văn này được viết hay, viết chi tiết cụ thể, nhưng cũng có thể bài văn khác lại chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt. Điều đó không có nghĩa là cuốn sách đó “kém chất lượng” mà chỉ có thể nói rằng cuốn sách chưa được “chọn lọc toàn bộ” mà thôi.
Teens nên đọc trước tác phẩm rồi đọc sách tham khảo. Sau đó, đóng sách tham khảo lại và tự tập diễn đạt theo cách của bản thân. Không nên vừa nhìn vào sách vừa viết. Như vậy, nó sẽ làm giảm thiểu khả năng nhớ bài. Nhất là những câu nói quan trọng thì thường “khá dài”, nên teens cần tự mình học thuộc rồi viết lại, chứ không phải là “chép lại”. Đồng thời, khi vừa mở sách văn mẫu vừa viết, teens sẽ luôn trình bày theo thứ tự của người viết, và rất dễ rơi vào tình trạng “không biết viết sao nên đành chép”.
Theo PLXH
Gợi ý giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2010
Video đang HOT
Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với nụ cười tươi tắn.
BÀI GIẢI GỢI Ý
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1.
Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp
- M. Sô-lôkhốp (1905 -1984) là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Xô viết, tác giả của hai thiên tiểu thuyết sử thi hoành tráng, giải Nobel văn chương 1965, anh hùng lao động Liên xô, đại biểu Xô viết tối cao.
- Ông sinh trưởng trong một gia đình cô-dắc sông Đông, suốt đời viết về những người dân sông Đông.
- Tham gia họat động xã hội sớm, từ khi chưa hết bậc phổ thông. Suốt đời tích cực tham dự vào đời sống chính trị xã hội: Nội chiến (1918 - 1922), Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 -1945), Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
- Viết văn sớm và sớm thành công: Năm 1925 (khi mới 20 tuổi) ra tác phẩm đầu tiên (Truyện sông Đông), năm 1940 hòan thành tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, năm 1957 viết truyện ngắn nổi tiếng Số phận con người, năm 1960 hòan thành tiểu thuyết Đất vỡ hoang.
- Vấn đề nổi bật trong tác phẩm của ông là số phận nhân dân, đất nước, số phận cá nhân. Văn xuôi của ông có chất bi và chất hùng, tính sử thi kết hợp với phân tích tâm lí một cách nhuần nhuyễn. Ông được liệt vào hàng những nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.
Câu 2:
Yêu cầu của đề: Đây là một đề bình luận một vấn đề xã hội, học sinh cần làm rõ những nét cơ bản sau:
- Giải thích:
Lòng yêu thương con người là gì? (Ví dụ: Mối xúc động trước mỗi nỗi đau trong cuộc sống, cảm thông và biết chia sẻ với đồng lọai, theo tinh thần của dân tộc: thương người như thể thương thân. Trong yêu thương, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc. Không biết yêu thương, con người sẽ tự làm mình bất hạnh và cô đơn...)
Tại sao lòng yêu thương con người của tuổi trẻ lại được đặt ra trong chính mọi thời đại nói chung và trong xã hội ta hiện nay nói riêng? Cần nhấn mạnh sự vô cảm trước nỗi đau của đồng lọai trong thời buổi văn minh máy móc là một vấn đề bức xúc ngày nay. Chứng minh bằng những sự kiện diễn ra hàng ngày mà học sinh chứng kiến, mà báo chí đưa tin: vụ em Hào Anh, Hồng Anh...
- Bình luận:
Tình yêu thương con người của tuổi trẻ cho học sinh thấy sự gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay giải quyết những vấn nạn xã hội.
Tình yêu thương con người của tuổi trẻ cho học sinh sức mạnh tinh thần, sống quả cảm, có ý nghĩa hơn ở cuộc đời.
- Hướng giải quyết vấn đề đặt ra: học sinh sẽ làm gì để chứng tỏ lòng yêu thương con người.
II. PHẦN RIÊNG - PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)
Câu 3.a.
A) Yêu cầu: Học sinh biết làm bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm tự sự, bố cục chặt chẽ, văn viết trong sáng.
B) Bài làm thể hiện những ý chính :
1. Nguyễn Thi (1928 - 1968), là cây bút văn xuôi hiện thực xuất sắc trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm viết về đất và người Nam Bộ. Những đứa con trong gia đình đã thể hiện rõ điều đó. Đặc biệt, nhân vật Việt được tác giả khắc họa thật sinh động và giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ cứu nước.
2. Phân tích nhân vật Việt :
a) Việt - chàng trai Nam Bộ mới lớn với những phẩm chất hồn nhiên :
- Giữ trong mình cái ná thun từ thuở nhỏ dù đã cầm súng đi đánh giặc.
- Khi bị thương nặng trong đêm tối giữa rừng sâu, không sợ chết mà sợ ma.
- Tranh giành với chị Chiến từ việc đi soi ếch đến việc lập chiến công, giành đi bộ đội với chị.
=> Việt là một hình ảnh sinh động của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống đời thường những năm kháng chiến chống Mỹ.
b) Việt - mang tình cảm gia đình sâu nặng, sâu sắc :
- Thương mẹ, thương chị, thương chú Năm. Qua dòng hồi tưởng của Việt, hình ảnh người mẹ đã mất đã hiện lên qua người chị. Thương chị nhưng tính còn trẻ con nên giấu chị với đồng đội.
=> Tình thương yêu của Việt đối với mẹ, chị là vô bờ bến, đó là động lực giúp Việt cầm súng đánh giặc để trả thù nhà.
c) Việt - mang phẩm chất người anh hùng :
- Gan góc, chiến đấu với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần, với ý chí và truyền thống của gia đình cách mạng.
- Dũng cảm cùng chị bắn cháy tàu giặc.
- Dù bị thương nặng, đói khát, dù tỉnh dù mê, dù kiệt sức vẫn sẵn sàng chiến đấu.
=> Việt mang phẩm chất anh hùng cách mạng của thanh niên thời chống Mỹ cứu nước.
C) Qua dòng hồi tưởng của chính nhân vật Việt, nhà văn Nguyễn Thi đã khắc họa thành công nhân vật Việt với những phẩm chất đẹp đẽ: trẻ trung, tình yêu thương gia đình sâu nặng, gan dạ. Việt thật đáng yêu nhưng cũng rất mực dũng cảm anh hùng. Nếu câu chuyện của gia đình Việt là một "dòng sông", thì Việt là "khúc sông sau". Việt tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, của dân tộc Việt Nam trong thời đại chống Mỹ cứu nước.
Câu 3.b.
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, nên có những nội dung cơ bản sau đây:
- Giới thiệu vài nét về nhà thơ Xuân Quỳnh : nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ; thơ nói lên tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- "Sóng" là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của thơ Xuân Quỳnh.
- Đây là khổ một và hai của bài thơ, thể hiện cảm nhận của nhà thơ về khát vọng tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
- Tình yêu là cây đàn muôn điệu gảy lên muôn bản nhạc tình, có khi trầm bổng thiết tha, có khi nghẹn ngào đau đớn, cũng có khi e ấp, nũng nịu, dễ thương. Trong bài thơ Sóng, tình cảm của nhân vật "Em" cũng biến thiên như thế!
- Sóng - là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật "Em":
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"
- Nhà thơ sử dụng những cặp từ ngữ đối lập để diễn tả những trạng thái tâm hồn trái ngược nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn trong tình yêu.
- Sông và bể cũng là hai hình ảnh đối lập, được dùng để thể hiện hai không gian có tính chất rộng lớn và nhỏ bé. Còn "Sóng" là hình tượng thể hiện tình cảm đang rạo rực trong trái tim người con gái và nói lên khát vọng của tâm hồn trong tình yêu: vươn lên để thể hiện cái lớn lao của tình yêu. Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cái cõi vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương thì cô gái trẻ lại càng trăn trở, bâng khuâng, khắc khoải, dằn vặt với chính lòng mình. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Con sóng đã rời bờ ra đi, đi thật xa, cố tìm hiểu và soi mình với những con sóng khác để biết được sự huyền diệu của tình yêu, mà hiện tại đối với sóng vẫn còn là một bí mật.
- Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: "tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi". Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:
"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ"
- Ngày xưa, ngày sau là hai từ ngữ mang tính chất ẩn dụ, thể hiện thời gian quá khứ và tương lai. Nó được sử dụng theo cách thức tương phản để khẳng định: sóng, khát vọng tình yêu của người phụ nữ, là khát vọng vĩnh hằng không thay đổi dù trước kia, hiện tại và sau này.
- Đến khổ thơ này, nhà thơ đã khẳng định một cách tường minh: con sóng chính là biểu tượng của nỗi khát vọng tình yêu, nhất là tình yêu của tuổi trẻ. Tuy nhiên có lẽ ngực trẻ là hai từ chưa chín, bởi vì dù trẻ hay già thì tình yêu thực sự vẫn luôn nồng nàn, say đắm và dữ dội như nhau.
- Tuy chỉ là hai trong số chín khổ thơ của bài thơ nhưng đoạn thơ là một khúc dạo đầu đầy ấn tượng để nói lên khát vọng tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Hình tượng sóng trong hai khổ thơ này vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm về sự mãnh liệt của tình yêu.
Đề thi Ngữ Văn chính thức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 của Bộ GD-ĐT như sau:
I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô--lô-khốp.
Câu 2 (3 điểm): Hãy viết về một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.
II. Phần riêng - phần tự chọn (5 điểm). Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu sau:
Câu 3.a: Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm): Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (phần trích trong Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục - 2008).
Câu 3.b: Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm): Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể/ Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ. (Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một tr.122 - 123, NXB Giáo dục - 2008).
Theo Dân Trí
"Bí quyết" ôn thi tốt nghiệp THPT 2010: Cơ hội "gỡ" điểm môn Văn Phần thi chung - cơ hội "kiếm" điểm Đây là năm thứ 2 đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn có cấu trúc mới, khá mở với những câu không khó để các em "gỡ" điểm. Đặc biệt, đề thi còn có phần thi riêng, cho phép TS tùy theo khả năng và sở thích của mình lựa chọn câu hỏi. Đề thi...